Các nhà lập pháp: Dự luật Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể cho phép TT Biden gửi thêm vũ khí tới Israel, Ukraine
Dân biểu Harriet Hageman cho biết: ‘Nếu khoản tiền này thực sự để dành cho Đài Loan, thì Quốc hội có thể trực tiếp phân bổ.”
Một dự luật mới nhằm giúp đối phó với chế độ cộng sản của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên thực tế có thể cho phép chính phủ Tổng thống (TT) Biden gửi thêm 4 tỷ USD vũ khí tới Ukraine, Israel, hoặc các nơi khác.
Đạo luật Phân bổ ngân sách Bổ sung An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được ký thành luật hồi đầu tuần này, trên bề mặt là dành để cải thiện an ninh và ổn định của khu vực này trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiếp tục cạnh tranh.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp nổi giận vì dự luật này cũng có một điều khoản có thể cho phép Tổng thống Joe Biden gửi vũ khí trị giá hàng tỷ dollar cho các cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông.
Dân biểu Harriet Hageman (Cộng Hòa-Wyoming) mô tả dự luật tài trợ bổ sung này là “một dự luật chi tiêu cho Ukraine được ngụy trang dưới dạng viện trợ cho Đài Loan.”
Bà Hageman nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử: “Tôi lo ngại rằng bằng cách ràng buộc dự luật Đài Loan với khoản tài trợ cho vay trước đây của Ukraine, Quốc hội đang bật đèn xanh cho Chính phủ TT Biden chuyển hướng nguồn tài trợ này sang Ukraine.”
“Điều này làm suy yếu mục đích của dự luật và gửi thêm tiền một cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine, [mà nước này lại] không có chiến lược hay mục tiêu cuối cùng, và việc viện trợ của Hoa Kỳ sẽ đi đến đâu và được sử dụng như thế nào hầu như không được giám sát.”
Bà Hageman là một trong 34 dân biểu Đảng Cộng Hòa bỏ chống cho dự luật này, phần lớn là do dự luật có một điều khoản hoàn toàn không liên quan đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Điều khoản đó sửa đổi Đạo luật Phân bổ Ngân sách Bổ sung cho Ukraine năm 2022 bằng cách tăng gấp đôi số tiền cho vay có sẵn cho tổng thống để tài trợ quân sự ngoại quốc từ 4 tỷ USD lên 8 tỷ USD. Bà Hageman tin rằng điều khoản sẽ được sử dụng như một cánh cửa sau để chuyển hàng tỷ dollar sang Ukraine.
Bà Hageman nói: “Nếu số tiền này thực sự để dành cho Đài Loan, thì Quốc hội có thể trực tiếp phân bổ.”
Dự luật tăng gấp đôi số quốc gia đủ tư cách nhận viện trợ quân sự ngoại quốc
Chính phủ TT Biden đã gặp phải những cáo buộc trục lợi chiến tranh kể từ mùa hè năm ngoái. Vào thời điểm đó, Tòa Bạch Ốc cùng các bộ Thương mại, Quốc phòng, và Ngoại giao bắt đầu công khai thúc đẩy hàng tỷ dollar chi tiêu quân sự quốc tế để kích thích nền kinh tế Hoa Kỳ.
Việc tăng giới hạn cho vay đối với nguồn tài trợ quân sự ngoại quốc không nhất thiết có nghĩa là sẽ có nhiều vũ khí hơn được chuyển đi. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Biden sử dụng các thẩm quyền mới, thì ông sẽ có thể linh hoạt hơn nhiều trong việc gửi các gói viện trợ.
Ông Stephen Semler, người đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu Viện Cải tổ Chính sách An ninh, nói rằng điều khoản này thực sự mang lại cho tổng thống quyền tự do lớn hơn nhiều trong việc quyết định cách phân phối vũ khí ra ngoại quốc.
“Điều khoản cụ thể đó không bổ sung thêm bất kỳ khoản tài trợ mới nào, mà chỉ làm tăng giới hạn về giá trị vũ khí mà ông Biden có thể cho các quốc gia vay bằng các quỹ hiện có,” ông Semler nói với Epoch Times trong một bức thư điện tử.
