PHÂN TÍCH: Các công ty ngoại quốc có đang rời bỏ Trung Quốc?
Ngày càng có nhiều công ty ngoại quốc trở nên thất vọng với Trung Quốc vì xung đột địa chính trị, tăng trưởng chậm chạp, và những rắc rối về tiền tệ.
Phải chăng đang có rắc rối lớn ở Trung Quốc nhỏ bé* (“big trouble in little China”)?
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với hàng loạt thách thức kinh tế, từ rủi ro giảm phát đến hoạt động nhà máy thu hẹp. Nhưng mối đe dọa mới đối với bối cảnh kinh tế Trung Quốc có thể bắt nguồn từ việc vốn ngoại quốc giã biệt Bắc Kinh.
Trong những năm gần đây, các tập đoàn đa quốc gia ở nhiều ngành công nghiệp khác nhau đã ngày càng trở nên lo ngại về nhiều loại rủi ro địa chính trị, sự can thiệp của chính phủ trung ương, và tăng trưởng mờ nhạt của Trung Quốc. Những rủi ro này thêm vào làn sóng các vấn đề trong nước, như nợ chính quyền địa phương ngày càng chồng chất và sự sụp đổ của lĩnh vực địa ốc, vốn chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội nước này.
Dù là xu hướng rút sản xuất hay gửi lợi nhuận về nước, thì Trung Quốc cũng đều có thể cần phải thuyết phục các tổ chức ngoại quốc cân nhắc lại kế hoạch quay trở về nước của họ.
Đầu tư trực tiếp ngoại quốc sụt giảm
Một thước đo quan trọng về đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) vào Trung Quốc đã lần đầu tiên ghi nhận kết quả âm kể từ năm 1998, làm nổi bật “xu hướng giảm rủi ro” và những thách thức kinh tế ngày càng tăng.
Theo dữ liệu mới do Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE) công bố, đầu tư trực tiếp vào trong nước (khoản mục Direct investment liabilities trên cán cân tài chính) — một thước đo về đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) — đã chạm mức âm 11.8 tỷ USD trong quý 3. Để so sánh, trong quý 3/2022, con số này ở mức 14.1 tỷ USD.
SAFE mô tả là dữ liệu về khoản mục đầu tư trực tiếp vào trong nước có bao gồm lợi nhuận thuộc về các công ty ngoại quốc chưa được chuyển về nước hoặc phân bổ cho các cổ đông.
Tháng trước (10/2023), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố số liệu sơ bộ về đo lường FDI, cho thấy mức giảm 8.4% trong chín tháng đầu năm 2023. Đây là mức tăng nhanh so với mức giảm 5.1% trong tám tháng đầu năm.
Dòng vốn chảy ra mới nhất xác nhận rằng ngày càng có nhiều công ty ngoại quốc rút vốn khỏi Bắc Kinh thay vì tái đầu tư vào hoạt động của họ. Mặc dù các chuyên gia khẳng định rằng Trung Quốc không phụ thuộc vào vốn ngoại quốc như trước đây, nhưng xu hướng này nhấn mạnh cách các tập đoàn đang điều chỉnh cách nhìn của họ về nền kinh tế Trung Quốc.
Tiến sĩ Tenpao Lee, giáo sư kinh tế tại Đại học Niagara, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times: “Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang trong tình trạng rất tệ.”
Chính trị của việc ‘giảm rủi ro’
Trung Quốc phải đối mặt với một loạt thách thức: tăng trưởng chậm chạp sau đại dịch, áp lực giảm phát, và những nỗ lực phi toàn cầu hóa dai dẳng.
FDI liên tục sụt giảm cũng gây áp lực lên đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, vốn đã giảm khoảng 6% so với đồng USD trong năm nay và chạm mức thấp nhất trong một thập niên. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang cố gắng đảo ngược sự mất giá của đồng nhân dân tệ, nhưng tâm lý suy yếu của nhà đầu tư đối với chứng khoán, trái phiếu, và các khoản đầu tư mới của Trung Quốc đang đè nặng lên đồng tiền này.
Các nhà phân tích thị trường đã ám chỉ rằng nỗi lo về tăng trưởng là yếu tố chính khiến dòng vốn chảy ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên, ông Lee lại tin rằng xu hướng này trở nên mạnh hơn là do xung đột địa chính trị và những nỗ lực giảm thiểu rủi ro ngày càng tăng từ phía chính phủ Hoa Kỳ.
Trước hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tuần này (13-19/11), Tòa Bạch Ốc đã khẳng định rằng Hoa Kỳ đang không tách rời khỏi Trung Quốc mà là giảm bớt rủi ro bằng cách không còn phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất về nhu cầu thương mại của mình. Lúc đó Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã ngụ ý về thương mại ngày càng tăng với Việt Nam, Singapore, và Ấn Độ.
“Về lâu dài, vì chúng ta xem Trung Quốc là một mối đe dọa nên chính sách dài hạn là chúng ta sẽ chuyển nguồn cung ứng sang các nước khác. Đó là bước khởi đầu cho việc giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc,” ông Lee nói. “Trên thực tế, điều đó có nghĩa là quý vị có thể chuyển các khoản đầu tư của mình, chẳng hạn như sản xuất nhà máy sang các nước khác.”
