Nợ quốc gia của Hoa Kỳ đạt mức cao nhất chưa từng có với 32 ngàn tỷ USD
Con số này đạt được sau khi ông Biden ký dự luật mức trần nợ chưa đầy hai tuần
Dữ liệu của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ công bố hôm 17/06 cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử nước này, nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã vượt 32 ngàn tỷ USD.
Theo báo cáo thường nhật của Bộ Ngân khố, tính đến ngày 16/06 nợ quốc gia đạt mức cao nhất chưa từng có là 32.04 ngàn tỷ USD (pdf).
Con số này thể hiện khoảng 25 ngàn tỷ USD nợ do công chúng nắm giữ, và khoảng 7 ngàn tỷ USD nợ liên chính phủ (pdf).
Kết quả này diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi Tổng thống Joe Biden ký Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa thành luật. Một điều khoản của luật được ký hôm 03/06 này đã đình chỉ mức trần nợ trong 19 tháng. Điều đó có nghĩa là chính phủ có thể tiếp tục vay tiền cho đến cuối năm 2024.
Trước đó, giới hạn nợ này đã được tăng lên 31.4 ngàn tỷ USD vào tháng 12/2021.
Hôm 03/06, tổng nợ quốc gia là 31.47 ngàn tỷ USD, nhưng vào ngày làm việc ngay sau khi ông Biden ký dự luật này, khoản vay của liên bang đã tăng thêm gần 400 tỷ USD.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự đoán mức thâm hụt liên bang cho tài khóa 2023 là 1.4 ngàn tỷ USD.
Mặc dù luật mà ông Biden đã ký cũng bao gồm khoản cắt giảm chi tiêu khoảng 1.5 ngàn tỷ USD trong thập niên tới, nhưng theo đề xuất ngân sách năm 2024 của chính phủ ông Biden, tổng nợ quốc gia dự kiến sẽ vượt quá 50 ngàn tỷ USD vào năm 2033.
Đó là hơn 17 ngàn tỷ USD trong thập niên tới, nhiều hơn toàn bộ khoản nợ quốc gia do công chúng nắm giữ trước đại dịch COVID-19.
Chính phủ liên bang đã vượt mốc 31 ngàn tỷ USD vào ngày 02/10/2022 — chỉ hơn tám tháng trước.
Mốc 32 ngàn tỷ USD đã đạt được sớm hơn 9 năm so với dự kiến trước đại dịch COVID-19, phần lớn là do hàng ngàn tỷ USD chi tiêu liên quan đến COVID-19 đã được quốc hội phê chuẩn.
‘Cơn nghiện nợ’
Ông Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Trách nhiệm về Ngân sách Liên bang, cho biết: “Chúng ta thậm chí không thể vượt qua một năm tài khóa nữa mà không gánh thêm một ngàn tỷ USD nợ, và 33 ngàn tỷ USD có thể sắp đến gần.”
“Cơn nghiện nợ của chúng ta đè nặng lên thế hệ tiếp theo với một gánh nặng nợ nần mà chỉ ngày càng lớn hơn chừng nào chúng ta còn khăng khăng né tránh những lựa chọn khó khăn trong việc quản trị.”
“Chúng ta cần quay trở lại với chính sách tài khóa có trách nhiệm nếu muốn thoát khỏi mớ hỗn độn này. Công thức để đạt được điều đó rất đơn giản: không vay mới — nghĩa là bù đắp hoàn toàn cho tất cả các khoản chi tiêu mới hoặc cắt giảm thuế — và tốt hơn hết, hãy trì hoãn chi tiêu cho đến khi khoản nợ của chúng ta được kiểm soát; giải quyết các nguyên nhân dẫn đến nợ nần chồng chất của chúng ta; và cải tổ tiến trình ngân sách bị phá vỡ của chúng ta. Hành động như thế không phải [khó] như khoa học hỏa tiễn — mà là khá đơn giản, và đã đến lúc các chính trị gia của chúng ta bắt tay vào việc trước khi quá muộn.”
Ông Michael A. Peterson, Giám đốc điều hành của Quỹ Peter G. Peterson, một tổ chức bất vụ lợi trợ giúp giảm nợ quốc gia và hạn chế sự phát triển của an sinh xã hội và Medicare, cũng có quan điểm tương tự.
Ông nói trong một tuyên bố, “Chúng ta đã may mắn tránh được tình trạng vỡ nợ dưới mức trần nợ, nhưng vấn đề lớn hơn là chúng ta tiếp tục bỏ qua khoản nợ ngày càng tăng này. Khi chạy đua với con số 32 ngàn tỷ USD mà không có hồi kết, thì đã đến lúc chúng ta phải giải quyết các nguyên nhân căn bản dẫn đến nợ của chúng ta, mà đó là so tăng trưởng khoản chi tiêu bắt buộc và thiếu doanh thu đủ để tài trợ cho chi tiêu bắt buộc đó.”
“Không làm gì không phải là một lựa chọn bởi vì các chương trình xã hội quan trọng đang đi đến tình trạng mất khả năng thanh toán, và chúng ta đang trên đường bổ sung khoản nợ đáng kinh ngạc 127 ngàn tỷ USD trong 30 năm tới. Đến năm 2053, gần 40% tổng thu nhập của liên bang sẽ được sử dụng chỉ riêng cho trả tiền lãi — một gánh nặng không thể tưởng tượng được mà chúng ta đặt lên các thế hệ tương lai.”
Đầu tháng này, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã công bố một đề xướng cắt giảm thuế lớn nhằm tìm cách tăng việc làm, trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ, và cứu trợ các gia đình bị lạm phát siết chặt bằng cách để lại nhiều tiền khó kiếm được hơn trong ví của họ.
Bản tin có sự đóng góp của Tom Ozimek.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times