Ông Kevin McCarthy được bầu làm chủ tịch Hạ viện Quốc hội nhiệm kỳ 118
Phải trải qua tận 15 cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ hôm 03/01, nhưng cuối cùng Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã giành đủ số phiếu để được bầu làm Chủ tịch Hạ viện thứ 55 trong một cuộc bầu cử gay cấn kéo dài quá nửa đêm ở Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ.
Tổng số 216 phiếu bầu mà ông McCarthy thu về đã vượt qua Dân biểu Hakeem Jeffries của New York, người đã nhận được phiếu bầu của toàn bộ 212 thành viên Đảng Dân Chủ có mặt trong phòng họp trong tất cả trừ một trong số 15 cuộc bỏ phiếu nói trên, vốn bắt đầu một lúc sau buổi trưa hôm 03/01 khi Quốc hội nhiệm kỳ 118 triệu tập trong ngày. Ông Jeffries đã nhận được 211 phiếu trong một cuộc bỏ phiếu trước đó khi Dân biểu David Trone (Dân Chủ-Maryland) bỏ lỡ cuộc bỏ phiếu này vì phải đi phẫu thuật.
Ông McCarthy đã có thể giành được chiến thắng khi sáu nhà bất đồng chính kiến phái bảo tồn truyền thống theo chủ nghĩa dân túy còn lại, những người đã phản đối ông từ cuộc bỏ phiếu đầu tiên, đều bỏ phiếu có mặt. Điều đó đã làm giảm số lượng thành viên bỏ phiếu xuống còn 428, làm giảm con số kỳ diệu của ông McCarthy từ 218 xuống còn 216.
Khi việc ông McCarthy cuối cùng sẽ đạt được vị trí Chủ tịch trở nên rõ ràng, thì phía Đảng Cộng Hòa trong Hạ viện đã ăn mừng, khi nhiều dân biểu ôm lấy nhà lãnh đạo mới của họ, bắt tay, cười, và vỗ vào lưng nhau. Ông McCarthy đã dành một cái ôm đặc biệt nồng ấm cho Lãnh đạo Đa số Hạ viện của ông, Dân biểu Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana). Ông McCarthy cũng tự chụp ảnh với một số thành viên Đảng Cộng Hòa của mình, trong đó có Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia).
Trong cuộc bỏ phiếu thứ 14 khoảng một tiếng rưỡi trước đó, khi mọi người trong phòng nhận ra ở cuối cuộc điểm danh rằng chỉ cần một phiếu bầu nữa để đưa ông McCarthy lên vị trí Chủ tịch Hạ viện, thì các cuộc trò chuyện rất hào hứng đã diễn ra khi các dân biểu cố gắng thuyết phục Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) hoặc Dân biểu Lauren Boebert (Cộng Hòa-Colorado) thay đổi lá phiếu của họ.
Sau đó ông Gaetz đã đổi ý để đồng ý bỏ phiếu cho ông McCarthy, và một kiến nghị hoãn bỏ phiếu đã bị bãi bỏ, dẫn đến cuộc bỏ phiếu thứ 15 được tiến hành sau đó. Ông Gaetz rốt cuộc đã bỏ phiếu có mặt trong vòng bỏ phiếu thứ 15.
Trong hầu hết những năm gần đây, các cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện là sự việc diễn ra trong một cuộc bầu cử duy nhất, vì vậy việc ông McCarthy không thể chốt được thỏa thuận là ngoại lệ mang tính lịch sử. Mãi từ trước Nội chiến, Hạ viện mới cần hơn 13 cuộc bỏ phiếu để chọn được một tân chủ tịch.
Lần cuối cùng cần có hơn 13 cuộc bỏ phiếu để chọn được một chủ tịch là Quốc hội nhiệm kỳ thứ 36, diễn ra từ ngày 05/12/1859 đến ngày 01/02/1860, để ấn định vị trí cho ông William Pennington, một thành viên Đảng Cộng Hòa đến từ New Jersey.
Trong một cuộc họp báo nhanh với các ký giả bên ngoài phòng họp Hạ viện ngay sau cuộc bỏ phiếu thứ 13, ông McCarthy bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả khi Hạ viện sẽ triệu tập lại sau đó vào buổi tối. Ông nói rằng, “Đây là phần tuyệt vời vì việc bỏ phiếu đã mất nhiều thời gian đến như vậy, giờ thì chúng tôi đã biết cách điều hành như thế nào. Cho nên bây giờ chúng tôi sẽ có thể hoàn thành công việc.”
Ông McCarthy đã thành công trong việc thay đổi 13 trong số 20 phiếu trước đó trong ngày khi các phiếu bầu được kiểm lần thứ 12. Các dân biểu đã tập hợp vào buổi trưa cho ngày thứ tư để trình bày, tranh luận, thương lượng, và bỏ phiếu trong nỗ lực lịch sử nhằm chỉ định người sẽ kế vị cho bà Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), hiện đã trở thành cựu Chủ tịch Hạ viện.
Khi lá phiếu thứ 12 được kiểm, ông McCarthy đã có 213 phiếu bầu, lần đầu tiên vượt qua Dân biểu Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York), người đã nhận được toàn bộ 212 phiếu bầu của Đảng Dân Chủ trên mọi cuộc bỏ phiếu. Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), người đã bầu cho ông McCarthy, nhận được 4 phiếu, trong khi Dân biểu Kevin Hern (Cộng Hòa-Oklahoma), người cũng bỏ phiếu cho ông McCarthy, có được 3 phiếu.
