Sự tha thứ: Liệu pháp bí mật cho sức khỏe tinh thần
Hóa giải nỗi đau trong quá khứ mang đến sức khỏe cho tương lai
“Tôi không bao giờ có thể tha thứ cho anh ta sau những gì anh ta đã làm với tôi.”
“Bạn muốn tôi phải làm gì đây? Tha thứ cho người đó chăng? Không thể nào!”
“Tôi phải đứng nhìn họ rời đi sau khi họ đã đối xử với tôi như vậy sao? Điều đó sẽ không xảy ra đâu.”
Là một chuyên gia về sức khỏe tâm thần với 35 năm kinh nghiệm, tôi đã nghe mọi người nói những lời như vậy không biết bao nhiêu lần.
[Và] câu trả lời của tôi lúc nào cũng vậy: “Ôm giữ những tổn thương là thuốc độc cho trái tim và tâm hồn bạn. Tha thứ cho người đã khiến bạn tổn thương không bao giờ là điều dễ dàng, nhưng nỗ lực vượt qua quá trình đó sẽ [giúp bạn] loại bỏ được một trở ngại lớn trên con đường hướng tới lối sống lành mạnh.”
Những người tìm kiếm lời tham vấn tại phòng khám mà tôi điều hành thường ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi, liệu họ có sẵn lòng tha thứ cho những ai đã làm thương tổn họ không. Họ không nhận thấy mối liên hệ giữa nỗi đau khổ tinh thần của họ và mâu thuẫn chưa được hóa giải với những người khác. Nhưng kinh nghiệm của tôi đã xóa bỏ mọi nghi hoặc, rằng việc bám víu vào những chuyện làm bạn phật lòng và vết thương tình cảm là một cách hiệu quả (và bất hạnh) để trừng phạt bản thân.
Tôi nhận ra rằng tha thứ là một từ nặng nề đối với nhiều người. Nó mang theo hàm ý xung đột tôn giáo hoặc ám chỉ về chủ nghĩa đa cảm của văn hóa đại chúng mà nhiều người trong chúng ta đã được dạy là nên bài trừ.
Điều cản trở hầu hết mọi người [tha thứ] là một khát khao cháy bỏng có được công lý. Họ không thể chấp nhận được việc để ai đó “thoát khỏi” một hành vi tội lỗi gây tổn thương. Tuy nhiên, việc phớt lờ hoặc bỏ qua lỗi lầm của người khác không phải là toàn bộ bản chất của sự tha thứ. Thay vào đó, nó liên quan đến trải nghiệm của chính bạn về những bất đồng không thể tránh khỏi trong cuộc sống và liệu bạn có tiếp tục hồi tưởng về nỗi đau mà họ gây ra hay sẽ buông bỏ và bước tiếp.
Nói tóm lại, tha thứ mang đến cho bạn sự tự do.
Những lợi ích của sự tha thứ
Ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học xã hội chứng minh những lợi ích của việc tha thứ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Một bài báo do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ trình bày có nội dung: “Cho dù bạn đang phải chịu một lời xúc phạm nhẹ hay một sự bất bình nặng nề, thì học cách tha thứ cho những người làm bạn tổn thương có thể cải thiện đáng kể cả về sức khỏe tâm lý lẫn thể chất.
“Nghiên cứu cho thấy sự tha thứ liên quan đến các kết quả về sức khỏe tâm thần như làm giảm sự lo lắng, trầm cảm và các rối loạn tâm thần nghiêm trọng, cũng như ít xuất hiện [triệu chứng] về sức khỏe thể chất hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn.”
Trong một phân tích tổng hợp mang tính bước ngoặt được xuất bản trong cuốn “Handbook of Forgiveness” (Sổ Tay về Sự Tha Thứ), hai nhà tâm lý học Loren Toussaint và Jon R. Webb đã khám phá ra 9 cuộc nghiên cứu gần đây đều đi đến kết luận giống nhau: Sự tha thứ có một vai trò quan trọng trong việc chữa lành bệnh trầm cảm.
Như tôi đã giải thích trong cuốn sách “Triumph Over Trauma” (Chiến Thắng Tổn Thương) của mình rằng, khi chúng ta ôm giữ những cảm xúc phẫn nộ, cay đắng, và bất công, nghĩa là chúng ta đang giữ cho những lỗi lầm đó luôn tồn tại và các vết thương do chúng gây ra luôn như mới. Trong quá trình này, chúng ta vẫn dễ bị tổn thương trước mọi tác động tiêu cực về thể chất và tâm lý của những cơn tức giận và oán trách dồn dập.
Nhưng khi chúng ta tha thứ, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi những tổn thương và bất công đã kìm hãm chúng ta khỏi sự tự do. Rộng lòng tha thứ là chìa khóa mang đến sự bình an mà bạn đang tìm kiếm khi theo đuổi sự thanh thản bền lâu trước những tổn thương trong quá khứ.
Như nhà thần học Lewis B. Smedes từng nói rất hay rằng, “Tha thứ là trả tự do cho một tù nhân và nhận ra rằng tù nhân đó chính là bạn.” Đó là cái nhìn minh triết cho sức khỏe và hạnh phúc trọn đời.
Ngoài những lợi ích về tinh thần và cảm xúc, việc tha thứ cho người khác còn đem đến những lợi ích về mặt thể chất. Buông bỏ những hận thù và cay đắng giúp thúc đẩy [quá trình] cải thiện sức khỏe. Trong một bài báo có nhan đề là “Forgiveness: Your Health Depends On It” (Hãy Tha Thứ: Sức Khỏe Của Bạn Phụ Thuộc Vào Điều Đó), các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins viết rằng:
“Các nghiên cứu cho thấy hành động tha thứ có thể mang lại những phần thưởng to lớn cho sức khỏe của bạn, giảm thiểu nguy cơ đau tim; cải thiện mức cholesterol và giấc ngủ; giảm đau, giảm huyết áp, và giảm mức độ lo âu, trầm cảm và căng thẳng. Đồng thời, nghiên cứu còn cho thấy mối tương quan giữa sự tha thứ và sức khỏe tăng lên khi bạn già đi.”
Những điều không phải là sự tha thứ
Bởi vì có rất nhiều sự nhầm lẫn về sự tha thứ, chúng ta hãy xem xét những quan niệm sai lầm khiến người ta bị mắc kẹt trong nỗi tức giận và oán trách.
Tha thứ không phải là để cho ai đó “thoát tội.” Một số người xem sự tha thứ giống như việc trao cho người có tội một tấm thẻ ra tù miễn phí mà họ không đáng được nhận. Điều này dường như không công bằng, bởi vì chúng ta không thể chịu đựng được ý nghĩ phải nói “Không sao đâu” về một hành vi mà rõ ràng là không đúng đắn.
Quan niệm sai lầm này bắt nguồn từ niềm tin rằng tha thứ cho ai đó cũng giống như việc bao biện cho lỗi lầm đó. Không phải như vậy. Mục đích của việc tha thứ không phải để đòi lại bất cứ thứ gì mà ai đó đã gây tổn hại cho chúng ta, mà là mang đến lợi ích cho chính chúng ta bằng cách buông bỏ những ràng buộc độc hại với quá khứ.
Tha thứ không phải là một biểu hiện của sự nhu nhược hoặc mời gọi những hành động gây hại tiếp theo. Quan niệm sai lầm này bắt nguồn từ lối cư xử theo bản năng thời cổ đại “lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng.” Niềm tin đó cho rằng nếu chúng ta không trả đũa, thì chúng ta sẽ mở cửa cho nhiều hành vi xâm phạm đến ranh giới của mình hơn.
Hãy tự hỏi mình rằng, điều gì là biểu hiện rõ hơn của sự yếu đuối: để những hành động xấu của người khác quyết định sức khỏe và hạnh phúc trong tương lai của bạn, hay là chịu trách nhiệm về số phận của chính bạn bằng cách chọn tha thứ thay vì để sự tức giận trói buộc mình? Bạn không hề yếu đuối khi tha thứ — mà là ngược lại.
Tha thứ không giống như việc hòa giải. Hầu như lúc nào cũng vậy, sau một cuộc xung đột đau đớn với người mà chúng ta quan tâm thì mục tiêu sẽ là đưa mối quan hệ đó trở lại đúng hướng và tiếp tục cuộc sống. Với những lỗi lầm thông thường, đây là một nỗ lực tốt và lành mạnh. Nếu không, chúng ta sẽ không còn mối quan hệ nào cả, vì chúng ta không thể nào đi hết cuộc đời mình mà không thỉnh thoảng làm tổn thương ai đó.
Mặc dù tha thứ thường là một bước cần thiết trong việc hòa giải, nhưng điều ngược lại thì không đúng. Đôi khi lỗi lầm của một người là rất có hại hoặc nghiêm trọng đến mức chúng ta không thể và không nên tiếp tục mối quan hệ đó. Bạn luôn có thể tha thứ trong những trường hợp như vậy, nhưng sự hòa giải này phải bao gồm bằng chứng cho thấy sự hối cải thực sự, bồi thường thiệt hại, và bảo đảm an toàn trong tương lai. Khi bạn được chữa lành sau một sự xúc phạm nghiêm trọng, thì cần có một tiêu chuẩn cao đòi hỏi cả hai bên đều phải chân thành để hòa giải thành công.
Tha thứ là gì
Khi xem xét những gì không phải là sự tha thứ, tôi hy vọng rằng bạn đã bắt đầu hình thành một khái niệm đúng đắn hơn về tha thứ: một cánh cửa rộng mở dẫn đến sự tự do khỏi những cay đắng. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn.
Tha thứ là một liệu pháp giải độc cho trái tim và tâm trí. Khi mọi người tìm cách phục hồi sau việc lạm dụng chất gây nghiện, thì bước đầu tiên luôn là một liệu trình cai nghiện để thanh lọc cơ thể khỏi các hóa chất độc hại. Đây là điểm khởi đầu, để có thể thực hiện các bước chữa lành tiếp theo.
Điều tương tự cũng áp dụng đối với sức khỏe cảm xúc. Tha thứ là một cách mạnh mẽ để gột rửa bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực mà có thể cản trở sự chữa lành và sức khỏe của bạn.
Tha thứ là một lựa chọn, không phải là một cảm giác. Có thể những cảm xúc của chúng ta sẽ dần theo kịp, nhưng tha thứ bắt đầu bằng một lựa chọn có chủ ý. Đó là một lời cam kết của bạn với chính mình nhằm lấy lại quyền làm chủ cuộc sống bằng việc không cho phép những nỗi đau mà bạn đã trải qua bóp nghẹt bạn. Đó là cách bạn giải thoát chính mình khỏi sự ràng buộc từ những đổ vỡ.
Tha thứ là một phản ứng có chủ ý đối với nỗi đau và sự tổn thương — một điều bạn có thể thực hiện ngay cả khi không muốn. [Và] khả năng tha thứ này có thể trau dồi được. Sức mạnh nằm trong chính bạn, và khi bạn lựa chọn cố gắng tha thứ, nghĩa là bạn đang thực hành tha thứ.
Tha thứ là con đường dẫn đến sự bình yên. Tôi thường chia sẻ với những người đang vật lộn để học cách tha thứ bằng một hình ảnh tưởng tượng: Ở miền Nam, trẻ em bắt tôm hùm đất từ con lạch nhỏ bằng cách mắc một chiếc kẹp giấy vào một sợi dây cùng mẩu thịt xông khói. Sinh vật đáng thương này bám chặt và không chịu buông ra, ngay cả khi bị kéo lên khỏi mặt nước và chết. Tha thứ nghĩa là chọn buông bỏ điều đã kìm kẹp bạn và để chính mình được tự do.
Với những khách hàng đang gặp khó khăn mà tôi tư vấn, rất nhiều lần tôi thấy rằng học cách tha thứ sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng cảm xúc, nhìn cuộc đời tươi sáng hơn, đẩy nhanh quá trình hồi phục [sức khỏe], và khôi phục khả năng phục hồi tự nhiên của họ trước những nghịch cảnh trong tương lai.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times