Rò rỉ bài luận của phó giám đốc cục công an huyện tiết lộ chi tiết về hoạt động trị an ở hải ngoại của ĐCSTQ
Một bài luận bị rò rỉ, do một nhân viên công an ở huyện Thanh Điền thuộc tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc viết, đề cập đến các chi tiết về cách công an của huyện này cộng tác với các lãnh sự quán Trung Quốc để tiến hành hoạt động trị an mở rộng ở hải ngoại.
Theo trang web chính thức của thành phố Lệ Thủy, vào năm 2019 khi bài luận này được phát hành thì ông Nhan Hoa Vinh (Yan Huarong), tác giả của bài luận, đang là phó giám đốc Cục Công an Huyện Thanh Điền.
Bài báo của ông Nhan, có nhan đề “Khám phá và thực hành kinh nghiệm Phong Kiều ở hải ngoại trong thời đại mới — một nghiên cứu điển hình về huyện Thanh Điền,” mô tả cách lực lượng công an của huyện này đã thực hiện kiểm soát vươn dài ra hải ngoại bằng cách điều động Hoa kiều có quê quán ở huyện Thanh Điền.
Cái gọi là “kinh nghiệm Phong Kiều” đề cập đến cách làm của chính quyền thị trấn Phong Kiều trong việc “điều động quần chúng và củng cố chế độ chuyên chính đối với kẻ thù giai cấp,” được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoan nghênh từ thời Mao Trạch Đông vào những năm 1960. Phong Kiều là một thị trấn thuộc tỉnh Chiết Giang.
Năm 2013, lãnh đạo đương nhiệm của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình, đã khoe khoang về cách thức chuyên chính của Phong Kiều là kinh nghiệm “dựa vào quần chúng để giải quyết xung đột cục bộ.”
Bài viết của ông Nhan bàn luận một cách khoa trương về việc học hỏi kinh nghiệm của Phong Kiều để thiết lập các mạng lưới công an chằng chịt ở ngoại quốc bằng cách điều động người Hoa ở hải ngoại được sinh ra ở Thanh Điền thực thi công việc trị an trên đất ngoại quốc.
Tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders là tổ chức đầu tiên bóc trần hoạt động kiểm soát vươn dài của Trung Quốc ở ngoại quốc. Một báo cáo hồi tháng 12/2022 tiết lộ rằng hiện có “ít nhất 102 ‘Trung tâm Dịch vụ Công an Trung Quốc tại Hải ngoại’ ở 53 quốc gia trên khắp thế giới.” Những đồn công an này phục vụ các mục đích “mờ ám,” chẳng hạn như theo dõi, bắt giữ, và dẫn độ những người bị ĐCSTQ truy nã, bao gồm cả những người bất đồng chính kiến phản đối nhà cầm quyền này và lãnh đạo Tập Cận Bình.
Tháng 02/2022, Safeguard Defenders đã báo cáo về việc công an huyện Thanh Điền thành lập các trung tâm dịch vụ công an ở hải ngoại tại 21 thành phố ở 15 quốc gia, trong đó có Rome, Milan, Paris, Vienna, và Áo.
Chính sách công khai và bí mật của công an huyện Thanh Điền ở hải ngoại
Bài viết của ông Nhan được đăng vào tháng 04/2019 trên Tạp chí Khoa học Công an của Đại học Công an Chiết Giang, nhưng hiện tại bài báo này không còn trên mạng nữa.
Huyện Thanh Điền là một huyện thuộc sự quản lý hành chính của thành phố Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang. Nơi đây nổi tiếng là “quê hương của Hoa kiều,” với một lịch sử hơn 300 năm định cư ở ngoại quốc. Theo bài báo của ông Nhan, hiện có hơn 300,000 Hoa kiều định cư có quê quán tại Thanh Điền, rải rác trên 128 quốc gia và khu vực.
