Predjama – Tòa lâu đài 800 năm tuổi tọa lạc trên vách núi
Lâu đài Predjama tọa lạc tại lối vào của một hang động khổng lồ ở phía tây nam Slovenia, bên dưới là một vách đá dựng đứng cao 400 feet. Nó đã từng là một pháo đài bất khả xâm phạm chống lại đội quân xâm lược của Vương tộc Habsburg.
Theo truyền thuyết địa phương, lâu đài có bề dày 800 năm lịch sử này từng bị chiếm giữ bởi một hiệp sĩ nổi loạn tên là Erasmus. Cuộc đời của ông đã kết thúc một cách vô tình tại gian ngoài của lâu đài khi đang đối phó với một cuộc bao vây.
Ghi chép sớm nhất về lâu đài Predjama là từ năm 1274. Tòa lâu đài thời Trung cổ tuyệt đẹp này ban đầu được xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic, bám vào những vách đá thẳng đứng giống như cảnh tượng trong phim giả tưởng. Nó đã truyền cảm hứng cho lâu đài hư cấu trong cuốn tiểu thuyết “Trò chơi Vương quyền” (tựa gốc tiếng Anh: A Song of Ice and Fire) của tác giả người Mỹ George R.R. Martin.
Lâu đài Predjama là một kiến trúc mới lạ kết hợp khéo léo giữa công trình nhân tạo và quần thể hang động tự nhiên khổng lồ. Nó cũng có những lối đi bí mật, hướng lên có thể thông đến đỉnh của vách đá, nơi những người cư ngụ trước đây có thể ra vào và vận chuyển vật tư một cách biệt lập; hướng xuống thì có thể tiến vào mạng lưới hang động kéo dài hơn tám dặm. Lâu đài Predjama đã được trao Kỷ lục Guinness thế giới cho lâu đài hang động lớn nhất thế giới.
Lâu đài này ban đầu được thiết kế với chức năng phòng thủ, không phải để sinh sống thoải mái. Nơi đây lạnh và ẩm ướt, đặt ra những thách thức khôn lường đối với những kẻ muốn bao vây. Nhiều thế kỷ trước, để vào cửa trước của lâu đài thì phải dùng thang, thang này có thể kéo lên nhanh chóng trong trường hợp bị tấn công. Tầng trên có các vòm, lỗ bắn tên, qua đó quân phòng thủ có thể đổ dầu sôi hoặc nhựa cây nóng bỏng lên quân địch.
Theo truyền thuyết địa phương, những hệ thống phòng thủ này đã được kinh qua thử nghiệm vào thời điểm đó. Erasmus of Lueg là Lãnh chúa của một điền trang vào thế kỷ 15. Trước đó tại Vienna, trong một cuộc đấu tay đôi, Erasmus đã giết chết Thống chế Pappenheim, chỉ huy của Quân đội Hoàng gia, khiến Vương tộc Habsburg hùng mạnh tức giận.
Để trốn khỏi sự trả thù của Hoàng đế Thánh chế La Mã Frederick III, Erasmus đã chạy đến lâu đài Predjama bất khả xâm phạm thuộc sở hữu của gia tộc ông. Từ đây, ông bắt đầu tấn công các thuộc địa và thị trấn của Habsburg. Để khiến quân phản loạn phải quỳ gối, Frederick III đã phái một đội quân đi bắt hoặc giết Erasmus. Thống đốc Andrej Ravbar của thành phố Trieste đã lãnh đạo cuộc bao vây lâu đài Predjama kéo dài liên tục trong suốt một năm.
Tương truyền, vào mùa đông, Erasmus đã chế nhạo kẻ địch của mình bằng cách ném những trái anh đào tươi và thịt bò nướng từ trên tường thành xuống cho những người lính đang bao vây, vì ông biết rằng họ nhất định đã đói. Erasmus thậm chí còn mời các chỉ huy quân đội cùng dùng bữa tối với thịt cừu trong lễ Phục sinh. Ông chính là có can đảm như vậy.
