Ông Bào Đồng, cựu quan chức Trung Quốc ủng hộ dân chủ và tín ngưỡng tâm linh, qua đời ở tuổi 90
Ông Bào Đồng (Bao Tong), cựu thư ký chính trị của cố lãnh đạo ủng hộ cải cách của Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương, đã qua đời tại Bắc Kinh hôm thứ Tư, bốn ngày sau lễ mừng thọ lần thứ 90 của ông.
Con trai của ông Bào Đồng, ông Bào Phu (Bao Pu) viết trên Twitter: “Cáo phó – Gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Cha của chúng tôi là ông Bào Đồng, đã ra đi thanh thản vào lúc 7 giờ 08 phút sáng ngày 09/11/2022, hưởng thọ 90 tuổi.”
Con gái của ông Bào Đồng, bà Bào Giản (Bao Jian), đã viết trong một tweet khác rằng cha của bà “vẫn tràn đầy hy vọng về vùng đất này.” Bà trích lời ông nói trong tiệc mừng thọ lần thứ 90 của mình: “Giữa thiên địa bao la này, đời người chỉ như một cái chớp mắt của lịch sử, sự tồn tại ấy là vô cùng nhỏ bé … Việc tôi 90 tuổi hay không không phải là điều quan trọng; mà quan trọng là chúng ta cần phải đấu tranh cho tương lai. Điều quan trọng là chúng ta phải làm điều đó ngay ngày hôm nay, làm những gì chúng ta có thể làm, nên làm, và phải làm cho thật tốt.”
Một nhà cải cách dân chủ
Ông Bào Đồng đồng cảm với cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn bị quân đội Trung Quốc đàn áp vào năm 1989. Ông bị kết án 7 năm tù sau vụ thảm sát Thiên An Môn và bị khai trừ khỏi ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Bào Đồng sinh năm 1932 tại Hải Ninh thuộc tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Năm 1949, ông vào Đảng khi còn là chủ tịch hội học sinh tại trường Trung học Phổ thông Nam Dương Thượng Hải.
Kể từ năm 1980, ông Bào Đồng từng là thư ký chính trị của ông Triệu Tử Dương, thủ tướng lúc bấy giờ và sau đó là tổng bí thư ĐCSTQ. Ông cũng là thành viên hàng đầu của Ủy ban Cải tổ Hệ thống Kinh tế Quốc gia. Năm 1987, ông được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc khóa 13 của ĐCSTQ, đồng thời giữ chức Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Cải tổ Hệ thống Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông đã giúp soạn thảo các tài liệu liên quan đến cải tổ kinh tế và cải tổ chính trị của Trung Quốc trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ này.
Năm 1989, ông Bào Đồng phản đối quyết định của ông Đặng Tiểu Bình, đó là dùng vũ lực để đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn, những người đòi dân chủ và chống tham nhũng. Ông Bào ủng hộ các ý tưởng của ông Triệu Tử Dương về việc giải quyết cuộc biểu tình một cách hòa bình phù hợp với dân chủ và pháp quyền.
Ông Đặng Tiểu Bình, bấy giờ là Chủ tịch Quân ủy Trung ương của ĐCSTQ, không đồng tình với ý tưởng của ông Triệu.
Cuộc biểu tình của sinh viên kết thúc bằng một cuộc thảm sát đầy bạo lực với xe tăng và binh lính có vũ trang vào đêm ngày 03/06/1989, và nhiều ngày sau đó. Ông Bào gọi đó là một “vụ thảm sát” trong bài bình luận của ông gửi cho Đài Á Châu Tự Do đăng ngày 04/06/2022.
Tháng 05/1989, ông Bào Đồng bị bắt tại Bắc Kinh, và đến tháng Bảy ông bị kết án 7 năm tù vì tội “làm rò rỉ bí mật nhà nước” và “kích động tuyên truyền chống phá cách mạng”.
Sau khi mãn hạn tù, ông đã sống phần đời còn lại của mình dưới sự giám sát và quản thúc tại gia.
