‘Món nợ công lý xã hội’ đang biến các công ty Mỹ thành ‘các doanh nghiệp nhà nước’
Thực tế đang diễn ra về việc chính phủ và các ngân hàng Mỹ ra chỉ lệnh cho các công ty phải làm ăn kinh doanh như thế nào và mọi người phải suy nghĩ ra sao qua các chính sách ESG giống với các chính sách của ĐCSTQ hơn là giống với hệ thống doanh nghiệp tự do của Hoa Kỳ
Có một câu ngạn ngữ cổ nói về cuộc sống như thế này: “Quan trọng là hành trình chứ không phải đích đến.”
Có lẽ quả thực như vậy. Nhưng khi nói đến số phận của hệ thống kinh tế và tài chính Mỹ, thì đích đến cuối cùng là điều duy nhất quan trọng. Trên thực tế, hành trình mà chúng ta hiện đang tìm thấy chính mình đang đi thực sự là điềm báo trước về đích đến của chúng ta, và đó chắc chắn là một nơi xấu xí.
Nỗ lực thực hiện “công lý xã hội” ở Mỹ có cảm giác giống như một “món nợ xã hội” bao trùm tất cả các công ty và doanh nghiệp mắc nợ một số nhóm xã hội nhất định hơn. Chính phủ liên bang, với sự thôi thúc kiểm soát từ trên xuống, sẽ bảo đảm rằng “món nợ” đó được hoàn trả. Đây không gì khác hơn là một cửa hậu để về căn bản biến các công ty Mỹ thành “các doanh nghiệp nhà nước”, tương tự như những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm trong nhiều thập niên.
Hãy xem cách nợ đang được sử dụng ở Trung Quốc và so sánh với những gì đang diễn ra ngay tại đất Hoa Kỳ này.
Khối lượng nợ rất lớn đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc
Khoảng một thập niên vừa qua, Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ, đã chứng kiến nợ trong nước bùng nổ. Những lý do khiến nợ của Trung Quốc bùng nổ bao gồm phản ứng thái quá của nhà nước đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi họ đưa ra gói kích thích trị giá 600 tỷ USD cho nền kinh tế của mình, so với gói 152 tỷ USD của Hoa Kỳ và gói kích thích 100 tỷ USD của Nhật Bản. Họ đã làm như vậy một lần nữa vào năm 2020.
Kể từ đó, mức nợ đã tăng lên nhanh chóng, chủ yếu thông qua các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV), do các ngân hàng địa phương bị ĐCSTQ kiểm soát thực hiện. Những khoản nợ không được ghi nhận trong báo cáo tài chính có số lượng lớn nhưng chưa rõ là bao nhiêu. Đa phần trong số đó là các chu kỳ đảo nợ, trong đó các khoản nợ mới lớn hơn được phát hành để trang trải cho các khoản nợ cũ chưa thanh toán. Ngày nay, nợ của Trung Quốc đang tăng cao gấp bốn lần so với nền kinh tế của nước này, với tốc độ hàng năm khoảng 20%.
Do đó, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp trên GDP của Trung Quốc là khoảng 160%, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là khoảng 100%. Khoảng ¾ trong số đó là nợ doanh nghiệp phi tài chính gắn liền với các doanh nghiệp nhà nước. Nói cách khác, ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về mức nợ đang đè bẹp nền kinh tế.
Và vâng, hầu hết các khoản nợ đó nằm trong lĩnh vực đầu tư địa ốc đang sụp đổ của Trung Quốc, nhưng chắc chắn không phải tất cả nợ đều như vậy. Trên thực tế, bởi vì Đảng kiểm soát tiền tệ và các chính sách cho vay, nên nợ nần chồng chất là tiêu chuẩn chung trên khắp nền kinh tế Trung Quốc.
Ngược lại, tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Mắc dù nước này từng báo cáo mức tăng trưởng GDP hàng năm là 7% hoặc thậm chí cao tới 10–12%, nhưng trong vài năm qua, Trung Quốc chỉ có thể báo cáo mức tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 3–5%, và đó là mức GDP đã bao gồm cả trả nợ trong tính toán.
Thay vì chịu trách nhiệm về mức nợ không bền vững do chính họ áp đặt lên các doanh nghiệp, ĐCSTQ lại đổ lỗi cho các tỉnh trưởng địa phương. Sau đó, đảng này sử dụng lỗi đó như một cái cớ để tịch biên nhiều công ty tư nhân hơn nữa và đoạt từ tay các đại tập đoàn kinh doanh hùng mạnh những tài sản và khoản đầu tư lớn của họ.
‘Công lý xã hội’: Một món nợ mới có mặt ở khắp nơi mà mọi người đều phải gánh chịu
Bây giờ hãy so sánh cơ chế hoạt động của khoản nợ đó với “món nợ” sâu sắc về “công lý xã hội” mà các doanh nghiệp Mỹ hiện đang nhận thấy mình mắc phải, khi làm theo các chính sách của tiểu bang và liên bang. Nhân danh việc khắc phục những bất công xã hội trong quá khứ — cả có thật trong lịch sử lẫn tưởng tượng ra — các công ty đang bị ép buộc phải áp dụng một nền văn hóa và mô hình kinh doanh “thức tỉnh.”
