Ông Putin có thể đến thăm Trung Quốc vào tháng Mười, nhưng bang giao Trung-Nga có ổn không?
Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đến thăm Trung Quốc sau khi Bắc Kinh gộp các vùng lãnh thổ tranh chấp vào lãnh thổ của Trung Quốc trong bản đồ mới, làm dấy lên nghi ngờ về mối bang giao Trung–Nga có vẻ bền chặt.
Hãng truyền thông nhà nước Nga Tass đưa tin, cố vấn chính sách ngoại giao của ông Putin là ông Yury Ushakov cho biết hôm 25/07 rằng Tổng thống Nga đã nhận được lời mời từ Trung Quốc và dự định sẽ đến thăm nước này vào tháng Mười khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đăng cai Diễn đàn Vành đai và Con đường.
Tuy nhiên, tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm 30/08, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân không xác nhận liệu Tổng thống Putin có đến thăm vào tháng Mười hay không, thay vào đó ông cho biết Trung Quốc đang liên lạc với các đối tác về Diễn đàn Vành đai và Con đường và sẽ tiết lộ thông tin liên quan vào thời điểm thích hợp.
Hôm 01/09, ông Putin một lần nữa tuyên bố rằng ông dự kiến sẽ sớm gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo hãng thông tấn Nga Interfax, Tổng thống Putin cho biết ông sẽ gặp lãnh đạo Trung Quốc và sẽ sớm có một số hoạt động giữa hai bên.
Tổng thống Putin nói, “Ông [Tập] đã gọi tôi là một người bạn, và tôi rất vui được gọi ông ấy là bạn, vì ông ấy là người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của mối bang giao Nga-Trung Quốc.”
Hôm 28/08, trước khi ĐCSTQ xác nhận chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc đã công bố “bản đồ tiêu chuẩn” phiên bản 2023 của mình. Bản đồ này bao gồm một số khu vực tranh chấp, trong đó có Đài Loan, các đảo ở Biển Đông, hai khu vực giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và đảo Hắc Hạt Tử (Heixiazi) giữa biên giới Nga và Trung Quốc.
Ngay sau khi bản đồ này được công bố, các nước liên quan ngay lập tức phản đối. Tuy nhiên, Moscow không nói gì. Sau ba ngày im lặng, hôm 31/08, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phủ nhận sự tham gia của ĐCSTQ vào việc sáp nhập lãnh thổ Nga.
Bà nói: “Trung Quốc và Nga giữ nguyên lập trường, rằng vấn đề biên giới giữa hai nước đã được giải quyết từ lâu.”
Bà Shakarova cho biết không có vấn đề gì về các tuyên bố lãnh thổ chung giữa Nga và Trung Quốc, quốc gia đã ký hiệp ước năm 2005 nhằm phân định chủ quyền đối với đảo Hắc Hạt Tử và vẽ đường biên giới dài 4,300 km vào năm 2008.
Bà nói: “Việc giải quyết vấn đề đường biên giới giữa Nga và Trung Quốc là kết quả của nhiều năm nỗ lực của cả hai bên,” và gọi đây là “một ví dụ thành công về giải quyết tranh chấp biên giới cho tất cả các nước trên thế giới.”
Một bài xã luận hôm 31/08 trên tờ Washington Examiner đã chỉ ra rằng Moscow, quốc gia thường phẫn nộ trước những tranh chấp lãnh thổ như vậy, lần này đang thực hiện một giải pháp rất khác, và việc công khai đầu hàng ĐCSTQ là một dấu hiệu của sự yếu kém.
Bài xã luận này viết, “Ông Putin cho thấy mối liên hệ của mình với ông Tập Cận Bình là một ‘liên kết đối tác không giới hạn’ giữa những người bình đẳng có chung lợi ích và đối mặt với các mối đe dọa chung. Nhưng trên thực tế, như được nhấn mạnh ở đây, là Trung Quốc xem Nga như cấp phó của mình, một đối tác cấp dưới mà về căn bản có thể bị mua chuộc để trợ lực cho nghị trình quốc tế của Bắc Kinh.”
“Ông Putin có thể không thích điều này. Nhưng xét đến phản ứng của bà [Maria] Zakharova trong vụ việc này, thì ông Putin xem ông Tập là một đối tác vô cùng quan trọng. Ông ta cần ông Tập. Và thế là ông ta sẵn sàng nhượng bộ ông Tập.”
Ông Giang Trạch Dân có liên quan
Đảo Hắc Hạt Tử hay còn gọi là đảo Bolshoi Ussuriysky, nằm ở cực đông của Trung Quốc, là nơi nhìn thấy mặt trời mọc sớm nhất ở Trung Quốc. Hòn đảo này là một vùng châu thổ bị dòng chảy chính của sông Hắc Long và sông Ussuri làm xói mòn, có diện tích khoảng 335 km2. “Hắc Hạt Tử” có nghĩa là con “gấu đen” ở vùng đông bắc Trung Quốc. Người ta nói rằng sở dĩ hòn đảo có tên như vậy là vì vùng lân cận của hòn đảo này có gấu sinh sống.
Đảo Hắc Hạt Tử thuộc quyền quản lý của Trung Quốc kể từ thời nhà Đường (618–907 sau Công nguyên). Tuy nhiên, vào cuối thời nhà Thanh (sau năm 1860), khi quyền lực của Trung Quốc suy yếu, người Nga đã chiếm lấy vùng đông bắc Trung Quốc thông qua hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng. Do đó, vùng hợp lưu của sông Hắc Long và sông Ussuri đã trở thành biên giới giữa hai nước.
