Các chuyên gia: Trung Quốc, các tác nhân ngoại quốc có thể can thiệp vào cuộc bầu cử ở Ấn Độ
Với gần 800 triệu người dùng internet và cuộc tổng tuyển cử bắt đầu từ thứ Sáu, Ấn Độ có nguy cơ cao bị những tác nhân ngoại quốc tiến hành các chiến dịch trên mạng và gây ảnh hưởng.
NEW DELHI—Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới, sẽ tổ chức tổng tuyển cử bắt đầu từ ngày 19/04. Việc bỏ phiếu bầu ra Quốc hội thứ 18 và chính phủ liên bang tiếp theo của Ấn Độ sẽ kéo dài trong sáu tuần và qua bảy giai đoạn, với các kết quả sẽ được công bố vào ngày 04/06. Theo các chuyên gia bảo mật CNTT, giữa sự ồn ào của các chiến dịch bầu cử, đã nảy sinh mối lo ngại rằng Trung Quốc — quốc gia lân bang lớn nhất của nước này — và các bên ngoại quốc khác sẽ sử dụng cơ hội này để tung ra thông tin giả và tuyên truyền.
Theo một báo cáo được công bố bởi Logically, một công ty công nghệ có trụ sở tại Virginia chuyên kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) với trí thông minh của chuyên gia, Ấn Độ xếp hạng cao nhất trên thế giới trong năm 2024 về các mối đe dọa do thông tin sai lệch và tin giả gây ra.
Ấn Độ có 759 triệu người dùng Internet đang hoạt động và số lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới với 366.9 triệu người, cao hơn khoảng 175 triệu người dùng so với Hoa Kỳ. Năm 2023, các gia đình Ấn Độ trung bình dành khoảng 4 giờ để phát trực tuyến nội dung và quốc gia này tự hào có số lượng người dùng Youtube cao nhất thế giới với 462 triệu người.
Ông Pathikrit Payne, một nhà phân tích địa chính trị tại New Delhi, nói với The Epoch Times rằng do cuộc cách mạng kỹ thuật số của Ấn Độ, có thể có nguy cơ các địch thủ tiềm năng sử dụng tin nhắn, video giả mạo do AI tạo ra, và thậm chí cả những bình luận giả để tạo ra sự nhầm lẫn trong quá trình bầu cử.
Trong khi đó, hôm 04/04, Trung tâm Phân tích Mối đe dọa của Microsoft (MTAC) đã xuất bản một báo cáo có tựa đề “’Same targets, new playbooks: East Asia threat actors employ unique methods” (Mục tiêu giống nhau, chiến thuật mới: Những tác nhân đe dọa ở Đông Á sử dụng các phương pháp khác thường), nêu bật những lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng nội dung do AI tạo ra để tác động đến cử tri trong thời gian họ chuẩn bị đi bầu cử ở Ấn Độ.
Trong báo cáo, MTAC cho biết: “Trong thời gian người dân ở Ấn Độ, Nam Hàn, và Hoa Kỳ chuẩn bị đi bầu cử, chúng tôi có thể thấy các tác nhân gây ảnh hưởng trên mạng của Trung Quốc, và ở một mức độ nào đó là các tác nhân trên mạng của Bắc Hàn, nỗ lực nhắm mục tiêu vào những cuộc bầu cử này.”
Ông Sameer Patil là một thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ và là phó giám đốc Observer’s Research Foundation ở Mumbai. Trong một bức thư điện tử, ông Patil nói với The Epoch Times rằng được biết, những tác nhân như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng công nghệ deep fake để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và họ có thể có khả năng làm điều tương tự trong các chiến dịch bầu cử.
Ông nói: “Có nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể sử dụng AI để tung ra tin giả và tuyên truyền trong bối cảnh chính trị của Ấn Độ để có lẽ thúc đẩy một số mục tiêu chính sách đối ngoại cụ thể và giảm sự tập trung chính trị vào tình trạng bế tắc biên giới với Ấn Độ,” ông cho biết, và nói thêm rằng phần lớn điều này phụ thuộc vào mức độ thu hút của những thông tin sai lệch như vậy trong các chiến dịch chính trị.
Bài học rút ra từ cuộc bầu cử năm 2023
Báo cáo của Logically đã nghiên cứu 5 cuộc bầu cử cấp bang của Ấn Độ từ tháng 07 đến tháng 12/2023 và xác định các chiến thuật, kỹ thuật, và thủ tục cụ thể mà thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử lan truyền ở Ấn Độ trên nhiều ngôn ngữ và nền tảng. Người ta cho rằng những điều rút ra từ báo cáo này là cần thiết để chống lại thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2024.
Ông Joshua Kurlantzick là một thành viên cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Năm ngoái, ông viết rằng dưới sự cai trị chuyên quyền của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh ngày càng cố gắng can thiệp vào chính trị và xã hội Ấn Độ, “sử dụng thông tin giả trên các nền tảng truyền thông xã hội để cố gắng gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp.”
