Liệu ông Tập có giành được nhiệm kỳ thứ ba? Kết quả đã được định sẵn
Ông Tập Cận Bình giành thế thượng phong bất chấp những vấn đề nan giải ở Trung Quốc cộng sản
Ông Tập Cận Bình đang thuận buồm xuôi gió trên chặng đường tìm kiếm nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba với tư cách là “nhà lãnh đạo tối cao”.
Đại hội Đại biểu lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được triệu tập tại Bắc Kinh hôm 16/10. Đại hội Đảng được tổ chức 5 năm một lần và cung cấp một cái nhìn sơ lược về cương lĩnh của ĐCSTQ, cũng như những ưu tiên của Đảng đối với tương lai. Tại lần Đại hội này, ba chủ đề lớn được lồng ghép vào một bản kế hoạch đã được dàn dựng công phu.
Sự kiện quan trọng đầu tiên là phần trình bày của ông Tập tại lễ khai mạc của Đại hội, tương tự như “thông điệp liên bang” của các Tổng thống Hoa Kỳ. Bài diễn văn của ông Tập gồm có phần bàn luận buồn tẻ về thành tựu mà ông ấy đã đạt được trong những năm qua, những mục tiêu sắp tới, cũng như các ưu tiên hướng đến lễ kỷ niệm 100 năm thành lập “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” vào năm 1949, và các chủ đề yêu thích quen thuộc được gói gọn vào trong tầm nhìn của ông ta về tương lai của Trung Quốc (một phiên bản mới của “Giấc mộng Trung Hoa”).
Tờ Trung Hoa Nhật Báo (China Daily) đã trích dẫn lời ông Tập nói rằng, “Yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy vai trò lãnh đạo toàn diện của [ĐCSTQ] và chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, xây dựng dân chủ nhân dân trong suốt quá trình, làm phong phú đời sống văn hóa của người dân, đạt được sự thịnh vượng chung cho toàn dân, thúc đẩy sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, xây dựng cộng đồng dân cư với một tương lai chung, tạo ra một hình thức mới về sự tiến bộ của con người.”
Trước đó chúng ta đã nghe ông Tập thao thao bất tuyệt về những chủ đề này quá nhiều lần!
Ông Tập cũng bình luận về “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc cộng sản, đơn cử như phải thôn tính Đài Loan bằng mọi giá. Sau khi tuyên bố rằng “Tình hình Hồng Kông đã đạt được một bước ngoặt lớn từ hỗn loạn đến quản lý hiệu quả,” ông Tập bày tỏ ĐCSTQ sẽ tiếp tục giữ vững quyết tâm trong việc củng cố chủ quyền quốc gia “trong khi đối mặt với hoạt động ly khai từ lực lượng ủng hộ ‘Đài Loan độc lập’ và các hành động khiêu khích nghiêm trọng từ thế lực ngoại bang can thiệp vào vấn đề Đài Loan.” Ông cũng khẳng định rằng ĐCSTQ có một chiến lược toàn diện “để giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời đại mới,” hướng đến mục tiêu “hoàn toàn thống nhất” đất nước.
Nói tóm lại, ông Tập đưa ra tín hiệu rằng “Đài Loan là điểm đến tiếp theo” cho tất cả các mục tiêu thực tế.
Phần cuối của bài diễn văn không có gì bất ngờ, và ông Tập dường như nắm quyền kiểm soát vững chắc Đại hội, ĐCSTQ, và cả đất nước nói chung. Một vài nhà quan sát suy đoán rằng ông Tập sẽ tuyên bố nới lỏng “chính sách zero COVID” hà khắc của ĐCSTQ, nhưng điều này đã không diễn ra.
[Lưu ý: các đại biểu quốc hội sẽ có cơ hội “góp ý” cho báo cáo của ông Tập bằng cách gửi các khuyến nghị phát sinh trong các nhóm làm việc trong tuần lễ này, nhưng các khuyến nghị được dự đoán chỉ là làm cho có và không có gì to tát.]
