Nợ chính quyền địa phương gia tăng, phải chăng bong bóng nợ đang xuất hiện ở Trung Quốc?
Nợ chính quyền địa phương gia tăng và một nền kinh tế trì trệ đang làm dấy lên mối lo ngại về bong bóng nợ ở Trung Quốc. Các chuyên gia khẳng định rằng Bắc Kinh phải khởi động một kế hoạch tái cấu trúc nợ sâu rộng cho các chính quyền địa phương hoặc giảm thiểu vai trò của họ trong việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Sự gia tăng vay mượn của chính quyền địa phương đã khiến đống nợ chồng chất của Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý, với các nhà phân tích và nhà đầu tư hối thúc những người hoạch định chính sách tránh xa sách lược cũ là nạp thêm nợ để thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn và thay vào đó là giải quyết nguy cơ vỡ nợ trước mắt.
Theo ước tính của ANZ, nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc đã lên tới 12.8 ngàn tỷ USD (92 ngàn tỷ nhân dân tệ), hay 72% GDP vào năm 2022. Con số này bao gồm 4.9 ngàn tỷ USD trái phiếu chính quyền địa phương chính thức, phần còn lại bao gồm nợ theo các phương thức tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) — một hình thức tài trợ “kết hợp” được bảo đảm bằng một thỏa thuận bảo lãnh ngầm.
Theo ước tính gần đây của Moody’s, vào nửa đầu năm 2023, lượng trái phiếu phát hành nội địa của Trung Quốc đã tăng 4% so với cùng thời kỳ năm trước. Lưu ý cho khách hàng của Moody’s cho biết sự gia tăng trong khối lượng phát hành chủ yếu do LGFV thúc đẩy, đồng thời cho biết thêm rằng khối lượng phát hành trong cả năm 2023 dự kiến sẽ tăng thêm so với năm ngoái.
Tuy nhiên, như một bản tin của Bloomberg đã nêu ra, tổng nợ chính phủ của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 23 ngàn tỷ USD hồi tháng 05/2023, theo ước tính từ Goldman Sachs Group. Con số này đã bao gồm cả những khoản vay ẩn từ hàng ngàn LGFV của các tỉnh thành. Theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Thế giới, số nợ này đã vượt quá GDP của Trung Quốc, vốn ước tính ở vào khoảng 17.96 ngàn tỷ USD vào năm 2022. Dự kiến, GDP Trung Quốc sẽ đạt 18.73 ngàn tỷ USD vào cuối năm 2023, theo các mô hình vĩ mô toàn cầu của Trading Economics và kỳ vọng của các nhà phân tích.
Bà Woon Khien Chia, nhà phân tích độc lập và cựu giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Niko Asset Management, cho biết: “Trung Quốc dường như đang đi trên con đường phân kỳ tài khóa khi tỷ lệ nợ trên GDP của nước này trong những năm gần đây ngày càng tăng.”
Bà Chia nói với The Epoch Times, “Với tốc độ tăng trưởng [GDP] giảm mạnh và hạn chế buộc ngân hàng trung ương phải cắt giảm lãi suất đủ nhanh, con đường phân kỳ tài khóa của nước này có thể sẽ trở nên tệ hại hơn. Điều này thật đáng lo ngại khi xét đến việc quy mô nợ chính phủ nhìn chung đã vượt quá quy mô GDP của cả nước.”
Theo quan điểm của bà, mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ chính phủ nào là làm thế nào sử dụng nợ để tăng được tài sản. Trong trường hợp của Trung Quốc, một phần đáng kể tài sản do chính quyền trung ương cùng các chính quyền tỉnh và địa phương nắm giữ không được giao dịch hoặc niêm yết công khai, khiến việc đánh giá vị thế tài sản ròng toàn diện trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, xét đến sự sụt giảm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và kết quả hoạt động mờ nhạt của cả thị trường tài chính công và lĩnh vực địa ốc của nước này, bà Chia cảnh báo: “Do đó, có nguy cơ thực sự dẫn đến bong bóng nợ.”
