Báo cáo ‘quản lý rủi ro’ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhắm đến năng lượng và thực phẩm
Báo cáo đề ra kế hoạch nhằm ngăn tình trạng ‘đa khủng hoảng’ ngày nay diễn tiến thành ‘thảm họa’ khí hậu ngày mai
Phong trào công lý xã hội và khí hậu đang tìm cách đổi danh hiệu của bản thân từ một hệ tư tưởng cấp tiến sang một công cụ thận trọng để quản lý rủi ro. Điều này không chỉ cho phép phong trào này đưa tầm nhìn ảm đạm về tương lai của mình vào vị thế của một biện pháp an toàn; mà còn cho phép các công ty và những người ủng hộ Wall Street tuyên bố rằng họ đang không theo đuổi một nghị trình gây tổn hại cho các cổ đông mà là đang thay mặt họ quản lý rủi ro.
WEF đã đề ra chương mới nhất trong kế hoạch quản lý khủng hoảng của mình với Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2023. Báo cáo này phác thảo những rủi ro ngắn hạn dưới tiêu đề “Khủng hoảng hôm nay” và các mối đe dọa dài hạn được mô tả là “Thảm họa ngày mai.” Đứng đầu danh sách ngắn hạn là “khủng hoảng nguồn cung cấp năng lượng”, “khủng hoảng chi phí sinh hoạt”, và “khủng hoảng nguồn cung cấp lương thực”; tuy nhiên, về lâu về dài, biến đổi khí hậu là mối đe dọa hàng đầu.
Nhấn mạnh câu chuyện này, cựu Phó Tổng thống Al Gore nói với những người tham dự rằng lượng khí thải CO2 tích lũy trong bầu khí quyển của chúng ta “hiện đang giữ lại lượng nhiệt dư thừa tương đương với lượng nhiệt tỏa ra từ 600,000 quả bom nguyên tử loại Hiroshima phát nổ mỗi ngày trên trái đất. Đó là thứ đang làm sôi các đại dương, tạo ra những dòng sông trong khí quyển, những quả bom mưa và hút hơi ẩm ra khỏi mặt đất.”
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã lặp lại những nhận xét này, tuyên bố rằng việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch là “không phù hợp với sự tồn tại của con người.”
Người sáng lập WEF, ông Klaus Schwab, đã trình bày bằng những thuật ngữ tẻ nhạt hơn, nhưng dù sao cũng tuyên bố rằng đây là thời điểm của “nhiều cuộc khủng hoảng chưa từng có.” WEF đã chỉ định năm 2023 là “năm của đa khủng hoảng.”
‘Phát thải ròng bằng không’
Báo cáo Rủi ro Toàn cầu nêu rõ tình trạng thiếu năng lượng và lương thực, kéo theo đó là “khủng hoảng chi phí sinh hoạt”, chủ yếu do hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine. WEF cho biết, giải pháp là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng gió và năng lượng mặt trời và đạt mức phát thải “ròng bằng 0” đúng như kế hoạch, làm như vậy sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt, giảm lạm phát và ổn định khí hậu. Nhưng một số người tỏ ra hoài nghi.
“Điều đó nói thẳng ra là hết sức nực cười,” ông Joel Griffith, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Di sản, nói với The Epoch Times. “Chúng ta biết rằng lạm phát mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là sự kết hợp của việc in tiền ồ ạt — các ngân hàng trung ương đã in tiền với tốc độ cao để tài trợ cho các hoạt động mở rộng hàng loạt của chính phủ trong hai năm rưỡi qua — cùng với tác động của COVID mà họ đã đề cập.”
Tuy nhiên về COVID-19, ông Griffith nói, “những người tập trung [tại Davos] này cũng chính là những nhà lãnh đạo thế giới đã đón nhận những đợt phong tỏa đó.” “Rất may, họ đã không thực hiện đầy đủ mục tiêu phát thải ròng bằng không; nếu họ thực hiện giảm phát thải carbon ròng bằng không, thì cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ còn tồi tệ hơn.”
Một cuộc khảo sát gần đây chỉ ra rằng trong năm nay, 20% người Mỹ cho biết họ đang gặp khó khăn để trả hóa đơn tiền điện, vốn đã tăng trung bình lên đến 23% so với năm trước. Tại một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, một công ty tiện ích ở Massachusetts đã thông báo cho cư dân hồi tháng Mười Một năm ngoái rằng giá điện của họ sẽ tăng 64%. Tình cảnh ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ không có nguồn dầu mỏ, khí đốt, và than đá phong phú còn tệ hại hơn nhiều.
Lộ trình chuyển đổi
Hiện tại, khoảng 84% năng lượng của thế giới được tạo ra từ dầu mỏ, khí đốt, và than đá. Gió và mặt trời, mặc dù được chính phủ trợ cấp về mặt tài chính và ủng hộ về mặt quy định trong nhiều thập niên, nhưng vẫn chiếm chưa đến 5% lượng năng lượng được tiêu thụ. Mặc dù có các khoản đầu tư lớn để xây dựng công suất năng lượng gió và mặt trời, nhưng tính chất không liên tục của các khoản đầu tư này đồng nghĩa với việc số tiền đó chỉ có thể được sử dụng để tạo ra điện trong khoảng một phần ba thời gian của một năm trung bình.
