Ông Orlando Gutierrez-Boronat: Chế độ cộng sản Cuba trỗi dậy với sự trợ giúp của Cánh tả Mỹ
Chuyên gia về Cuba nói rằng Cuba là một bàn đạp để truyền bá chủ nghĩa xã hội sang Mỹ Latinh và Hoa Kỳ
Cánh tả Mỹ đã góp phần vào sự trỗi dậy của chế độ cộng sản ở Cuba thông qua việc sắp xếp, chuẩn bị, và đưa tin trên truyền thông để biến Cuba trở thành động lực truyền bá chủ nghĩa xã hội sang Hoa Kỳ và Mỹ Latinh, ông Orlando Gutierrez-Boronat, đồng sáng lập và phát ngôn viên của Tổng cục Dân chủ Cuba, một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ trợ giúp nhân quyền ở Cuba, cho biết.
Ông Gutierrez-Boronat cũng là một tác giả từng đoạt giải thưởng, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Georgetown, và là một nhà lãnh đạo cộng đồng. Ông có bằng tiến sĩ về Triết học Nghiên cứu Quốc tế.
Một cuộc khủng hoảng thể chế và chính trị ở Cuba vào những năm 1950 — khi một chính quyền quân phiệt nắm quyền kiểm soát đất nước — đã dẫn đến một cuộc nổi dậy, ông Gutierrez-Boronat nói trên chương trình “American Thought Leaders” (Các nhà lãnh đạo tư tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV trong một cuộc phỏng vấn hôm 28/01.
“Sau đó, ông Castro và các cộng sự của ông ta nắm quyền kiểm soát đất nước này với sự trợ giúp to lớn từ những người theo chủ nghĩa thiên tả Mỹ bằng mọi cách mà quý vị có thể tưởng tượng được.”
Năm 1952, ông Fulgencio Batista, nhận thấy rằng cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Cuba đang giảm dần sau khi ông ta xếp thứ ba trong các cuộc thăm dò, đã tổ chức một cuộc đảo chính quân sự, từ đó trở thành nhà độc tài của Cuba.
Một năm sau, ông Fidel Castro, một luật sư lãnh đạo một nhóm nhỏ các nhà cách mạng, phát động một cuộc nổi dậy chống lại ông Batista mà đỉnh điểm là cuộc lật đổ nhà độc tài không được lòng dân này vào năm 1959. Sau khi lên nắm quyền, ông Castro áp đặt chủ nghĩa xã hội lên Cuba thông qua một chương trình cải cách ruộng đất cực đoan và quốc hữu hóa công nghiệp.
Bàn đạp cho chủ nghĩa xã hội
Ông Gutierrez-Boronat nói, một điều được đề cập rất rõ ràng trong các bài viết của ông Che Guevara, rằng mục đích của cuộc cách mạng Cuba là để tạo ra một nền tảng mà qua đó cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ lan sang Hoa Kỳ và Mỹ Latinh.
Ông Guevara là một nhà cách mạng theo chủ nghĩa Marxist đến từ Argentina, người đã đóng một vai trò nổi bật trong cuộc cách mạng do ông Castro lãnh đạo.
Nhà hoạt động này cho biết: “Ông Castro được hậu thuẫn bởi các cố vấn quốc tế,” những người đã giúp ông ta thiết lập một nhà nước toàn trị ở Cuba.
“Thông qua một sự kết hợp giữa việc trù hoạch và sự chuẩn bị của Đảng Cộng sản Cuba cùng với Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ, và các lực lượng khác của phe cánh tả, một cơ hội đã xuất hiện, và Cuba đã trở thành một lực lượng cho chủ nghĩa xã hội ở Mỹ Latinh.”
Ngay từ đầu, chính quyền ông Castro đã muốn chiếm Venezuela, và kỳ thực, Cuba đã viện trợ cho một cuộc xâm lược vũ trang vào Venezuela năm 1967.
“Điều tương tự cũng được lặp lại ở các quốc gia quan trọng mà [Cuba] cho là cần thiết để tạo ra các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa thống nhất của Mỹ Latinh, và tất nhiên, cũng gây ra căng thẳng xã hội, tranh đấu giai cấp và chuyển hóa hoàn toàn của Hoa Kỳ,” ông Gutierrez-Boronat lý giải.
”Điều đó luôn nằm trong kế hoạch. Kế hoạch này luôn là một phần của chế độ đó – và họ không hề che giấu việc này – những thứ mà chế độ này tuyên bố rằng họ muốn theo đuổi.”
Ông Gutierrez-Boronat đã viện dẫn lời ông Herbert Marcuse, một học giả chủ nghĩa Marxist nổi tiếng của Trường Frankfurt liên kết với Đại học Columbia. Trong cuốn sách có nhan đề “An Essay on Liberation,” (Tạm dịch: Một Tiểu luận về Giải phóng) của mình, ông Marcuse nói rõ ràng “rằng Cách mạng Cuba là cần thiết cho chủ nghĩa xã hội ở Hoa Kỳ.”
