Sứ mệnh của nghệ thuật
“Người nghệ sĩ cần phải đắm mình trong những ý tưởng về cái đẹp nhằm truyền tải đến người khác.”
Nghệ sĩ Johanna Schwaiger lớn lên ở vùng Salzburg, nước Áo. Cô được nuôi dưỡng trong cái nôi nghệ thuật đẹp đẽ, từ những tòa kiến trúc mang phong cách Baroque của thành phố cho đến những đài phun nước hùng vĩ và những khuôn viên công cộng. Cô nói: “Tôi luôn cho rằng những bậc thầy tạo nên các kiệt tác này đã ở trong một quá khứ xa xôi nào đó,… họ sở hữu những năng lực diệu kỳ, và tôi cảm thấy nếu tôi chỉ có thể học được một chút những gì mà họ biết, tôi đã hạnh phúc lắm rồi.”
Cha cô là một giáo viên mỹ thuật, người đã dạy cô những kiến thức cơ bản về phác thảo và điêu khắc. Làm việc với đất sét đã đem đến cho cô nhiều niềm vui thật sự . “Công việc này đã trở thành thế giới của riêng tôi, bất cứ lúc nào tôi cảm thấy mình cần phải trốn đi đâu đó, giống như Alice đi vào xứ sở thần tiên của cô ấy vậy,” cô bày tỏ. Hiện nay, Schwaiger không chỉ đạt được hoài bão thời thơ ấu của mình là trở thành một nhà điêu khắc, mà cô còn hy vọng bản thân sẽ có thể khích lệ thế hệ nghệ sĩ tiếp theo sáng tạo ra loại hình nghệ thuật đã chạm đến tâm hồn cô.
Cô đã chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 2017 để làm việc cho New Masters Academy, một nền tảng giảng dạy trực tuyến các phương pháp mỹ thuật có đăng ký. Đầu tiên, cô được mời dạy một khóa học điêu khắc trên video. Bây giờ, cô đã là giám đốc chương trình của học viện. Tương tự như Netflix, mọi người trên khắp thế giới đều có thể xem video của các nghệ sĩ sáng tạo đang hướng dẫn kỹ năng chuyên môn của họ. Ngay cả các trường nghệ thuật và công ty giải trí hàng đầu như Walt Disney Animation Studios, Ringling College of Art and Design, và National Sculpture Society, cũng đã đăng ký các khóa học này.
Một hành trình
Cô Schwaiger đã dành nhiều thời gian cho để có thể theo đuổi tình yêu của mình về giáo dục nghệ thuật. Cô đăng ký học tại một trường điêu khắc địa phương khi mới 15 tuổi. Tuy nhiên, trong khi trường dạy điêu khắc gỗ và đá, cô lại mong muốn học điêu khắc tượng hình truyền thống, giống như các bậc thầy thời Phục hưng, cùng với việc đào tạo về việc phác thảo bằng bút mực, điêu khắc đất sét và đúc đồng. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô Schwaiger đã tìm kiếm các xưởng vẽ và trường học ở Salzburg, Vienna, và các thành phố lân cận khác tại Âu châu nhưng không ai dạy những kỹ năng này.
Một số người trong cộng đồng nghệ thuật nói với Schwaiger rằng chủ nghĩa hiện thực đã trôi vào dĩ vãng, vì vậy cô quyết định chọn cách tự rèn luyện bản thân bằng cách nghiên cứu các tác phẩm của những bậc thầy vĩ đại như Leonardo da Vinci, Michelangelo và Raphael. Schwaiger cũng theo học chuyên ngành lịch sử nghệ thuật tại Đại học Salzburg và nhanh chóng nhận được ủy quyền vẽ chân dung và điêu khắc nhân vật cho các nhà thờ và nghĩa địa, nhưng cô vẫn cảm thấy mình cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng. Năm 26 tuổi, cô khám phá ra Florence Academy of Art ở Ý có chương trình đào tạo về nghệ thuật truyền thống. Sau khi hoàn thành xong khóa học của mình tại đây, cô đã trở lại trường trung học ngày trước và bắt đầu giảng dạy một khóa học nghệ thuật tượng hình truyền thống.