“Không có gì bảo đảm rằng thẩm quyền cho vay này sẽ được sử dụng; Quỹ FMF có thể được chi tiêu như bình thường, nhưng nếu ông Biden quyết định sử dụng thẩm quyền, thì dự luật này sẽ mang lại cho ông ấy rất nhiều quyền hạn trong việc phân phối vũ khí của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.”
Do đó, ông Semler nêu lên rằng phần thứ hai của điều khoản này cũng làm tăng số lượng các quốc gia đủ điều kiện nhận trợ giúp quân sự ngoại quốc.
Trong khi dự luật bổ sung ban đầu cho Ukraine chỉ cho phép chuyển giao vũ khí cho Ukraine hoặc 32 đồng minh NATO của Hoa Kỳ, thì dự luật mới sửa đổi này còn cho phép tổng thống gửi vũ khí cho tất cả 18 “đồng minh lớn không thuộc NATO” và toàn bộ 38 quốc gia của “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ông Semler cho biết: “Trên thực tế, dự luật làm tăng số lượng các quốc gia đủ điều kiện nhận [vũ khí] từ 32 lên 88, tăng thêm 56 quốc gia.”
Do đó, mặc dù một số dân biểu Đảng Cộng Hòa tức giận vì tổng thống có thể gửi thêm vũ khí đến Ukraine, nhưng ông Semler nói rằng mối nguy hiểm thực sự là sự sẵn lòng của Quốc hội trong việc ủng hộ chính phủ tiếp tục dính líu vào các cuộc xung đột ngoại quốc.
“Về việc điều này phù hợp như thế nào với thái độ của chính phủ đối với các cuộc xung đột ở hải ngoại, thì tôi thực sự không thể nói được vì tôi không chắc thẩm quyền này sẽ được sử dụng ở mức độ nào. Nhưng qua đó cho thấy Quốc hội không quan tâm đến việc chuyển hướng hay làm chậm quỹ đạo mà ông Biden đang hướng Hoa Kỳ đi tới, tức là đang tiến gần hơn đến cuộc xung đột ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Đông, và Đông Âu,” ông Semler viết trong thư điện tử.
Ông nói thêm rằng: “Điều này nằm trong mô hình quen thuộc: Tổng thống Hoa Kỳ biểu lộ những lựa chọn chính sách trái đạo đức hoặc kém thông minh ở ngoại quốc mà không được Quốc hội chấp thuận, Quốc hội phàn nàn, nhưng sau đó lại thông qua dự luật cho phép tổng thống tăng cường những chính sách tồi tệ đó.”
Bất kể việc tăng cường trợ giúp quân sự ở ngoại quốc hiện có được thực thi hay không hay thực thi như thế nào, nhưng việc đưa vào một điều khoản như vậy cũng đã khiến nhiều người theo đuổi chính sách chống Trung Quốc khó chịu với dự luật được ông Biden ủng hộ.
Trong số các nhà lập pháp đó có Dân biểu Tom Tiffany (Cộng Hòa-Wisconsin). Trước đây, ông đã bảo trợ cho dự luật thúc đẩy tư cách quốc gia của Đài Loan và ủng hộ chấm dứt vị thế được ưu đãi thương mại của Trung Quốc.
Ông Tiffany nói với The Epoch Times qua thư điện tử: “Mặc dù từ lâu tôi đã ủng hộ việc mở rộng quan hệ ngoại giao và quân sự với Đài Loan, nhưng gói này đã không ưu tiên thực hiện các đơn đặt hàng vũ khí mà Đài Loan đã thanh toán.”
“Tôi cũng lo ngại rằng quỹ Tài trợ Quân sự Ngoại quốc trong dự luật này có thể bị bòn rút để chuyển cho các quốc gia ở xa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, như là Ukraine.”
Tương tự, Dân biểu Anna Luna (Cộng Hòa-Florida) cho rằng việc đưa điều khoản về Ukraine vào dự luật này đã làm suy yếu mục tiêu đã nêu của dự luật là thúc đẩy an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bà Luna nói với The Epoch Times: “[Dự luật] viện trợ bổ sung lẽ ra phải là một dự luật rõ ràng với số tiền rõ ràng nhắm đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times