Quốc hội Hoa Kỳ sẽ làm gì tiếp theo sau khi thông qua gói viện trợ ngoại quốc?
Hạ viện dự định sẽ thông qua một vài dự luật, trong đó đáng chú ý nhất là dự luật chống chủ nghĩa bài Do Thái trong các trường cao đẳng và đại học.
Sau khi thông qua một gói trị giá 95 tỷ USD hồi tuần trước, bao gồm viện trợ cho Israel, Ukraine, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và một dự luật có các biện pháp như cấm TikTok, thì tuần tới Quốc hội quay trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài một tuần.
The Epoch Times được biết Hạ viện dự định sẽ thông qua bảy dự luật, trong đó đáng chú ý nhất là luật chống chủ nghĩa bài Do Thái trong các trường cao đẳng và đại học.
Đạo luật Nhận thức về Chủ nghĩa bài Do Thái, vốn đã được giới thiệu trong một vài nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, sẽ đưa một sắc lệnh được cựu Tổng thống Donald Trump ký hồi năm 2019 vào bộ luật.
Đạo luật Nhận thức về Chủ nghĩa bài Do Thái là do Dân biểu Mike Lawler (Cộng Hòa-New York) giới thiệu.
Đạo luật sẽ yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ áp dụng định nghĩa hiện có của Liên minh Tưởng niệm Cuộc thảm sát Holocaust Quốc tế (IHRA) về chủ nghĩa bài Do Thái, vốn nằm trong sắc lệnh nói trên, để áp dụng ở toàn chính phủ như là tiêu chuẩn nhằm giải quyết các vụ việc bài Do Thái, đặc biệt là trong các trường cao đẳng và đại học. (Năm 2016, Bộ Ngoại giao đã tự mình áp dụng định nghĩa này dưới thời Tổng thống Barack Obama.)
Định nghĩa hiện có của IHRA là “một quan điểm nào đó về người Do Thái, mà có thể được thể hiện là sự căm ghét đối với người Do Thái. Các biểu thị về ngôn từ và thân thể của chủ nghĩa bài Do Thái nhắm vào các cá nhân là người Do Thái hoặc không phải Do Thái và/hoặc tài sản của họ, nhắm vào các tổ chức cộng đồng và các cơ sở tôn giáo của người Do Thái.”
Theo định nghĩa này, ví dụ về chủ nghĩa bài Do Thái bao gồm cả lòng căm thù đối với nhà nước Do Thái là Israel.
Đạo luật Nhận thức về Chủ nghĩa bài Do Thái sẽ áp dụng Tiêu đề VI của Đạo luật Dân quyền năm 1964 cho người Do Thái. Tiêu đề VI cấm các tổ chức nhận tiền của người đóng thuế liên bang phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, nguồn gốc quốc gia, hoặc màu da.
Mặc dù về cơ bản, người Do Thái được xem là một nhóm tôn giáo, điều mà Tiêu đề VI không đề cập đến, nhưng dự luật lưỡng đảng này nêu rõ rằng “sự phân biệt đối xử đối với người Do Thái có thể dẫn đến vi phạm tiêu đề đó khi sự phân biệt đối xử là dựa trên chủng tộc, màu da, hoặc nguồn gốc quốc gia, mà có thể gồm cả sự phân biệt đối xử dựa trên đặc điểm dân tộc hoặc tổ tiên chung thực sự hoặc được quan sát thấy.”
Dự luật này sẽ dẫn đến việc các trường cao đẳng và đại học sẽ mất nguồn tài trợ liên bang nếu họ không giải quyết, hoặc giải quyết không đầy đủ, chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường của họ.
Dự luật này được đưa ra trong bối cảnh một làn sóng chủ nghĩa bài Do Thái hiểm ác trong các khuôn viên trường như Đại học Columbia, Đại học Harvard, và Đại học Yale.
