Nông dân Đông Âu dự định biểu tình chung để phản đối cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường EU
Các tổ chức nông dân từ sáu quốc gia EU đã chuyển yêu cầu của họ tới ủy viên nông nghiệp của EU.
Một tổ chức nông nghiệp của Séc đã kêu gọi nông dân Đông Âu biểu tình ở biên giới Ukraine để phản đối việc nhập cảng một cách không công bằng các nông sản từ Ukraine và các chính sách nông nghiệp của Liên minh Âu Châu.
Theo một tuyên bố của Phòng Nông nghiệp Séc, trong một cuộc họp với Ủy viên Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski hôm 12 và 13/02 tại Ba Lan, phái đoàn của các tổ chức nông nghiệp từ sáu quốc gia EU đã yêu cầu một “giải pháp tức thì” trước những tác động bất lợi của các chính sách và quy định nông nghiệp của EU.
Bà Barbora Pankova, một phát ngôn viên của Phòng Nông nghiệp Séc, nói với Euractiv rằng những tổ chức nông dân từ Séc, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Lithuania, và Latvia tham dự cuộc họp này đã đồng ý tiến hành các cuộc biểu tình quốc tế phản đối các chính sách nông nghiệp của EU vào ngày 22/02 và mời các nước EU khác tham gia.
Phòng Nông nghiệp Séc, cùng với các tổ chức nông nghiệp khác tham gia cuộc họp, đã gửi yêu cầu tới ông Wojciechowski để giúp đỡ nông dân ở nước họ vốn bị ảnh hưởng bởi “thị trường Âu Châu bị bóp méo do hàng hóa nhập cảng miễn thuế từ Ukraine,” các chính sách môi trường của EU, và “bộ máy quan liêu phát triển đến mức không thể chịu đựng nổi của liên minh này,” tuyên bố đó cho biết.
“Các tổ chức của nông dân tham gia cuộc họp ngày hôm nay đã nghe thấy lời kêu gọi đoàn kết của chúng tôi để giải quyết các vấn đề hiện hữu mà tất cả chúng ta phải đối mặt,” Chủ tịch Phòng Nông nghiệp Séc Jan Dolezal nói trong tuyên bố đó. “Chỉ bằng cách phối hợp các yêu cầu và cùng nhau hành động, thì chúng ta mới có cơ hội thu hút sự chú ý đến tình hình tuyệt vọng mà nền nông nghiệp Âu Châu hiện đang gặp phải và gây áp lực lên các chính trị gia Âu Châu và Séc để chắc chắn có được các bước thực sự giúp ích cho nông dân.”
Những yêu cầu của nông dân
Theo tuyên bố đó, trong số các yêu cầu được chuyển đến ông Wojciechowski, một thành viên của ban điều hành EU, có một yêu cầu khắc phục tình trạng cạnh tranh kinh tế bị bóp méo ở EU, vốn đã trở nên tồi tệ hơn do việc Ukraine bán phá giá hàng nông sản trên thị trường Âu Châu.
Tuyên bố cho biết: “Việc sản xuất của Ukraine không phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Âu Châu và do đó rẻ hơn và tiện lợi hơn cho các thương nhân.”
Theo tuyên bố đó, trong cuộc họp, nông dân cũng yêu cầu EU giảm thiểu tình trạng gia tăng chi phí sản xuất do các quy định về môi trường của liên minh này gây ra, chủ yếu liên quan đến Thỏa thuận Xanh Âu Châu. Nông dân cũng yêu cầu EU giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính đối với những nông dân đang tìm kiếm trợ cấp.
Tuyên bố cho biết hồi cuối tháng Một, Phòng Nông nghiệp Séc đã đệ trình các yêu cầu tương tự lên Bộ trưởng Nông nghiệp Séc Marek Vyborny, đưa ra cho chính phủ Séc thời hạn là ngày 01/03 để nghĩ ra giải pháp mà nông dân có thể chấp nhận. Phòng này tuyên bố rằng nếu chính phủ không đáp ứng thời hạn đó, thì họ sẽ ủng hộ các cuộc biểu tình của nông dân vốn đã nổ ra một cách tự phát ở nhiều nơi trên khắp nước Séc.
Hôm 19/02, nông dân Séc biểu tình phản đối Thỏa thuận Xanh của EU tại Prague với hàng trăm máy kéo tiến vào thành phố.
Thỏa thuận Xanh Âu Châu là sáng kiến liên quan đến khí hậu của EU nhằm chống lại những gì họ coi là “một mối đe dọa hiện hữu đối với châu Âu và thế giới,” theo một tuyên bố chính sách của Ủy ban Âu Châu, cơ quan điều hành của EU.
Ủy ban này nói trong tuyên bố, “Ủy ban Âu Châu đã thông qua một loạt những đề xướng nhằm làm cho các chính sách về khí hậu, năng lượng, giao thông, và thuế của EU phù hợp [với mục tiêu] giảm lượng phát thải khí nhà kính ròng ít nhất 55% vào năm 2030, so với các mức của năm 1990,” với mục tiêu cuối cùng là “không có phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050.”
Tại sao hàng hóa Ukraine được vào thị trường EU
Theo một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Đông phương, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Ba Lan, nông sản là phần quan trọng nhất trong xuất cảng của Ukraine. Trước cuộc xâm lược của Nga hồi năm 2022, nông sản chiếm hơn 60% hàng hóa xuất cảng của Ukraine, với 90% trong số đó được vận chuyển thông qua các cảng ở Hắc Hải.