Ông Gutierrez-Boronat tiếp tục cho biết rằng từ khi lên nắm quyền, chính quyền Cuba đã là một nơi đào tạo các nhà hoạt động cánh tả của Mỹ quốc, truyền bá tư tưởng, và tạo ra các tổ chức ngầm cũng như mạng lưới gián điệp ở Hoa Kỳ. “Trên khắp khu vực, chế độ này tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ hình thức hoạt động nào nhằm chống lại các kế hoạch của Mỹ và lật đổ các nền dân chủ.”
Truyền thông xây dựng hình ảnh của ông Castro như thế nào?
Ông Gutierrez-Boronat khẳng định rằng truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh của ông Castro tại Mỹ quốc. Chẳng hạn, ký giả Herbert Matthews của New York Times là “nhân tố cần thiết trong việc xây dựng huyền thoại về ông Castro,” nhà hoạt động này chia sẻ.
Hai năm trước khi ông Castro lên nắm quyền, ông Matthews đã đến vùng núi Sierra Maestra ở Cuba, nơi ông Castro đang tổ chức một phong trào du kích chống lại nhà độc tài Cuba và sau đó là tổng thống Batista.
Ông Gutierrez-Boronat nói rằng rõ ràng ông Castro chỉ có 20 tùy tùng, nhưng ông Matthews đã mô tả ông này trước công chúng Hoa Kỳ, như thể ông ta đã có cả một đội quân hàng trăm người vậy.
Ông cho biết hồi năm 1959, chỉ vài tháng sau khi lên nắm quyền, ông Castro đã đến thăm Hoa Kỳ. Tại đây, ông ta được giới thiệu là một nhà cải cách dân chủ, chống cộng sản, và thân Mỹ. “Tất cả những điều đó là sai sự thật. Họ đang xây dựng một nhà nước cộng sản ở Cuba.”
Ông cũng nhận định rằng việc ông Matthews đưa tin về ông Castro, cũng như chuyến công du của ông Castro tới Hoa Kỳ, là những bước được thực hiện để bằng cách nào đó làm chệch hướng sự chú ý của công chúng khỏi những gì Cánh tả đang thực sự làm ở Cuba.
Trong chuyến đi Mỹ của mình, ông Castro nói với giới truyền thông Mỹ rằng: “Tôi đã nói rất rõ ràng — chúng tôi không phải là những người cộng sản.”
Vào thời điểm đó, ông Castro cũng tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn của đài CBC: “Quan điểm của chúng tôi là … mọi người đều có quyền suy nghĩ theo ý họ muốn [và] đây là một nguyên tắc dân chủ. Chúng tôi không có lý do gì để cấm bất kỳ loại quan điểm nào, quan điểm là một nguyên tắc của dân chủ, và đó là lý do duy nhất để chúng tôi không cấm bất kỳ ý kiến nào cả.”
“Chúng tôi không sợ một ý kiến nào bởi vì chúng tôi có ý kiến của mình, và chúng tôi tin tưởng vào ý kiến của mình,” ông Castro nói thêm.
Chỉ hai năm sau, cuối cùng ông Castro đã thừa nhận trong một bài diễn văn trên truyền hình rằng: “Tôi là một người theo chủ nghĩa Marx-Lenin và sẽ là một người như vậy cho đến cuối đời.”
Sửa đổi hình ảnh của chủ nghĩa xã hội
“Đến năm 1959, ông Khrushchev đã tiết lộ những tội ác của ông Stalin tại đại hội đảng cộng sản. Cuộc xâm lược của [Liên Xô] vào Hungary năm 1956 đã diễn ra, cùng với việc dập tắt các cuộc đình công của công nhân Đông Đức; tất cả những thứ đó đã chìm vào quên lãng. Mọi người đã chứng kiến chủ nghĩa cộng sản hà khắc như thế nào rồi,” ông Gutierrez-Boronat giải thích thêm về việc giới truyền thông đưa tin tích cực về nhà lãnh đạo cộng sản Cuba như thế nào.
“[Thời điểm đó,] Cánh tả cần một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công mà không có bất kỳ vết nhơ ô danh nào mà chủ nghĩa Stalin đã gây ra trên thế giới.”
“Sau đó, cuộc cách mạng này diễn ra ở một quốc gia nhiệt đới với một số nhà lãnh đạo có sức thuyết phục hứa hẹn những điều không tưởng và thiên đường cho người dân Cuba. Họ đã bắt đầu xây dựng điều đó ngay từ đầu.”