Năm 1929, quân đội Liên Xô chiếm đóng đảo Hắc Hạt Tử, mặc dù đảo này không nằm trong hiệp ước biên giới. Sau đó, hòn đảo bị Liên Xô chiếm đóng, và trở thành một vấn đề chưa giải quyết được trong bang giao Trung–Xô.
Sau khi ĐCSTQ thâu đoạt quyền lực ở Trung Quốc, họ cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo Hắc Hạt Tử. Trong các đơn vị hành chính được công bố khi đó của Trung Quốc, hòn đảo này thuộc thẩm quyền của huyện Phủ Viễn (Fuyuan), tỉnh Hắc Long Giang.
Tuy nhiên, sau khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân lên nắm quyền, ông đã ký Hiệp định Biên giới Trung–Xô năm 1991 với Liên Xô và Nghị định thư về Mô tả Tường thuật các Khu vực phía Đông và phía Tây của Đường biên giới Trung-Nga với Liên bang Nga, lần lượt công nhận đầy đủ hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng giữa chính quyền nhà Thanh và Liên bang Nga.
Năm 2001, ông Giang và cựu tổng thống Nga Boris Yeltsin quyết định đảo Hắc Hạt Tử làm hai nửa. Kể từ đó, ông Giang hoàn toàn từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với nửa phía đông của hòn đảo. Theo Thỏa thuận bổ sung về Phần phía Đông của Biên giới Trung-Nga, được ký tại Bắc Kinh năm 2004, khoảng một nửa đảo Hắc Hạt Tử đã được chuyển giao cho phía Nga. Năm 2008, Trung Quốc và Nga chính thức khánh thành các cột mốc ranh giới trên đảo.
Trong khi phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào, thì bà Shakarova nhấn mạnh đường biên giới được vẽ vào năm 2008, ám chỉ Nga không công nhận bản đồ mới của ĐCSTQ.
Trung Quốc và Nga lợi dụng lẫn nhau
Kể từ khi xâm chiếm Ukraine vào năm 2022, Nga đã bị cô lập trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã và đang giúp đỡ Moscow, dù rõ ràng hay ngấm ngầm, nhằm chống đối Hoa Kỳ.
Từ ngày 20 đến ngày 22/03, ông Tập đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga, trong đó hai chế độ đã đưa ra tuyên bố chung nhằm thiết lập “liên kết đối tác hợp tác chiến lược toàn diện cho kỷ nguyên mới.”
Hôm 07/09, ông Trần Vỹ Kiện (Chen Weijian), nhà văn và tổng biên tập của tờ Mùa xuân Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng ông Tập cần một đối tác như vậy trong hệ tư tưởng độc tài của mình, nếu không ông sẽ trở thành kẻ cô độc, nhưng ông cũng không muốn mạo hiểm mạng sống của mình vì một người bạn như vậy.
Ông Trần nói: “Lý do là sau cuộc chiến Nga–Ukraine, sức mạnh của Nga sẽ suy yếu rất nhiều, và nước này [Nga] thậm chí có thể phải đối mặt với sự chia rẽ khác. Vì vậy, ông Tập Cận Bình chắc chắn không muốn bỏ hết trứng vào một giỏ. Ông ta sẽ ở thế trung lập, đưa ra quyết định căn cứ vào sự chuyển biến của tình hình.”
Tuy rằng ủng hộ Nga, nhưng Bắc Kinh có thể có một mục tiêu khác.
Hồi tháng Năm, ĐCSTQ đã tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á” tại thành phố Tây An, trong đó nguyên thủ quốc gia của 5 quốc gia Trung Á được mời đến nhưng không có Nga. Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan đều là các quốc gia thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, luôn xem Nga như “anh cả.”
Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, Nga đã xem Trung Á là sân sau của mình.
Ông nói với The Epoch Times: “ĐCSTQ đã tiến hành thâm nhập nhưng chưa dám công khai thách thức ảnh hưởng của Nga ở Trung Á, bởi cho đến năm 2022, Nga vẫn rất mạnh trong khu vực, nhưng Nga hiện không thể bảo toàn phạm vi ảnh hưởng của mình được nữa.”
Ông Putin và ông Tập lợi dụng lẫn nhau
Mặt khác, liệu Tổng thống Putin có thực sự tin tưởng ông Tập hay không vẫn còn là một câu hỏi.
Hôm 24/06, sau âm mưu đảo chính của Tập đoàn Wagner, Tổng thống Putin đã gọi điện cho sáu nguyên thủ quốc gia từ Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, và Iran trong hai ngày sau đó để thông báo cho họ về tình hình ở Nga, nhưng không có báo cáo nào về việc Tổng thống Putin liên lạc với ông Tập.
Trong một bài xã luận dành cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, nhà bình luận chính trị Vương Hữu Quần (Wang Youqun) đã chỉ ra rằng Tổng thống Putin không xem ông Tập là “người bạn thân nhất” của mình.
“Mối quan hệ của ông Putin với ông Tập Cận Bình là một trong những mối quan hệ hữu dụng (lợi dụng lẫn nhau khi điều đó có lợi),” ông viết. “Ông Tập Cận Bình cũng tỏ ra lạnh lùng với ông Putin. Trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 24 năm cầm quyền của ông Putin, ông Tập Cận Bình vẫn chưa lên tiếng về sự kiện đó.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times