Thông điệp “công lý xã hội” hay “thức tỉnh” là rất rõ ràng: các công ty phải làm nhiều hơn nữa để “chống phân biệt chủng tộc và bất công xã hội.” Thật không may, dường như thông điệp ngầm ở đây là thành công của một công ty là do sự bất công xã hội, điều tạo thành một món nợ khiến tất cả các công ty đều trở thành con nợ của xã hội nói chung và của một số nhóm và nhóm nhỏ trong xã hội nói riêng.
Chính sách “thức tỉnh” mới này là một sự nỗ lực khai triển to lớn trong đó chính phủ Hoa Kỳ thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi cách thức họ kinh doanh. Điều đó liên quan đến việc tuân thủ các hoạt động kinh doanh ESG (môi trường, xã hội, và quản trị) mang tính “thức tỉnh” trên quy mô rộng lớn và thâm sâu. Đối với nhiều công ty, việc không tuân thủ có thể dẫn đến nguy cơ bị kiện, bị truyền thông bóc trần, và thiệt hại về uy tín.
Kết quả ở mức thấp là những chính sách này đang là các yêu cầu tuyển dụng theo tiêu chí đa dạng, công bằng, và hòa nhập cho lao động liên bang, trong đó quy định sự đại diện của tất cả các nhóm người, đặc biệt là theo chủng tộc và giới tính. Các yêu cầu đại diện nhóm tương tự được áp dụng cho các tập đoàn và ban giám đốc của họ. Đối với các nhà sản xuất và các công ty khác, lớn cũng như nhỏ, thì thực hiện kinh doanh “xanh” bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, sử dụng các nguồn phong năng và quang năng, và bất kỳ nguồn năng lượng nào khác.
Nhưng quy trình thu hồi món nợ “công lý xã hội” còn tiến xa hơn nhiều.
Cảnh sát tư tưởng tại các cuộc trò chuyện phiếm tại công ty — và trong đầu quý vị
Các bộ phận đa dạng, công bằng, và hòa nhập “công lý xã hội” yêu cầu rằng mọi người có quyền tự do ngôn luận, điều phần lớn bao gồm quyền trở thành bất kỳ ai mà họ nghĩ rằng họ là người ấy vào bất kỳ ngày nào. Nhưng sự hòa nhập này cũng yêu cầu việc công nhận những người đàn ông tự “nhận” mình là phụ nữ khi đang sử dụng phòng tắm nữ và các tiện nghi khác.
Nhưng cái mà thứ “công lý xã hội’ này không bao gồm là tự do ngôn luận, điều thường được định nghĩa là ngôn từ kích động thù địch nếu một người không đồng ý với câu chuyện xã hội hiện tại về việc giới tính mang tính phát triển không ngừng, về những đại từ nhận dạng mới, và về các cấu trúc phản truyền thống cấp tiến hư cấu khác.
Những ngôn luận như vậy thường bị các công ty Mỹ và các hãng truyền thông xã hội kiểm duyệt. Các cơ quan chính phủ và các nhóm giám sát chắc chắn đồng tình với sự bắt buộc thi hành kèm theo các quy tắc “thức tỉnh” mới, giống như với việc đàn áp những người thực hành tự do thể hiện các giá trị tôn giáo truyền thống, cụ thể nhất là các giới luật và niềm tin trong Kinh Thánh của Cơ Đốc Giáo .
Trở nên ‘thức tỉnh’ và nghèo
Có lẽ không quá trớ trêu khi nhiều công ty quỳ gối trước nghị trình “thức tỉnh” mới đang chứng kiến doanh thu của họ giảm và buộc họ phải sa thải nhân viên. Đó là bởi vì các nghị trình chính trị và xã hội cấp tiến thường phục vụ cho một lý tưởng không bắt nguồn từ thực tế.
Sự kiểm soát từ trên xuống của xã hội chủ nghĩa đối với sự sáng tạo và sáng kiến của cá nhân cũng như đối với động cơ lợi nhuận đều đi ngược lại bản chất con người. Họ ủng hộ bản sắc nhóm hơn thành tích cá nhân, đưa sự chia rẽ vào văn hóa kinh doanh, và buộc áp dụng các biện pháp làm giảm lợi nhuận và tăng bộ máy quan liêu.
Ở Trung Quốc cộng sản, lý do nợ nần chồng chất là cái cớ mới nhất để biện minh cho việc tịch biên các doanh nghiệp tư nhân. Trong chủ nghĩa cộng sản mới nổi mà chúng ta thấy ở Mỹ, thì chính phủ ông Biden do những người cấp tiến thống trị, các ngân hàng Wall Street, và các tổ chức khác đang sử dụng món nợ hoang đường về “công lý xã hội” để giành quyền kiểm soát các công ty đại chúng và tư nhân.
Do vậy, hành trình ở Trung Quốc khác với hành trình ở Hoa Kỳ, nhưng đích đến thì giống nhau.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times