PHÂN TÍCH: Liệu thế giới có thể tin tưởng vào dữ liệu kinh tế của Trung Quốc?
Dữ liệu chính thức của Bắc Kinh cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ tốt hơn dự kiến trong quý 3, nhưng một số chuyên gia cảnh báo rằng số liệu của chính quyền này là không đáng tin cậy.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong quý 3, với động lực là doanh số bán lẻ cao hơn và sản xuất công nghiệp ngày càng tăng. Tuy nhiên trong lúc thị trường tài chính vẫn đang đánh giá tình hình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thì một số nhà quan sát lại đặt câu hỏi về độ tin cậy của dữ liệu từ Bắc Kinh.
Trong một bài báo năm 2017 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, các chuyên gia kinh tế cho rằng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã “cải thiện dữ liệu nguồn và phương pháp thu thập của họ,” khiến chất lượng của số liệu thống kê chính thức sau cùng tăng lên.
Tuy nhiên, rất nhiều điều đã thay đổi trong sáu năm qua. Những hành động gần đây của chính quyền độc tài này cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng nỗ lực hết sức để che giấu những dữ liệu nhất định có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc.
Hồi tháng Sáu, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên mức cao kỷ lục 21.3%, làm nổi bật những thách thức kinh tế mà nhóm dân số trẻ này đang phải đối mặt. Điều này đã khiến chính quyền phải vùi lấp các con số và ngừng công bố dữ liệu này.
Ông Antonio Graceffo, một nhà kinh tế và nhà phân tích về Trung Quốc, nói với The Epoch Times: “Tôi tin rằng dữ liệu này không đáng tin cậy. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì chúng ta có.” Ông cho biết thêm rằng các nhà phân tích có thể xem xét các số liệu gián tiếp để xác định độ chính xác của dữ liệu từ ĐCSTQ.
Ví dụ, trong đại dịch COVID-19, Trung Quốc tuyên bố mức độ hoạt động của các nhà máy là bình thường. Tuy nhiên, các dữ liệu khác lại cho thấy không có tình trạng ô nhiễm và rất ít hoạt động đi lại từ những nơi đó, ông Graceffo, một cộng tác viên của The Epoch Times, nói thêm.
Trong những năm gần đây, đã có những lựa chọn thay thế đến từ khu vực tư nhân.
Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng Toàn cầu Caixin (PMI), vốn xác định quỹ đạo của ngành sản xuất hoặc dịch vụ, là một ví dụ về một thước đo phi chính phủ. Morning Consult, một công ty thu thập dữ liệu, theo dõi tâm lý người tiêu dùng bằng cách hỏi người Trung Quốc suy nghĩ của họ về nền kinh tế (những câu hỏi này được mô phỏng theo Chỉ số Tâm lý người Tiêu dùng của Đại học Michigan).
Đi sâu hơn vào dữ liệu
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại trong quý 3 do thị trường địa ốc trì trệ và áp lực giảm phát đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Theo NBS, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4.9% trong giai đoạn từ tháng Bảy đến tháng Chín, giảm từ mức 6.3% trong quý 2. Nhưng con số này cao hơn ước tính đồng thuận là 4.4%.
So với quý trước, tốc độ tăng trưởng GDP quý 3 đã tăng 1.3%, tăng từ mức điều chỉnh giảm 0.5%. Con số này cũng cao hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà kinh tế là 1%.
Con số tổng quan tốt hơn mong đợi đã củng cố hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ đạt được mục tiêu hàng năm là 5.1% trong năm nay.
Các nhà nghiên cứu của NBS đã công bố một tuyên bố ca ngợi “sự lãnh đạo mạnh mẽ” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phần còn lại của ĐCSTQ.
NBS cho biết trong một tuyên bố, “Tất cả các khu vực và các bộ ngành đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy mô hình phát triển mới, thực hiện các bước đi vững chắc nhằm thúc đẩy phát triển chất lượng cao, thực hiện điều tiết chính sách kinh tế vĩ mô một cách chính xác và mạnh mẽ, nỗ lực mở rộng nhu cầu trong nước, tăng cường niềm tin, và phòng ngừa rủi ro.”
“Kết quả là nền kinh tế quốc gia duy trì đà phục hồi và cải thiện với các yếu tố tích cực ngày càng nhiều lên, sản xuất và cung ứng tăng dần, nhu cầu thị trường tiếp tục mở rộng, việc làm và giá cả nhìn chung được cải thiện, chất lượng phát triển được đề cao đều đặn.”
