Ông Pompeo: Trung Quốc theo đuổi lợi ích ‘quân sự chiến lược’ ở Bắc Cực
Theo cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, chế độ cộng sản cầm quyền của Trung Quốc tìm cách mở rộng sang khu vực Bắc Cực để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, củng cố các tuyến đường thương mại, và giành lấy lợi thế quân sự trước Hoa Kỳ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và nhà lãnh đạo của họ, ông Tập Cận Bình, đang đưa Trung Quốc vào con đường hướng tới sự đối đầu với Hoa Kỳ bằng cách theo đuổi các mục tiêu chiến lược tại khu vực này, ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn với Viện Hudson, một tổ chức tư vấn theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống mà ông Pompeo là một thành viên nổi bật.
“Ông Tập Cận Bình đã nói rất rõ rằng ông ấy muốn cầm quyền mãi mãi và cai quản mọi thứ,” ông Pompeo nói. “Tôi nghĩ chúng ta nên xem trọng điều đó.”
“Không còn nghi ngờ gì nữa, ĐCSTQ có những ý định quân sự sâu sắc, mang tính chiến lược ở Bắc Cực.”
Ông Pompeo nói rằng ĐCSTQ đang xâm lấn khu vực Bắc Cực như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bảo đảm an ninh quân sự và kinh tế trước phương Tây. Nỗ lực đó chậm lại một số năm nhưng đã đạt được những tiến triển mới hồi năm 2017 khi ĐCSTQ cố gắng mua một căn cứ hải quân đã ngừng hoạt động ở Greenland.
Ông Pompeo cho biết khu vực Bắc Cực rất quan trọng đối với quốc phòng và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, không chỉ vì các nguồn tài nguyên nằm ở đó, mà còn vì các hỏa tiễn đạn đạo do Trung Quốc hoặc Nga phóng vào Hoa Kỳ sẽ cần phải đi qua khu vực này.
“An ninh quốc gia của Hoa Kỳ phụ thuộc vào khu vực này,” ông Pompeo nói. “Mỗi từng ICBM đặt trên đất liền của Trung Quốc đều phải bay qua khu vực Bắc Cực để đánh trúng các mục tiêu ở đây ngay tại Hoa Kỳ và Canada.”
“Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của chúng ta trước các ICBM như vậy, cho dù chúng đến từ Nga hay Trung Quốc, đều được khai triển chủ yếu ở Bắc Cực, ở Greenland, và Alaska.”
Ông Pompeo nói rằng tám quốc gia của Hội đồng Bắc Cực nên cấm sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực của các quốc gia không thuộc Bắc Cực.
Tám quốc gia thực thi chủ quyền đối với đất liền bên trong khu vực Bắc Cực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển, và Hoa Kỳ.
ĐCSTQ đã gọi Trung Quốc là “quốc gia cận Bắc Cực” để hợp pháp hóa việc di chuyển của mình vào khu vực này, nhưng việc chỉ định này không có thẩm quyền pháp lý và không được công nhận ở bên ngoài Trung Quốc.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc không có bất kỳ sự xác nhận hợp pháp nào về chủ quyền [trong khu vực] mặc dù họ đã đưa ra … ý tưởng về việc họ là một ‘quốc gia cận Bắc Cực này,’” ông Pompeo nói.
“ĐCSTQ không bao giờ được phép trở thành một phần của bất kỳ tổ chức nào đang cố gắng mang lại những hiệu quả cho vùng đất đặc biệt này, kể cả Hội đồng Bắc Cực.”
Tuy nhiên, vì lý do đó, nên ông Pompeo cảnh báo rằng ĐCSTQ và Điện Kremlin có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và điều logic là Hoa Kỳ rất có thể sẽ chứng kiến mối liên kết hợp tác Trung-Nga trong khu vực này khi hai cường quốc đó phối hợp để làm suy yếu phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo.
“Tôi không nghĩ là có bất kỳ cơ hội nào để Trung Quốc đạt nhiều mục tiêu một cách độc lập,” ông Pompeo nói về ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Tôi nghĩ hai vị này hiện đang bị cô lập.”
“Bắc Cực sẽ là một địa điểm khác mà chúng ta có thể thấy hai người họ hợp tác với nhau.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times