Mất cân bằng tài khóa
Hơn nữa, điều đáng lo ngại là phần lớn các khoản nợ của chính quyền địa phương — ước tính khoảng 890 tỷ USD — sắp được thanh toán trong năm nay, vượt quá mức tăng trưởng GDP danh nghĩa trung bình hàng năm dự kiến là 543 tỷ USD trong thập niên tới. Bản lưu ý cho khách hàng của ANZ mà The Epoch Times truy cập được nêu thêm: “Ở mức độ này, vấn đề nợ [của Trung Quốc] đang đạt đến đỉnh điểm.”
Các chuyên gia cho biết, sự leo thang của nợ địa phương là một triệu chứng của các vấn đề cấu trúc sâu sắc hơn trong nền kinh tế.
Vì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chu cấp cho các hoạt động kinh tế và xã hội, LGFV thường được sử dụng làm nguồn tài trợ chính, thường liên quan đến các dự án bán nhà đất.
Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của ANZ Group, viết trong báo cáo gửi khách hàng: “Trên thực tế, chính quyền địa phương đang gánh những khoản nợ do các nhà phát triển địa ốc huy động, mà các nhà phát triển địa ốc này lại hiện đang gặp khó khăn.”
Ông nói thêm, mô hình đó không bền vững vì nguồn vốn thường được sử dụng để đầu tư vào các dịch vụ công cộng như hệ thống nước thải hoặc cơ sở hạ tầng khác không tạo ra dòng tiền trực tiếp.
Tuy nhiên, ông Yeung viết, khi chính quyền thắt chặt cái gọi là nợ ẩn, khả năng thúc đẩy tăng trưởng của chính quyền địa phương sẽ ngày càng hạn chế, buộc họ phải dựa vào khoản ngân sách trực tiếp từ chính quyền trung ương để bù đắp sự thiếu hụt.
Khôi phục mối bang giao với Hoa Kỳ
Quả thực, chính quyền địa phương không thể tự chu cấp cho bản thân một phần vì chi phí tài trợ liên tục cao hơn so với lợi nhuận thu về trên tài sản.
Ông Yeung viết rằng, một số phương pháp giải quyết nghĩa vụ nợ của chính quyền địa phương và đẩy nhanh tốc độ giảm nợ có thể là thanh lý tài sản, hoán đổi nợ-vốn, và thậm chí là tài trợ cho sự chênh lệch giữa giá thị trường và giá trị quy định của tài sản để thúc đẩy phát triển nền kinh tế Trung Quốc.
Ví dụ, vào tháng Chín, Reuters đưa tin rằng chính quyền địa phương ở Tế Nam và Thanh Đảo — hai trong số những thành phố lớn nhất ở tỉnh Sơn Đông, đông dân thứ hai của Trung Quốc — đã cho phép có thêm địa ốc dân cư để bán trên thị trường mở.
Ông Yeung viết: “Mặc dù có lo ngại về nguồn cung nhà ở tăng đột ngột và tác động có thể có đối với giá địa ốc, chính quyền địa phương rất cần nguồn thu để đáp ứng các cam kết tài chính.”
Theo báo cáo, trong nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng tín dụng và vỡ nợ, các ngân hàng nhà nước lớn nhất ở Trung Quốc cũng đang cung cấp cho các LGFV các khoản vay siêu dài hạn với kỳ hạn từ 20 đến 25 năm, bao gồm cả việc giảm lãi suất tạm thời.
Bà Chia cho biết: “Một cách khác để giải quyết vấn đề nợ nần là tư nhân hóa hoặc cổ phần hóa ở mức tối thiểu các doanh nghiệp nhà nước và ngăn chặn một cách dứt khoát hơn việc vay nợ qua phương pháp LGFV của chính quyền địa phương.”
Tuy nhiên, bà nói thêm, để các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo phương thức thương mại, Trung Quốc cần trao cho họ quyền tự chủ để theo đuổi các mục tiêu thương mại, điều này có thể không phù hợp với các mục tiêu kinh tế và xã hội của Bắc Kinh, chẳng hạn như “sự thịnh vượng chung.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times