Doanh số bán lẻ tăng với tốc độ hàng năm là 5.5% trong tháng Chín, thể hiện mức tăng lớn nhất trong thương mại bán lẻ kể từ tháng Năm.
Đồng thời, Trung Quốc vẫn đang cùng lúc loay hoay với giảm phát. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở mức 0% trong tháng Chín và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng tăng ở mức thấp hơn 0.2% so với dự kiến. Giá bán sỉ cũng thấp hơn dự báo khi chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế của ING vẫn kỳ vọng lạm phát cả năm sẽ đạt mức 1% vào năm tới.
Họ viết trong một ghi chú, “Cho dù Bắc Kinh có đưa ra bất kỳ biện pháp nào trong những tháng tới, thì biện pháp đó có thể sẽ không đủ nhanh để tạo ra bất kỳ sự khác biệt có ý nghĩa nào cho đến năm 2023, và trong trường hợp tốt nhất, thì nó chỉ nên được xem như một công cụ quản lý tổn thất để chuyển đổi sang một nền kinh tế ít đòn bẩy nợ nần hơn. Và quá trình chuyển đổi đó là một dự án kéo dài nhiều năm.”
Lĩnh vực công nghiệp và địa ốc
Sản lượng công nghiệp không thay đổi trong tháng trước, tăng trưởng tốt hơn mức dự kiến 4.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Hiệu suất sử dụng công suất của ngành cũng tăng lên 75.6% trong quý trước, tăng từ mức 74.5%. Hoạt động sản xuất gần đây đã chuyển biến tích cực lần đầu tiên kể từ tháng Ba, khi chỉ số PMI của NBS ghi nhận mức tăng trong tháng Chín do các biện pháp kích thích tài khóa gần đây từ Bắc Kinh.
Đầu tư địa ốc tiếp tục lao dốc, giảm mạnh 9.1% trong chín tháng đầu năm 2023 và không đạt được như dự báo của thị trường.
Bích Quế Viên (Country Garden), nhà phát triển địa ốc tư nhân lớn nhất quốc gia, đang trên đà vỡ nợ với khoản nợ ngoại quốc trị giá 11 tỷ USD vì vẫn chưa thực hiện khoản thanh toán lãi suất 15 triệu USD cho các nhà đầu tư trái phiếu.
Hằng Đại (Evergrande), nhà phát triển địa ốc lớn thứ hai Trung Quốc, tiếp tục gặp khó khăn khi phải đối mặt với khoản nợ 300 tỷ USD. Sau khi vỡ nợ vào năm 2021, công ty này đã bắt đầu nỗ lực tái cấu trúc, nhưng các nhà quan sát trong ngành cảnh báo rằng kế hoạch này đang gặp rủi ro vì các cuộc điều tra theo quy định đối với một công ty con về phát triển địa ốc.
Đầu tư tài sản cố định giảm xuống 3.1%, giảm từ mức 3.2% và không đạt mức ước tính đồng thuận 3.2%.
Việc làm ở Trung Quốc
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của tháng Chín đã giảm xuống mức thấp trong gần hai năm là 5%, giảm từ mức 5.2%. Tuy nhiên, Trung Quốc không chia sẻ bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động vì Bắc Kinh đã ngừng công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên.
Capital Economics cho biết trong một báo cáo nghiên cứu: “Quyết định ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên ngay sau khi số liệu này chạm tới mức cao kỷ lục không tạo ra niềm tin.”
Kể từ sau đại dịch, cả quốc gia này đã phải chật vật với tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Các nhà kinh tế khẳng định có hai lý do dẫn đến xu hướng này. Đầu tiên là có sự mất cân bằng to lớn giữa số lượng sinh viên tốt nghiệp dư thừa và bối cảnh kinh tế đang chậm lại, không tạo ra đủ cơ hội việc làm. Thứ hai là những sinh viên tốt nghiệp trẻ tuổi đang tìm kiếm cơ hội việc làm tại văn phòng, vốn không phù hợp với mục tiêu mở rộng sản xuất của chính quyền.
Tuy nhiên, ông Graceffo không tin lý do mà Bắc Kinh viện dẫn cho tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong giới trẻ, khi nêu lên rằng lĩnh vực sản xuất đã thu hẹp gần như trong suốt năm 2023.
