Pháp: Tuần hành kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại phi pháp kéo dài gần 24 năm tại Trung Quốc
STRASBOURG, Pháp — Hôm 24/06, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tổ chức một sự kiện nhằm lên án cuộc bức hại những người tu luyện do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động từ tháng 07/1999 cho đến nay. Đại diện của các tổ chức nhân quyền khác nhau đã có những bài diễn thuyết tại nhiều địa điểm trong thành phố, giúp người dân nâng cao nhận thức về cuộc bức hại này.
Sự kiện diễn ra nhân dịp Ngày Quốc Tế Hỗ Trợ Các Nạn Nhân Tra Tấn (International Day in Support of Victims of Torture) hằng năm (ngày 26/06) của Liên Hiệp Quốc, với mục đích lên tiếng chống lại tội phạm tra tấn, đồng thời tôn vinh và hỗ trợ các nạn nhân còn sống sót trên toàn thế giới.
“Đây là một ngày mà chúng ta tỏ lòng kính trọng của mình với những người đã phải chịu đựng sự không thể tưởng tượng. Đây là dịp để thế giới lên tiếng chống lại những gì không thể nói. Đã là quá muộn để có một ngày được dành riêng để ghi nhớ và hỗ trợ các nạn nhân bị tra tấn và những người sống sót trên toàn thế giới.”
— Nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, năm 1998
Từ tháng 07/1999 đến nay, ĐCSTQ đã không ngừng bức hại những người kiên định niềm tin vào môn khí công Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Đây cũng là nơi duy nhất đàn áp các học viên, trong số hơn 100 quốc gia có phong trào Pháp Luân Đại Pháp phát triển.
Và năm nay, để phản đối cuộc bức hại vô lý, 150 học viên Pháp Luân Đại Pháp từ Pháp, Đức, Ý, Cộng hòa Czech, …, đã tề tựu về Strasbourg để tuần hành phản đối.
Strasbourg là một thành phố nổi tiếng của Pháp, cách thủ đô Paris chỉ hơn hai giờ nếu đi tàu cao tốc, và cách biên giới Đức 4 km. Đây là một trung tâm văn hóa, nghệ thuật, và lịch sử lâu đời. Thành phố này là thủ phủ của vùng Grand Est thuộc miền đông bắc nước Pháp, tỉnh lỵ của tỉnh Bas-Rhin, đồng thời cũng là trụ sở hành chính của hai quận Strasbourg-Campagne (quê hương rượu vang nổi tiếng của Pháp) và Strasbourg-Ville.
Strasbourg cũng là nơi đặt trụ sở chính của nhiều cơ quan trọng yếu thuộc Khối Cộng đồng chung Âu Châu, như Nghị viện Âu Châu, Hội đồng Âu Châu, Tòa án Nhân quyền, Quân đoàn, v.v. và được xem là thủ phủ thứ hai của khối liên hiệp này, sau Brussels.
Chuyên gia về Trung Quốc: ‘Nhân quyền thì không có biên giới’
Quảng trường Kléber được đặt tên theo vị tướng Jean-Baptiste Kléber, nằm giữa trung tâm thương mại Strasbourg, nơi có nhiều du khách qua lại. Tại đây, các diễn giả đã diễn thuyết về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc cũng như mối liên hệ giữa cuộc bức hại Pháp Luân Công đối với châu Âu.
Trong báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc vẫn là “một trong những nước vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tồi tệ nhất trên thế giới.” “Họ tiếp tục phạm tội diệt chủng và tội ác phản nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ. Họ cũng đang không ngừng đàn áp Phật tử Tây Tạng, những người theo Đạo Tin Lành, Đạo Công Giáo, Pháp Luân Công, và Hồi Giáo.”
Từ ngày 20/07/1999 tới nay, hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị chính quyền bắt giam phi pháp, thậm chí bị bức hại đến mất đi sinh mạng (đến nay con số này vẫn chưa thể xác định chính xác). Mức độ tàn ác lại càng thêm khốc liệt khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân áp dụng chính sách: “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể,” “học viên Pháp Luân Công bị thiệt mạng trong trại giam được tính là tự sát,” “hỏa thiêu ngay không cần có sự đồng ý của thân nhân,”…
Ông Hubert Körper, phát ngôn viên của Ủy ban Trung Quốc thuộc Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (ISHR), nói với Epoch Times Tiếng Việt rằng, “Ngày Quốc Tế Hỗ Trợ Các Nạn Nhân Tra Tấn là một ngày rất quan trọng đối với vấn đề nhân quyền, đặc biệt là đối với cuộc bức hại tại Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới.”
