Tại sao nhiều người nhầm lẫn ‘chủ nghĩa xã hội’ với ‘các giá trị của Hoa Kỳ’
Theo Iain Murray, chủ nghĩa xã hội đã rất thành công trong việc nói về các giá trị cốt lõi của Hoa Kỳ, mặc dù trên thực tế, nó làm xói mòn các giá trị đó.
Việc ủng hộ chủ nghĩa xã hội ở Hoa Kỳ không phải là điều mới mẻ, sự thúc đẩy thành công các chính sách xã hội chủ nghĩa cũng vậy. Nó dường như cứ xuất hiện lại sau mỗi vài thập kỷ, nhưng theo Iain Murray, điều mới mẻ trong thời đại này là sự hiểu biết về chủ nghĩa xã hội của người ta ngày càng trở nên ít sâu sắc hơn.
Murray là Giám đốc Trung tâm Tự do Kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh ở Hoa Thịnh Đốn, ông cho biết: “Hiện tại, thật khó để xác định ý nghĩa thực sự của chủ nghĩa xã hội.”
Nếu ông hỏi về chủ nghĩa xã hội, người ta có thể trả lời rằng đó là “một nền kinh tế như Thụy Điển”, ngoại trừ việc Thụy Điển xếp hạng cao hơn Hoa Kỳ về thị trường tự do thương mại, có mô hình trường học lựa chọn cạnh tranh và đánh thuế các tập đoàn ở mức tương đương với Hoa Kỳ. Họ có thể đang ám chỉ hệ thống phúc lợi của Thụy Điển [giống xã hội chủ nghĩa], bao gồm chăm sóc sức khỏe miễn phí mà không tính đến chuyện hệ thống như vậy sẽ tạo ra nhiều cầu hơn cung.
“Sau đó bạn hỏi ‘Vậy anh thực sự muốn gì?’ và những người theo chủ nghĩa xã hội sẽ nói, ‘Chúng tôi chỉ muốn kiểm soát dân chủ trong mọi thứ,’” Murray nói. “Họ có xu hướng muốn nói đến một nhà nước pháp lý được mở rộng tối đa, vì vậy về cơ bản họ đang kêu gọi sử dụng cùng một mô hình xã hội mà Tây Âu đã bãi bỏ. Thay vì kêu gọi kiểm soát trực tiếp ngành công nghiệp và dịch vụ công, thì sẽ là quản trị vi mô, kiểm soát gián tiếp – mà cuối cùng sẽ dẫn đến điều tương tự đã từng xảy ra: quyền lực kiểm soát sẽ rơi vào tay các quan chức nhà nước chứ không phải các chủ doanh nghiệp.”
Trong cuốn sách mới của Murray, “Sự Cám Dỗ của Chủ Nghĩa Xã Hội” (The Socialist Temptation), ông đã nhấn mạnh lý do cụ thể tại sao chủ nghĩa xã hội lại hấp dẫn người Hoa Kỳ đến vậy – không chỉ sinh viên mà ngay cả những người bảo thủ lâu năm.
Ông nói: “Chủ nghĩa xã hội đã thực hiện rất tốt việc nói lên các giá trị cốt lõi của Hoa Kỳ, và nó nói với họ ở cấp độ giá trị đó. Có ba giá trị cốt lõi thực sự của Hoa Kỳ, đó là công bằng, tự do và cộng đồng.”
Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nói rằng xã hội hiện tại không công bằng, và chủ nghĩa xã hội là giải pháp sẽ tạo ra sự công bằng. Họ nói rằng mọi người không thể được tự do đúng mức trong cái xã hội này, họ bị áp bức và bóc lột (hãy nhìn xem: các gói cứu trợ ngân hàng và khoản nợ của sinh viên miền núi); và một lá phiếu cho các nhà dân chủ xã hội chủ nghĩa là một lá phiếu cho tự do.
Công đoàn và các liên minh khác cũng là nhân tố cốt lõi của chủ nghĩa xã hội; Murray nói, họ nói về những công việc tốt cho cuộc sống, và những công việc tốt sẽ xây dựng lại các cộng đồng ở Hoa Kỳ như thế nào.
