Sức mạnh vượt thời gian của tác phẩm ‘Cậu bé nhổ gai’
Là tác phẩm nghệ thuật then chốt trong quá trình phát triển của thời kỳ Phục Hưng Ý, bức tượng ‘Spinario’ hay ‘Cậu bé nhổ gai’ đã trở thành một trong những tác phẩm được sao chép nhiều nhất.
Nghệ thuật điêu khắc thường được sử dụng như một phương tiện để làm những nhân vật và câu chuyện quan trọng sống mãi với thời gian. Xuyên suốt các thời đại, các đề tài phổ biến [trong điêu khắc] bao gồm khung cảnh thần thoại, các nhà lãnh đạo chính trị, và nhân vật tôn giáo. Tuy nhiên, một trong những chủ đề cá nhân nổi bật nhất của điêu khắc cổ điển lại không thuộc vào bất kỳ danh mục lớn nào trong số này. Hình ảnh của bức tượng “Spinario,” còn được gọi là “Thorn-Puller” (Cậu bé nhổ gai), miêu tả một cậu bé khỏa thân đang ngồi tập trung cao độ để nhổ một cái gai ra khỏi bàn chân. Tiền đề này đã truyền cảm hứng sâu sắc cho các nghệ sĩ suốt hàng ngàn năm qua.
Tác phẩm này có nhiều phiên bản với trình độ kỹ thuật và quy mô khác nhau, được làm bằng các vật liệu như đồng, đá cẩm thạch, và thạch cao, và hiện có mặt trong nhiều bộ sưu tập trên khắp thế giới. Sức hút bền bỉ của Spinario bắt nguồn từ việc bức tượng thể hiện một hành động đơn giản nhưng đòi hỏi tài năng nghệ thuật phi thường để khắc họa cơ thể người và cảm xúc của nhân vật một cách sống động.
Tượng Spinario cổ xưa nhất còn tồn tại
Phiên bản nổi tiếng nhất của “Spinario” là bức tượng đồng lừng danh ở Bảo tàng Capitoline, Rome. Kiệt tác này dường như là phiên bản gốc, mặc dù có thể có những phiên bản trước đó đã không còn tồn tại hoặc chưa được phát hiện. Trong khi một số học giả dẫn chứng rằng bức tượng này được chế tác vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, thì tổ chức chủ quản của nó khẳng định rằng tác phẩm có thể có từ niên đại từ thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên.
Về mặt phong cách, bức tượng mang những nét tiêu biểu từ nhiều thời kỳ: tạo hình cơ thể cậu bé lấy cảm hứng từ thời Hy Lạp hóa (Hellenistic) từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, trong khi phần đầu mang dáng dấp của nghệ thuật Hy Lạp vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên. Ánh nhìn của cậu tập trung vào việc chăm sóc vết thương, vì bị một cái gai nhọn đâm vào lòng bàn chân. Có một chất trữ tình trên những đường nét thanh tú của cậu, đối lập với những cơ bắp đang căng.
Thời cổ đại, bức tượng điêu khắc đặc biệt này được biết đến rộng rãi và truyền cảm hứng cho các bản sao chép. Còn ở các thời đại sau, lần đầu tiên người ta ghi nhận về tác phẩm này là vào cuối thế kỷ 12, khi nó được đặt bên ngoài Cung điện Lateran ở Rome. Năm 1471, Giáo hoàng Sixtus IV đã tặng bức tượng “Spinario” và những tượng đồng khác cho người dân thành Rome. Chúng được đặt trên Đồi Capitoline, đặt nền móng cho các bảo tàng cùng tên. Tượng điêu khắc này là một tác phẩm đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển của thời kỳ Phục Hưng Ý, và là một trong những tác phẩm được sao chép nhiều nhất ở thời kỳ đó.
Những nét độc đáo
Tác phẩm “Spinario” của Bảo tàng Capitoline, cùng với chủ đề của nó, độc đáo ở nhiều phương diện. Rất hiếm khi một tác phẩm cỡ lớn bằng đồng từ thời cổ đại vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, và không giống như hầu hết các tượng điêu khắc từ thời Hy Lạp hóa và La Mã thường gắn liền với một câu chuyện rõ ràng, bức tượng này không được liên kết với tích truyện cụ thể nào.
Có một số cách diễn giải về tư thế của cậu bé. Các bài viết lịch sử xác định nhân vật “Spinario” này là một cậu bé chăn cừu ngoan đạo, phải dừng bước khi giẫm trúng gai nhọn trên đường truyền tin tới Viện nguyên lão La Mã. Trong thời Đế chế La Mã, người ta cho rằng bức tượng “Spinario” khắc họa nhân vật Ascanius, một hoàng tử thành Troy huyền thoại được xem là tổ tiên của Julius Caesar. Ngày nay, một số chuyên gia tin rằng bức tượng chỉ đơn giản mô tả một cậu bé đang nhổ chiếc gai nhọn mắc vào chân khi cậu dẫm lên những cây nho trong mùa thu hoạch.