Kể từ đó Schwaiger đã thực hiện sứ mệnh tiếp nối di sản nghệ thuật cổ điển thông qua New Masters Academy, các chương trình giáo dục và xưởng vẽ nghệ thuật của riêng mình. “Tôi cố gắng truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trau dồi những kỹ năng tay nghề của các em và thực sự tập trung vào rèn luyện càng nhuần nhuyễn càng tốt — giúp các em hiểu rằng việc am tường những kỹ pháp cơ bản là cách để các em trở nên tự do thể hiện nghệ thuật của riêng mình,” cô đã chia sẽ trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại Đại học Fei Tian ở Middletown, New York, nơi cô hướng dẫn một lớp điêu khắc kéo dài bốn tuần vào mùa hè.
Nghệ sĩ Schwaiger hiện nay đã 38 tuổi, dạy giải phẫu người và cách phác thảo từ một mô hình sống cho các học sinh tại Đại học Fei Tian của cô. Theo cô, đó là việc tôn vinh quá trình cống hiến được tiên phong bởi các nghệ sĩ truyền thống vĩ đại Tây phương. “Bạn cần tôn vinh quá khứ, những gì các bậc tiền nhân đã học và những gì mà họ đã đúc kết ra. Cơ bản là đón nhận lấy ngọn đuốc đó và có trách nhiệm mang nó chạy xa hơn. Đó là điều tôi tin tưởng,” cô Schwaiger chia sẻ.
Nguồn cảm hứng đến từ Đông phương
Trong dự án gần đây của mình, Schwaiger đã lấy cảm hứng từ một nền văn hóa khác. Vài năm trước, cô và chồng đã có dịp thưởng thức buổi biểu diễn của Shen Yun, công ty Nghệ thuật Biểu diễn âm nhạc và vũ đạo truyền thống Trung Hoa hàng đầu thế giới. Đặt trụ sở tại New York, Shen Yun có sứ mệnh hồi sinh 5,000 năm văn minh Trung Hoa thông qua vũ đạo và âm nhạc. Đặc biệt, múa cổ điển của Trung Quốc bắt nguồn từ cung đình và các vở tuồng cổ. Schwaiger không chỉ xúc động bởi cốt truyện mà còn bởi kỹ thuật điêu luyện được trình diễn của các nghệ sĩ múa. “Tôi có thể nói rằng đây là điều siêu phàm … là điều mà các bậc thầy nghệ thuật trong quá khứ hướng tới. Và vở diễn thực sự làm rung động tâm hồn của mọi người với vẻ đẹp và kỹ năng phi thường,” cô bày tỏ.
Schwaiger đã hình dung việc mô phỏng lại vẻ đẹp uyển chuyển và nội lực của các nghệ sĩ múa mà cô đã chứng kiến trên sân khấu qua việc sáng tác điêu khắc. “Điều làm tôi ấn tượng vô cùng là các động tác vũ đạo đa dạng mà các nghệ sĩ múa có thể thực hiện đồng bộ, và do đó toàn bộ vũ đạo dường như là một ngôn ngữ được truyền tải trên sân khấu,” cô nói thêm.
Thông qua sự giới thiệu của một người bạn, Schwaiger gần đây đã gặp Celine Ma, một giảng viên 22 tuổi dạy múa cổ điển Trung Hoa tại Northern Academy of the Arts, một trường trung học cơ sở và trung học tư thục ở Middletown, New York. Họ suy nghĩ về các tư thế đứng mà nhân vật có thể trình diễn, đôi khi cô Celine đã làm mẫu các động tác mẫu. Ban đầu, Schwaiger cảm thấy khó khăn việc chuyển thể việc múa, một hình thức nghệ thuật chuyển động, sang loại hình điêu khắc tĩnh – đặc biệt là trong việc truyền tải những chuyển động nhẹ nhàng, khoáng đạt của các nghệ sĩ múa cổ điển Trung Hoa là một thách thức. “Bởi vì bạn đang nắm bắt lại một khoảnh khắc diễn xuất thoáng qua, và tư thế tôi chọn không phải là tư thế nghỉ. Cô ấy giống như một bông hoa đang nở rộ trong động tác múa của riêng mình.” Schwaiger nói.