Ông Triệu Tử Dương, một người ủng hộ phong trào dân chủ sinh viên, đã bị cách chức và quản thúc tại gia cho đến khi qua đời vào năm 2005.
Lên tiếng bênh vực Pháp Luân Công
Ông Bào vẫn là một nhà phê bình thẳng thắn đối với ĐCSTQ, bất chấp việc ông đang phải sống dưới sự giám sát và quản thúc tại gia.
Ông đã lên tiếng bênh vực Pháp Luân Công và lên án ĐCSTQ vì đã đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Năm 2008, giáo sư Đại học Sơn Đông về hưu Tôn Văn Quảng (Sun Wenguan) đã xuất bản hai bức thư ngỏ liên quan đến vụ Thảm sát Thiên An Môn và cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông Bào đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với ông Tôn khi nói chuyện với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hồi tháng 03/2008.
Ông Bào Đồng cho biết trong cuộc phỏng vấn, “Những vấn đề như việc cải chính lỗi lầm và bù đắp những mất mát trong vụ Thảm sát Thiên An Môn cũng như chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công do Giáo sư Tôn Văn Quảng đưa ra là những gì mọi người quan tâm nhất. Vì Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc là đại diện cho nhân dân nên Đại hội cần quan tâm đến những vấn đề mà dân chúng đang quan tâm và thảo luận đến những vấn đề mà người dân quan tâm nhất. Nếu không thì Đại hội này đại diện cho ai đây?”
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào năm 2015, ông Bào nói với ấn phẩm rằng ông Chu Dung Cơ, khi đó là thủ tướng Trung Quốc, nói rằng ĐCSTQ sẽ không cấm Pháp Luân Công và rằng ông ấy hy vọng các học viên Pháp Luân Công có thể yên tâm tiếp tục tu luyện.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tâm linh truyền thống của Trung Quốc bao gồm năm bài công pháp tĩnh tại khoan thai và các bài giảng đạo đức xoay quanh các nguyên lý là chân, thiện, và nhẫn. Pháp môn này được hồng truyền ở Trung Quốc vào năm 1992. Năm 1999, ước tính có 70 triệu đến 100 triệu người Trung Quốc theo học Pháp Luân Công trước khi cuộc bức hại bắt đầu.
Ông Giang Trạch Dân, cựu tổng bí thư ĐCSTQ, đã khởi xướng một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc vào năm 1999, vì sợ rằng sự phổ biến của môn tập này sẽ ảnh hưởng tới quyền cai trị của mình.
Ông Bào nói rằng cuộc bức hại của ông Giang là “bất hợp pháp”.
“Cuộc bức hại Pháp Luân Công của ông Giang là một tội ác phản nhân loại,” ông nói, “Dù chỉ bức hại một công dân cũng là đang bức hại toàn thể người dân và xã hội”.
Bà Cao Du (Gao Yu), một ký giả bất đồng chính kiến người Trung Quốc, đã đăng trên Twitter rằng bà hy vọng mình sẽ được phép đến dự tang lễ của ông Bào được tổ chức vào ngày 15/11, mặc dù bà đã bị cấm tham dự đám tang của vợ ông Bào hồi tháng Tám.
Bà Tưởng Tông Tào (Jiang Zongcao), vợ của ông Bào, qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 21/08, hưởng thọ 90 tuổi. Theo ông Bào, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc chỉ cho phép 30 người — bạn bè gần xa, họ hàng thân quyến — đến dự đám tang của bà.
Năm 1989, bà Cao Du lần đầu tiên bị bắt vì đăng một loạt phóng sự về các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn khi đang giữ chức phó tổng biên tập của tờ Tuần báo Kinh tế (Economics Weekly). Bà đã nhiều lần bị cầm tù ở Trung Quốc vì công việc của mình, trong đó có tội “làm rò rỉ bí mật nhà nước”. Bà được Viện Báo chí Quốc tế vinh danh là một trong 50 Anh hùng Tự do Báo chí Thế giới vào năm 2000.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Tịnh
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times