Philippines phát hiện hơn 100 tàu dân quân Trung Quốc trong vùng lãnh hải
Tàu hải cảnh Trung Quốc đã suýt va chạm với tàu tuần duyên Philippines ở Biển Đông hôm 23/04
Hôm 28/04, Lực lượng Tuần Duyên Philippines (PCG) cho biết, hồi tuần trước (17-23/04), hơn 100 tàu dân quân Trung Quốc đã bị phát hiện đang tập trung thành đoàn quanh vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và không chịu rời đi dù được ra lệnh phải làm như vậy.
PCG cho biết họ đã khai triển hai tàu — BRP Malapascua và BRP Malabrigo — để tiến hành một cuộc tuần tra hàng hải kéo dài một tuần ở Biển Đông hôm 18/04 theo lệnh của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, PCG đã phát hiện hơn 100 tàu dân quân biển của Trung Quốc, một lớp tàu hộ tống của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), và hai tàu hải cảnh Trung Quốc tại một số khu vực do Philippines kiểm soát.
Hai tàu PCG này đã cử các thuyền bơm hơi thân cứng của họ để giải tán hơn 100 tàu dân quân Trung Quốc đang di chuyển thành đoàn gần Đá Julian Felipe — trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm (322 km) của nước này — nhưng vô ích.
Lực lượng tuần duyên của nước này cho biết trong một tuyên bố, “Không có tàu CMM [dân quân biển Trung Quốc] nào phản ứng hoặc thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để rời khỏi khu vực.”
PCG cho biết các tàu của họ đã đưa ra “nhiều thách thức qua sóng vô tuyến” đối với khoảng 18 tàu dân quân biển Trung Quốc đang tập trung quanh Bãi Sabina (hay Bãi Chóp Mao) thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, họ đã từ chối tuân thủ mệnh lệnh này.
Tàu Trung Quốc và tàu Philippines ‘suýt va chạm’
PCG cũng tuyên bố rằng, hôm 21/04, một tàu Hải quân PLA đã đi ngang qua các tàu của họ ở khoảng cách 7 hải lý tính từ đảo Thị Tứ — mà Manila gọi là đảo Pag-asa — thuộc Quần đảo Trường Sa.
PLA đã ra lệnh cho hai tàu Philippines rời đi và cảnh báo sẽ “có chuyện” nếu họ không tuân thủ. Đáp lại, PCG tuyên bố các khu vực này thuộc quyền tài phán của Philippines và thay vào đó kêu gọi tàu Hải quân PLA này rời đi.
Hôm 23/04, hai tàu PCG nói trên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình và di chuyển đến Bãi cạn Ayungin và đã bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc “thực hiện các chiến thuật hung hăng” để chặn lại.
Một trong các tàu Trung Quốc đã “thực hiện các thao tác nguy hiểm” cách tàu BRP Malapascua 50 thước Anh (45.72 m), do đó gây ra “mối đe dọa đáng kể” đối với sự an toàn và anh ninh của tàu PCG cùng thủy thủ đoàn.
PCG cho biết tàu hải cảnh thứ hai của Trung Quốc đã bám sát tàu BRP Malabrigo ở khoảng cách 700 thước Anh (640 m).
AFP đưa tin rằng một tàu hải cảnh Trung Quốc đã chặn một tàu tuần tra của Philippines ở Bãi cạn Ayungin, dẫn đến một vụ “suýt va chạm.” AFP là một trong số các hãng thông tấn tham gia cuộc tuần tra trên biển của PCG hôm 23/04.
“Mũi tàu của chúng tôi sẽ va vào nhau nếu tôi không thể ngăn con tàu của chúng tôi lại. Tôi thậm chí đã lùi động cơ chỉ để giảm tốc độ, để cho chúng tôi không đâm vào nhau,” sĩ quan chỉ huy tàu Malapascua ông Rodel Hernandez nói với AFP.
Bãi cạn Ayungin, còn được Trung Quốc gọi là Bãi Thomas thứ hai hoặc Đá Nhân Ái, thuộc quần đảo Trường Sa, cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 105 hải lý.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 quy định vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường biên giới của các quốc gia ven biển là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ của mình theo cái gọi là “đường chín đoạn.” Hồi năm 2016, Tòa án The Hague đã ra phán quyết ủng hộ vụ kiện của Philippines. Tuy nhiên, phán quyết này không cho khiến cho Trung Quốc cộng sản thay đổi hành vi của mình, cụ thể là các tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển của Philippines.
Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, và Brunei cũng đã mâu thuẫn với chính quyền Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Trước đó trong tháng Hai, PCG đã báo cáo rằng một tàu hải cảnh Trung Quốc đã sử dụng “tia laser cấp độ quân sự” nhằm vào tàu của Philippines ở Bãi cạn Ayungin để cản trở một nhiệm vụ tiếp tế, khiến thủy thủ đoàn trên tàu bị mù tạm thời.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times