‘Shichi-Go-San’ của Nhật Bản: Nghi lễ thời thơ ấu, giáo hóa suốt cuộc đời
Nhật Bản là một đất nước coi trọng truyền thống và đề cao lễ nghĩa, người ta thường dùng cụm từ “Quan Hôn Táng Tế” để miêu tả bốn sự kiện trọng đại trong đời: lễ thành nhân, hôn cưới, tang lễ và lễ tế tổ tiên. “Quan Hôn Táng Tế” là điều mà hầu hết người dân Nhật Bản đều phải trải qua, ai ai cũng phải tuân thủ. Ngoài ra, ở Nhật Bản còn có rất nhiều phong tục và lễ nghĩa truyền thống khác, chẳng hạn như lễ “Shichi-Go-San” (Bảy-năm-ba).
Nguồn gốc của “Shichi-Go-San”
Theo phong tục truyền thống, khi các bé trai Nhật Bản lên 3 và 5 tuổi, các bé gái lên 3 và 7 tuổi, sẽ đi đến đền thờ để tạ ơn Thần đã phù hộ cho các em phát triển khỏe mạnh, đồng thời cầu nguyện cho một cuộc sống tương lai hạnh phúc và trường thọ. Đây là nghi lễ đầu tiên mà người Nhật phải trải qua trong đời, đồng thời cũng là nghi lễ quan trọng nhất trong giai đoạn trưởng thành của trẻ nhỏ. Bởi vì nghi lễ này được tổ chức khi trẻ em lên 3, 5 và 7 tuổi, nên nó được gọi tắt là “Shichi-Go-San” (Bảy – năm – ba).
Ngày chính thức của nghi lễ “Shichi-Go-San” ban đầu là ngày 15/11, nhưng hiện nay không còn giới hạn vào ngày này. Sau khi bước sang tháng 11, quý vị sẽ thấy rất nhiều bậc cha mẹ đưa con cái mình trong trang phục kimono đến thăm đền thờ. Nghi lễ “Shichi-Go-San” ban đầu được tổ chức vào ngày 15/11 âm lịch, sau đợt Cải cách Minh Trị thì không còn tuân theo âm lịch mà đổi thành ngày 15/11 theo Dương lịch.
Trước đây, sở dĩ tổ chức nghi lễ vào ngày này là vì ngày 15 âm lịch là ngày Sao Quỷ trong Nhị Thập Bát Tú, vào ngày này quỷ không xuất hiện, vạn sự đại cát. Ngoài ra, tháng 11 còn là tháng tạ ơn Thần linh sau mùa thu, nhân ngày rằm (15), người dân một là tạ ơn Thần linh đã cho mùa màng bội thu, hai là cầu mong Thần linh phù hộ cho con trẻ lớn lên khỏe mạnh.
Có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc của phong tục này, nhưng nhìn chung người ta cho rằng nó bắt đầu từ thời kỳ Heian. Vào thời điểm đó, nghi lễ này chỉ được tổ chức trong giới tầng lớp quý tộc như trong Hoàng cung và Kuge (công gia) v.v. Thuận theo thời thế thay đổi, phong tục này dần mở rộng sang tầng lớp võ sĩ. Sau thời kỳ Edo, với sự cải thiện địa vị của tầng lớp thường dân, nó đã được mở rộng ra mọi tầng lớp xã hội. Đến thời Đại Chính, thuận theo sự phổ cập văn hóa, nó bắt đầu lan rộng ra mọi tầng lớp xã hội trên khắp đất nước, và dần trở thành một phong tục văn hóa chung và cố định của mọi người dân Nhật Bản.
Ba nghi thức trong “Shichi-Go-San”
Trong nghi lễ “Shichi-Go-San” truyền thống, có ba nghi thức quan trọng: “nghi thức để tóc”, “nghi thức mặc kimono” và “nghi thức đai lưng”.
Vào thời Heian, cả bé trai và bé gái từ sơ sinh đến khi 3 tuổi đều phải cạo trọc đầu. Sau nghi lễ “Shichi-Go-San”, các cháu bé bắt đầu được giữ tóc, nên gọi là “nghi thức để tóc”. Nội dung của nghi thức là: đội lên đầu cháu bé một bộ tóc trắng làm bằng sợi bông, sau đó rắc bột trắng lên đỉnh đầu rồi dùng lược chải theo hai bên trái phải, ngụ ý là cho đến khi tóc bạc trắng vẫn khỏe mạnh và trường thọ.
Khi một bé trai lên 5 tuổi, nghi thức mặc kimono và hakama sẽ được tổ chức, gọi là “nghi thức mặc kimono”. Vào ngày 15/11, cho trẻ mặc hakama, và để trẻ đứng trên bàn cờ vây, quay mặt về hướng lành, ngụ ý là nắm giữ thiên hạ, vạn sự như ý.
Khi các bé gái lên 7 tuổi, các em sẽ được tổ chức nghi lễ mặc kimono giống như người lớn, gọi là “nghi thức đai lưng” (cũng gọi là nghi thức cởi đai). “Cởi đai” có nghĩa là cởi bỏ những dây buộc trên quần áo cũ, mặc một bộ kimono chính thức và đeo một chiếc đai lưng rộng như một người trưởng thành. Theo phong tục truyền thống, sau khi mặc bộ kimono do bà ngoại may cho, các bé gái sẽ tự thắt đai lưng. Thông qua buổi lễ này, người ta công nhận rằng các bé đã trưởng thành và là một người có khả năng hành động độc lập.
Khi cử hành nghi lễ “Shichi-Go-San”, trang phục chính thức của bé trai là kimono có in gia huy trên áo và bên dưới là Hakama. Bé gái 3 tuổi mặc kimono không có thắt lưng, còn bé gái 7 tuổi mặc kimono có thắt lưng giống như người lớn.
Như đã nói ở trên, trong các nghi thức liên quan đến “Shichi-Go-San”, bé trai là 3 và 5 tuổi, còn bé gái là 3 và 7 tuổi. Trước đây thường tổ chức vào tuổi Mụ, nhưng hiện nay chủ yếu lấy tuổi tròn làm chuẩn. Khi tổ chức lễ “Shichi-Go-San” thường sẽ mời ông bà nội và ông bà ngoại, đồng thời mở tiệc để cả nhà cùng ăn mừng.
Ăn kẹo ngàn năm tuổi, cầu thọ ngàn tuổi
“Kẹo ngàn năm tuổi” là thứ không thể thiếu trong lễ “Shichi-Go-San”, và cũng là thứ mà trẻ em mong chờ trong ngày đó. Các em thường được các đền, miếu tặng sau khi đăng ký hoặc sau buổi lễ.
“Kẹo ngàn năm tuổi” có dạng hình que, có cây dài gần 1 mét, dày khoảng 14mm, có màu đỏ hoặc trắng, hoặc cả hai màu, hàm ý là gửi gắm những lời chúc tốt đẹp nhất cho tương lai của trẻ, hy vọng trẻ trường thọ và kiên cường. Vì vậy, kẹo ngàn năm tuổi đều phải có đặc tính dính và dài. Trong văn hóa Nhật Bản, màu đỏ và trắng được xem là màu tốt lành, vì vậy mọi người thường sử dụng hai màu này. Vì kẹo rất dài nên sau khi chia ra thường được cả nhà cùng ăn. Khi chia kẹo, cả nhà sẽ chúc trẻ khỏe mạnh và trường thọ.
Tất nhiên, trên túi đựng kẹo cũng sẽ in các linh vật và những chữ cát tường, chẳng hạn như Hạc, Rùa, chữ Thọ, Tùng, Trúc, Mai v.v. Hạc và Rùa là biểu tượng cho sự trường thọ. Chữ “Thọ” tượng trưng cho trường thọ, thịnh vượng và chúc mừng. Tùng, Trúc, Mai tượng trưng cho trường sinh, đông con nhiều cháu, sức sống mãnh liệt và nhân cách cao quý v.v.
Ngoài ra, “Kẹo ngàn năm tuổi” còn là một từ Kigo liên quan đến mùa đông (Kigo là những từ hoặc cụm từ dùng để chỉ các mùa trong thơ haiku và các loại thơ khác). Ví như bài thơ haiku nổi tiếng của Tomoji Ishizuka (1906-1986): “Kẹo nghìn tuổi, dài thật dài, vượt qua tay áo kimono”, đã mô tả đặc trưng văn hóa này một cách thú vị và ngắn gọn từ một góc nhìn khác.
Ngày nay, nội dung chủ yếu của lễ “Shichi-Go-San” là: Cử hành các nghi thức liên quan; người lớn và trẻ em mặc trang phục kimono đẹp và trang trọng đến đền chùa thăm viếng và cầu nguyện; chụp ảnh gia đình làm kỷ niệm; tổ chức tiệc chiêu đãi ông bà và những người thân. Khi chúc mừng một cháu bé vào ngày “Shichi-Go-San”, ông bà và những người thân sẽ tặng cho trẻ một phong bao lì xì màu đỏ, thông thường người thân sẽ là 5,000 -10,000 yên, còn ông bà là 10,000-30,000 yên.
Tại sao lại tổ chức vào lúc 7, 5 và 3 tuổi? Có một cách nói rằng ba con số này là những số dương tốt lành, sẽ mang lại hạnh phúc, cát tường và trường thọ. Ngoài ra, có quan điểm cho rằng điều này có thể liên quan đến “Lạc thư” (Cửu Cung Đồ) của Trung Quốc. Cụ thể: cách sắp xếp số ở phần giữa của “Lạc thư” từ Tây sang Đông là 7, 5 và 3, tất cả đều là số dương và tổng của chúng cũng là 15.
Vào thời cổ đại, ở Nhật Bản có một câu nói rằng “trước bảy tuổi là thần đồng”, tức là trẻ em trước bảy tuổi đều là con của Thần. Điều này có lẽ có hai ý nghĩa: một là trẻ em trước 7 tuổi vẫn chưa ổn định và dễ chết yểu; hai là trẻ em trước 7 tuổi ngây thơ và thuần chân, có nhiều thiên tính bẩm sinh. Sau khi làm lễ “Shichi-Go-San”, trẻ em sẽ chuyển từ con của Thần thành người, từ trẻ nhỏ thành thiếu niên thiếu nữ. Ngày xưa, sau lễ “nhập tộc” được tổ chức ở các đền, miếu, trẻ mới chính thức được công nhận là con cái, là một thành viên của gia đình.
Khổng Tử nói: “Sinh, sự chi dĩ lễ; tử táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ” (sống thì phụng sự cho hợp lễ, mất rồi thì tống táng cho hợp lễ, cúng tế cho hợp lễ), “Hưng vu thi, lập vu lễ. Thành vu nhạc” (hưng ở thơ, lập ở lễ, thành ở nhạc) (Trích “luận ngữ”). “Shichi-Go-San” là nghi lễ đầu tiên mà người Nhật trải qua, cũng là quy tắc và giáo hóa mang tính xã hội đầu tiên. Trẻ sẽ thông qua nghi lễ này để biết Lễ là gì, đồng thời tôn trọng lễ nghi, lấy Lễ để làm người và đối nhân xử thế.