Phó Tổng thống Hoa Kỳ lên án các hành động ‘đáng lo ngại’ của Trung Quốc
YOKOSUKA, Nhật Bản — Hôm thứ Tư (28/09), Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã lên án các hành động “đáng lo ngại” của Trung Quốc ở Thái Bình Dương trong khi cam kết làm sâu sắc hơn “mối bang giao không chính thức” với Đài Loan, vài ngày sau khi chính phủ Hoa Kỳ cam kết rằng quân đội Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo này.
Bà Harris đưa ra nhận xét của mình trên khu trục hạm USS Howard trong chuyến thăm tới căn cứ hải quân lớn nhất ở ngoại quốc của Hoa Kỳ tại Yokosuka, gần thủ đô Nhật Bản.
“Trung Quốc đang phá hoại các yếu tố quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” bà Harris, người đang có chuyến công du bốn ngày tới Á Châu, nói.
“Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự và kinh tế của mình để cưỡng bách và đe dọa các quốc gia lân bang. Và chúng tôi đã chứng kiến những hành vi đáng lo ngại ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và gần đây nhất là những hành động khiêu khích qua Eo biển Đài Loan.”
Lời nhận xét trước các thủy thủ Mỹ mặc quân phục trắng này được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden cam kết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 18/09 rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ bảo vệ hòn đảo tự trị Đài Loan trước một “cuộc tấn công chưa từng có”.
Hoa Kỳ tán thành chính sách “một Trung Quốc” trong đó chính thức công nhận Bắc Kinh, nhưng ràng buộc chính phủ Hoa Kỳ phải cung cấp cho hòn đảo được quản trị một cách dân chủ Đài Loan các phương tiện để tự vệ.
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là của riêng mình, mặc dù Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế, có quân đội, chính phủ được bầu cử dân chủ, và hiến pháp riêng.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ lâu đã tuyên bố sẽ đưa Đài Loan vào dưới quyền kiểm soát của mình và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để làm như vậy.
Chính phủ Đài Loan phản đối mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của ĐCSTQ và nói rằng chỉ có 23 triệu dân Đài Loan mới có quyền quyết định tương lai của hòn đảo này.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan hồi tháng Tám, khiến ĐCSTQ tức giận, và sau đó đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay xung quanh hòn đảo này.
Bà Harris cho biết quân đội Hoa Kỳ sẽ hoạt động trong khu vực này “không hề nao núng và không sợ hãi” ngay cả khi Hoa Kỳ dự đoán là ĐCSTQ sẽ tiếp tục các hành động “gây hấn”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối bất kỳ sự thay đổi hiện trạng đơn phương nào,” bà nói. “Và chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ quyền tự vệ của Đài Loan, nhất quán với chính sách từ xưa đến nay của chúng tôi. Đài Loan là một nền dân chủ sôi động đóng góp vào lợi ích toàn cầu — từ công nghệ đến y tế, và hơn thế nữa, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn mối bang giao không chính thức của chúng tôi.”
Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng Hoa Kỳ cần quay trở lại chính sách một Trung Quốc và “dứt khoát nói rõ rằng họ phản đối tất cả các hoạt động ly khai của Đài Loan.”
Căng thẳng leo thang
Chuyến đi của bà Harris tới Nhật Bản, đồng minh khu vực thân cận nhất của Hoa Thịnh Đốn, nhằm trấn an các nước đồng minh và ngăn chặn bất kỳ sự leo thang nào.
Các phụ tá cho biết bà Harris sẽ làm việc trên một cách tiếp cận thống nhất trong một khu vực nơi các nhà lãnh đạo đang thận trọng theo dõi căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Căn cứ nơi bà Harris diễn thuyết có 24,000 nhân viên quân sự và dân sự, những người có thể được kêu gọi trong một cuộc xung đột khu vực. Đây cũng là nơi đồn trú của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, chiến hạm này hiện đang ở Nam Hàn để tham gia các cuộc tập trận chung nhằm răn đe Bắc Hàn. Bà Harris sẽ đến thăm khu phi quân sự chia cắt hai miền Hàn Quốc vào thứ Năm (29/09).
Ông Biden dự kiến sẽ tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trên cương vị tổng thống với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp của G-20 (Nhóm các nền kinh tế lớn) vào tháng Mười Một tới đây tại Indonesia.
Trước khi bà Harris nói chuyện với quân nhân Hoa Kỳ, bà đã bước xuống boong tàu và được xem màn trình diễn về khả năng chống tàu ngầm và hỏa tiễn của chiến hạm này.
Một tư lệnh chỉ vào bản đồ kỹ thuật số hiển thị một kẻ thù giả định, một “quốc gia thù địch” mà ông từ chối xác định.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times