Bài diễn văn bí mật nổi tiếng đó, được nhà lãnh đạo Liên Xô đương thời Nikita Khrushchev công bố hồi tháng 02/1956, đã tố cáo người tiền nhiệm Josef Stalin vì những tội ác của ông ta, và gây ra một loạt phong trào trong dân chúng ở các nước Đông Âu do Liên Xô thống trị.
Vào tháng 06/1956, các cuộc biểu tình nổ ra ở Ba Lan và các nhà lãnh đạo cộng sản Ba Lan đã sử dụng lực lượng quân sự cùng với xe tăng để dập tắt cuộc náo động này.
Mùa thu năm 1956, các cuộc biểu tình gay gắt nhất đòi thay đổi dân chủ đã nổ ra ở Hungary. Liên Xô đã viện đến hành động xâm lược nước này để duy trì sự thống trị của họ ở đó.
Trước đó, sau cái chết của Stalin vào năm 1953, công nhân ở Đông Đức cộng sản đã nổi dậy phản đối các yêu cầu tăng năng suất của chính quyền. Chỉ trong vòng vài ngày, các cuộc biểu tình và bạo loạn đã lan rộng khắp đất nước này. Chính quyền chiếm đóng của Liên Xô đã đàn áp cuộc bạo loạn đó bằng lực lượng quân sự ồ ạt.
Sự phong tỏa thông tin của giới truyền thông về các cuộc biểu tình ở Cuba
Ông Gutierrez-Boronat cho biết, cho đến ngày nay, vì Cuba được coi là động lực để truyền bá cách mạng xã hội chủ nghĩa trong khu vực này, nên vẫn có một nỗ lực bảo vệ chế độ Cuba trước mọi điều tiếng mà chế độ này tự tạo ra. Tháng 07/2021, ông đã đề cập đến các cuộc biểu tình của công chúng chống lại chế độ cộng sản này. Các cuộc biểu tình ở Cuba đều là những cuộc biểu tình lớn nhất chống lại chế độ này trong nhiều thập niên.
Những người biểu tình phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền, thiếu tự do, và tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ ở đất nước do cộng sản cai trị này.
Kể từ đó, “hàng ngàn người Cuba đã xuống đường biểu tình công khai chống lại chế độ này, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ, phụ nữ, thanh niên, tất cả đều yêu cầu thay đổi, và yêu cầu chấm dứt chủ nghĩa cộng sản,” ông Gutierrez-Boronat nói.
Ông Gutierrez-Boronat cho biết các cuộc biểu tình đó vẫn tiếp tục và hàng trăm người biểu tình đã bị bắt và bỏ tù, nhưng giới truyền thông không hề đưa tin về vụ việc này. Mặc dù các cuộc biểu tình có thể được xem trên các video ghi lại, nhưng “dường như có một sự phong tỏa thông tin về những gì đang diễn ra ở Cuba với sự phản kháng của công dân đối với chế độ này.”
Ông Gutierrez-Boronat nói rằng trong vài tháng qua, nhiều video và hình ảnh đã xuất hiện, cho thấy các gia đình hợp tác dựng những rào chắn như một hình thức phản đối để cảnh sát không thể vào các khu dân cư. “Đó là điều chưa được nghe thấy ở Cuba cách đây 5 hay 3 năm. Đó là một giai đoạn phản kháng mới của người dân Cuba.”
Ông Gutierrez-Boronat cũng cho biết, các chế độ cộng sản ban đầu tìm cách phá hủy nền kinh tế để kiểm soát người dân. “Trong trường hợp của Cuba, họ phải kiểm soát và phá hủy nền nông nghiệp Cuba để kiểm soát nguồn cung cấp lương thực.”
“Họ cần kiểm soát lương thực để kiểm soát các thành phố, và họ cần kiểm soát các thành phố để kiểm soát tầng lớp trung lưu vì tầng lớp trung lưu mới có thể thành công chống lại họ … Nhưng một khi họ buông lơi những lực lượng hủy diệt này, thì họ sẽ mất quyền kiểm soát.”
“Và đây là điều thúc đẩy cuộc nổi dậy trỗi lên. Chế độ này vẫn có một bộ máy an ninh mạnh mẽ có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của một phong trào thống nhất đất nước, nhưng họ không thể tiêu diệt phong trào này như hiện nay; vốn có tính tổ chức, dựa trên các khu dân cư và thị trấn, và phát triển mạnh mẽ.”
Để phá vỡ sự phong tỏa thông tin về những gì đang xảy ra bên trong Cuba, ông Gutierrez-Boronat và các nhà hoạt động khác đang tham gia các hội nghị quốc tế, tổ chức các cuộc biểu tình, và gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị, lao động, và sinh viên để “lan truyền thông tin.”
“Việc này đã thành công,” ông Gutierrez-Boronat nói. “Một mạng lưới đoàn kết vì một Cuba tự do đã xuất hiện trong vài năm qua, và chúng tôi đã đóng góp rất nhiều vào đó.”
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times