Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị: Vị Quốc vương trị vì nước Anh trong 70 năm băng hà
Bà là vị quốc vương trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh và là nguyên thủ quốc gia của 15 đời thủ tướng
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đã băng hà, hưởng thọ 96 tuổi. Bà là quốc vương tại vị lâu nhất trong lịch sử nước Anh, với thời gian trị vì 70 năm 214 ngày.
Hoàng tử xứ Wales hiện trở thành vị Tân vương, đã lên ngôi ngay sau khi Nữ hoàng băng hà.
Trong một tuyên bố, Cung điện cho biết: “Nữ hoàng đã băng hà trong yên bình tại Balmoral vào chiều nay (08/09/2022). Nhà vua và Vương hậu sẽ ở lại cung điện Balmoral tối nay và sẽ trở lại London vào ngày mai.”
Nữ hoàng Elizabeth Alexandra Mary Windsor sinh ngày 21/04/1926. Lúc đương thời cha bà được gọi là Ngài Albert, Công tước xứ York.
Năm 10 tuổi, ông nội của bà, Vua George V, qua đời và con trai cả của ông lên kế vị, Vua Edward VIII, người có mối quan hệ với một người Mỹ đã ly hôn, bà Wallis Simpson, dẫn đến cuộc khủng hoảng thoái vị hồi tháng 11/1936.
Sự thoái vị của Vua Edward VIII đồng nghĩa với việc cha của bà lên ngôi Vua George VI. Là một người nhút nhát và có tính cách ôn hòa, ông đã dẫn dắt nước Anh vượt qua Đệ nhị Thế chiến.
Khi chiến tranh nổ ra công chúa Elizabeth khi đó mới 13 tuổi và được di tản từ London đến Lâu đài Windsor, từ đó, vào năm sau, bà đã thực hiện một buổi phát thanh trên chương trình Giờ trẻ em của BBC.
Phát sóng trên toàn quốc, năm 14 tuổi
Nói với hàng trăm ngàn trẻ em đã được di tản khỏi các thành phố của Anh, bà chia sẻ: “Em gái Margaret Rose của tôi và tôi rất đồng cảm với các bạn, vì từ trải nghiệm chúng tôi biết việc phải xa những người mà các bạn yêu thương nhất là như thế nào. Với các bạn đang sống trong một hoàn cảnh mới, chúng tôi gửi một thông điệp về sự cảm thông thực sự và đồng thời chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đến những người tốt bụng đã chào đón các bạn đến với ngôi nhà của họ ở đất nước này.”
Năm 16 tuổi, bà được trao vai trò là Đại tá danh dự của Đội cận vệ Grenadier và thanh tra trung đoàn tại Lâu đài Windsor.
Khi tròn 18 tuổi vào tháng 04/1944, bà gia nhập Lực lượng Lãnh thổ Phụ trợ của Quân đội Anh và đạt cấp chỉ huy trưởng vào thời điểm nước Đức đầu hàng.
Trong chiến tranh, bà cũng yêu một sĩ quan hải quân trẻ, Trung úy Philip Mountbatten, người hơn bà 5 tuổi và là một người anh em họ xa.
Ông sinh ra trong gia đình hoàng gia Hy Lạp — quốc gia đã được khôi phục vào năm 1936, nhưng được thay thế bằng một nước cộng hòa vào năm 1973 — và được biết đến với tên gọi Hoàng tử Philip của Hy Lạp.
Năm 1947, công chúa Elizabeth và Hoàng tử Philip kết hôn — và ông trở thành Công tước xứ Edinburgh. Người con đầu lòng của họ, Thái tử Charles, đã chào đời vào năm sau.
Hai năm sau, họ sinh một bé gái, cô bé trở thành Công chúa Anne sau này.
Vào tháng 02/1952, Vua George VI, một người nghiện thuốc lá nặng, đã qua đời vì bệnh ung thư khi mới 56 tuổi.
Bà Elizabeth và hôn phu Philip vừa bắt đầu khởi hành chuyến công du tới Úc và New Zealand nhưng tin tức về việc cha bà băng hà đã được báo khi họ ở Kenya và cặp đôi lập tức bay về Anh.
Trở thành Nữ hoàng ở tuổi 25
Bà trở thành Nữ hoàng khi chỉ mới 25 tuổi và lễ đăng quang của bà, trở thành Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị, được phát trực tiếp trên truyền hình vào tháng 06/1953, là một lễ kỷ niệm được coi là kết thúc kỷ nguyên khắc khổ và u ám thời hậu chiến.
Vị Nữ hoàng trẻ tuổi sinh hạ thêm hai người con nữa — Hoàng tử Andrew vào năm 1960 và Hoàng tử Edward vào năm 1964 — và ổn định với việc nuôi dạy một gia đình và trị vì một đế chế đang dần tan rã khi các thuộc địa ở Phi Châu, Caribe, và những nơi khác được trao độc lập.
Bà vẫn là nguyên thủ quốc gia trong khi 14 thủ tướng đến và đi, và hồi đầu tuần này bà đã bổ nhiệm vị thủ tướng thứ 15 của bà, bà Liz Truss.
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị vẫn khéo léo và có tài ngoại giao trong suốt thời gian trị vì của mình, không giống như chồng bà — người được biết đến với những câu nói hớ hênh về chính trị — và con trai cả của bà, Hoàng tử xứ Wales, người thường xuyên bình luận về kiến trúc, vi lượng đồng căn (homeopathy), biến đổi khí hậu, và bất kỳ chủ đề nào.
Phong thái trang nghiêm của bà khiến bà được các chính trị gia của cả hai đảng chính trị lớn của Anh quý mến. Bà đã được mọi người chào đón nồng nhiệt trong các chuyến công du cấp nhà nước ở hải ngoại từ Nhật hoàng Hirohito của Nhật Bản và Tổng thống Pháp Francois Mitterand đến nhà độc tài xã hội chủ nghĩa Josip Tito của Nam Tư.
Những năm đen tối của thập niên 90
Vào ngày Giáng Sinh năm 1992, nữ hoàng đã mô tả năm đó — thời điểm không chỉ chứng kiến một trận hỏa hoạn kinh hoàng ở lâu đài Windsor, mà còn có một loạt tiết lộ không hay về cuộc hôn nhân của Thái tử Charles (với Công nương Diana) và Hoàng tử Andrew (với bà Sarah Ferguson) — như là một “năm hết sức tồi tệ”.
Năm năm sau, Hoàng gia phải đối mặt với một thời khắc thậm chí còn đen tối hơn khi Công nương Diana, người đã ly hôn với Thái tử Charles một năm trước đó, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi ở Paris.
Đại lễ Bạch Kim
Nữ hoàng lấy lại sự nổi tiếng của mình trong thế kỷ 21 khi giờ đã là một công dân cao tuổi, bà đóng vai trò là bà nội và bà cố của một thế hệ hoàng gia mới, trong đó có Hoàng tử William — người hiện sẽ thay thế người cha 73 tuổi của mình làm người thừa kế ngai vàng — và Hoàng tử Harry.
Bà đã kỷ niệm đại lễ bạch kim của mình — lần đầu tiên một quốc vương của Anh từng trị vì trong 70 năm — hồi đầu năm nay.
Nhưng bà đã mất đi tình yêu của đời mình, Hoàng thân Philip — người đã qua đời vào năm ngoái (2021), ở tuổi 99 — và sức khỏe của bà bắt đầu suy yếu.
Đầu năm nay, bà cho biết mình “rất mệt và bị kiệt sức” sau khi nhiễm virus COVID-19 vào tháng 02/2022.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times