Trung Quốc trừng phạt CEO quốc phòng Mỹ để trả đũa việc bán vũ khí cho Đài Loan
Hôm 16/09, chính quyền Trung Quốc cho biết họ đang trừng phạt các giám đốc điều hành hàng đầu của hai công ty vũ khí Hoa Kỳ để trả đũa việc bán vũ khí cho Đài Loan gần đây.
Hôm thứ Sáu (16/09), tại một cuộc họp giao ban thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) cho biết, các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với ông Gregory J. Hayes, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Công nghệ Raytheon, và ông Theodore Colbert, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Quốc phòng, Không gian và An ninh Boeing, vì sự can dự của công ty họ trong giao dịch [với Đài Loan].
Hành động này diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao hôm 02/09 đã chấp thuận thương vụ bán thiết bị quân sự tiềm năng trị giá 1.1 tỷ USD cho Đài Loan. Gói thầu này bao gồm 60 hỏa tiễn chống hạm và 100 hỏa tiễn không đối không, trong đó các nhà thầu chính lần lượt là Tập đoàn Quốc phòng Boeing, một chi nhánh của công ty Boeing, và Raytheon.
Bà Ninh đã không cung cấp chi tiết về những gì có trong các lệnh trừng phạt đó hay những lệnh này sẽ được thực thi như thế nào. Các biện pháp trừng phạt trước đây đối với các cá nhân phương Tây đã cấm họ nhập cảnh vào Trung Quốc hoặc kinh doanh ở đó. Những hạn chế như vậy không có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến ông Hayes hoặc ông Colbert.
Nhà cầm quyền Trung Quốc thường xuyên phản ứng mạnh mẽ và trừng phạt chống lại các biện pháp của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà chế độ này coi là của riêng mình và nếu cần thiết, sẽ bị chiếm bằng vũ lực. Tuy nhiên, Đài Loan chưa bao giờ nằm dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và vẫn đang là một thực thể riêng biệt trong hơn 70 năm qua.
Hồi tháng Tám, để đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đến Đài Loan — quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Bắc trong 25 năm qua — nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động các cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay xung quanh hòn đảo này, cũng như phát động các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng của Đài Loan, áp dụng các lệnh cấm nhập cảng đối với các sản phẩm của Đài Loan, hủy bỏ liên lạc quân sự với Hoa Kỳ, và ngừng hợp tác với Hoa Thịnh Đốn trong một số lĩnh vực bao gồm khí hậu.
Chính quyền Trung Quốc cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt không xác định đối với bà Pelosi để trả đũa chuyến thăm của bà.
Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Đài Loan và bị ràng buộc bởi luật pháp trong việc cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.
Chính quyền Trung Quốc trước đây đã từng trừng phạt Raytheon, Tập đoàn Quốc phòng Boeing, và các cá nhân không xác định liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan. Nhưng thông báo hôm thứ Sáu đã đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc chỉ đích danh các cá nhân từ các công ty đó như là mục tiêu của các lệnh trừng phạt.
Đầu tuần này, một ủy ban của Thượng viện đã thông qua một dự luật quan trọng sẽ thúc đẩy đáng kể sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Nó bao gồm 4.5 tỷ USD hỗ trợ an ninh bổ sung trong vòng bốn năm và ủng hộ sự tham gia của Đài Bắc vào các tổ chức quốc tế.
Mặc dù hành động này thu hút sự phản đối từ phía Bắc Kinh, nhưng các nhà lập pháp lưỡng đảng đã ca ngợi dự luật này, điều mà họ cho là cần thiết để củng cố mối liên hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan.
Dân biểu Steve Chabot (Cộng Hòa-Ohio) nói rằng dự luật này là một bước quan trọng trong việc bảo đảm rằng Đài Loan có thể duy trì khả năng phòng thủ và ngăn chặn một cuộc xâm lược tiềm tàng của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Chúng tôi phải bảo đảm rằng Đài Loan hoàn toàn có thể tự vệ, có thể có một nền kinh tế mạnh, và sẽ không bị [Trung Quốc] bắt nạt, điều mà họ luôn cố gắng làm,” ông Chabot nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, hôm 14/09.
Dự luật Đài Loan này có thể sẽ trở thành một phần của một dự luật lớn hơn dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay, chẳng hạn như Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), một chính sách thiết lập ngân sách hàng năm cho Bộ Quốc phòng.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times