Hai sự kiện quan trọng trong tuần còn lại gồm:
“Cuộc bầu cử” bởi hơn 2000 đại biểu để thống nhất bầu “lãnh đạo tối cao” Tập Cận Bình nắm giữ nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba trong vai trò Tổng bí thư ĐCSTQ. Cuộc bầu cử này như một màn hài kịch, bởi vì không có phiếu “chống” hoặc phiếu trắng nào được phép xuất hiện. Đây chính là phản ánh chân thực của “nền dân chủ mang đặc sắc Trung Quốc.” [Lưu ý: ông Tập cũng đồng thời nắm giữ 2 chức vụ khác: Chủ tịch Quân ủy Trung ương và “Chủ tịch” của Trung Quốc cộng sản. Vị trí Chủ tịch Quân ủy có khả năng cao sẽ được gia hạn cho ông Tập trong Đại hội lần này.]
“Cuộc bầu cử” bầu ra Ban chấp hành Trung ương mới—gồm các thành viên còn lại trong ban lãnh đạo ĐCSTQ—những người sẽ điều hành đất nước trong 5 năm tới. Quy trình này chỉ mang tính hình thức, vì ông Tập và các đồng minh trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị chắc chắn đã đưa ra 370 lựa chọn cho các vị trí này (bao gồm 170 thành viên dự khuyết), và Quốc hội chỉ đơn thuần là chấp thuận các lựa chọn đó. Ông Tập chịu trách nhiệm quản lý bộ máy quan liêu rộng lớn của ĐCSTQ, gồm rất nhiều bộ, ban ngành, ủy ban, cũng như các văn phòng chịu trách nhiệm quản lý và điều tiết nền kinh tế Trung Quốc. Quá trình này không cần (hay không muốn) lấy ý kiến đóng góp từ người dân bởi Bộ Chính trị luôn đưa ra quyết sách bằng hình thức họp kín. Đây là một minh chứng rõ hơn nữa về “nền dân chủ mang đặc sắc Trung Quốc”.
Đại hội lần này cũng thi hành một nhiệm vụ hành chính khác bao gồm phát triển và chấp thuận một sửa đổi đối với hiến chương của ĐCSTQ cho phép ông Tập nắm giữ nhiệm kỳ thứ ba với tư cách Tổng Bí thư. Trước đây, hiến chương Đảng giới hạn các lãnh đạo chỉ được tại vị trong hai nhiệm kỳ. Sửa đổi này cũng có khả năng sẽ gìn giữ và tôn vinh những lời nói nhảm của ông Tập nhằm phát triển [đất nước] theo quan điểm chỉ đạo của chủ nghĩa Marx.
Lựa chọn hay không lựa chọn ông Tập
Vì nhiều lý do, trong những năm vừa qua, có rất nhiều đồn đoán trên các kênh thông tấn thế giới về việc liệu ông Tập sẽ thực tế “được bầu” để nắm giữ nhiệm kỳ thứ ba chưa có tiền lệ hay sẽ bị thế chỗ vì ông đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng—và đang ngày càng tồi tệ hơn—đang hiện hữu dai dẳng tại Trung Quốc.
Các nhà quan sát Trung Quốc đã đưa ra một danh sách đáng kể các vấn đề dường như nan giải, bao gồm:
– Cuộc khủng hoảng tài chính và nợ dài hạn (sắp sửa bùng nổ);
– Nhu cầu sụt giảm trên thị trường nhà ở dân sinh trong nước (có thể do những thay đổi xã hội dẫn đến ngày càng ít người Trung Quốc muốn kết hôn);
– Làn sóng tẩy chay thanh toán các khoản thế chấp tại 340 địa điểm ở 190 thành phố của Trung Quốc;
– Tỷ lệ sinh giảm (có nguyên nhân đáng kể từ chính sách một con do chính phủ áp đặt, sau đó là chính sách hai con và giờ là ba con);
– Cuộc trấn áp đối với ngành công nghệ Trung Quốc (lĩnh vực sôi động nhất của nền kinh tế Trung Quốc);
– Lợi nhuận sụt giảm của các doanh nghiệp nhà nước tại địa phương;
– Độ hóc búa ngày càng tăng của kỳ thi cao khảo (Kỳ thi Tuyển sinh Đại học Toàn Quốc);
– Sự chú tâm của cộng đồng quốc tế tới cuộc diệt chủng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương;
– Tội phạm bạo lực và hoạt động băng đảng gia tăng ở miền trung Trung Quốc;
– Năng suất sản xuất lương thực không đủ cho 1.4 tỷ dân (Trung Quốc là nước nhập cảng thực phẩm lớn nhất thế giới);
– Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (độ tuổi 19-24) đạt kỷ lục 19.3%;
– Sự chỉ trích từ quốc tế khi Bắc Kinh thi hành luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông;
– Số doanh nghiệp ngoại quốc rút khỏi Trung Quốc ngày càng tăng,
– Sự gián đoạn chung của nền kinh tế Trung Quốc do phong tỏa và cách ly tùy tiện theo chính sách “zero COVID” hà khắc của ĐCSTQ.