“Bức hại ở Trung Quốc có phạm vi rất lớn, nạn nhân là người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, phong trào dân chủ, người theo đạo Cơ Đốc, Hồng Kông với Luật An ninh quốc gia, và cuối cùng là cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.”
“Bức hại Pháp Luân Công bắt đầu từ năm 1999. Chủ đề này hoàn toàn biến mất trên các hãng truyền thông của phương Tây cũng như của Trung Quốc, tuy nhiên cuộc bức hại tàn bạo này vẫn đang diễn ra. Và hiện giờ còn nghiêm trọng hơn.”
Ông Ngô Mạn Dương (Man Yan Ng), thành viên Hội đồng quản trị của tổ chức Asia Vision Foundation có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với Epoch Times Tiếng Việt rằng, “Bức hại học viên Pháp Luân Công là vấn đề về nhân quyền. Và nhân quyền thì không có biên giới.”
Là một chuyên gia về Trung Quốc, ông Ngô nhận định: “Họ (ĐCSTQ) nắm quyền trên toàn Trung Quốc và họ không tôn trọng nhân quyền, họ bức hại các học viên Pháp Luân Công hay những cá nhân khác ở đó. Nếu chính quyền đó có quyền lực trên toàn cầu thì họ có lẽ sẽ vi phạm nhân quyền trên toàn cầu.”
“Chúng ta đều nghe nói về căng thẳng với Đài Loan. Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan,” ông Ngô đề cập đến Đài Loan như một ví dụ. “Trung Quốc tuyên bố rằng Đài Loan và eo biển phía Nam Trung Quốc là thuộc về Trung Quốc. Hơn 50% các chuyến tàu quốc tế vận chuyển hàng hóa đi qua eo biển này. Cả Pháp và Đức đều là các quốc gia xuất siêu, hệ thống kinh tế của họ phụ thuộc vào xuất cảng. Hãy thử nghĩ xem khi tàu chở hàng của các quốc gia đó không đi qua được eo biển này và họ phải đi vòng ra ngoài thì chi phí vận chuyển sẽ cao hơn nhiều, cũng như phải đối mặt với mức độ nguy hiểm cao hơn.”
Diễn hành phản đối bức hại
Vào 14 giờ 30 phút cùng ngày, dưới sự dẫn đường của cảnh sát thành phố, các học viên đã tuần hành qua các đường phố chính của Strasbourg với các phân khúc mang thông điệp khác nhau. Dẫn đầu là đội trống lưng với các bài Pháp Luân Đại Pháp Hảo, Thoái Đảng, …
Tiếp đến là nhóm mang biểu ngữ với nội dung Pháp Luân Đại Pháp Hảo, Pháp Luân Đại Pháp Chân Thiện Nhẫn và mô hình sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp. Theo sau là nhóm học viên luyện công, biểu diễn các bài công pháp của Pháp Luân Công, nhóm mang biểu ngữ lên án cuộc đàn áp, và nhóm phụ nữ trong trang phục màu trắng mang di ảnh một số học viên đã mất đi sinh mệnh vì bức hại. Xen giữa các phân khúc là đội múa rồng của học viên Ba Lan.
Khi đi ngang qua các quầy thông tin, đoàn diễn hành dừng lại và các diễn giả tiếp tục trình bày về bối cảnh của môn khí công cũng như tình hình nhân quyền tại Trung Quốc.
Nếu cứ bức hại người tốt, ‘thì nhân loại sẽ đi về đâu?’
Cô Sandra Genin, một học viên đã tu luyện 23 năm đến từ Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (Falun Info), giới thiệu về Pháp Luân Công: “Hơi giống yoga của Trung Quốc.” Cô cho biết, “Đối với thân, chúng tôi tập các bài công pháp. Đối với tâm, chúng tôi thực hành chân, thiện, nhẫn trong cuộc sống thường nhật. Môn tu luyện này cho phép chúng tôi trở thành người tốt hơn với nguyên lý này. Đây là những nguyên lý phổ quát.”
