Philippines cam kết vạch trần hoạt động xâm phạm của Trung Quốc ở Biển Đông
Hôm 09/07, Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) cho biết quốc gia của họ sẽ không ngừng vạch trần các hoạt động xâm phạm của tàu Trung Quốc ở Biển Đông như một phần trong chiến lược đánh đuổi các lực lượng Trung Quốc ra khỏi vùng lãnh hải của Philippines.
Phát ngôn viên Jay Tarriela của PCG cho biết điều này sẽ khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích các hành động của Trung Quốc và ngăn chặn các tàu Trung Quốc chiếm đóng quần đảo do Philippines kiểm soát trong vùng biển tranh chấp.
“Nếu quý vị để chúng [tàu Trung Quốc] tụ tập ở một khu vực cụ thể mà quý vị không thể công khai, hoặc không ai hay biết, thì đó có thể là cách tốt nhất để những tàu này chiếm đóng và kiểm soát [khu vực đó],” ông Tarriela nói với một phát thanh viên địa phương.
“Vì vậy, đối với chúng ta, việc vạch trần hành động này là rất quan trọng, và sau đó — chỉ khi đó — chúng ta mới khai triển được những tài sản chính phủ của mình.”
Ông Tarriela cho biết PCG cũng sẽ tăng cường tuần tra hàng hải ở những khu vực mà tàu Trung Quốc đã bị phát hiện, đặc biệt là ở Iroquois Reef (Đảo đá Khúc Giác), nơi có báo cáo về “sự hiện diện đáng báo động” của các tàu Trung Quốc.
Hơn 40 tàu Trung Quốc bị phát hiện
Quân đội Philippines cho biết hôm 30/06 họ đã phát hiện 48 tàu đánh cá Trung Quốc xung quanh Đảo đá Khúc Giác, phía nam Bãi Cỏ Rong — một rạn san hô giàu dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Các Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) cho biết những phi công trên chiếc NV312, một phi cơ tuần tra hạng nhẹ Britten Norman Islander của Hải quân Philippines, đã báo cáo vụ việc này sau khi thực hiện nhiều chuyến bay qua Đảo đá Khúc Giác.
Năm tàu khác của Trung Quốc — ba tàu hải cảnh Trung Quốc và hai tàu Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân — “thường xuyên lảng vảng” tại Bãi cạn Sabina (hay Bãi Chóp Mao), thuộc quần đảo Trường Sa, theo AFP.
Họ nói rằng các báo cáo sẽ được đệ trình lên các cơ quan cao cấp hơn để có thể nộp đơn kháng nghị ngoại giao.
“Những diễn biến này làm dấy lên lo ngại đáng báo động về ý định và hành động của Trung Quốc trong vùng biển này,” AFP viết trên Facebook.
“Bãi Cỏ Rong (Recto Bank), một ranh giới quan trọng của Philippines nắm giữ tiềm năng to lớn đối với an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế của đất nước, hiện đang là tâm điểm chính trong mối lo ngại ngày càng tăng về hành vi gần đây của Trung Quốc.”
Trong khi đó, PCG cho biết các tàu của họ — BRP Malabrigo và BRP Malapascua — đã bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc “đi theo, quấy rối, và cản trở” khi các tàu này đang trợ lực cho một hoạt động hải quân ở Bãi cạn Ayungin hôm 03/06.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp bày tỏ lo ngại
Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Pháp đã bày tỏ mối lo ngại của họ đồng thời kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuân thủ luật pháp quốc tế và phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague, vốn ủng hộ các khiếu nại của Philippines ở Biển Đông.
Đặc phái viên Hoa Kỳ MaryKay Carlson viết trên Twitter: “Chúng tôi lo ngại trước những hành động thiếu chuyên nghiệp của lực lượng tuần duyên Trung Quốc đối với lực lượng tuần duyên Philippines.”
“Hành vi vô trách nhiệm của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] ở Biển Đông đe dọa đến an ninh và các quyền hợp pháp của đồng minh theo hiệp ước của chúng ta, Philippines.”
Đại sứ quán Nhật Bản tuyên bố rằng “các hành động đơn phương của Trung Quốc” trong vùng biển tranh chấp gây ra “mối lo ngại nghiêm trọng” đối với hòa bình và ổn định khu vực, trong khi Đại sứ quán Pháp tuyên bố rằng họ “kiên quyết phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe dọa” ở Biển Đông.
Trung Quốc: Cái giá phải trả là uy tín
Ông Raymond Powell, một cựu quan chức Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, đã mô tả Biển Đông là “điểm nóng của hoạt động vùng xám,” nơi ĐCSTQ “có thể hành động mà không bị trực tiếp nhìn thấy, hoặc bị chú ý, hoặc phải chịu trách nhiệm công khai.”
ông Powell, một thành viên tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot, nói với Đài Á Châu Tự do hôm 04/07, “Khi đây là một hoạt động vùng xám, nói chung thì, thông điệp gửi tới chính phủ của quốc gia có liên quan, và thông điệp này là: ‘Các vị không muốn leo thang điều này. Các vị muốn mối bang giao của mình với Trung Quốc càng không rắc rối càng tốt. Vậy giờ các vị đã biết chúng tôi có quyền tài phán ở đây, nên hãy giữ bí mật này giữa chúng ta thôi.”
Ông Powell nói rằng việc công khai những vụ việc như vậy sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá bằng uy tín.
Ông nói: “Vì vậy, những gì Philippines đã và đang làm khi công bố những bức ảnh và video về những vụ việc đã và đang cố gắng làm sáng tỏ vùng xám này. Giả thuyết của chúng tôi là nếu quý vị làm sáng tỏ hoạt động ở vùng xám, thì quý vị làm được hai việc: Quý vị xây dựng sự kiên cường cho xã hội của chính mình trước hoạt động đó, để mọi người bắt đầu mong đợi và cho quý vị cơ hội để phản kháng. Và sau đó, về lâu dài, quý vị hy vọng sẽ ngăn chặn được hoạt động đó bởi vì hiện nay, tác nhân trong vùng xám – Trung Quốc – đang phải trả giá bằng uy tín.”
Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ của mình theo cái gọi là đường chín đoạn. Tòa án The Hague ra phán quyết ủng hộ vụ kiện pháp lý của Philippines hồi năm 2016, nhưng điều đó hầu như không ảnh hưởng gì đến các hành động của Trung Quốc.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times