Quan hệ ba bên giữa Mỹ-Nhật-Hàn cải thiện trong bối cảnh đe dọa gia tăng từ Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Các Bộ trưởng Quốc phòng của Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn đã đạt được sự đồng thuận tại Singapore hôm 11/06 để tăng cường hợp tác an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tại cuộc họp ba bên, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, và Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Lee Jong-sup cũng đã cùng nhau phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ba nhân vật đứng đầu quốc phòng này kể từ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hồi tháng 11/2019.
Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng lên án mạnh mẽ việc Bắc Hàn tiếp tục phóng hỏa tiễn đạn đạo, nói về mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Bắc Kinh, và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan.
“Họ cam kết tiến hành các cuộc tập trận cảnh báo hỏa tiễn ba bên cũng như truy dấu và theo dõi hỏa tiễn đạn đạo, đồng thời xác định các hành động ba bên tiếp theo để giải quyết các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo [của Bắc Hàn],” tuyên bố do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đưa ra cho biết.
Các cuộc tập trận ba bên dự kiến sẽ được tổ chức trên cơ sở đồng nhất. Do mối bang giao giữa Nhật Bản và Nam Hàn đang nguội lạnh, các hoạt động như vậy đã không được tổ chức kể từ tháng 12/2017.
Ba bộ trưởng quốc phòng đã đồng ý hợp tác chặt chẽ để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bắc Hàn và thiết lập hòa bình lâu dài trong khu vực.
Trong diễn đàn an ninh, ông Lee và người đồng cấp Nhật Bản thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác ba bên, nhằm bảo vệ và phát triển các mục tiêu an ninh chung. Và ba bộ trưởng đã đồng ý hợp tác để hàn gắn rạn nứt giữa Nhật Bản và Nam Hàn.
Vai trò của Nhật Bản
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức an ninh, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã công bố chiến lược của mình cho vai trò của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong một bài diễn văn vào tuần trước (06-12/06) tại Đối thoại Shangri-La của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Singapore — một hội nghị thượng đỉnh an ninh quốc tế lớn.
“Về căn bản tôi quyết định rằng cần củng cố năng lực của Nhật Bản trong vòng năm năm tới và bảo đảm rằng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ tăng lên đáng kể,” ông Kishida cho biết Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI) đã đưa ra báo cáo.
Ông Kishida cho biết Nhật Bản phải chuẩn bị cho “sự xuất hiện của một thực thể chà đạp lên hòa bình và an ninh của các quốc gia khác bằng vũ lực hoặc đe dọa mà không tuân theo các quy tắc.”
“Bản thân tôi có nhận thức mạnh mẽ rằng Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai,” ông Kishida cảnh báo trong khi nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải hợp tác chặt chẽ hơn để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở.”
Ông cũng phản đối những thay đổi đơn phương bằng vũ lực đối với hiện trạng, bất kể những thay đổi này xảy ra ở đâu.
Mặc dù ông Kishida không công khai nêu tên Trung Quốc trong bài diễn văn của mình, nhưng ông chỉ ra những tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như căng thẳng về Đài Loan.
Ông cho biết những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông vẫn đang tiếp diễn và vi phạm luật pháp quốc tế.
‘Tam Giác Sắt’
Các chuyên gia coi việc tăng cường liên minh giữa Hoa Kỳ-Nhật Bản-Nam Hàn là một biện pháp hạn chế khả dĩ hơn đối với sự bành trướng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Ryo Sahashi, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Tokyo, nói với The Epoch Times rằng cuộc gặp cho thấy sự củng cố của liên minh này, thường được gọi là “Tam Giác Sắt.”
Ông nói thêm rằng việc liên kết với cả Ấn Độ sẽ củng cố hơn nữa an ninh trong khu vực.
Ông Sahashi cho biết điều đó sẽ buộc Bắc Kinh phải đối mặt với tình thế “hai mặt trận.”
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra, các hoạt động trên cả hai bên bờ Eo biển Đài Loan đã trở thành tâm điểm quốc tế.
Ông Austin đã vạch ra chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan tại Đối thoại Shangri-La, cũng như những lo ngại của ông về sự hung hăng của Bắc Kinh đối với hòn đảo tự trị này.
“Chúng tôi vẫn tập trung vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hiện trạng trên Eo biển Đài Loan. Nhưng các hành động [của Bắc Kinh] đe dọa làm suy yếu an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và điều đó rất quan trọng đối với khu vực này, cũng như quan trọng đối với thế giới rộng lớn hơn,” ông bày tỏ.
Ông Austin nhấn mạnh rằng Hoa Thịnh Đốn vẫn tuân thủ “chính sách một Trung Quốc” lâu đời, công nhận Bắc Kinh nhưng cho phép mối bang giao không chính thức với Đài Bắc.
“Giờ đây, như một phần của chính sách một Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết của mình theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Trong đó bao gồm việc hỗ trợ Đài Loan duy trì khả năng tự vệ hoàn chỉnh,” ông cho biết.
“Và điều đó có nghĩa là duy trì năng lực của chính chúng ta để chống lại bất kỳ việc sử dụng vũ lực hoặc các hình thức cưỡng bách khác có thể gây nguy hại cho an ninh hoặc hệ thống kinh tế hoặc xã hội của người dân Đài Loan.
“Vì vậy, chính sách của chúng tôi là không thay đổi. Nhưng thật không may, điều đó dường như không đúng với CHND Trung Hoa,” ông nói, nhắc đến tên viết tắt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).
Ông Sahashi nói rằng chính phủ dân chủ của Đài Loan là một sự tương phản rõ rệt với chế độ độc tài toàn trị của Trung Quốc.
Ông cho biết Đài Loan ngày càng nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia chia sẻ các giá trị chung, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn.
Bà Winnie Han tường thuật về tin tức Trung Quốc cho The Epoch Times.