Tác phẩm điêu khắc
Mặc dù một chân của vũ công đang tiếp đất, nhưng phần còn lại của cơ thể cô đang uốn cong về phía người quan sát. Trong khi đó, cánh tay dang rộng của cô hướng lên trời. Schwaiger giải thích: “Tôi đang nghĩ về cách thực vật phát triển như thế nào.Tôi đang liên tưởng đến cách cây cối đâm chồi nảy lộc ra sao. Điều này đã giúp tôi chuyển tải được nét duyên dáng ấy vào trong tác phẩm … tự như một bông hoa đang dần hé mở những cánh hoa. Đó là hình ảnh mà tôi đã cố gắng hình dung khi tạc bức tượng này.” Schwaiger nói.
Cô Celine chia sẻ về chuyển động của bàn tay, “Nó đang vươn cao lên, giống như mang đến cho mọi người hy vọng và khao khát hướng tới điều gì đó tươi sáng hơn và cao thượng hơn.” Celine không chỉ ấn tượng bởi sự tận tâm của Schwaiger cho nghệ thuật mà còn cảm động khi xem điệu múa cổ điển Trung Hoa được thể hiện trong một loại hình nghệ thuật khác. “Những nghệ sĩ múa trong quá khứ — chúng tôi không có nhiều tư liệu và rất nhiều phương pháp đã bị thất truyền vì không được truyền lại qua hàng ngàn năm.” Cô Celine nói rằng cô cảm thấy xúc động khi chứng kiến “một tác phẩm điêu khắc có thể trường tồn bất diệt.”
Thông qua dự án này, cô Celine cũng có thêm hiểu biết mới về cách nghệ thuật Tây phương và Đông phương có thể bổ trợ cho nhau như thế nào. Và thông qua việc thảo luận những dáng điệu của tác phẩm điêu khắc, cô trở nên ý thức hơn về cách sử dụng các nhóm cơ khi luyện tập vũ đạo, cũng như “vẻ đẹp của cơ thể con người.”
Vai trò của nghệ thuật trong xã hội
Cô Celine đã được đào tạo về múa cổ điển Trung Quốc trong bảy năm, hiểu được ý nghĩa thâm sâu của loại hình nghệ thuật này. Cô bộc bạch rằng chương trình giảng dạy đã giúp cô thể hiện những mỹ đức được ca ngợi trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, chẳng hạn như tự kỷ luật, sẵn sàng chịu đựng gian khổ và có một cái nhìn lạc quan. Để làm chủ loại hình nghệ thuật này, “Bạn thực sự phải vun bồi những giá trị này của bạn và đó là thứ xuất phát từ trái tim bạn.”
Tương tự, Schwaiger cũng tin rằng người nghệ sĩ cần phải nuôi dưỡng những phẩm hạnh tốt đẹp để sáng tạo nên những tác phẩm đẹp đẽ. “Người nghệ sĩ phải đắm mình trong những ý tưởng về cái đẹp nhằm truyền tải đến người khác. Và nếu nghệ sĩ quan tâm đến khán giả, mong muốn khán giả kết nối với vẻ đẹp đó, thì người thưởng lãm tác phẩm sẽ cảm nhận được điều đó. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng nghệ thuật [có vị thế] quan trọng đối với xã hội chúng ta,” cô bày tỏ.
Cô cũng tin tưởng rằng nghệ thuật có sức mạnh nâng cao cảnh giới tinh thần của con người. “Khi bạn ngắm nhìn những thứ thanh tao, mang có năng lượng thuần chính, tự nhiên bạn sẽ kết nối với những giá trị này…Chúng như nhắc nhở mọi người về những mỹ đức mà chúng ta nên có trong bản thân mình.” cô bày tỏ. Đó là lý do tại sao cô khao khát tạo ra những tác phẩm nghệ thuật công cộng để có thể truyền cảm hứng thông qua cái đẹp, cho dù đó là tác phẩm điêu khắc trong trường học, bệnh viện hay quảng trường công cộng.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times