Ông McCarthy đã giành được 200–203 phiếu bầu trong tất cả các lần bỏ phiếu trước đó. Bằng cách chuyển đổi 13 trong số 20 người phản đối sang ủng hộ mình, ông McCarthy đã tiến gần hơn một cách đáng kinh ngạc đến việc trở thành chủ tịch Hạ viện.
Tất cả những người chuyển phe này đều là người quan trọng, nhưng đặc biệt quan trọng đối với sự kiện hôm 06/01 là Chủ tịch House Freedom Caucus (HFC) — Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania), Dân biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida), và Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas), ba nhà lãnh đạo chủ chốt của nhóm bất đồng chính kiến.
Những người bất đồng chính kiến khác đã chuyển phe trong lần bỏ phiếu thứ 12 cho ông McCarthy là Dân biểu Dan Bishop (Cộng Hòa-North Carolina), Dân biểu Josh Brecheen (Cộng Hòa-Oklahoma), Dân biểu Michael Cloud (Cộng Hòa-Texas), Dân biểu Andrew Clyde (Cộng Hòa-Georgia), Dân biểu Paul Gosar (Cộng Hòa-Arizona), Dân biểu Anna Paulina Luna (Cộng Hòa-Florida), Dân biểu Mary Miller (Cộng Hòa-Illinois), Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina), Dân biểu Andy Ogles (Cộng Hòa-Tennessee), và Dân biểu Keith Self (Cộng Hòa-Texas).
Dân biểu Victoria Spartz (Cộng Hòa-Indiana) đã bỏ phiếu cho ông McCarthy sau khi bỏ phiếu “có mặt” trong sáu lần bỏ phiếu trước đó.
Trở ngại lớn nhất để giải quyết tranh chấp này là 20 người bất đồng chính kiến kể trên — những người yêu cầu nhiều cải tổ trong các thủ tục của Hạ viện để trao quyền cho các thành viên bình thường và giảm quyền lực của chủ tịch.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu thứ 12, ông Perry, người có HFC là trung tâm của phong trào bất đồng chính kiến từ mùa hè năm ngoái, nói với các phóng viên bên ngoài phòng họp Hạ viện rằng ông rất hào hứng với những nhượng bộ từ ông McCarthy và những thay đổi sẽ xảy ra sau đó trong cách Hạ viện tiến hành công việc của mình.
Ông Perry nói, “Tôi tin tưởng vào khuôn khổ của thỏa thuận mà chúng tôi đạt được. Thành thật mà nói, chiến thắng lớn nhất là khuôn khổ tổng thể của thỏa thuận đó, không có gì nổi bật cả. Quý vị có trách nhiệm với người quyền lực nhất trong tòa nhà này. Quý vị có những thay đổi mang tính lịch sử về cách mà chúng tôi sẽ chi tiêu và phân bổ tiền ở đây, cuối cùng chúng tôi sẽ có thể ngăn chặn Thượng viện áp đảo chúng ta.”
Ông Perry tiếp tục, “Chúng ta sẽ thấy nhiều đại diện theo phái bảo tồn truyền thống hơn trong các ủy ban quan trọng … chúng ta sẽ giải quyết vấn đề các khoản trực chi theo cách khác. Tất cả những điều đó đều thuộc về kiến nghị đảo ngược, kiến nghị đảo ngược là trách nhiệm giải trình. Một người có thể đệ trình kiến nghị, một người, nhưng toàn bộ cơ quan phải bỏ phiếu cho điều này.”
“Nhưng đó ắt hẳn là những gì mà ông Thomas Jefferson đã hình dung bởi vì người quyền lực nhất phải chịu trách nhiệm, không chỉ với người dân Mỹ, mà còn với ngân sách, các thành viên của cơ quan này,” ông nói.
Ông Perry cũng nhấn mạnh rằng những người bất đồng chính kiến không tìm kiếm sự nhượng bộ để thu lợi cho cá nhân họ mà là để thay đổi cách thức hoạt động của Hạ viện.
Ông giải thích: “Chúng tôi đang yêu cầu những điều để thay đổi cách thức hoạt động của tổ chức này vì cách thức đó không làm việc cho người dân Mỹ. Và chúng tôi chỉ đứng vững, yêu cầu điều đó. Đúng là việc yêu cầu chắc chắn sẽ gây ra khó khăn cho cuộc bỏ phiếu. Bởi vì Hạ viện này hoạt động theo hiện trạng đó, hiện trạng đó phục vụ cho nơi này, chúng tôi đã chán ngấy và mệt mỏi với điều đó.”
Trước hôm thứ Sáu (06/01), những người bất đồng chính kiến đã bỏ phiếu cho một loạt ứng cử viên, bao gồm ông Donalds, Dân biểu Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona), Dân biểu Ken Hern (Cộng Hòa-Oklahoma), và ông Jordan.
Và, trong khi những dân biểu này bỏ phiếu, ông McCarthy và nhóm của ông, trong đó có Phó Lãnh đạo Hạ viện sắp kế nhiệm Tom Emmer (Cộng Hòa-Minnesota) và Dân biểu Guy Reschenthaler (Cộng Hòa-Pennsylvania), đã tham gia vào các cuộc đàm phán kịch liệt với các dân biểu Roy, Perry, Biggs, và Donalds cùng những dân biểu khác trong nhóm bất đồng chính kiến.
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times