Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp (Phần 3): Những Người Tiên Phong: Socrates, Xenophon, Plato
Đây là bài thứ ba trong loạt bài tiểu luận về những ý tưởng đằng sau Hiến pháp. Bạn có thể tìm thấy hai bài tiểu luận đầu tiên ở đây và ở đây.
Vào đầu thế kỷ thứ năm trước Kỷ nguyên Thiên Chúa (500 Trước Công Nguyên), nền văn minh Hy Lạp đã lan rộng ra ngoài lục địa Hy Lạp. Các thuộc địa của Hy Lạp thống trị các bờ biển quanh Biển Đen; phía bắc Địa Trung Hải đến tận Tây Ban Nha; nhiều hòn đảo ở Địa Trung Hải, bao gồm phần lớn Sicily; và Tây Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).
Nền văn minh Hy Lạp rất phi tập trung. Đơn vị chính quyền căn bản là thành bang [hay thành phố-nhà nước: là một thực thể độc lập hoặc tự trị, không do một chính quyền địa phương khác quản lý cho dù lãnh thổ của chính quyền đó bao gồm thực thể này]. Sự phi tập trung này có xu hướng thúc đẩy sáng tạo và tiến bộ, và điều này chắc chắn đúng với người Hy Lạp: Họ trở thành cha đẻ của tư tưởng hiện đại. Các thành phố như Athens, Miletus ở Tiểu Á và Syracuse ở Sicily dường như là cội nguồn cung cấp các tài năng vô tận. Thật vậy, Athens, giống như Florence, Ý, trong các thế kỷ sau này, tràn ngập nhân tài đến mức có thể lãng phí tài năng đó bằng cách xử tử hoặc đày ải một số công dân xuất sắc nhất của mình.
Năm 490, người Athen đánh bại Đế chế Ba Tư trong trận Marathon, qua đó nắm giữ vị trí lãnh đạo ở Hy Lạp. Đến giữa những năm 400, Athens kiểm soát một đế chế lỏng lẻo trải dài quanh biển Aegean. Tuy nhiên, đế chế này chỉ bao gồm một phần nhỏ của thế giới Hy Lạp.
Các lực lượng vũ trang của thành bang Sparta và Syracuse đã phá vỡ quyền lực chính trị của Athens trong Chiến tranh Peloponnisos (là cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại] vào năm 431–404), nhưng Athens vẫn tiếp tục là một trung tâm đào tạo. Nó vẫn như vậy trong suốt thời kỳ Hy Lạp hóa và La Mã. Triết gia Cicero (106–44) học ở Athens, và cũng đưa con trai mình đến học ở đó.
Ba nhân vật đầu tiên trong danh sách những người có ảnh hưởng chính trị đối với Hiến Pháp đều là người Athen: Socrates, Xenophon và Plato.
Socrates
Socrates sinh khoảng năm 470 và có sự khác biệt vì là một lính bộ binh trong Chiến tranh Peloponnisos. Ông cũng phục vụ Athens trong một số văn phòng nhỏ của bộ máy chính trị. Nhưng điều khiến ông nổi tiếng chính là công việc giảng dạy của mình.
Niềm đam mê của Socrates là kết bạn và tìm cách giúp những người bạn đó thành những người tốt hơn, hiệu quả hơn. Socrates trở nên nổi tiếng với lối sống thanh đạm và khác thường: Ông đi chân trần lang thang khắp thành phố, theo sau là các sinh viên, họ thu hút người dân vào cuộc trò chuyện. Tất nhiên, Socrates không phải là một nhân vật phản văn hóa hay một kẻ bỏ học. Như đã nói trên đây, ông đã phục vụ thành phố của mình với nhiều vai trò khác nhau, và ông là một nhân vật nổi tiếng trong xã hội Athen.
Khi Socrates 70 tuổi, một nhà thơ tên là Meletus đã đưa ra cáo buộc hình sự chống lại ông với cáo buộc phá hoại tôn giáo Athen và làm hư hỏng thanh niên Athen. Bồi thẩm đoàn kết luận Socrates có tội và kết án tử hình. Như thường lệ trong những trường hợp như vậy, Socrates được trao nhiều cơ hội để tránh cả bản án và hình phạt. Theo Xenophon, quyết định nhận cái chết của ông ta dựa trên mong muốn tránh khỏi sự suy thoái về thể chất và tinh thần sẽ xảy ra, dẫn đến sự đau khổ của tuổi già.
