Sri Lanka: Nhiên liệu dự trữ không đủ dùng cho một ngày
Hôm 04/07, lượng xăng dự trữ của Sri Lanka chỉ đủ cho chưa tới một ngày sử dụng. Điều này đã làm gián đoạn hoạt động của các nhà điều hành xe buýt tư nhân và các hãng hàng không quốc gia.
Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekera nói với các phóng viên rằng nước này hiện chỉ có 12,774 tấn dầu diesel và 4,061 tấn xăng dự trữ.
Ông Wijesekera viết trên Twitter, chuyến hàng xăng tiếp theo sẽ đến trong khoảng ngày 22-23/07, trong khi hai tàu hàng chở dầu sẽ đến trong vòng hai tuần tới.
Ông Wijesekera cho biết ngân hàng trung ương chỉ có thể giải ngân 125 triệu USD trong số 587 triệu USD cần thiết cho các chuyến hàng xăng dầu được ấn định. Sri Lanka cũng phải thanh toán 800 triệu USD cho bảy nhà cung cấp cho các lần mua nhiên liệu trước đó.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các công ty địa phương vẫn có thể mua nhiên liệu hàng ngày hoặc hàng tuần nếu họ có thể thanh toán trước một tháng bằng đồng dollar Mỹ.
Cắt giảm bán nhiên liệu
Chính phủ Sri Lanka đã ngừng bán nhiên liệu cho phương tiện tư nhân từ hôm 27/06, trong đó giới hạn cung cấp nhiên liệu chỉ nội trong các ngành công nghiệp thiết yếu như giao thông công cộng, y tế, thực phẩm, và xuất cảng.
Hiệp hội các chủ sở hữu xe buýt tư nhân Lanka cho biết cuộc khủng hoảng nhiên liệu đã làm “gián đoạn hoàn toàn” các dịch vụ xe buýt tư nhân ở Sri Lanka, trong đó khoảng 10,000 xe buýt tư nhân không thể mua được nhiên liệu vào ngày 05/07.
Theo hãng thông tấn Daily Mirror, cuộc khủng hoảng nhiên liệu chưa từng có này cũng làm gián đoạn hãng hàng không SriLankan Airlines. Hãng này đã thông báo đến nhân viên trong một bản ghi nhớ nội bộ hôm 29/06 rằng hãng sẽ hủy các chuyến bay cho đến ngày 18/07 vì nhiên liệu dành cho phi cơ đã cạn kiệt.
Hãng hàng không quốc gia này cần khoảng 700,000 lít nhiên liệu mỗi ngày để hoạt động từ Phi trường Quốc tế Bandaranaike, nhưng chính phủ chỉ có thể nhận được trung bình 250,000 lít mỗi ngày.
Không thể đáp ứng mức tiêu thụ nhiên liệu cần thiết, hãng hàng không này đã quyết định thực hiện “hạ cánh vì lý do kỹ thuật” đối với một số tuyến bay nhất định để giảm tải lượng cất cánh từ Colombo, mặc dù biện pháp này đi kèm với một cái giá khác.
“[Chính phủ Sri Lanka] đang đàm phán với các đơn vị tư nhân để nhập cảng nhiên liệu phi cơ nhằm có nguồn cung liên tục trong tương lai. Việc này sẽ mất hơn hai tuần kể từ bây giờ nên chúng tôi sẽ buộc phải vận hành lịch trình không sử dụng nhiên liệu trong những ngày tới,” hãng hàng không cho biết.
Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka
Sri Lanka đang trên bờ vực phá sản khi dự trữ ngoại hối của quốc gia này giảm mạnh đến 70% trong hai năm qua. Chính phủ nước này cho biết rằng họ không thể trả 7 tỷ USD nợ ngoại quốc đến hạn trong năm 2022 và đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tính đến tháng 04/2022, các chủ nợ hàng đầu của khoản nợ này là Ngân hàng Phát triển Á Châu với 4.4 tỷ USD, Trung Quốc với 3.39 tỷ USD, Nhật Bản với 3.36 tỷ USD và Ngân hàng Thế giới với 3.2 tỷ USD.
Nikkie Asia đưa tin, theo tổ chức tư vấn Verite Research có trụ sở tại Colombo, với lãi suất trung bình 3.3%, Bắc Kinh đã khiến các khoản cho vay của Trung Quốc trở nên khác biệt so với các bên cho vay khác. Lãi suất của Nhật Bản là 0.7%.
Thời gian đáo hạn 18 tháng đối với khoản cho vay của Bắc Kinh cũng ngắn hơn so với khoản cho vay của Nhật Bản là 34 năm.
Sri Lanka đã yêu cầu Trung Quốc sửa đổi các điều khoản của cơ sở hoán đổi bằng đồng nhân dân tệ trị giá 1.5 tỷ USD mà họ đã ký hồi năm 2021, trong đó quy định rằng quỹ này chỉ có thể được sử dụng với điều kiện Sri Lanka có đủ dự trữ ngoại hối trong ba tháng.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị viện trợ tín dụng với Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản về các gói cho vay để đạt được “sự đồng thuận chung” về quy trình cho vay vì mỗi quốc gia có hệ thống cấp khoản vay riêng.
Hôm 22/06, Thủ tướng Wickremesinghe nói trước quốc hội, “Tuy nhiên, giữa chúng ta đã xảy ra một số mâu thuẫn và bất đồng trong thời gian gần đây. Chúng ta đang nỗ lực giải quyết những vấn đề này và thúc đẩy các mối bang giao hữu nghị một lần nữa.
Hàng ngàn người dân Sri Lanka đã xuống đường phản đối sự dẫn dắt yếu kém của chính phủ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế của quốc gia, dẫn đến việc Thủ tướng đương nhiệm Mahinda Rajapaksa phải từ chức hôm 09/05.
Cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có của quốc gia này đã khiến hàng triệu người dân của họ cần viện trợ cứu sinh trong tình trạng thiếu thuốc men thiết yếu trầm trọng và việc cắt điện thường xuyên gây nguy hiểm đến hệ thống y tế của đất nước.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.