Sự ổn định tài chính gặp nguy hiểm? — Đây là những rủi ro lớn nhất đối với hệ thống tài chính toàn cầu
Các chuyên gia tài chính trên toàn cầu đang nhận thấy có nhiều rủi ro hơn là cơ hội trên thị trường. Họ không thấy triển vọng lạc quan, nhưng chính xác thì nguy cơ nằm ở đâu?
Đầu tháng Mười Một, một hội nghị lớn của các ngân hàng quốc tế đầu ngành và các nhà đầu tư nổi tiếng đã diễn ra lần đầu tiên kể từ vụ tấn công khủng bố của Hamas. Hôm 07/11, Cục Quản lý Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã tổ chức “Hội nghị các Nhà lãnh đạo Tài chính Toàn cầu về Đầu tư” (Global Financial Leaders Investment Summit). HKMA là cơ quan tiền tệ của Hồng Kông và do đó hoạt động tương tự như ngân hàng trung ương của Hồng Kông. Giám đốc Deutsche Bank Christian Sewing đã tham dự sự kiện này, Giám đốc của ngân hàng UBS Thụy Sĩ ông Colm Kelleher và ông Bob Prince đến từ quỹ phòng hộ Bridgewater cũng tham gia. Có một điều đã rõ: Trong ngành tài chính không có lý do gì để lạc quan.
Nhiều điều được đồng thuận tại cuộc họp này là giống với những gì Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới công bố vào giữa tháng Mười năm nay trong báo cáo ổn định tài chính thường niên của tổ chức này.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng vào mùa xuân năm 2023 vừa xảy ra cách đây không lâu. Khi đó, các ngân hàng tại Hoa Kỳ là những tổ chức tài chính sụp đổ đầu tiên. Và rồi ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ cũng bắt đầu lung lay hồi tháng Ba. Cuối năm ngoái (2022), các khách hàng đã rút hơn 110 tỷ franc Thụy Sĩ vì những lo ngại gia tăng về tình hình tài chính của ngân hàng này. Để tránh bị sụp đổ, Credit Suisse đã được đối thủ cạnh tranh địa phương UBS tiếp quản. Nỗi lo về hiệu ứng domino trên thị trường ngân hàng cuối cùng đã không thành hiện thực. Thị trường đã lấy lại được một chút hy vọng, rằng lạm phát có thể sẽ giảm nhanh chóng và nền kinh tế thế giới sẽ hạ cánh nhẹ nhàng mặc dù lãi suất tăng.
Tuy nhiên, báo cáo của IMF không chia sẻ sự lạc quan sớm này. “Rủi ro đối với ổn định tài chính vẫn cao, như vốn đã vậy trong tháng Tư,” báo cáo cho biết. Trong tháng Tư, IMF đã công bố bản báo cáo gần đây nhất của mình.
Các ngân hàng yếu có thể gây ra ‘động đất’ về tài chính
Từ góc nhìn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, có nhiều điểm rủi ro có thể làm lay chuyển thị trường tài chính hoặc gây tổn thất lớn cho các tổ chức tài chính.
Mặc dù nguy cơ xảy ra khủng hoảng ngân hàng từ mùa xuân năm ngoái dường như đã qua đi, nhưng tình hình vẫn kém ổn định hơn mọi người nghĩ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thực hiện một bài kiểm tra sức chịu rủi ro toàn cầu trên 900 ngân hàng, trong đó trọng tâm là xét xem các tổ chức này ứng phó tốt đến đâu trong điều kiện dự báo kinh tế hiện tại. Quỹ cũng quan tâm đến việc các ngân hàng đã chuẩn bị ra sao cho một kịch bản lạm phát đình trệ có thể xảy đến (lạm phát đình trệ là tình trạng lạm phát kết hợp với suy thoái kinh tế, tiếng Anh gọi là “stagflation”).
