Liên minh Âu Châu sẵn sàng hợp tác với Philippines về an ninh hàng hải
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu cho biết, Liên minh Âu Châu (EU) sẵn sàng tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Philippines cũng như ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 về tranh chấp Biển Đông.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã gặp mặt Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Manila vào hôm thứ Hai (31/07), trong đó bà cam kết tăng cường hợp tác với quốc gia Đông Nam Á này về thương mại, các loại nguyên liệu thô trọng yếu, và an ninh.
Bà Von der Leyen cho biết hợp tác an ninh hàng hải giữa EU và Philippines sẽ bao gồm việc trao đổi thông tin và đánh giá về các mối đe dọa. Bà cũng nhấn mạnh EU sẵn sàng giúp Lực lượng Tuần duyên Philippines cải thiện năng lực.
Bà Von der Leyen nói trong một thông cáo báo chí: “Bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang thay đổi. Môi trường này không ngừng biến động, và ngày càng nhiều mối đe dọa. Các nhà lãnh đạo độc đoán cho thấy họ sẵn sàng hiện thực hóa các mối đe dọa của mình.”
Bà Von der Leyen cũng khẳng định lập trường của EU về việc Tòa Trọng tài năm 2016 vô hiệu hóa các yêu sách lãnh thổ sâu rộng của Trung Quốc tại Biển Đông, cho rằng phán quyết của tòa là “có tính ràng buộc pháp lý” và “cung cấp cơ sở” để giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Bà bày tỏ lo ngại về bầu không khí căng thẳng đang ngày càng gia tăng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi chính quyền Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện của mình qua hoạt động khai triển quân sự, [xây dựng] đảo nhân tạo, và đánh bắt cá trái phép.
“Không thể dung thứ cho việc sử dụng vũ lực bất hợp pháp — không phải ở Ukraine, không phải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. An ninh tại châu Âu và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể bị chia cắt. Những thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ trong thế giới kết nối của chúng ta ảnh hưởng đến tất cả chúng ta,” bà nói thêm.
Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ của mình theo cái gọi là đường chín đoạn. Tòa án The Hague đã ra phán quyết ủng hộ hành động pháp lý do Philippines thực hiện vào năm 2016, mặc dù phán quyết này có rất ít hoặc không có tác động đến các hành động của chính quyền Trung Quốc.
Trước đây Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Pháp đã bày tỏ lo ngại trước các báo cáo về việc các tuần duyên hạm của Philippines bị các tàu Trung Quốc “theo dõi, quấy rối, và cản trở” trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ mọi yêu sách hay hành động dựa trên phán quyết năm 2016 và cho rằng phán quyết “vi phạm nghiêm trọng” Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
“Phán quyết này là bất hợp pháp, không có giá trị, và vô hiệu. Trung Quốc không chấp nhận hoặc công nhận phán quyết này và sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ yêu sách hay hành động nào dựa trên phán quyết này,” Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cho biết vào hôm 12/07, nhân dịp kỷ niệm bảy năm tòa phân xử vụ tranh chấp ở Biển Đông.
Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, và Brunei cũng có mâu thuẫn với chính quyền Trung Quốc về các yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông.
Philippines cam kết bảo vệ chủ quyền
Trong Thông điệp liên bang lần thứ hai vào hôm 24/07, ông Marcos cam kết duy trì các quyền về chủ quyền của Philippines và cam đoan với người dân Philippines rằng chính phủ của ông sẽ không để đất nước “mất đi bất kỳ phần lãnh thổ nào.”
“Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền chủ quyền của mình và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” ông Marcos nói trong bài diễn thuyết của mình.
Ông Marcos, người nhậm chức hồi tháng Sáu năm ngoái, đã thay đổi lập trường thân Trung Quốc của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte và thắt chặt mối bang giao với Hoa Kỳ, đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Dưới sự lãnh đạo của ông, quân đội Hoa Kỳ đã được trao thêm quyền tiếp cận vào các căn cứ quân sự của Philippines, và các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông — mà Manila gọi là Biển Tây Philippines — đã được nối lại.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times