Bộ ba bức tranh ‘Phật Ân Hạo Đãng’ được trưng bày tại cuộc thi của Đài truyền hình Tân Đường Nhân
Bộ ba bức tranh khổ lớn kể câu chuyện về sự cứu độ và phán xét, được trưng bày tại Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế của Đài truyền hình Tân Đường Nhân đến hết ngày 19/01
NEW YORK — Khi bạn bước vào phòng triển lãm các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế của Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NIFPC) lần thứ 6, bạn sẽ nhìn thấy bức tường xa nhất phía sau tràn ngập ánh sáng thiên đường.
Tác phẩm “The Infinite Grace of Buddha” (Phật Ân Hạo Đãng) được trưng bày tại Câu lạc bộ Nghệ thuật Salmagundi, Thành phố New York đến hết ngày 19/01. Bộ ba bức tranh thù thắng cao gần 3m này do ba nghệ sĩ đến từ cùng một xưởng vẽ thực hiện.
“Tất cả chúng tôi đều là những người có đức tin, và tôi muốn khắc họa điều gì đó vượt ra khỏi cuộc sống thường nhật,” anh Thái Thiếu Hàng (Shao-Han Tsai), người nảy ra ý tưởng ban đầu đầy táo bạo về một tác phẩm dự thi [mà cuối cùng] đã tạo nên bộ ba bức tranh với hàng chục nhân vật này, cho hay.
Thời nay, hiếm có nghệ sĩ nào sáng tác một tác phẩm có chủ đề và quy mô như vậy, nhưng những họa sĩ này nhận thấy [bức tranh] phù hợp cho một sự kiện có sứ mệnh hồi sinh tôn chỉ “thuần chân, thuần thiện, thuần mỹ” trong nghệ thuật.
Ra mắt vào năm 2007, Cuộc thi NIFPC là một phần trong chuỗi các sự kiện văn hóa nhằm hồi sinh văn hóa truyền thống. Đài truyền hình NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, là tên viết tắt của “New Tang Dynasty” (Tân Đường Nhân) chỉ về thời kỳ hoàng kim của nền văn minh Trung Quốc cổ xưa.
Các họa sĩ trẻ
Anh Thái, 26 tuổi, là người vẽ bức tranh bên phải của bộ ba bức tranh này. Sau đó, giáo viên của anh là ông Lý Viên (Yuan Li) nảy ra ý tưởng vẽ Đấng Sáng Thế Chủ làm bức tranh bổ sung, và khi ý tưởng được mở rộng, đồng nghiệp của anh Thái là cô Trần Hồng Dư (Hung-Yu Chen) đã tham gia dự án với bức tranh thứ ba, bên trái, để cân bằng tác phẩm tổng thể.
Công việc này đã diễn ra trước đại dịch, và tính đến nay đã gần 5 năm, anh Thái hồi tưởng. Anh dự định sẽ hoàn thành [tác phẩm] để kịp [tham dự] cuộc thi năm 2019, nhưng cuối cùng dự án đã mất khoảng hai năm để hoàn thành.
Ông Lý là người đầu tiên đạt giải Vàng khi cuộc thi NIFPC được khởi xướng. Anh Thái và cô Trần, 25 tuổi, từng học chung lớp nghệ thuật hồi cấp hai dưới sự hướng dẫn của thầy Lý, và nhóm 14 người bạn cùng lớp của họ đã gắn bó với nhau suốt nhiều năm khi học vẽ trong cùng một xưởng vẽ, ngay cả khi họ tiếp tục theo đuổi con đường sự nghiệp và nghiên cứu riêng ở bậc giáo dục đại học.
Năm nay, ông Lý không tham dự các sự kiện của cuộc thi ở Thành phố New York, và đây là lần đầu tiên anh Thái và cô Trần đến thành phố này, cũng là lần đầu tiên cả hai tham dự một cuộc thi nghệ thuật quốc tế. Sau khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia mình, họ đã bay từ Đài Loan đến đây, vừa kịp lúc lễ khai mạc triển lãm [bắt đầu].
Nguồn cảm hứng
“Trong quá trình thực hiện tác phẩm này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều mình muốn truyền tải. Trong quá khứ, có rất nhiều loại hình nghệ thuật mô tả các vị Thần và thiên đường, từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến những câu chuyện về các vị Thánh,” anh Thái cho biết. “Vì vậy chúng tôi đã nghĩ, làm thế nào có thể vận dụng yếu tố này vào thế kỷ 21 đây?”
Anh Thái muốn tạo nên điều gì đó uyên thâm, điều gì đó nội hàm, mà qua đó anh có thể lan tỏa tín ngưỡng của chính mình. Vì vậy, anh quyết định chọn một điều mang tính phổ quát.
Các nền văn hóa và dân tộc ở cả phương Đông và phương Tây đều chia sẻ những câu chuyện về Đấng Sáng Thế Chủ thiêng liêng, anh giải thích.
“Đây là câu chuyện mà tất cả chúng ta đều chia sẻ,” anh Thái nói. Anh được truyền cảm hứng từ nhiều cảnh tượng thiên đường thường thấy trên trần nhiều nhà thờ và cung điện kiểu Baroque, và tất nhiên là cả cảnh Phán xét Cuối cùng [trong những bức tranh] của các danh họa như Michelangelo và Rubens.
Ở bức tranh bên phải, cô Trần khắc họa đức tin lâu đời rằng người thiện lương và tín Thần sẽ được lên thiên giới.
Bản thân cô Trần cũng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, một môn thiền định tâm linh truyền dạy ba nguyên lý là chân, thiện, nhẫn, và cô đã đưa tên gọi cùng những lời giảng này vào bức tranh của mình.
“Tôi thực sự được truyền cảm hứng từ những khung cảnh thiêng liêng mà chúng ta có thể tìm thấy ở rất nhiều bức bích họa trên trần nhà trong nghệ thuật Tây phương,” cô nói. “Tôi hy vọng khán giả thưởng lãm tranh có thể cảm nhận và liễu giải được sự tương phản giữa thiện và ác từ tác phẩm này.”
Phía trên bức tranh miêu tả Chúng Thần trên Thiên giới và những người được lên Thiên giới, còn phía dưới bức tranh, ta có thể thấy nhiều người đến với tín ngưỡng mới ra đời và những người hối hận vì đã đánh mất cơ duyên trong đời.
Anh Thái cũng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Anh chia sẻ rằng, giống như cô Trần, anh lớn lên trong một gia đình có các học viên Pháp Luân Đại Pháp, nhưng phải đến khoảng năm cấp hai, anh mới cân nhắc và lựa chọn lẽ sống của riêng mình. Sau đó, anh lựa chọn theo đuổi nghệ thuật, đồng thời anh cũng nhận ra rằng một đời sống tinh thần phong phú là rất cần thiết để sáng tạo nghệ thuật.
Trong tiếng Hoa, những thực hành tâm linh như vậy được gọi là “tu luyện” — tu luyện tâm tính hoặc tu luyện nội tâm của một người. Anh Thái cho hay, tu luyện và nghệ thuật rất giống nhau; người ta phải nỗ lực đề cao bản thân để tạo nên điều gì đó có thể truyền cảm hứng cho người khác.
Tất nhiên, anh cũng được nhắc nhở nhiều lần rằng con đường mà anh chọn không phải là con đường dễ dàng. Chẳng hạn, trong quá trình vẽ bức tranh này, có một giai đoạn anh cảm thấy mình không có tiến triển gì suốt nhiều tuần và anh tự hỏi, liệu mình có đang làm một việc vượt quá khả năng hay không. Cả anh Thái và cô Trần đều chưa từng vẽ bức tranh nào lớn như vậy, và cũng chưa từng sắp xếp một bố cục với rất nhiều nhân vật, mà mỗi nhân vật đều được vẽ từ những người mẫu thật.
Họ cũng phải đối diện với nhiều thử thách mà họ chưa bao giờ gặp trong quá trình học tập, chẳng hạn như làm sao để khắc họa được ánh sáng trên thiên thượng, điều mà dĩ nhiên người ta không thể chụp ảnh hay tham khảo được. Mỗi họa sĩ đều vẽ qua từ 25 đến 30 bản phác thảo, cô Trần phải tô màu lại toàn bộ bức tranh của mình sau một sự cố về chất liệu, còn ông Lý phải làm lại toàn bộ phần nền bức tranh mà ông đang vẽ giữa chừng. Nhưng, đâu phải ngày nào chúng ta cũng có cơ hội được chia sẻ đức tin của mình với thế giới và định hình tầm nhìn của bản thân, ghi nhớ điều đó đã giúp họ lấy lại quyết tâm hoàn thành bức tranh kể câu chuyện về thiên thượng trên vải canvas.
“Trước đây, các bức tranh của tôi mang chất sinh viên nhiều hơn, [chúng] thiếu ý tưởng thiết kế và tầm nhìn sáng tạo của một tác phẩm hoàn chỉnh … Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội được thể hiện điều mà tôi nghĩ rằng, bạn thực sự có thể gọi tác phẩm này là một ‘sự sáng tạo,’” anh Thái bộc bạch.
“Ngày nay có rất nhiều loại hình nghệ thuật thị giác — như phim ảnh, hoạt hình — thực sự thú vị; nếu tôi chỉ cố gắng lôi cuốn thị giác của người thưởng lãm, thì quả thực, các khung cảnh trên thiên thượng đã được thể hiện nhiều rồi, bạn thực sự không thể tranh tài về sức ảnh hưởng ở đó nữa. Vì vậy, điều quan trọng đối với tôi là truyền tải điều gì đó có ý nghĩa,” anh nói.
“Thay vào đó, tôi hy vọng tác phẩm này có thể giúp chuyển sự chú ý của người xem từ cuộc sống thường nhật của họ sang một câu hỏi sâu sắc hơn về đức tin, về cuộc sống, và ý nghĩa của cuộc sống, cùng những điều mà chúng ta lựa chọn trong đời,” anh chia sẻ.
Bức tranh ngoài cùng bên phải của anh Thái cho thấy sự đối lập với bức tranh của cô Trần. Thay vì lên thiên quốc, chúng sinh đang bị đánh hạ xuống phàm trần, và cõi thấp hơn nữa.
Biểu tượng hình tròn lớn phía trên bức tranh là “Pháp Luân,” vốn là biểu tượng trực quan về vũ trụ trong pháp môn Pháp Luân Đại Pháp, anh Thái giải thích.
Vũ trụ trải qua các giai đoạn và chu kỳ, và ở giai đoạn “diệt,” hay giai đoạn mà nhiều nền văn hóa gọi là thời kỳ cuối cùng, vũ trụ đang ở trong sự hỗn loạn. Chúng Thần bại hoại sẽ bị đánh hạ xuống, và ở phần dưới bức tranh, gần cõi người, chúng ta thoáng thấy biểu tượng búa liềm tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản đang bốc cháy. Hệ tư tưởng phản Thần là nền tảng của chủ nghĩa cộng sản, anh Thái giải thích, và anh cảm thấy nó là đại diện phù hợp cho những gì đang hủy diệt nhân loại vào thời mạt thế.
Nhưng vũ trụ sẽ không kết thúc ở giai đoạn “diệt” này; sự xuất hiện của Đấng Sáng Thế Chủ báo trước sự canh tân và tái tạo.
Trong cả hai bức tranh của cô Trần và anh Thái, ánh sáng rực rỡ phía xa trên cao — tất cả đều gợi lên sự hiện diện của Đấng Sáng Thế Chủ. Ở trung tâm là bức tranh lớn nhất, ông Lý khắc họa tầm nhìn của mình về Đấng Sáng Thế Chủ đang triển hiện phật ân vô lượng của Ngài trong thời khắc phán xét cuối cùng.
“Phật ân hạo đãng chiếu rọi khắp thương khung và ban ơn cứu độ. Nhiều dân tộc đều lưu truyền niềm tin rằng Thần Phật sẽ giáng thế và Đấng Sáng Thế Chủ sẽ cứu rỗi toàn nhân loại, đồng thời đây cũng là cuộc chiến cuối cùng giữa thiện và ác, vượt trên bình diện thế tục,” lời mô tả của bức tranh cho biết.
Bộ ba tác phẩm ‘The Infinite Grace of Buddha’
Nhiều khán giả trong chúng ta sẽ không có mặt trong cuộc triển lãm tranh ở New York trước khi sự kiện này kết thúc vào ngày 19/01, tuy nhiên, NIFPC có cung cấp các hình ảnh trực tuyến:
Nam Anh và Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times