Theo S&P Global, trong năm 2021, những điểm đến chính của các nông sản Ukraine là các quốc gia ở châu Á và châu Phi.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Đông phương, sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, việc Nga phong tỏa các cảng ở Hắc Hải của Ukraine đã khiến hoạt động xuất cảng của nước này bị đình trệ, buộc Ukraine phải phát triển các tuyến đường thay thế qua các cảng trên sông Danube, cũng như các tuyến vận tải đường bộ nối nước này với EU.
Tháng 06/2022, EU đã tạm thời ngừng đánh thuế hải quan đối với hàng xuất cảng của Ukraine, bao gồm cả các nông sản, “việc này trên thực tế đã mở cửa thị trường EU cho hàng hóa đến từ nước này.”
Tháng 08/2022, hành lang Hắc Hải, một tuyến đường vận tải đường biển được Ukraine, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, bắt đầu hoạt động. Tuyến đường này cho phép Ukraine tăng cường xuất cảng, nhưng việc Nga rút khỏi thỏa thuận này sau một năm hoạt động đã lại cản trở việc xuất cảng của Ukraine, tổ chức nghiên cứu này cho biết.
Theo một báo cáo chung của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Mạng lưới Thông tin Nông nghiệp Toàn cầu, xuất cảng ngũ cốc từ Ukraine sang EU tăng đáng kể trong niên vụ 2022–23 so với thời kỳ trước chiến tranh, trong khi xuất cảng của nước này sang các điểm đến ngoài EU giảm mạnh.
Chẳng hạn, xuất cảng lúa mì của Ukraina đã tăng lên 7.8 triệu tấn trong niên vụ 2022–23 so với hơn 400,000 tấn trong niên vụ 2021–22, bản báo cáo nêu rõ. Trong cùng thời kỳ đó, xuất cảng lúa mì từ Ukraine sang châu Phi, Nam Á, và Đông Á giảm lần lượt 68.5%, 45.5%, và 80%, theo bản báo cáo.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Đông phương, hàng nông sản đến từ Ukraine chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ đến các nước láng giềng EU do chi phí vận chuyển tương đối thấp nên có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Quốc gia thuộc EU càng ở xa, thì chi phí vận chuyển càng cao, dẫn đến lợi nhuận giảm; do đó, “việc kinh doanh trở nên càng kém hiệu quả hơn về mặt chi phí,” tổ chức tư vấn này cho biết.
Do đó, dòng sản phẩm tới từ Ukraine chủ yếu ảnh hưởng đến Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania, và Bulgaria, “đặc biệt là vì trước cuộc xâm lược họ hầu như không nhập cảng ngũ cốc từ quốc gia này,” báo cáo cho biết.
Cạnh tranh không lành mạnh
Ông Jakub Piecuch, một giáo sư kinh tế tại Đại học Nông nghiệp ở Krakow, Ba Lan, nói với hãng truyền thông Ba Lan Onet rằng “việc cho phép ngũ cốc [của Ukraine] vào Ba Lan không có nghĩa là giúp đỡ cho người Ukraine.”
Theo ông Piecuch, có hơn một chục đại công ty đang hoạt động ở Ukraine sản xuất nhiều loại thực phẩm khác nhau, trong đó có ngũ cốc, vốn không thuộc sở hữu của người Ukraine mà là của người Đức, Hà Lan, hoặc Trung Đông. Ngoài việc người Ukraine cung cấp lao động chân tay cho các công ty này ra, thì quốc gia này thu được rất ít từ việc xuất cảng ngũ cốc, vì các tập đoàn thực phẩm toàn cầu kiếm được “số tiền kếch xù từ việc đó,” ông cho biết.
Hồi tháng Một, Ủy ban Âu Châu đã đề xướng gia hạn việc đình chỉ thuế nhập cảng và hạn ngạch đối với hàng xuất cảng của Ukraine sang EU thêm một năm nữa nhưng hạn chế nhập cảng các nông sản nhạy cảm từ Ukraine, trong đó có gia cầm, trứng, và đường, ở các mức từ năm 2022 và 2023, theo một tuyên bố.
Nếu việc nhập cảng các sản phẩm này vượt quá khối lượng nhập cảng trung bình trong năm 2022 và 2023, thì “thuế quan sẽ được tái áp dụng để bảo đảm rằng khối lượng nhập cảng không vượt quá lớn so với những năm trước đó,” theo tuyên bố đó.
Đề xướng này không có bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế xuất cảng ngũ cốc của Ukraine, và cần có sự chấp thuận của các chính phủ EU và Nghị viện Âu Châu.
Theo Reuters, hôm 14/02, Thứ trưởng Phát triển Kinh tế Ukraine Taras Kachka nói rằng xuất cảng nông sản của Ukraine qua Đông Âu không gây thiệt hại cho thị trường của những nước này.
Ông nói với các ký giả giữa các cuộc họp ở Brussels: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi không có sản phẩm nào đang chèn ép nông dân EU tại thị trường nội địa của họ.”
Ông Kachka cũng cho biết mọi người cần được biết “rằng chúng tôi tuân thủ các quy định về sản xuất của EU.”
Ông cũng cho biết việc vận chuyển hàng hóa qua hành lang Hắc Hải vốn được thiết lập lại hồi tháng 08/2023 sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải đang gia tăng.
Ông Kachka nói: “Chúng tôi tin rằng vấn đề về các loại hạt, tất cả các loại ngũ cốc, và thương phẩm đã chấm dứt với Ba Lan.”
Sau khi Nga rút khỏi sáng kiến nói trên, họ đe dọa sẽ coi tất cả các tàu ở Hắc Hải là mục tiêu quân sự tiềm năng.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters and Petr Svab
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times