Các nhóm Do Thái và ủng hộ Israel đã kêu gọi Quốc hội thông qua Đạo luật Nhận thức về Chủ nghĩa bài Do Thái.
Ngoài ra, Hạ viện dự kiến sẽ thông qua các biện pháp liên quan đến đất đai liên bang và đưa loài sói xám ra khỏi danh sách bảo vệ theo Đạo luật về Các loài có Nguy cơ tuyệt chủng năm 1973.
Kiến nghị truất phế?
Những dân biểu Đảng Cộng Hòa đã bày tỏ sự thất vọng với Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người kế nhiệm cựu Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) hồi tháng 10/2023 sau khi ông McCarthy bị tước quyền lãnh đạo sau một kiến nghị truất phế thành công.
Hồi tháng Ba, Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) đã đệ đơn kiến nghị bãi nhiệm ông Johnson sau khi ông đưa ra một dự luật trị giá 1.2 ngàn tỷ USD để tài trợ cho phần lớn chính phủ. Vào thời điểm đó, bà nói rằng kiến nghị này là một phát súng cảnh cáo đối với Chủ tịch.
Sau khi gói viện trợ ngoại quốc được thông qua, bà Greene đã có những lời lẽ mạnh mẽ hơn đối với ông Johnson, người đưa ra các dự luật này. Bà đe dọa sẽ đưa ra kiến nghị truất phế tại phiên họp toàn Hạ viện, điều này sẽ buộc phải có một cuộc bỏ phiếu.
“Chức Chủ tịch của ông Mike Johnson đã kết thúc. Ông ấy cần làm điều đúng đắn là từ chức và cho phép chúng ta tiếp tục theo một quy trình được kiểm soát. Nếu không làm như vậy, ông ấy sẽ bị truất phế,” bà Greene nói với Fox News hôm 21/04.
Tuy nhiên, bên Đảng Dân Chủ đã nói hoặc gợi ý rằng họ sẽ đứng ra giải cứu ông Johnson nếu ông đưa gói này lên phiên họp toàn Hạ viện.
Kiến nghị của bà Greene nhận được sự ủng hộ của các Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) và Paul Gosar (Cộng Hòa-Arizona).
Lịch trình của Thượng viện sẽ được xác định
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) vẫn chưa công bố một lịch trình cho Thượng viện của Quốc hội.
Văn phòng của ông Schumer đã không phúc đáp một yêu cầu bình luận.
Nhưng trong một bức thư gửi đồng nghiệp hôm 05/04, ông Schumer đã liệt kê các hạng mục nghị trình mà Thượng viện vẫn chưa giải quyết.
Danh sách này bao gồm tài trợ cho Cảng Baltimore và Cầu Francis Scott Key. Chiếc cầu này đã bị sập hôm 26/03 do một tàu container đụng phải.
Ông Schumer viết: “Sẽ cần có sự hợp tác của lưỡng đảng để Thượng viện hành động nhanh chóng nhằm giúp mở lại Cảng Baltimore, một huyết mạch thương mại then chốt, và xây dựng lại Cầu Key càng nhanh càng tốt.”
Chính phủ TT Biden chưa đưa ra cho Quốc hội một con số cụ thể về tiền bạc, nhưng đã kêu gọi Quốc hội phân bổ kinh phí để giải quyết tình huống này.
Cuối cùng, trong thư của mình, ông Schumer đã liệt kê các mục tiêu khác bao gồm việc thông qua dự luật liên quan đến an toàn Internet cho trẻ em; mở rộng tín thuế trẻ em vốn đã hết hạn hồi cuối năm 2021; ngân hàng cần sa; khả năng chi trả Internet; chống khủng hoảng fentanyl; giảm chi phí của các loại thuốc theo toa như insulin, giới hạn loại thuốc đó ở mức 35 USD; và an toàn đường sắt sau vụ trật đường ray xe lửa ở East Palestine, Ohio năm 2023.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times