Ông nói thêm: “Đó là một công việc rất khó hoàn thành.”
Các quan chức Trung Quốc đã phản đối sáng kiến giảm rủi ro. Hồi tháng Chín, tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Thúc Giác Đình (Shu Jueting) đã nói với các phóng viên rằng mục tiêu tốt nhất là ổn định mối bang giao.
Phát ngôn viên này cho biết: “Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để ‘giảm rủi ro’ là quay trở lại với sự đồng thuận đã được hai nguyên thủ quốc gia đồng ý tại Bali, đưa quan hệ thương mại Trung-Mỹ trở lại con đường phát triển ổn định, lành mạnh.”
Xuất cảng có tác động
Kể từ đại dịch COVID-19, các công ty ngoại quốc đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, giảm liên quan đến Bắc Kinh, và chuyển hoạt động về nước.
Một cuộc khảo sát hồi tháng Chín của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Thượng Hải cho thấy hơn một nửa trong số 325 công ty thành viên lạc quan về triển vọng kinh doanh năm năm của họ, mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát được khai triển vào năm 1999.
Ông Sean Stein, Chủ tịch AmCham Thượng Hải, cho biết trong báo cáo, “Trung Quốc đang trở nên thách thức hơn đối với các nhà đầu tư ngoại quốc. Điều mà các doanh nghiệp cần hơn hết là sự rõ ràng và có thể dự đoán được, tuy nhiên trên nhiều lĩnh vực, các công ty báo cáo rằng môi trường pháp lý và quy định của Trung Quốc đang trở nên kém minh bạch và ngày càng bất ổn hơn.”
Tập đoàn Vanguard đã thực hiện bước cuối cùng để loại bỏ hoàn toàn sự hiện diện ở Trung Quốc. Vậy là một trong những đại công ty quản lý đầu tư lớn nhất thế giới đã đóng cửa văn phòng Thượng Hải tại thị trường quỹ tương hỗ trị giá 4 ngàn tỷ USD của nước này.
Sự bất mãn của doanh nghiệp và suy thoái kinh tế trong nước cũng đã thể hiện trong xuất cảng giảm.
Trong tháng Mười, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã thu hẹp xuống còn 56.53 tỷ USD, giảm từ mức 77.71 tỷ USD trong tháng Chín và dưới mức ước tính đồng thuận 82 tỷ USD. Yếu tố đáng chú ý nhất trong báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) là xuất cảng giảm 6.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Các lô hàng đến các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc đều giảm, bao gồm đến Hoa Kỳ (âm 8.2%), Liên minh Âu Châu (âm 12.6%), và Nhật Bản (âm 13%).
Ông Vaibhav Tandon, nhà kinh tế tại Northern Trust, cho biết nếu xuất cảng duy trì quỹ đạo đi xuống, thì vấn đề này có thể có “tác động rộng hơn” đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Tandon viết trong một ghi chú nghiên cứu: “Xuất cảng từng cung cấp sự trợ giúp rất cần thiết cho nền kinh tế Trung Quốc trong lúc nước này đang phải chật vật với các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và thị trường địa ốc sụt giảm. Hàng triệu doanh nghiệp nhỏ hiện đang phải gặp khó khăn để duy trì hoạt động do thu nhập sụt giảm. Nhu cầu nội địa của Trung Quốc vẫn mờ nhạt.”
Ghi chú viết: “Nhu cầu hàng hóa Trung Quốc giảm đã dẫn đến sản xuất và đầu tư chậm lại, góp phần tạo ra môi trường giảm phát. Thời gian giá giảm kéo dài sẽ làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng, làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần.”
Dữ liệu lạm phát của người tiêu dùng và nhà sản xuất sẽ được công bố hôm 08/11. Các nhà kinh tế dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm sẽ giảm 0.1% và chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2.7% so với cùng thời kỳ năm trước.
‘Không thể đầu tư’
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã trấn an các nhà đầu tư ngoại quốc rằng quốc gia này vẫn là thị trường hàng đầu có thể đầu tư.
Hồi tháng Chín, chính quyền trung ương đã nới lỏng kiểm soát vốn đầu tư ở Bắc Kinh và Thượng Hải, bày tỏ cho những người bên ngoài rằng họ có thể chuyển tiền vào và ra khỏi nền kinh tế mà không gặp trục trặc.
Cho đến nay, những nỗ lực này vẫn chưa mang lại niềm tin cho người ngoại quốc. Vô số vấn đề, từ nợ nần chồng chất đến sự can thiệp liên tục vào khu vực tư nhân cho đến việc mở rộng chậm chạp, đã khiến nhiều nhà quan sát suy đoán liệu Trung Quốc hiện có phải là một thị trường “không thể đầu tư” hay không.
Ông Jeroen Blokland, người sáng lập công ty nghiên cứu đầu tư True Insights, viết trên X, trước đây là Twitter: “tình trạng này đặt ra câu hỏi liệu suy đoán này có phù hợp với nhận định là Trung Quốc đang trở nên ‘không thể đầu tư được hay không.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times