Chuyên gia lẫy lừng về Trung Quốc Gordan Chang thậm chí đã dự đoán rằng “nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ” có nguyên nhân từ các yếu tố được đề cập bên trên.
Vì thế có những cuộc biểu tình mang tính chu kỳ trong suốt các năm qua bởi các nhóm người: nông dân ở tỉnh Quảng Đông, cư dân ở Thượng Hải và Thâm Quyến phản đối các biện pháp phong tỏa COVID, người gửi tiền ở ngân hàng Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, và tuần vừa rồi là những người phản đối ông Tập tại Bắc Kinh.
Dựa trên các dữ kiện này, có thể nói liệu rằng ông Tập đang gặp rắc rối chính trị, hay có cơ hội nào để ông ấy bước sang một bên và ủng hộ sự thay thế đồng thuận tại Đại hội Đảng lần thứ 20 không? Suy cho cùng thì, đấu tranh nội bộ giữa các phe phái đã trở thành thông lệ trong giới lãnh đạo ĐCSTQ, vì ai lãnh đạo thì người đó quyết định bổ nhiệm vị trí và tiền bạc hóa chức vụ trong bộ máy quan liêu của chính quyền. Vấn đề đấu tranh nội bộ đã trở thành nội dung cho một video từ kênh Trung Quốc Không kiểm duyệt (China Uncensored), tóm tắt ngắn gọn lịch sử về đấu tranh nội bộ giữa các phe cánh của ĐCSTQ, và lập luận rằng có một cuộc đấu tranh chính trị đang diễn ra giữa phe chính trị của ông Tập và phe của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.
Thậm chí có một dòng tweet từ một tài khoản Twitter ở Ấn Độ hồi tháng Chín khẳng định rằng ông Tập đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự: “Ông Tập được đồn rằng đã trải qua một cuộc đảo chính quân sự. Lực lượng đặc nhiệm #PLA đã tập trung tại phi trường quân sự Thẩm Dương theo lệnh của ông Lý Kiều Minh.” Tạp chí Newsweek đã trích dẫn dòng tweet này vào một bài báo vì các biên tập viên nhận định rằng lời đồn này là sự thật. Nhưng không, đó là một tin đồn sai lệch, và việc chuẩn bị cho Đại hội đã diễn ra mà không bị gián đoạn hay có sự cố nào.
Kết luận
Khả năng ông Tập bị phế truất quyền lực trong Đại hội Đại biểu lần thứ 20 của ĐCSTQ gần như bằng không. ĐCSTQ—giống như các đảng cộng sản khác—là một chính thể bảo thủ, không thích những thay đổi lớn và nhanh chóng. Đảng này tìm kiếm sự ổn định, tính hợp pháp, và quyền kiểm soát chính trị xuyên suốt trên tất cả mọi mặt. Đại hội Đảng là một sự kiện được lên kịch bản cẩn thận nhằm thuyết phục dư luận trong và ngoài nước về tính hợp pháp cho sự cai trị của ĐCSTQ, và một cuộc tranh giành quyền lực công khai—đặc biệt là thay đổi lớn trong ban lãnh đạo—sẽ phơi bày trò hề “nền dân chủ mang đặc sắc Trung Quốc” với mọi người, cũng như làm tổn hại đến uy tín của ĐCSTQ trên vũ đài thế giới.
Nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập là điều đã được ấn định. Quốc hội sẽ chấp thuận “Giấc mộng Trung Hoa” được cải tiến của ông Tập. Và phần còn lại của thế giới sẽ quyết định xem liệu có nên đẩy lùi giấc mơ đó hay tiếp tục dung dưỡng cho nó.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times