Trong báo cáo của mình, Logically đã xác định nhiều trang Facebook đang giả mạo là các tổ chức tin tức. Họ đã nghiên cứu các trang xuất bản nội dung nhắm mục tiêu vào Ủy ban Bầu cử Ấn Độ (ECI) với các tiêu đề giật gân và thông tin sai lệch về việc can thiệp vào máy bỏ phiếu bầu cử (EVM) và phát hiện các trang này đã thu hút được lượng người tham gia đáng kể.
Những video này tiếp tục được lan truyền trên các nhóm Facebook chống EVM, điều này cho thấy có một “chiến lược hùng mạnh” phía sau chúng và chúng có mục đích gây ảnh hưởng đến dư luận bằng cách hợp pháp hóa những tuyên bố sai sự thật.
Bản báo cáo không xác định nguồn gốc cụ thể của chiến lược này nhưng cho biết họ đã xác định được các trường hợp có khả năng là “Thao túng và Can thiệp Thông tin của Ngoại quốc” (FIMI). Báo cáo dành hai trang cho các cuộc bầu cử ở Pakistan và Canada. Theo Logically, điều này cho thấy các tác nhân ngoại quốc đang phổ biến những câu chuyện sai lệch hoặc giả mạo xung quanh quá trình bầu cử ở Ấn Độ.
Trong khi đó, báo cáo của MTAC đã nêu tên cụ thể một tin tặc Trung Quốc là “Flax Typhoon,” người đã bị Microsoft theo dõi. Kẻ tấn công mạng này bị phát hiện nhắm mục tiêu vào Ấn Độ, cùng 4 quốc gia khác trong đó có Hoa Kỳ, vào đầu mùa thu và mùa đông năm ngoái.
“Kẻ này cũng thường xuyên tấn công vào lĩnh vực viễn thông, thường dẫn đến nhiều hệ lụy,” báo cáo cho biết.
Chuyện hoang đường và thực tế
Ông Patil cho biết các cơ quan của Ấn Độ biết rõ các chiến dịch đưa tin giả của Trung Quốc trong những năm gần đây, và đã theo dõi chặt chẽ các chiến dịch này. Tuy nhiên, việc đối phó với chúng ngày càng trở nên khó khăn do nội dung tuyên truyền tràn ngập.
Ông nói: “Thế nên khó mà ước tính được tác động, mặc dù điều đó sẽ không làm chúng tôi phân tâm khỏi ý định bất chính của Trung Quốc.”
Lo ngại trước sự lan truyền của thông tin sai lệch và tin giả, hôm 02/04, ECI đã ra mắt một cổng thông tin chống tuyên truyền, “Danh sách Chuyện hoang đường và Thực tế.” Theo một tuyên bố của chính phủ Ấn Độ, danh sách này cung cấp thông tin giả mạo liên quan đến bầu cử đã bị lật tẩy, những chuyện hoang đường tiềm tàng đang lan truyền trên các nền tảng truyền thông xã hội, các câu hỏi thường gặp về những chủ đề quan trọng, và tài liệu tham khảo ở các phần khác nhau dành cho tất cả các bên liên quan.
ECI cho biết: “Ma trận thực tế của Danh sách sẽ liên tục được cập nhật thường xuyên để bao gồm những thông tin giả mới nhất bị phát hiện và các câu hỏi thường gặp mới.” Cổng thông tin này trích dẫn một trường hợp gần đây ở bang Chattisgarh miền trung Ấn Độ, trong đó một tin “giả và vô căn cứ” được lan truyền tuyên bố rằng ECI đã đưa ra những chỉ đạo rằng việc bỏ phiếu ở bang này trong năm 2024 sẽ diễn ra thông qua phiếu giấy chứ không phải máy bỏ phiếu điện tử.
Ông Payne nói rằng mặc dù ECI đã ban hành các tư vấn và Giao thức Vận hành Tiêu chuẩn (SOP), nhưng việc giám sát và cập nhật liên tục của cử tri là cần thiết để giảm thiểu tác động tiềm ẩn của các chiến dịch đưa thông tin giả từ bên ngoài Ấn Độ.
Theo ông Patil, một bước để chống lại các chiến dịch đưa thông tin giả như vậy là tập trung nhiều hơn vào bản thân hiện tượng nội dung deep fake.
Ngoại trưởng Đài Loan, Joseph Ngô đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước với kênh Tin tức Ấn Độ WION về sự can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử ở Ấn Độ.
Ông nói: “Ấn Độ cũng đang trải qua một cuộc bầu cử và tôi chắc chắn rằng người Trung Quốc sẽ muốn tạo ra môi trường mở này để định hình tư duy của người dân Ấn Độ.”
Ông Ngô tiết lộ rằng sau khi Đài Loan và Ấn Độ ký hiệp ước di chuyển hồi tháng Hai để cho phép nhân viên Ấn Độ chuyển đến Đài Loan, bộ máy an ninh của Đài Loan đã phát hiện khoảng một ngàn trương mục mạng xã hội mới “bắt đầu tung ra đủ loại thù hận đối với người Ấn Độ hoặc những bình luận vốn sẽ tạo ra rắc rối giữa Đài Loan và Ấn Độ.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times