Sáng tạo nghệ thuật: Gặp gỡ nghệ sĩ ‘trồng’ san hô, hoa, và nấm trên các đồ vật bỏ đi
Những tác phẩm nghệ thuật thú vị của cô Stéphanie Kilgast là bộ trưng bày đầy biến ảo về các loài hoa, san hô, nấm… người xem có cảm giác như những sinh vật đó mọc lên từ những vật dụng bỏ đi. Bản thân những mẫu vật tinh xảo kia tự chúng đã thật đặc biệt, nhưng cách chúng được bài trí trên đồ vật bị loại bỏ đem lại ý nghĩa sâu sắc hơn cho những tác phẩm này.
Khám phá ra trò tiêu khiển giữa người và thiên nhiên đã đưa cô Kilgast, 37 tuổi, sáng tạo ra những tác phẩm hấp dẫn của mình. Dự án mới nhất của cô là tạo ra hoa cỏ và nấm mọc lên từ những trang giấy của những quyển sách cũ, những quyển sách bị bỏ đi.
Cô được sinh ra ở Đức, mẹ là người Pháp và cha là người Phần Lan, hiện nay cô đang sống ở Vannes, Pháp, cùng với người bạn đời và những chú mèo cưng. Cô thổ lộ rằng cô không thể nhớ được những khoảng thời gian nào mà cô “không sáng tạo,” cô đã bắt đầu công việc này bằng cách thử nghiệm tất cả các loại kỹ thuật.
“Tôi chắc chắn không phải là một trong những đứa trẻ thần đồng có thể vẽ theo phong cách cực thực (hyperrealism), và tôi chưa bao giờ quá cố định mình vào một chất liệu cụ thể nào,” cô nói với The Epoch Times. “Cho đến năm 16 tuổi, tôi đã sáng tạo ra những đồ vật bằng cách sử dụng hạt cườm. Tôi đã đan, vẽ, v.v…Năm 16 tuổi, tôi đã hỏi xin sơn dầu và có vẽ một chút, nhưng sau đó tham gia một khóa học vẽ và học cách sử dụng sơn acrylic, và rồi tôi đã chọn lựa chất liệu acrylic.
“Mãi về sau trong đời, tôi mới phát hiện ra đất sét polymer là một chất liệu dùng để chạm khắc, tôi đã đồng hành cùng chất liệu này gần một thập niên để tạo ra các mô hình đồ ăn thu nhỏ cực thực.”
Nhận thức về tác động đến môi trường từ các hoạt động của con người đã thúc đẩy sự chuyển biến trong việc sáng tạo nghệ thuật của cô Kilgast.
“Tôi thích sử dụng rác hoặc những đồ bỏ đi và tưởng tượng thiên nhiên đang lấy lại quyền của mình,” cô nói. “Những sinh vật sống đang phát triển trở lại trên rác thải mà chúng ta sản xuất và tiêu thụ.”
Ý tưởng cho các tác phẩm của cô ấy — ý tưởng thể hiện nhiều loại sinh vật, bao gồm cả côn trùng — đã đến khá tự nhiên.
“Tôi đã cố gắng bày tỏ mối quan tâm của mình về tác động của chúng ta thông qua tác phẩm của tôi,” cô nói, “nhưng đã không tìm ra cách nào, vì vậy tôi đã tiếp tục sáng tạo nghệ thuật cho đến một ngày tôi nghĩ đến việc sử dụng một cái lon. Và thật nhanh chóng, điều này trở nên có lý.”
Ngoài việc tham gia khóa học hội họa khi còn là thiếu niên, cô Kilgast chưa từng học chính thức về nghệ thuật. Thay vào đó, cô có bằng thạc sĩ kiến trúc.
Tác phẩm của người nghệ sĩ tài năng này đã thành công rực rỡ, với một buổi trưng bày cá nhân gần đây tại Beinart Gallery ở Melbourne, Úc, và các buổi trưng bày nhóm đều đặn trên khắp thế giới. Các tác phẩm hoàn thiện của cô rất điêu luyện, có lẽ đằng sau quá trình sáng tác này còn ẩn chứa cả “quy trình rất tự nhiên và bừa bộn” nữa.
“Có rất nhiều thứ phải làm đi làm lại, thử các gam màu sắc và sau đó quyết định màu này thật xấu và sơn lại mọi thứ,” cô nói. “Tôi không dự trù trước cho bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào, vì vậy tôi chỉ nỗ lực với chúng cho đến khi cảm thấy hài lòng. Dù gì thì đó là một cuộc chiến vui vẻ tốt đẹp.”
Cũng như việc cô Kilgart không cố định vào bất kỳ cách tiếp cận nào, cô cũng đan xen các chất liệu khác nhau trong mỗi tác phẩm chạm khắc, tùy thuộc vào tâm trạng và mục tiêu của cô. Với cách sáng tạo riêng của mình, cô thích nhấn mạnh các yếu tố khác nhau của tự nhiên trong nghệ thuật của mình, điều mà cô cho là chưa được miêu tả đúng mức.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là việc bắt đầu nhìn thấy vẻ đẹp trong những thứ nhỏ bé xung quanh chúng ta, vì thông qua các khía cạnh bình thường của tự nhiên, bạn học được cách yêu toàn bộ tự nhiên và hy vọng rằng bạn muốn bảo vệ điều đó,” cô nói.
“Nếu bạn dành thời gian quan sát, thì bạn sẽ thấy ngay cả những thứ như côn trùng cũng thật lạ thường và đẹp đẽ.”
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times