Theo ông Nhan, công an huyện Thanh Điền tập trung vào việc điều động Hoa kiều sinh ra ở Thanh Điền hoặc con cháu của những người này cho mục đích “bảo đảm an ninh quốc gia và sự phục vụ của ngành cho việc xây dựng Một vành đai và Một con đường.”
Công việc trị an mở rộng của huyện Thanh Điền có thể vừa công khai vừa bí mật, với mối nguy hiểm của hầu hết các hoạt động của lực lượng công an này trước đây chưa được tiết lộ cho công chúng.
Về mặt công khai, cục công an huyện Thanh Điền đã thành lập 15 trung tâm dịch vụ công an hải ngoại tại các thành phố của 11 quốc gia, bao gồm Barcelona, Madrid, Rome, và Paris. Những đồn công an này sử dụng các văn phòng của các hiệp hội người Hoa ở hải ngoại và chia sẻ thông tin chủ yếu trực tuyến thông qua hội nghị video và hợp tác chặt chẽ với các lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc.
Bài báo của ông Nhan tiết lộ nhiều hoạt động bí mật hơn của công an Thanh Điền ở ngoại quốc, bao gồm việc sử dụng các nhóm, các cá nhân, cũng như một số hình thức hoạt động như sau:
- Công an huyện Thanh Điền đã thành lập 314 tổ chức Hoa kiều trên khắp thế giới.
- Có 84 người Hoa từ huyện Thanh Điền tham gia vào các vấn đề chính trị hoặc là quan chức chính phủ. Gần 14,000 người có địa vị xã hội ở các nước ngoại quốc. Công an Thanh Điền tìm kiếm nhân viên từ những Hoa kiều nổi tiếng này và tận dụng họ để kích động người Hoa thân ĐCSTQ đối đầu với những người Hoa bất đồng chính kiến và tham gia vào các hoạt động khác.
- Ông Nhan đề nghị thành lập các chi bộ của ĐCSTQ trong các tổ chức của người Hoa ở hải ngoại và liên hệ với các đảng viên ĐCSTQ ở hải ngoại. Ông cũng đề nghị kết nạp thêm các đảng viên ĐCSTQ mới từ các thế hệ trẻ tuổi hơn nói ngôn ngữ của quốc gia cư trú của họ.
- Các cựu nhân viên công an và thân nhân của họ hiện đang định cư ở hải ngoại.
- Chỉ riêng trong mùa hè năm 2018, 647 thanh niên người Hoa từ 19 quốc gia đã tham gia các hoạt động trại hè, “nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cho thanh niên Hoa kiều ở hải ngoại và giáo dục họ về chiến dịch chống tà giáo này,” ông Nhan viết.
- Cơ chế giám sát mạng lưới: Theo ông Nhan, các tổ chức lớn của người Hoa thực hiện giám sát và theo dõi thực tế, trong khi các lãnh đạo các tổ chức người Hoa, đảng viên ĐCSTQ, và nhân viên liên lạc của công an hải ngoại là nhân sự quản lý.
Theo Safeguard Defenders, công an Thanh Điền đã thành lập “một nhóm gồm hơn 1,000 nhân viên mạng lưới thông tin tình báo, do một trung tâm liên lạc trong nước điều phối.”
Ông Nhan đã viết rằng bằng cách tận dụng tất cả các tổ chức và cá nhân gốc Hoa này, các trung tâm dịch vụ của công an Thanh Điền tại hải ngoại đã “can thiệp thành công vào 15 cuộc biểu tình” khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ thực hiện các chuyến thăm tại hải ngoại. Công an huyện Thanh Điền đã thành lập một tổ chức ở Tây Ban Nha để chuyên đàn áp các hoạt động của các học viên Pháp Luân Công.
Hành động can thiệp vào các nhóm tín ngưỡng ở hải ngoại là một trọng tâm khác của công an huyện Thanh Điền. Theo ông Nhan, hồi năm 2014 “dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ kịp thời của văn phòng công an huyện Thanh Điền,” một tổ chức người Hoa ở Tây Ban Nha đã quấy rối buổi Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun ở Barcelona.