Kết quả rất đáng chú ý: Trong một tình huống lạc quan hơn dựa trên các dự báo kinh tế, khoảng 55 ngân hàng đã có kết quả yếu kém. Còn trong tình huống đình trệ, thì các ngân hàng ít có sự chuẩn bị hơn: theo tình huống này, 215 ngân hàng đã có kết quả kém. Trong một tình huống như vậy, không chỉ các ngân hàng nhỏ sẽ phải chịu áp lực, mà các ngân hàng quan trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu (G-SIB) cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nói một cách dễ hiểu: 42% giá trị tài sản toàn cầu của ngành ngân hàng có thể bị sụp đổ trong trường hợp xảy ra lạm phát đình trệ.
Đối với IMF, kết quả được xem là yếu kém khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu của ngân hàng giảm xuống dưới mức tối thiểu theo quy định của cơ quan giám sát là 7%, hoặc khi tỷ lệ vốn giảm hơn 5%.
Các ngân hàng có kết quả yếu kém được phân bố khắp toàn cầu trong bài kiểm tra này. Đặc biệt, các ngân hàng như vậy xuất hiện chủ yếu ở các nước công nghiệp. Nhưng cũng có các ngân hàng yếu kém ở Trung Quốc và các nước đang phát triển khác. Tất cả đều có chung một số đặc điểm, chẳng hạn như khả năng sinh lời thấp và định giá cổ phiếu trên thị trường thấp.
Từ quan điểm của IMF, có một nguy cơ tiềm ẩn đối với sự ổn định tài chính ở đây, vì các cuộc khủng hoảng ngân hàng thường dẫn đến hiệu ứng domino, nghĩa là các ngân hàng trong tình trạng khủng hoảng có thể làm lung lay các tổ chức tài chính khác.
IMF đã kêu gọi các cơ quan giám sát ngân hàng chú ý hơn đến việc bảo đảm các ngân hàng xây dựng đủ bộ đệm tài chính cho rủi ro của họ trong tương lai. Quỹ Tiền tệ cũng đang kêu gọi đề ra các quy định nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là quy định đối với rủi ro thanh khoản và lãi suất, cũng như đối với quá trình thanh lý ngân hàng.
Theo quan điểm của IMF, các quy định hiện hành nên được áp dụng một cách chặt chẽ hơn. Hơn nữa, IMF cũng khuyến nghị thắt chặt các thỏa thuận quốc tế để tăng cường hiệu lực.
Ngân hàng ngầm được xem là rủi ro chính
Nhưng mối nguy hiểm của trận “động đất” tiếp theo đối với hệ thống tài chính không chỉ nằm ở các ngân hàng. Tại Hồng Kông, Giám đốc điều hành UBS Colm Kelleher đã nêu rõ hướng đi mà từ đó nguy hiểm vẫn có thể ập đến. Ông Kelleher “rất lo lắng” về các ngân hàng ngầm, hay còn gọi là “các tổ chức tài chính phi ngân hàng” (non-bank financial intermediaries, NBFI) trong thuật ngữ chuyên ngành. Thuật ngữ này đề cập đến các công ty thực hiện các giao dịch tương tự như ngân hàng trên thị trường tài chính, nhưng không bị quy định chặt chẽ như ngân hàng. Các công ty như vậy có thể bao gồm các quỹ tiền tệ và quỹ phòng hộ, các quỹ đầu tư tư nhân (private equity, PE), quỹ tín dụng, hoặc công ty bảo hiểm tín dụng. Cả BlackRock và Vanguard, hai nhà quản lý tài sản lớn, cũng đều thuộc về danh mục này.
“Tôi nghĩ cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ hình thành trong khu vực này,” ông Kelleher nói tại một trong những buổi hội thảo ở Hồng Kông. Trong khi đó, các cơ quan quản lý thị trường tài chính đang theo dõi rất sát sao về vấn đề này. Theo lời ông Kelleher, từ năm 2019 đã có những cảnh báo nghiêm trọng. Theo ước lượng của giám đốc điều hành UBS, NBFI hiện chiếm khoảng một nửa khối lượng tài chính toàn cầu.