“Cần phải biết rằng bản thân chính quyền Trung Quốc, chính họ đã từng khuyến khích môn tập này khắp mọi nơi,” cô giải thích về bối cảnh của môn tu luyện này tại Trung Quốc. “Vào thời điểm đó có từ 70 đến 100 triệu học viên tại Trung Quốc. Đối diện với thực tế này, họ này trở nên khó chịu.” Cô nói: “Mặc dù nhiều người trong chính phủ ủng hộ Pháp Luân Công, nhưng chủ tịch nước thời bấy giờ, ông Giang Trạch Dân (vừa qua đời vào tháng Mười Một năm 2022), chính ông ta đã dàn dựng cuộc đàn áp này. Năm 1999, ông ta quyết định trong vòng ba tháng sẽ xóa sổ Pháp Luân Công vì môn tu luyện này là mối đe dọa đến quyền lực của ông ta.”
Thông qua sự kiện lần này, cô mong muốn truyền đạt tới thế giới rằng, “Thông điệp của chúng tôi là mọi người có thể biết rằng trong một thế giới như thế này, mọi thứ diễn ra rất nhanh, có những người muốn trở nên tốt hơn nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Và việc bức hại, tra tấn đến thiệt mạng những người muốn trở nên tốt đẹp hơn, nếu cứ tiếp tục như thế này thì nhân loại sẽ đi về đâu?”
Nghị viện Âu Châu lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc
Nghị viện Âu Châu đã nhiều lần lên án cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Trong “Nghị quyết của Nghị viện Âu Châu ngày 12/12/2013 về hoạt động thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc,” Nghị viện kêu gọi “ngay lập tức trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, trong đó có những học viên Pháp Luân Công.”
Ảnh tư liệu phiên điều trần của Nghị viện Âu Châu năm 2016 về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. (Ảnh: Minghui.org)
Hôm 05/05/2022, Nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết khác, “nghị quyết của Nghị viện Âu Châu về các báo cáo thu hoạch nội tạng liên tục ở Trung Quốc,” trong đó “lên án mạnh mẽ hoạt động thu hoạch nội tạng đang diễn ra ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và nhấn mạnh rằng “cưỡng bức thu hoạch nội tạng là tội ác phản nhân loại.”
Những nghị quyết này là một lời kêu gọi thúc giục ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Ngoài việc lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Nghị viện Âu Châu cũng đã thực hiện các biện pháp để nâng cao nhận thức về vấn đề này. Năm 2016 và năm 2021, Nghị viện đã tổ chức các phiên điều trần về thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Các phiên điều trần đó có lời chứng của các học viên Pháp Luân Công từng là nạn nhân của cuộc đàn áp cũng như từ các chuyên gia về cấy ghép nội tạng.
Việc Nghị viện Âu Châu lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công là một bước quan trọng trong việc buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền của mình.
Người dân lên án cuộc bức hại
Sau khi biết rằng cuộc bức hại tàn ác đã diễn ra từ năm 1999, một người dân qua đường, cô Tumelero Ilhem, nói với Epoch Times Tiếng Việt: “Chúng tôi thấy rất chấn động. Chúng tôi cảm thấy bàng hoàng và đau buồn. Chúng tôi không tin chuyện như thế này lại xảy ra ở Trung Quốc.”
“Chúng tôi phản đối hành vi này. Họ cần chấm dứt làm như vậy ở Trung Quốc. Chúng tôi hết lòng ủng hộ các bạn, cùng toàn thể người dân Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu người đứng đầu chính quyền Trung Quốc can thiệp và bảo đảm không còn tình trạng ngược đãi như vậy đối với một số tù nhân mà họ đang bị giam giữ hoặc đối với các công dân Trung Quốc khác,” cô lên tiếng yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt bức hại. “Chúng tôi hết lòng ủng hộ các bạn.”
Đến từ Cameroon, anh Christian (hóa danh) cũng tìm hiểu thông tin về cuộc bức hại thông qua tờ rơi mà các học viên phân phát. Anh đã đọc về cuộc tàn sát diễn ra tại Cameroon năm 1955 dưới chế độ độc quyền. Anh nói: “Vì vậy, khi tôi nhìn vào cuộc bức hại này, tôi biết nó là gì. Tôi phản đối cuộc bức hại. Không ai có quyền bức hại một cá nhân.” Anh tiếp tục bày tỏ rằng, “Điều đó [cuộc bức hại] là bị cấm bởi vì chính những người như bạn và tôi đã ngồi tại Liên Hiệp Quốc và viết ra Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Mọi cá nhân đều tự do, không ai có quyền [bức hại người khác].”
Và cuối cùng, anh muốn chia sẻ thông điệp tới những người khác: “Chúng ta phải phản đối, chúng ta cần thông tin cho nhau biết.”
Phượng Hoàng thực hiện