Năm 2014, The Epoch Times đã đưa tin rằng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Barcelona cũng đã cố gắng buộc một nhà hát hủy bỏ buổi biểu diễn của Shen Yun. Không thành công, các đại diện người Hoa hung dữ đã đích thân đến nhà hát này để yêu cầu hủy bỏ buổi biểu diễn vì “đi ngược lại lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Nhà phân tích Trung Quốc: Một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia phương Tây
Ông Hoành Hà (Heng He), một nhà phân tích về Trung Quốc trong chương trình “Focus Talk” của NTD và là một cộng tác viên của The Epoch Times, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng an ninh quốc gia của những nước nơi ĐCSTQ đã thiết lập các đồn công an ở hải ngoại “chịu mối đe dọa nghiêm trọng từ hoạt động trị an ở ngoại quốc của ĐCSTQ do những nước này chú trọng các lợi ích trước mắt và các chính sách thỏa hiệp vô nguyên tắc kéo dài đối với ĐCSTQ.”
Hôm 25/05, ông Hoành nói với The Epoch Times, “Tình trạng ĐCSTQ xâm nhập vào các nước phương Tây và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác đã diễn ra từ rất lâu. Nếu không nhờ Safeguard Defenders bóc trần, thì hầu hết những quốc gia này vẫn không hay biết gì hoặc nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng này.”
Ông Hoành nói rằng công an Trung Quốc phụ trách an ninh trong nước và các hoạt động của họ chỉ giới hạn trong nước, trong khi lực lượng an ninh quốc gia của ĐCSTQ hoạt động bên ngoài Trung Quốc. Hiện nay với việc công an Trung Quốc thi hành luật pháp Trung Quốc ở hải ngoại và các hoạt động của họ được công bố theo hình thức của các bài luận, thì điều đó báo hiệu rằng việc làm này đã trở thành “một chính sách từ cấp cao nhất của ĐCSTQ,” với sự tài trợ của nhà nước để thành lập các trung tâm dịch vụ.
Ông Hoành nói: “Trước đây, các nước phương Tây chưa từng gặp tình huống như thế này và đã mất cảnh giác trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Giờ đây, họ đang bắt đầu nhận ra rằng họ cần phải có những phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ trong hoạt động lập pháp và chấp pháp. Nếu không, sẽ có những hậu quả không thể hình dung ra được.”
Một báo cáo hồi tháng 11/2022 của Safeguard Defenders cho thấy 14 chính phủ, trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha, Đức, và Thụy Điển, hiện đang điều tra các đồn công an ở hải ngoại của Trung Quốc.
Hồi tháng Tư, FBI đã bắt ông Lô Kiến Vượng (Lu Jianwang), 61 tuổi, và ông Trần Kim Bình (Chen Jinping), 59 tuổi, với các cáo buộc điều hành một đồn công an chìm cho ĐCSTQ ở thành phố New York.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã thông báo rằng họ đang buộc tội 40 quan chức và công an Trung Quốc vì đã tiến hành một chiến dịch quấy rối được phối hợp nhằm vào người Hoa sống ở thành phố New York và các nơi khác ở Hoa Kỳ.
Ông Hoành lưu ý: “Hoa Kỳ hiện đã bắt đầu bắt giữ các đại diện chưa ghi danh của ĐCSTQ, và đây mới chỉ là bước khởi đầu. Nhiều quốc gia khác cũng sẽ làm theo.”
Ông Hoành nói thêm, “ĐCSTQ lợi dụng một cách sâu rộng các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại ủng hộ ĐCSTQ ở các nước sở tại để tham gia vào các hoạt động tội phạm vốn dĩ xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, và các quyền cơ bản của công dân các quốc gia khác. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử, kể cả trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.”
Bản tin có sự đóng góp của Trình Tĩnh và Lạc Á
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times