Vào thời điểm đó, một trong những người hầu của Erasmus đã phản bội ông, cấu kết với chỉ huy quân đội mưu đồ chấm dứt cuộc bao vây. Gian ngoài của lâu đài là một khu vực lộ thiên, nhô ra khỏi vách đá và rất dễ bị pháo kích. Khi Erasmus đi ra gian ngoài, người hầu này đã ra hiệu cho chỉ huy quân đội, quân đội đốt đuốc và bắn một tràng đại bác, hạ gục vị kỵ sĩ đồng thau vốn không mảy may cảnh giác.
Người dân địa phương nói rằng người tình của Erasmus sau đó đã trồng một cây bồ đề tại nơi an nghỉ của ông; cây này đã bị hư hại do hỏa hoạn vào năm 2001, nhưng nó vẫn phát triển ở đó cho đến ngày nay.
Sau khi Erasmus qua đời, gia tộc Oberburgs đã mua lại tòa lâu đài. Sau đó vào thế kỷ 16, tòa lâu đài đã được xây dựng lại bởi gia tộc Purgstall, và bị phá hủy trong trận động đất vào năm 1511. Cuối cùng, Nam tước Philipp von Cobenzl đã sở hữu tòa lâu đài này và trùng tu vào năm 1570 theo phong cách của thời kỳ Văn hóa Phục hưng.
Hiện tại, huy hiệu sói (wolf coat-of-arms) treo ở lâu đài Predjama không khác gì nhà Stark đại diện cho gia tộc Windisch-Grätz. Gia tộc này là chủ sở hữu cuối cùng của lâu đài, họ đã sử dụng nó như một nhà nghỉ để đi săn bắn, mãi cho đến khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến. Lâu đài này sau đó đã bị chính quyền cộng sản Nam Tư tiếp quản và biến thành bảo tàng quốc gia.
Giờ đây, lâu đài Predjama chỉ cách thị trấn Postojna 15 phút về phía đông bắc, đã mở cửa và chào đón du khách quanh năm. Cửa trước của nó hiện đã được hạ xuống, cho phép du khách tiến vào lâu đài qua một cây cầu treo.
Bên trong lâu đài, xuyên qua những cánh cửa gỗ dày, có một lối đi dẫn đến phòng hành quyết, nơi những phạm nhân bị kết án tử hoặc bị ném xuống một cái hố sâu 200 feet. Liền kề với nó là một phòng cực hình/địa lao, trong đó có một cái giá để kéo tù nhân, một con ngựa gỗ để tù nhân cưỡi và một cột roi hình.
Sau khi đi qua những nơi không mấy vui vẻ này sẽ đến một phòng ăn hấp dẫn, những bức tường của nó dày hơn 5 feet, được giữ ấm bởi một nhà bếp nhỏ nhưng đầy đủ chức năng.
Từ đây, cầu thang sẽ dẫn đến một tầng lầu từng được sử dụng làm doanh trại và trạm quan sát, nhưng hiện đã được chuyển đổi thành kho vũ khí trưng bày áo giáp, thương, kiếm, búa chiến, trường cung, nỏ, kích và khiên có hoa văn sư tử.
Cũng ở lầu trên, du khách có thể thưởng ngoạn tầm nhìn tuyệt đẹp hướng về thung lũng Lokva từ sân hiên lộ thiên của lâu đài, bên cạnh là gian ngoài trong truyền thuyết ở trên (đã được xây dựng lại). Du khách cũng có thể chiêm ngưỡng loại đạn pháo dường như giống hệt với viên đạn đã quyết định số phận của Erasmus.
Gần đó là phòng ngủ chính – căn phòng duy nhất trong lâu đài có lò sưởi – mãi cho đến năm 1980, những người trông coi lâu đài đều sống ở đây.
(Bấm vào đây để xem video liên quan).