Ông nói thêm: “Các công việc trong lĩnh vực sản xuất của họ đang không được lấp đầy vì giới trẻ từ chối làm những nghề đó ư? Không phải vậy đâu.”
Các chuyên gia cho rằng đây là vấn đề do tự Bắc Kinh tạo ra khi chính quyền này thúc đẩy tuyển sinh đại học trong nhiều thập niên. Những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm kiềm chế nền kinh tế tư nhân cũng đã bóp nghẹt ngành dịch vụ. Sau khởi đầu vững chắc vào đầu năm 2023, lĩnh vực dịch vụ đã có quỹ đạo đi xuống và ở dưới mức trước khủng hoảng.
“Thông điệp dành cho các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc là rất rõ ràng: tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp trong khi hạn chế ngành dịch vụ và trợ cấp cho ngành xây dựng là chính sách kinh tế tồi tệ và thậm chí còn là chính sách xã hội tồi tệ hơn,” các nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Ngoại giao (CFR) viết. “Biện pháp đó sẽ khiến nền kinh tế mất cân bằng của Trung Quốc càng trở nên méo mó hơn nữa và gây bất mãn cho một nhóm dân số ở độ tuổi mà Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào sau này để có được sức sống cho quốc gia trong tương lai.”
Nghĩa là, con số 21.3% cũng có thể gây hiểu lầm, ông Graceffo lưu ý. Con số này có thể cao tới 40%.
“Vì ở Trung Quốc, có những người đã rời bỏ lực lượng lao động vì họ không thể tìm được việc làm. Họ chỉ ngừng tìm kiếm thôi,” ông nói. “Và khi chúng ta tính thêm cả những người đó vào con số 23% người thất nghiệp, quý vị có thể có tới 30 hoặc 40% thanh niên Trung Quốc không có việc làm hoặc đang thất nghiệp hoặc đã bỏ cuộc.”
Phản ứng của thị trường
Thị trường Á Châu yên tĩnh sau dữ liệu kinh tế mới. Chỉ số Hang Seng và chỉ số Tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite) đã hầu như không thay đổi. Thị trường Nhật Bản và Nam Hàn cũng giao dịch ổn định.
Ông Mark Makepeace, Giám đốc điều hành của Wilshire Indexes, cho biết những diễn biến tệ hại nhất có thể đã qua đối với Trung Quốc.
Ông nói với CNBC về dữ liệu mới nhất, “Trung Quốc đã thành công và sẽ trở thành địa điểm đầu tư quan trọng trong tương lai, nhưng trong ngắn hạn, Trung Quốc có một số vấn đề. Chúng ta không thấy mức tăng trưởng trên thị trường mà chúng ta từng chứng kiến trong quá khứ, nhưng tiềm năng là vẫn có.”
Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại
Bộ Thương mại thông báo hôm 17/10 rằng bộ dự định hạn chế bán vi mạch bán dẫn trí tuệ nhân tạo (AI) cao cấp hơn cho Trung Quốc như một phần trong nỗ lực loại bỏ những kẽ hở xuất hiện kể từ khi chính phủ Hoa Kỳ áp đặt các hạn chế đối với xuất cảng vi mạch AI.
“Các bản cập nhật này được thiết kế chuyên để kiểm soát quyền tiếp cận đối với năng lực điện toán, là năng lực mà nếu không có sẽ làm chậm đáng kể bước tiến phát triển của CHND Trung Hoa trong mẫu hình tiên phong thế hệ tiếp theo, và là năng lực mà có thể bị lợi dụng theo những cách đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta, đặc biệt là vì những năng lực này có thể được áp dụng cho mục đích ứng dụng cũng như hiện đại hóa quân sự,” Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết trong một tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng các sửa đổi sẽ chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ thị trường vi mạch AI.
Bà nói: “Thực tế là Trung Quốc, ngay cả sau khi quy định này được cập nhật, vẫn sẽ nhập cảng hàng trăm tỷ USD vi mạch bán dẫn từ Hoa Kỳ.”
Các quy định mới này dự kiến sẽ tác động đến nhiều công ty, bao gồm cả AMD, Broadcom Intel, Marvell, và Nvidia.
Vì một rào cản đối với một thị trường vi mạch bán dẫn AI rất lớn đã được dựng lên, nên dư luận lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sẽ trả đũa các công ty Hoa Kỳ đang kinh doanh tại Trung Quốc, khơi mào một cuộc chiến thương mại mới.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times