Ông Klaus Schwab: Ai ‘làm chủ’ trí tuệ nhân tạo, sinh học tổng hợp sẽ là ‘người thống lĩnh thế giới’
Ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong một sự kiện ở Dubai, đã kêu gọi các chính phủ toàn cầu hợp tác và kiểm soát các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) để quyết định số phận của nhân loại, trái ngược với lời cảnh báo mới đây của ông Elon Musk tại sự kiện tương tự.
Năm 2015, ông Schwab đã viết một cuốn sách có nhan đề The Fourth Industrial Revolution (tạm dịch: Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp Lần Thứ Tư), trong đó ông đề cập đến hơn 20 công nghệ sẽ thay đổi thế giới. “Tất cả những công nghệ đó đã trở thành hiện thực,” ông nói tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới ở Dubai trong tuần này (13-19/02), đồng thời nói thêm rằng nhân loại đang chuyển sang “giai đoạn cấp số nhân” của quá trình chuyển đổi công nghệ.
Ông Schwab đã trích dẫn các công nghệ như AI, metaverse (vũ trụ ảo), mã kim, công nghệ không gian, và sinh học tổng hợp sẽ thay đổi thế giới. Ông Schwab tuyên bố, “Cuộc sống của chúng ta sau 10 năm nữa sẽ hoàn toàn khác, bị ảnh hưởng rất nhiều. Và ai làm chủ được những công nghệ đó theo một cách nào đó sẽ là người thống lĩnh thế giới này.”
Kỹ thuật về các sinh vật nhằm phát triển các mục đích và khả năng độc đáo, vốn không có sẵn, được gọi là sinh học tổng hợp. Kỹ thuật này liên quan đến việc thay đổi mã di truyền của sinh vật bằng cách pha trộn mã di truyền đó với DNA của sinh vật khác, một bước căn bản từ việc chỉnh sửa bộ gen. WEF là cơ quan đề nghị phương pháp này.
“Quý vị không thể nào bắt kịp những công nghệ mới này. Quý vị phải là một người tiên phong vì nếu không, quý vị sẽ ở thế thua cuộc.” Một trong những mối quan tâm chính là làm thế nào để định hướng “các chính sách cần thiết” để bảo đảm rằng các công nghệ phải “phục vụ” nhân loại.
“Thay đổi diễn ra quá nhanh trong thế giới của chúng ta, và chúng ta còn tiến nhanh hơn nữa. Làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm rằng mỗi cá nhân, mỗi công dân không cảm thấy choáng ngợp trước sự thay đổi bởi vì người ta không thể hiểu được thực sự chuyện gì đang xảy ra?” ông Schwab cho biết, đồng thời nói thêm rằng nếu mọi người không hiểu về sự thay đổi, thì họ có thể trở nên sợ hãi và phản ứng tiêu cực.
Người đứng đầu WEF này kêu gọi các chính phủ “có tham vọng và tầm nhìn để chứng tỏ rằng những công nghệ đó có thể phục vụ những điều tốt đẹp.”
Ông Schwab cũng làm dấy lên các lo ngại về việc các công nghệ mới vượt khỏi tầm kiểm soát. “Nếu chúng ta không đồng hành trên quy mô toàn cầu, nếu quý vị không đưa vào một công thức, cùng nhau định hướng các chính sách cần thiết, thì chúng (các công nghệ) sẽ thoát khỏi quyền lực của chúng ta.”
Hiểm họa khi có quá nhiều sự hợp tác giữa các chính phủ
Lời kêu gọi của người đứng đầu WEF về sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ trên toàn cầu để định hướng tương lai nhân loại hoàn toàn trái ngược với lời kêu gọi của nhà công nghiệp Elon Musk. Hôm thứ Tư (15/02), tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới, ông Musk đã cảnh báo về một “chính phủ thế giới duy nhất.”
Ông Musk nói, “Chúng ta nên lo ngại một chút về việc xảy ra một chính phủ thế giới duy nhất một cách quá phận … Tôi ái ngại khi phải nói điều này, chúng ta muốn tránh tạo ra một rủi ro cho nền văn minh bằng cách — thành thật mà nói, điều này nghe có vẻ hơi kỳ cục — có quá nhiều sự hợp tác giữa các chính phủ.”
Ông đã chỉ ra rằng xuyên suốt lịch sử, nhiều nền văn minh đã phát triển và suy tàn. Tuy nhiên, những sự kiện này không dẫn đến sự diệt vong của toàn nhân loại vì đây là những nền văn minh khác biệt vốn được tách rời bởi các khoảng cách rất xa.
Vị doanh nhân này cảnh báo, “Nghe có vẻ hơi kỳ cục, nhưng chúng ta muốn có một mức độ đa dạng văn minh nào đó để nếu có điều gì đó bất ổn xảy ra với một bộ phận nào đó của nền văn minh, thì toàn bộ nền văn minh đó không sụp đổ và nhân loại vẫn tiếp tục tiến lên.”
‘Hình mẫu’ Trung Quốc, hệ tư tưởng các bên liên quan
Trong bài diễn văn của mình tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới, ông Schwab không nêu chi tiết rằng ông tin thế giới nên áp dụng chế độ nào trong tương lai.
Tuy nhiên, hồi tháng 11/2022, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN, ông Schwab đã gọi Trung Quốc là “hình mẫu” cho các quốc gia khác, mặc dù chế độ cộng sản ở Bắc Kinh nổi tiếng với việc đàn áp tự do ngôn luận, thực hiện các vụ lạm dụng về nhân quyền trắng trợn và rộng rãi, và đàn áp các quyền tự do căn bản. “Mô hình Trung Quốc chắc chắn là một mô hình rất hấp dẫn đối với khá nhiều quốc gia,” ông nói vào thời điểm đó.
Tại Dubai, ông Schwab cũng thúc đẩy hệ tư tưởng “các bên liên quan” của mình, theo đó các chính phủ mang lại “quyền lực chỉ thị,” các doanh nghiệp mang lại “quyền lực đổi mới,” xã hội dân sự mang lại “quyền lực có liên quan,” giới học thuật mang đến “quyền lực của sự thật,” và truyền thông mang đến một “thước đo then chốt trong cuộc đối thoại này,” với tất cả các bên hành động để “cùng nhau định hướng tương lai.”
Trong một bài xã luận hồi tháng 09/2021 trên The Epoch Times, ông John Mac Ghlionn, một nhà nghiên cứu và viết tiểu luận, đã chỉ ra rằng việc thúc đẩy các hệ tư tưởng như “chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan” nghe có vẻ giống với ý tưởng về “sự thịnh vượng chung” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vốn tuyên bố là nhằm vào giải quyết khoảng cách giàu nghèo.
Ông Ghlionn viết, “Cả hai hệ tư tưởng này đều có mục đích mang lại lợi ích cho xã hội rộng lớn hơn, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, và cả hai đều có mục đích trở thành phương tiện cho sự thay đổi tích cực. [Tuy vậy,] trên thực tế, chúng không mang lại lợi ích cho ai ngoài những người đã có quá nhiều quyền lực. Mặc dù nghe có vẻ hiển nhiên nhưng sức mạnh là một nguồn tài nguyên hữu hạn.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times