Trái ngược với dự đoán của WEF, National Geographic đã báo cáo vào năm 2021 rằng “các thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu đã trở nên ít nguy hiểm hơn theo thời gian.” Trong khi cảnh báo độc giả rằng xu hướng này luôn có thể đảo ngược, báo cáo thừa nhận rằng trong 50 năm qua, “số người tử vong vì những thảm họa đó đã giảm gần ba lần.” Khi phân tích số ca tử vong trung bình trên dân số do nguyên nhân thời tiết từ năm 2000 đến năm 2010, một báo cáo của tổ chức Reason Foundation cho biết: “Tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới do các hiện tượng thời tiết đã giảm hơn 98% kể từ những năm 1920.”
Liên quan đến cuộc “khủng hoảng thiếu lương thực”, WEF đã phát hành một báo cáo chung với Bain & Company, một công ty tư vấn quản lý, với nhan đề “Chuyển đổi về Thực phẩm, Thiên nhiên, và Sức khỏe”, cho thấy rằng “các hệ thống thực phẩm không còn phù hợp với mục đích — chúng cần được chuyển đổi.”
Báo cáo nêu rõ: “Thực phẩm và nông nghiệp chiếm hơn 30% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) và hơn 80% nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học trên toàn thế giới,” do đó, “mọi quốc gia cần phát triển và thực hiện một lộ trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm tích hợp.”
Báo cáo đã xác định “Năm Khía cạnh của Hệ thống Thực phẩm Thành công”, không chỉ bao gồm các mục tiêu sản xuất thực phẩm mà còn bao gồm cả sự công bằng, đa dạng sinh học, thích ứng khí hậu, và chế độ ăn uống lành mạnh. Lập luận rằng những người nông dân, các chính phủ, và các tập đoàn phải hợp tác trong quá trình chuyển đổi này, báo cáo lưu ý rằng chế độ ăn uống cũng phải thay đổi. “Người tiêu dùng ở các quốc gia có thu nhập cao hơn thường chọn chế độ ăn có quá nhiều thực phẩm gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, chẳng hạn như thịt đỏ,” WEF viết, đồng thời lập luận rằng các chính phủ có thể thay đổi thói quen ăn uống của người dân thông qua sự kết hợp giữa thuế, trợ cấp, quy định, và “giao tiếp với người tiêu dùng.”
‘Rủi ro chuyển đổi’
Xem trọng đánh giá rủi ro khí hậu của WEF, chính phủ ông Biden đã chuyển đổi tất cả các cơ quan liên bang theo sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden khi ông nhậm chức, trong đó nêu rõ: “Chính sách của Chính phủ tôi là tổ chức và khai triển toàn bộ năng lực của các cơ quan để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu.” Chỉ thị của ông Biden tuyên bố rằng “chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu đe dọa đến người dân và các cộng đồng của chúng ta, đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế, và rõ ràng là đến khả năng tồn tại của chúng ta trên hành tinh Trái Đất.”
Điều này thường dẫn đến việc các cơ quan liên bang bị chuyển ra khỏi mục đích ban đầu của họ để hướng tới các mục tiêu thường nằm ngoài nhiệm vụ pháp lý của họ, chẳng hạn như sáng kiến mới của FBI về “công lý khí hậu.” Một trong những biện pháp sâu rộng hơn là quy tắc chống biến đổi khí hậu mới của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), một cơ quan vốn được lập ra để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ khỏi gian lận chứng khoán. Quy tắc yêu cầu tất cả các công ty niêm yết phải lập báo cáo có kiểm toán nêu chi tiết lượng khí thải CO2 của họ, của các nhà cung cấp và của khách hàng của họ, cũng như cách họ dự tính giảm thiểu những rủi ro đó.
Các nhà quản lý tài sản dựa vào các quy định của chính phủ như thế này để biện minh cho quan điểm rằng “rủi ro chuyển đổi” là một trong những rủi ro chính mà các công ty phải đối mặt ngày nay. BlackRock đã biện minh cho việc ưu tiên rủi ro khí hậu trong một bức thư gửi cho các tổng chưởng lý tiểu bang hồi tháng Tám năm 2022 (pdf) với lý do rằng “các chính phủ đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu đã cam kết chuyển sang mức phát thải ròng bằng 0 trong những thập niên tới.”
Ông Jonathan Berry, một luật sư đối tác tại công ty luật Boyden Gray, nói với The Epoch Times: “Tóm lại, rủi ro chuyển đổi thực sự được gói gọn trong ý tưởng rằng những thay đổi trong luật hoặc quy định trong tương lai sẽ làm giảm giá trị của các khoản đầu tư.”
“Theo một nghĩa nào đó, rủi ro chuyển đổi là một khái niệm hiển nhiên một cách tầm thường — dĩ nhiên là quý vị cần nghĩ đến khả năng có những thay đổi pháp lý trong tương lai khi đánh giá mức độ khôn ngoan của một khoản đầu tư rồi,” ông nói. “Nhưng việc sử dụng khái niệm đó của SEC và các nhà đầu tư tổ chức luôn chỉ ra những rủi ro chuyển đổi mà những người cấp tiến cánh tả đặc biệt quan tâm.”
“Nếu các rủi ro chuyển đổi được sử dụng một cách khách quan, thì chúng ta sẽ nghe nhiều hơn về rủi ro Hoa Kỳ sẽ tách khỏi Trung Quốc và tất cả các rủi ro đối với chuỗi cung ứng mà việc đó sẽ gây ra, thay vì rủi ro của việc trở nên phát thải ròng bằng không,” ông Berry nói. “Sẽ dễ hình dung về việc chúng ta có khả năng sẽ tách khỏi Trung Quốc hơn là việc chúng ta sẽ nhanh chóng thực hiện Hiệp định Paris.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times