Một bản sao tuyệt đẹp từ thời cổ đại của tác phẩm này tại Đồi Capitoline có thể được thưởng lãm tại Bảo tàng Anh. Phiên bản bằng đá cẩm thạch La Mã này có niên đại từ thế kỷ thứ nhất, khắc họa cậu bé đang ngồi trên tảng đá và hoàn toàn chú tâm vào công việc của mình. Sự tập trung cao độ của cậu thôi thúc người xem phải nhìn cậu chăm chú. Người ta cho rằng hiện vật này được khai quật từ Đồi Esquiline, một trong Bảy Ngọn Đồi lừng danh của thành Rome. Vào giai đoạn nào đó, có thể do nghệ sĩ sáng tác ban đầu hoặc một người khác sau này, tảng đá này đã được khoan lỗ để dẫn một đường ống đến đài phun nước, do đó bức tượng trở thành vật trang trí trong vườn. Một khu vườn thôn dã hẳn là nơi thích hợp đặt tượng Spinario, vì hình ảnh [cậu bé nhổ gai] gợi lên cảm giác về một khung cảnh đồng quê lãng mạn.
Bức tượng Spinario của nghệ thuật gia Antico
Phiên bản thời Phục Hưng của tượng “Spinario” tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan là một kho báu nhỏ. Được chế tác dưới bàn tay của điêu khắc gia kiêm thợ kim hoàn Pier Jacopo Alari Bonacolsi, còn gọi là Antico (khoảng 1460–1528), đây được coi là hình mẫu đẹp nhất còn sót lại trong các phiên bản “Spinario” của ông. Bức tượng có thể được sáng tác dành cho nữ hầu tước Isabella d’Este, một nhà bảo trợ nghệ thuật có tiếng tăm lừng lẫy. Bà là con dâu của gia tộc Gonzaga, dòng họ cai trị xứ Mantua. Nghệ sĩ Antico là điêu khắc gia của hoàng tộc này. Ông nổi tiếng với việc chế tác lại những bức tượng cổ lớn thành những bức tượng nhỏ bằng đồng quý giá.
Bố cục của tượng “Spinario” (“Cậu bé nhổ gai từ chân mình”) ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan được mô phỏng theo tác phẩm bằng đồng tại bảo tàng Capitoline, nhưng nó còn có những nét tinh tế riêng. Đó là một tác phẩm vừa mang vẻ đẹp lý tưởng, vừa sống động và đầy chân thực.
Điêu khắc gia Antico khắc họa cậu bé đang nhổ gai từ gót chân thay vì lòng bàn chân. Bàn chân giơ lên có các ngón chân cong lại như thể đón đợi cơn đau thể xác trong khi bàn chân còn lại khẽ chạm lên mặt đất để giữ thăng bằng. Thân hình cậu uyển chuyển, không góc cạnh như phiên bản bằng đồng của bảo tàng Capitoline, tương phản với thân cây xù xì mà cậu dùng làm ghế ngồi. Mái tóc xoăn được mạ vàng và đôi mắt mạ màu bạc.
Trong danh mục “Các tác phẩm bằng đồng theo phong cách Baroque và Phục Hưng Ý tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan,” nhà giám tuyển Denise Allen viết, “Dáng lưng cong của cậu bé được lặp lại bằng đường cong rõ nét của cột sống và nhấn mạnh bằng hình dáng lượn sóng của bệ đá nơi cậu ngồi. Sự giao thoa tinh tế giữa đường nét và hình khối dẫn dắt người xem đến bản nhạc du dương của cử chỉ, ánh nhìn, và tư thế, hướng sự chú ý đến các ngón tay đang lơ lửng nhẹ nhàng trên mũi gai mắc vào gót chân cậu bé.”
Tác phẩm này được thiết kế để có thể quan sát từ bên dưới, nên người ta đã đặt bức tượng trên một chiếc kệ cao hơn tầm mắt. Nhờ kích thước nhỏ gọn, tượng cũng có thể được cầm tay để chiêm ngưỡng kỹ hơn.
Bức tượng “Spinario” tiếp tục tạo ảnh hưởng mạnh mẽ lên nền văn hóa trong suốt thế kỷ 17 và 18. Du khách bày tỏ sự tôn kính đối với phiên bản bằng đồng ở Rome như một phần của chương trình Grand Tour(*). Các bản sao tiếp tục được lan truyền rộng rãi và chủ đề này dần đi vào các bản vẽ và họa phẩm.
Một ví dụ của bức tượng Spinario trong hội họa là tác phẩm sơn dầu phức tạp “Vanitas Still Life With Spinario” (Tranh tĩnh vật vanitas cùng tượng Spinario) của họa sĩ vẽ tĩnh vật nổi tiếng người Hà Lan Pieter Claesz (1596/97–1660). Bức tranh này của Bảo tàng Rijksmuseum cho thấy một sự sắp xếp các đồ vật gợi liên tưởng đến nghệ thuật và khoa học, được miêu tả tinh tế và tỉ mỉ, vốn là những thứ mà một nghệ sĩ uyên bác như Claesz thường sử dụng làm mẫu vẽ. Trong số áo giáp, sách vở, bản vẽ, nhạc cụ, cọ vẽ và bảng màu, người xem sẽ hướng ánh mắt đến bức tượng Spinarion lớn bằng thạch cao, rất có thể được mô phỏng từ tượng đồng ở bảo tàng Capitoline.
Cựu giám tuyển của bảo tàng Rijksmuseum Jan Piet Filedt Kok đã viết: “Các mẫu đúc và bản sao như vậy cũng thường được dùng làm mẫu vẽ ở các xưởng vẽ phía bắc, và có vẻ như nó được xem là vật mẫu lý tưởng của nghệ thuật cổ điển đối với các nghệ sĩ ở thế kỷ 16 và 17.”
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times