Sri Lanka xem các khoản nợ mà doanh nghiệp nhà nước vay từ Trung Quốc là nợ công
Hôm thứ Ba (15/11), Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói trước quốc hội rằng chính phủ Sri Lanka sẽ chịu trách nhiệm về các khoản vay mà doanh nghiệp nhà nước đã vay từ Trung Quốc như một phần trong kế hoạch tái cấu trúc nợ quốc gia.
Ông Wickremesinghe, người kiêm chức bộ trưởng tài chính, đang đưa ra gói ngân sách quốc gia cho năm 2023. Ông nói rằng các khoản vay từ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc của một số doanh nghiệp nhà nước sẽ được xếp vào nợ chính phủ.
Các công ty này bao gồm công ty điện lực nhà nước Ceylon Electricity Board, Cơ quan Cảng vụ Sri Lanka, và công ty Dịch vụ Hàng không và Sân bay. Sri Lanka cũng sẽ tiếp nhận khoản nợ ngoại hối được chính phủ bảo lãnh của Tập đoàn Dầu khí Ceylon.
Theo tổng thống, việc loại bỏ các khoản vay khỏi bảng cân đối kế toán của những công ty này sẽ củng cố cho báo cáo tài chính của họ, điều này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
Tái cấu trúc các công ty nhà nước thua lỗ
Ông Wickremesinghe cho biết chính phủ cũng sẽ tái cấu trúc một số doanh nghiệp nhà nước “có tầm quan trọng về mặt tài chính”— bao gồm hãng hàng không Sri Lanka, Telecom, Colombo Hilton, Waters Edge, và Tập đoàn Bảo hiểm Sri Lanka.
Ông nói thêm rằng khoản tiền thu được từ việc tái cấu trúc sẽ được sử dụng để tăng cường dự trữ ngoại hối và tiền tệ của Sri Lanka.
Ông nói trong bài diễn văn của mình rằng, “Rất nhiều [tiền] đã được chi để duy trì các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ cũng như chi tiêu không cần thiết cho lợi ích chính trị. Những khoản chi này không những không phù hợp với thu nhập mà đất nước kiếm được, mà còn khiến chúng ta mắc nợ thế giới.”
Sri Lanka đã vỡ nợ vào tháng Năm. Theo Bộ Tài chính (pdf), tính đến tháng Chín đảo quốc này có khoản nợ song phương trị giá 13.8 tỷ USD, trong đó 52% là nợ Trung Quốc.
Nhật Bản chiếm 19.5% trong khoản nợ của Sri Lanka, trong khi Ấn Độ chiếm 12%.
Ông Wickremesinghe cho biết các cuộc đàm phán về gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn đang diễn ra. Sri Lanka cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán tái cấu trúc nợ với Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông nói: “Hiện có thể nhìn thấy tia hy vọng để thoát khỏi vực thẳm kinh tế, nhờ các chính sách thắt chặt và khó khăn mà chúng tôi đã buộc phải áp dụng trong vài tháng qua.”
Tổng thống nói thêm, “Sau kỷ nguyên xếp hàng chờ đợi trong nhiều ngày và nhiều cuộc biểu tình khác nhau, sự túng quẫn của chúng ta đã được xoa dịu ở một mức độ nào đó, tinh thần cũng nguôi ngoai phần nào.”
Ông Abdur Rahim Siddiqui, đại diện của Chương trình Lương thực Thế giới cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm tê liệt đất nước, khiến hơn 60% gia đình phải cắt giảm khẩu phần ăn và ít ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Ông Siddiqui cho biết trong một tuyên bố: “Điều này xảy ra vào thời điểm khi mà những hạn chế về tài chính đã buộc chính phủ phải thu hẹp quy mô các chương trình dinh dưỡng, chẳng hạn như bữa ăn học đường và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng cho các bà mẹ và trẻ em suy dinh dưỡng.”
Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng có khoảng 6.3 triệu người Sri Lanka phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực “từ mức trung bình đến nghiêm trọng” do vụ mùa thu hoạch kém và lạm phát lương thực ở mức cao của quốc gia, chạm đỉnh 85.6% vào tháng Mười.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times