Ông chia sẻ: “Nó nói lên những giá trị này, nhiều người nói chủ nghĩa xã hội rất đơn giản, tôi không nghĩ như vậy, nhưng nó dễ dàng. Nó dường như cung cấp những câu trả lời trực quan, dễ dàng cho những vấn đề này.”
Murray đề cập đến vấn đề “văn hóa nhận thức” trong cuốn sách của mình, điều này chia người Hoa Kỳ thành bốn nhóm giá trị: người theo chủ nghĩa truyền thống, người theo chủ nghĩa bình quân, người theo chủ nghĩa cá nhân và người theo chủ nghĩa định mệnh. Những người tin rằng mọi thứ đều do may rủi thường không bỏ phiếu, vì vậy nhóm đó không phải là trọng tâm chính của bất kỳ chiến dịch chính trị nào. Trong khi đó, ba nhóm giá trị còn lại có thể bỏ phiếu hoặc thay đổi giữa các đảng phái; và các chiến dịch thành công là các chiến dịch đối thoại với các nhóm này bằng ngôn ngữ của họ, Murray cho biết.
Những người theo chủ nghĩa quân bình là những người đã bị chủ nghĩa xã hội lừa gạt hết lần này đến lần khác, vì xã hội chưa bao giờ hoàn toàn bình đẳng, Murray viết, nhưng bạn có thể thấy một người theo chủ nghĩa cá nhân ủng hộ việc tái phân phối của cải dưới danh nghĩa cơ quan; những người theo chủ nghĩa truyền thống dựa vào các chính sách xã hội chủ nghĩa để trừng phạt các doanh nghiệp, bởi vì các công ty thường không bảo vệ các giá trị truyền thống.
“Đó là một kiểu triết học lý tưởng và chủ nghĩa lý tưởng có xu hướng không bận tâm về những gì thực sự diễn ra trong thực tế, nhưng thực tế cũng rất quan trọng,” Murray nói. Họ có thể nói về các giá trị của người Hoa Kỳ, nhưng trên thực tế “họ làm suy yếu những giá trị đó”.
Chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Anh
Murray lớn lên ở Anh Quốc vào những năm 70, thời đó Anh là một quốc gia xã hội chủ nghĩa dân chủ.
Theo ông Murray, “Tất cả các ngành công nghiệp và tiện ích, v.v. đều đã được quốc hữu hóa, và nói thật với bạn, đó là một nơi ảm đạm và buồn bã trong những năm 1970”. Các liên đoàn lao động là tối cao, vì vậy những người không thuộc tầng lớp này phải chịu đựng đến nỗi thành quen thuộc.
Cha của ông khi ấy là một thợ điện không thể kiếm được việc làm vì ông ấy không tham gia công đoàn và không thể tham gia công đoàn vì ông ấy không có việc làm. Mẹ của ông là một giáo viên; bà trở về sau các cuộc phỏng vấn và biết rằng bà đã mất vị trí này vào tay một trong những quan chức công đoàn đã ứng tuyển.
Các công đoàn tận dụng tất cả các đặc quyền thương lượng tập thể của họ (collective bargaining rights), và thường xuyên dẫn đến những cuộc đình công. Điều đó có nghĩa là các dịch vụ công và tiện ích bị cắt là chuyện xảy ra như cơm bữa. Trên quy mô lớn hơn, lạm phát quốc gia xảy ra và các khoản tiết kiệm bị mất.
“Các cuộc đình công xảy ra với các dịch vụ công thiết yếu nên việc cung cấp dịch vụ bị gián đoạn. Vì vậy, khi còn là một đứa trẻ, tôi phải làm bài tập dưới ánh nến vì các nhân viên điện lực đã đình công. Sau đó, bạn gặp phải tình huống tương tự vào cuối những năm 70 khi tất cả những điều này thực sự ngớ ngẩn. Có một thời kỳ được gọi là Mùa đông Bất mãn (Winter of Discontent), thời điểm mọi dịch vụ công đều đình công theo cách này hay cách khác, cho dù đó là công nhân bệnh viện, hay thậm chí là những người mai táng”, ông nói.
“Bạn hình dung như thế này, có rất nhiều đống rác khổng lồ tồn tại ngay trên đường phố bởi vì các công nhân vệ sinh đã đình công và những người đã khuất không được chôn cất vì những người mai táng đang đình công. Và đó là lúc mà mọi người phải thốt lên rằng, ‘Không, điều này thế là quá đủ rồi.’”
Giống như Thụy Điển, Anh Quốc sau đó bắt đầu tư nhân hóa các ngành công nghiệp vì việc thử nghiệm mô hình xã hội chủ nghĩa đã rút cạn của cải quốc gia và hạ thấp mức sống.
Tất nhiên, Murray cũng như hầu hết người khác thường nghe thấy một nhà xã hội chủ nghĩa giải thích về chính sách thất bại đó rằng “bất kỳ nỗ lực nào để tạo ra một nhà nước xã hội chủ nghĩa trong quá khứ đều không phải là xã hội chủ nghĩa thực sự.”
Chu kỳ giống nhau một cách chính xác như vậy đã diễn ra, cho dù đó là ở Nam Mỹ hay Âu Châu.
Khi các chính sách xã hội chủ nghĩa được thông qua thành luật, mọi người ăn mừng rằng chủ nghĩa xã hội đích thực cuối cùng cũng đã đến.
“Vài năm đầu, mọi thứ có vẻ như đang hoạt động, sau đó bánh xe bắt đầu lăn như kế hoạch. Nhưng mọi thứ trở nên sai lầm vì những mâu thuẫn cố hữu của chủ nghĩa xã hội, bởi vì bạn không thể có quyền kiểm soát dân chủ đối với mọi quyết định về kinh tế,” Murray nói. Tại thời điểm đó, những người theo chủ nghĩa xã hội bắt đầu đổ lỗi cho những kẻ phá hoại, từ các tác nhân trong nước đến nước ngoài. Sau đó, khi những cuộc đụng độ và đốt cháy không thể tránh khỏi xảy ra, họ bỏ đi và tuyên bố rằng đó không phải là chủ nghĩa xã hội thực sự.
Trong thời thơ ấu của Murray, nước Anh được coi là “kẻ bệnh hoạn của Âu Châu”, thì những năm gần đây, điều này lại một lần nữa xảy ra.
Murray nói: “Đảng Lao động ở Anh, nó đi theo chủ nghĩa xã hội cực đoan hơn trong chiến dịch bầu cử cuối cùng kể từ những gì tôi chứng kiến từ những năm 1980.” Họ vẫn dùng chính xác lối bao biện đó: “Chúng tôi biết các chính quyền xã hội chủ nghĩa trước đây đã thất bại, nhưng chúng tôi sẽ làm đúng trong lần này.”
Sự sụp đổ của họ thực sự là do hứa hẹn quá nhiều thứ miễn phí.
“Ngay cả các cựu thành viên Đảng Lao động của Quốc hội cũng chỉ trích điều này bởi vì họ biết đến lúc nào đó, mọi người sẽ ngừng tin vào những lời hứa hẹn của họ. Và rõ ràng, với quy mô của sự thất bại của Đảng Lao động, họ thực sự đã đi quá giới hạn, và bị loại bỏ một cách dễ dàng,” Murray nói.
Murray chủ yếu hy vọng người Hoa Kỳ sẽ hiểu chủ nghĩa xã hội là gì. Ông nói thêm rằng những người thấu tỏ điều đó cần phải nói về các giá trị của Hoa Kỳ.
“Điều quan trọng là chỉ ra những mâu thuẫn của chủ nghĩa xã hội. Thử hỏi tại sao, nếu chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa về sự bình đẳng, nhưng nó lại luôn dẫn đến một giai cấp thống trị mới gồm những quan chức với những đặc quyền riêng của họ?” Murray nói. “Tại sao, khi những người theo chủ nghĩa xã hội nói rằng họ muốn giống như Thụy Điển, tại sao họ lại không muốn nền kinh tế tự do và cởi mở như của Thụy Điển?”
Trong cuốn sách, Murray cũng lưu ý rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chiến thắng trong cuộc bầu cử bằng cách nói lên các giá trị ở cấp độ giá trị: một xã hội công bằng hơn, tự do và tinh thần kinh doanh, và củng cố cộng đồng.
Ông nói, nếu những người chống lại chủ nghĩa xã hội muốn thành công với thông điệp của họ, họ cũng cần phải làm như vậy.
Catherine Yang
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: