Khi cơn giận bùng phát: Cách ứng xử với người nóng giận
Với vai trò là một chuyên gia sức khỏe tâm thần, tôi nghe thấy nhiều bình luận như thế này mỗi tuần:
“Khi người bạn đời của tôi bắt đầu khó chịu, tình huống ấy sẽ nhanh chóng leo thang và đôi khi bùng lên vượt ngoài tầm kiểm soát. Tôi không biết phải làm gì nữa.”
“Đồng nghiệp của tôi đột nhiên trở nên mất bình tĩnh trước vấn đề vụn vặt nhất, và điều đó làm tôi sợ hãi. Anh ấy có thể khiến mình bị sa thải — hoặc có thể làm ai đó bị tổn thương.”
“Bạn cùng phòng của tôi thường huênh hoang và nói luyên thuyên về điều gì đó, và điều này khiến tôi rất tức giận. Bạn có thể làm gì với một người bốc đồng như vậy đây?”
Rất có thể bạn sẽ nói điều gì đó tương tự như vậy. Đó là vì tất cả chúng ta đều đã từng gặp người dễ nổi nóng trong cuộc sống của mình, ít nhất là một người — và hầu hết trong chúng ta, cũng có vài người như vậy.
Nếu những người có tính khí thất thường này không nằm trong số các thành viên gia đình, bằng hữu, và đồng sự của chúng ta, thì chắc chắn chúng ta cũng từng bắt gặp họ trên đường phố, trong cửa hàng thực phẩm, và trong khu phố. Kỳ thực, không có gì ngạc nhiên khi các nghiên cứu gần đây cho thấy:
- Theo Trường Đại Học Y Khoa Harvard, gần hai phần ba thanh thiếu niên Hoa Kỳ từng bùng phát cơn giận liên quan đến đe dọa bạo lực, phá hoại tài sản, hoặc có các hành vi bạo lực đối với người khác.
- Trong một nghiên cứu năm 2019 của trang trực tuyến The Zebra, có 82% người thừa nhận đã từng bộc phát cơn giận trên đường phố trong năm vừa qua.
- Theo The British Association of Anger Management (Hiệp hội Quản lý Nóng giận Anh quốc), có gần 65% nhân viên văn phòng từng trải qua sự giận dữ nơi công sở, và 45% nhân viên thường xuyên mất bình tĩnh ở chỗ làm.
Vậy cách tốt nhất để ứng phó với những người mà cơn giận của họ khiến bạn lo lắng hoặc thậm chí hoảng sợ là gì? Chúng tôi sẽ đưa ra những câu trả lời cụ thể mà bạn có thể tham khảo, nhưng trước tiên, chúng ta hãy đặt ra bối cảnh.
Nóng giận là một cảm xúc bình thường, tự nhiên. Một số người hiểu sai về vai trò của sự nóng giận trong cuộc sống, các mối quan hệ, và tương tác giữa họ với người khác. Họ tin rằng việc nổi nóng với người khác là sai và nên tránh né hay đè nén cảm xúc này. Nhưng cơn giận là một phần bình thường của con người và là một phản ứng hữu ích trước những cuộc chạm trán bất công hoặc nguy hiểm. Khi được điều hướng đúng cách, cơn giận có thể thúc đẩy người ta hướng tới những mục tiêu cao cả, trao cho họ sức mạnh để đứng lên bảo vệ những điều đúng đắn về mặt đạo đức và bảo vệ bản thân trước những mối đe dọa cho sự an toàn của chính họ.
Cơn giận có thể mang tính xây dựng hoặc phá hoại, điều đó tùy thuộc vào cách chúng ta giải quyết. Bản thân cơn giận không phải là vấn đề, nhưng cách thể hiện nó mới là vấn đề lớn. Việc quản lý sai cảm xúc nóng nảy và không có khả năng kiểm soát cơn giận có thể nhanh chóng trở thành phá hoại hơn là xây dựng.
Các nhà tâm lý học đôi khi đề cập đến ‘cơn giận sạch và ‘cơn giận bẩn.’ Cơn giận sạch có nghĩa là tìm ra những cách có trách nhiệm, phù hợp, và hiệu quả để biểu đạt cảm xúc mạnh mẽ của bạn. Chúng ta hành xử có lý trí, hợp lý, an toàn, và không cho phép cảm xúc quá khích nắm quyền kiểm soát. Trái ngược lại, cơn giận bẩn là bất kỳ biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh, hoặc phản tác dụng nào, có thể gồm những việc như la hét, đe dọa, và phá hoại tài sản.
Hãy cẩn thận với những khẩu súng phun lửa
Tôi gọi những người không thể hoặc không sẵn lòng kiểm soát cảm xúc nóng nảy của mình là những khẩu súng phun lửa. Những người này trút giận đùng đùng vào một người cụ thể hoặc chung chung nào đó. Họ có kiểu to tiếng nóng nảy, không thể đoán trước, và cũng có thể liên quan tới những hành vi tác động vật lý, chẳng hạn như ném đồ vật hoặc đấm vào tường. Những sự việc vô thưởng vô phạt thôi cũng có thể châm ngòi cho tính khí bốc đồng của những khẩu súng phun lửa này, khiến họ trút ra những lời lẽ cay độc.
Trong khi hầu hết chúng ta thỉnh thoảng mới không thể kháng lại việc trút giận, thì cơn nóng giận lại trở thành cài đặt mặc định đối với những khẩu súng phun lửa này. Bộ lọc nội tâm của họ luôn xem cuộc sống là bất công, vô lý, hoặc thiên vị. Khi nổi giận, những người này cảm thấy được biện minh, mạnh mẽ, và có quyền kiểm soát. Khi nội tiết tố adrenaline tăng lên, những khẩu súng phun lửa này có thể cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh và năng lượng, những thứ này có thể trở thành chất gây nghiện. Dấu hiệu điển hình của hành vi độc hại là cư xử với người khác như những bao đấm để trút giận bằng ngôn từ.
Những cách ứng xử lành mạnh khi cơn giận bộc phát
Mặc dù việc kiểm soát nóng giận là một thách thức đối với rất nhiều người và là một gánh nặng về sức khỏe tinh thần, nhưng vẫn có một số sách lược để làm dịu đi tình huống căng thẳng này.
Trên hết, bạn hãy giữ an toàn cho bản thân. Nếu bạn chợt nhận ra mình đang ôm một quả bom hẹn giờ sắp phát nổ, thì việc làm khôn ngoan nhất là nên đặt nó xuống và bỏ chạy! Tuy nhiên, khi phải ứng phó với một người dễ bốc hỏa, nhiều người trong chúng ta lại phớt lờ cách tự vệ tốt nhất mà mình biết: giữ khoảng cách an toàn. Chúng ta thường đi theo hướng có hại là thuận theo những điều kiện của người nổi nóng đó, tuy nhiên cách làm này đã không còn hiệu quả và khôn ngoan nữa.
Bảo vệ bản thân là tối quan trọng. Trong các trường hợp cực đoan, khi có thể xảy ra bạo lực về thể chất, thì việc bạn rời đi ngay lập tức chính là vấn đề thiết yếu. Nếu bạn cảm thấy bị đe dọa dưới bất kỳ hình thức nào, thì hãy rời đi ngay.
Hòa hoãn. Ngay cả khi bạn không phải chịu sự tổn hại nào về thể chất, thì cũng không cần phải chịu đựng việc bị bạo lực cảm xúc từ sự tức giận. Điều quan trọng là nhận biết được khi nào thì cơn thịnh nộ đang lấn át mọi khả năng suy nghĩ hoặc hòa giải — và hãy tạm dừng cuộc trò chuyện lại một chút để tránh căng thẳng leo thang. Thời gian hòa hoãn có thể kéo dài vài phút, vài giờ, vài ngày, hoặc lâu hơn thế. Vấn đề là bạn được phép duy trì một không gian lành mạnh, chừng nào bạn vẫn còn cảm thấy mình bị đặt vào tình thế nguy hại với cơn giận dữ mất kiểm soát của khẩu súng phun lửa. Hãy tận dụng thời gian dàn xếp những suy nghĩ của mình để sau này bạn có thể có một cuộc thảo luận mang tính xây dựng.
Kháng cự lại việc muốn ăn miếng trả miếng. Nếu bạn có hành động như kiểu châm dầu vào lửa với cơn nóng giận của ai đó, thì việc này sẽ chỉ làm tăng thêm sự tức giận mà thôi. Thật vậy, bạn có quyền được an toàn, thiết lập ranh giới, và lùi lại khi cần thiết. Nhưng việc bạn cũng nổi nóng dường như là con đường ít có khả năng dẫn đến hòa bình nhất. Hãy nhớ rằng bản thân cơn nóng giận chỉ là một loại cảm xúc thôi. Nó không hề có sức mạnh nào để “ép buộc” bạn phải phản ứng theo cách này hay cách khác. Chúng ta dựa vào kinh nghiệm để đối đãi với cơn giận của người khác giống như tiếng chuông xung quanh võ đài trong một trận đấu quyền anh vậy — một tín hiệu để đấu sĩ ra đòn. Tuy nhiên chúng ta không cần phải hành xử theo cách đó. Chúng ta có thể lựa chọn để nhìn nhận rằng cơn giận chỉ lây lan khi chúng ta cho phép. Giữ bình tĩnh có nghĩa là không cho phép những tia lửa từ cơn giận của người khác kích động chính bạn.
Hạ nhiệt độ xuống. Khi ai đó bắt đầu thấy tức giận, họ không suy nghĩ bằng bộ óc cao hơn của mình; mà họ đang hoạt động dựa theo hạch hạnh nhân (amygdala) — vốn là vùng não chịu trách nhiệm giải quyết nỗi sợ hãi, phản ứng chống trả hay bỏ chạy. Đôi khi vùng não này được gọi là “não thằn lằn,” là một phần nguyên thủy và phi lý của não bộ. Hãy cho người nóng giận thời gian và không gian để lấy lại sự bình tĩnh. Bạn càng bình tĩnh nhanh chừng nào, thì người nóng giận kia cũng sẽ lấy lại bình tĩnh nhanh chừng đó.
Đừng cố chỉ ra những hành vi phi lý trong khi người ta đang hành xử vô lý. Việc bạn cố gắng kiểm soát hoặc đối đầu với người đang nổi cơn thịnh nộ cũng giống như việc vẫy lá cờ đỏ trước mặt một con bò mộng vậy. Điều đó chỉ làm leo thang những cảm xúc nóng nảy của họ mà thôi. Người nóng tính thường tự nhận rằng mình đang đứng lên chống lại một thế giới không công bằng, vì vậy nếu bạn cố gắng chỉ ra những hành động thiếu lý tính của họ, thì họ sẽ có cảm giác như thể họ đang bị tấn công.
Thiết lập và giữ vững ranh giới của bạn. Việc thiết lập ranh giới này cũng tương tự như việc vạch ra một đường kẻ trên bãi cát và nói, “Bạn không được phép bước qua!” hoặc dựng lên một hàng rào xung quanh địa sản của bạn và treo lên đó tấm biển có nội dung, “Không được xâm phạm!” Bạn cần phải có sức mạnh cảm xúc và niềm tin rõ ràng để biết chính xác loại hành vi độc hại nào bạn sẵn sàng chấp nhận, và loại hành vi nào bạn hoàn toàn không chấp nhận. Ví dụ như, bạn có thể quyết định rằng nếu ai đó bắt đầu mắng nhiếc hoặc buông lời nhục mạ bạn, thì đó là lúc bạn nên rời khỏi hoàn cảnh đó. Nếu người nóng giận đó lăng mạ người mà bạn quan tâm, thì bạn có thể lựa chọn không tham gia và bày tỏ điều đó một cách tôn trọng.
Sử dụng ngôn từ và ngữ điệu trầm tĩnh. Thật khó để bác bỏ sự thông thái được tìm thấy trong câu cách ngôn của Kinh Cựu Ước này, “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm.” (Cách ngôn 15:1). Trong lúc nóng giận, bạn hãy nói một cách nhẹ nhàng và tránh dùng ngôn từ khiêu khích. Hãy giơ đôi tay lên như một cử chỉ thoái lui và nói những lời như, “Tôi có thể thấy bạn đang rất giận dữ, và tôi muốn lắng nghe bạn nói. Hãy hít một hơi thật sâu và bình tĩnh lại nhé.”
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times