Ước lượng nói trên phù hợp với dữ liệu từ Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), tổ chức theo dõi hệ thống tài chính toàn cầu của 20 quốc gia công nghiệp và mới nổi quan trọng. Theo dữ liệu của FSB, từ năm 2004 đến năm 2021, khối lượng ngân hàng ngầm đã tăng gần ba lần, tương đương với lên gần 240 ngàn tỷ USD. Con số này tương đương với 47% tổng tài sản tài chính toàn cầu. Trong khu vực đồng euro, khu vực ngân hàng ngầm đã tăng hơn gấp đôi lên khoảng 31 ngàn tỷ euro kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) Luis de Guindos đã đề nghị quy định chặt chẽ hơn đối với ngân hàng ngầm trong “Hội nghị Hội nhập Tài chính Âu Thường niên lần thứ Ba” tại Frankfurt hồi tháng Năm năm nay.
Đó chủ yếu là do hoạt động tăng trưởng nhanh chóng trong các quỹ tín dụng tư nhân, vốn tài trợ cho cả các doanh nghiệp nhỏ lẻ và các giao dịch mua lại công ty. Theo dữ liệu từ dịch vụ thông tin Bloomberg, hoạt động kinh doanh này đã tăng gấp ba lần lên 1.6 ngàn tỷ USD kể từ năm 2015. “Trước cuộc khủng hoảng tài chính thì rủi ro nằm ở bên trong các ngân hàng, nhưng bây giờ rủi ro nằm ở bên ngoài ngân hàng,” ông Jamie Weinstein đến từ quỹ quản lý tài sản Pimco cảnh báo tại hội nghị ở Hồng Kông.
Rủi ro lớn trên thị trường địa ốc
Nhưng không chỉ có ngân hàng và ngân hàng ngầm là một rủi ro đối với thị trường tài chính toàn cầu. Theo IMF, sự mong manh của thị trường địa ốc thương mại cũng là một “nguồn rủi ro tín dụng đáng kể đối với khu vực tài chính.” Không chỉ các ngân hàng là có nhiều khoản vay trong ngành địa ốc thương mại, mà các công ty tài chính ít được quy định hơn như các quỹ đầu tư địa ốc và các công ty bảo hiểm cũng tham gia đầu tư vào ngành này trong những năm gần đây.
Những rủi ro dưới hình thức cho vay này hiện đang đặt ra những nguy cơ. Kinh tế của ngành địa ốc đang trong tình trạng khó khăn, vì nhu cầu về địa ốc thương mại như văn phòng giảm sau đại dịch. Do triển vọng kém của ngành, nên ngân hàng hiện đang tạm ngừng cung cấp các khoản vay. Tuy nhiên, trong vòng hai năm tới, nhiều công ty địa ốc sẽ phải tái cấu trúc nợ. Một số công ty sau đó có thể mất chỗ đứng trong ngành.
Không nên đánh giá thấp khối lượng các khoản cho vay trên thị trường địa ốc thương mại. Ở châu Âu, tỷ lệ này là khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ở Hoa Kỳ tỷ lệ này là 18%. Tỷ lệ các khoản cho vay địa ốc thương mại trong tổng số các khoản cho vay được cho là nợ khó đòi là 30% ở châu Âu. Theo IMF, các ngân hàng vừa và nhỏ đặc biệt có tham gia vào các khoản vay như vậy. Nếu những khoản vay này đổ vỡ, thì nhiều ngân hàng có thể bị đẩy xuống vực thẳm.
Sự ổn định tài chính của Trung Quốc đang trượt dốc
Một rủi ro khác đối với thị trường tài chính toàn cầu đến từ Trung Quốc. Ở đó, tác động của cuộc khủng hoảng trên thị trường xây dựng và địa ốc đang ngày càng có tác động lớn hơn tới tình hình tài chính của các chính quyền địa phương. Gần đây, các nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng về khả năng thanh toán của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc. Chỉ riêng đại dịch đã làm tăng nợ của những chính quyền này lên tới bốn ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 500 tỷ euro, hay 562 tỷ USD), ít nhất đó là theo ông Bạch Trọng Ân (Bai Chongen), Chủ nhiệm Khoa Kinh tế của Đại học Thanh Hoa nổi tiếng. Ông Trọng Ân được xem là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc.