Nhân sinh cảm ngộ: Nơi không nhìn thấy
Sau Tết Trung thu năm ngoái tôi đã trồng mười cây trắc hồng, đã qua nhiều lần thay lá đâm chồi non rồi! Màu lá của loại cây này chuyển từ đỏ thắm sang đỏ sẫm và màu xanh biếc rất nhanh, cảnh tượng bừng bừng sức sống, dạt dào sinh cơ, thật là đẹp!
Thế nhưng, duy chỉ có một cây mấy tháng nay lại không hề có động tĩnh gì, hơn nữa có một số lá bắt đầu khô vàng, héo úa. Mặc cho các “bạn bè đồng trang lứa” khác của nó đang ào ào đua nhau phát triển khỏe mạnh, còn “nó” lại im lìm bất động, như thể mọi thứ xung quanh đều không liên quan gì đến mình. Tình trạng này, quả thực khiến cho người ta không khỏi buồn bực.
Thời gian, địa điểm giống nhau, tưới nước, bón phân bình thường, tại sao kết quả của hai bên lại khác xa nhau như vậy? Tôi quyết định phải tìm hiểu cho thấu đáo, xới đất, đào sâu xuống bộ rễ, phát hiện đất ở đó có dạng bùn, cho nên thoát nước kém, đất luôn ướt ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Thì ra, ở những nơi không nhìn thấy lại có nhiều điều kỳ lạ như vậy.
Lúc này, tôi chợt liên tưởng đến khu vườn nhà tôi và vườn nhà chị họ chỉ cách nhau một con ngõ. Bên trong khu vườn của chị họ cách đó vài thước, các loại dưa, trái cây mà chị ấy trồng từ trước tới nay luôn cành lá xum xuê, xanh um tươi tốt; còn những cây trồng bên vườn nhà chúng tôi thì lại luôn kém cỏi. Nguyên nhân là lớp đất nền của vườn nhà chị họ trước kia là nơi chất đống củi, nơi nhìn không thấy bên dưới lớp đất đó chứa rất nhiều gỗ mùn, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Trong cuộc sống vội vàng, bề bộn, mọi người phần lớn là công nhận những gì nhìn thấy được, và dễ dàng xem nhẹ nơi không nhìn thấy, nhưng đây lại thường là điểm then chốt. Điểm then chốt này, có thể là mấu chốt của sự thất bại, tìm ra được điểm mấu chốt thì mới có thể theo bệnh kê thuốc, giải quyết triệt để vấn đề; điểm mấu chốt này cũng có thể là yếu tố của thành công, có đủ các yếu tố để từng bước tiến lên, thành công là điều tất nhiên.
Như tích xưa kể về người nông dân của nước Tống nóng vội hư sự, vì nóng lòng mong sớm ngày thu hoạch, mỗi ngày ông ta ra đồng cần cù chăm chỉ làm việc, thậm chí “sầu vì cây mạ không lớn mà cầm chúng kéo nhích lên, rồi mệt mỏi ra về”. Kết quả “không những phí công mà còn gây hại”. Người nông dân trong câu chuyện này, đã bỏ qua điểm mấu chốt mà mắt nhìn không thấy được – chính là cây mạ non phải trải qua tôi luyện trong nắng hun gió thổi, dầm mưa rét chịu sương lạnh trong thời gian dài mới có thể khỏe mạnh lớn lên.
Người thưởng trà đều biết rằng, trà trên núi cao thường tươi mát dịu ngọt, dư vị kéo dài, bởi vì nó sinh trưởng trong những vườn chè nằm trên núi ở độ cao hơn 1,000 mét so với mực nước biển, nơi chúng ta ngày thường không thể nhìn thấy. Nơi đó sớm tối có mây bao phủ lượn lờ, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch rất lớn, cây chè quanh năm sống nơi đó được hấp thụ linh khí của trời đất, tinh hoa của nhật nguyệt. Vì thế lá chè mềm mượt đầy đặn, nồng đậm chất trà, thoang thoảng hương thơm dịu mát, để lại dư vị vô tận cho người thưởng trà.
Phương Tĩnh thực hiện
Phương Viễn biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