Giống như một người thầy nổi tiếng khác, Jesus of Nazareth, Socrates không viết ra những ý tưởng của mình; ông đã truyền đạt chúng bằng thuyết giảng, phần lớn thông qua đối thoại. Các đệ tử của ông đã lưu giữ chúng bằng văn bản. Hầu hết các tác phẩm của các môn đệ chỉ tồn tại trong các phần rời rạc, trừ các bài viết của hai tác giả căn bản là hoàn chỉnh. Những tác giả đó là Xenophon và Plato.
Xenophon
Xenophon sinh ra ở Athens vào khoảng năm 430. Giống như Socrates và Plato, ông tận hưởng cuộc sống lâu dài trong thời đó. Không giống như người bạn cùng là môn đồ (của Socrates) là Plato, Xenophon không cống hiến cuộc đời mình cho việc học. Ông trở thành một người lính và nhập ngũ làm lính đánh thuê trong quân đội của một hoàng tử Ba Tư tên là Cyrus (không nên nhầm lẫn người này với tổ tiên của ông ta, Vua Cyrus Đại đế).
Hoàng tử Cyrus khao khát ngai vàng Ba Tư, nhưng bị đánh bại trong trận Cunaxa (401), gần Babylonia ở Mesopotamia (Iraq ngày nay). Thất bại khiến 10,000 lính đánh thuê Hy Lạp mắc kẹt giữa Đế quốc Ba Tư. Sau khi các chỉ huy ban đầu của họ bị bắt và bị sát hại, Xenophon được bầu làm một trong những người thay thế. Đoàn quân đã đi qua đất nước thù địch dường như dài vô tận để trở về Hy Lạp. Quý vị có thể đọc tất cả về điều đó trong cuốn sách của Xenophon có nhân đề “Anabasis” (tạm dịch: Hành trình vô tận). Những học sinh thời lập quốc Hoa Kỳ đọc tác phẩm này bằng tiếng Hy Lạp.
Sau khi trở về Hy Lạp, Xenophon bị lưu đày khỏi Athens không rõ lý do, và ông đã phục vụ cho Sparta. Trong số các tác phẩm của ông có một số thuật lại lời dạy của Socrates, tác phẩm quan trọng nhất là “Memorabilia” (Những kỷ vật)
Xenophon được đánh giá cao trong cuộc đời của mình với tư cách là một người lính và một nhà sử học, nhưng không bao giờ giả danh là một học giả cùng cấp độ với Plato. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, chân dung của Socrates theo Xenophon thực tế hơn và con người hơn chân dung được khắc họa bởi Plato. Bởi vì Plato đã cố ý đưa rất nhiều quan điểm của riêng mình vào các cuộc đối thoại của Socrates, nên mô tả của Xenophon về quan điểm của Socrates có thể là phiên bản chính xác hơn.
Tác phẩm “Những kỷ vật” cho thấy Socrates giảng giải một số ý tưởng chính trị, ở dạng chỉnh sửa, đã chứng tỏ có ảnh hưởng với những Nhà Lập Quốc Hoa Kỳ. Thứ nhất là các quan chức chính phủ nên điều hành đất nước, không phải vì lợi ích của họ, mà vì lợi ích của người dân. Đây là cốt lõi của lý thuyết về “niềm tin của công chúng” (pdf). Thứ hai là để có tự do cần phải thực thi việc tự quản trị, và chỉ những người biết tự quản trị mới có thể duy trì sự tự do.
Xenophon cũng liên quan đến sự phân loại các hình thức chính phủ của Socrates thành vương quyền (chế độ quân chủ), chế độ quý tộc, chế độ tài phiệt (bao trùm lên chế độ đầu sỏ), dân chủ và chế độ chuyên chế. Vương quyền là chế độ do một người cai trị theo pháp luật. Chế độ chuyên chế là sự cai trị của một người không tuân theo pháp luật. Chế độ quý tộc là chính phủ của những người đáp ứng các yêu cầu pháp lý nhất định. Chế độ tài phiệt được cai trị bởi những người giàu có. Dân chủ là do dân làm chủ.
Plato
Plato sinh năm 428 hoặc 427 và sống thọ 80 tuổi. Ông trở thành học trò của Socrates từ khi còn trẻ, và sau cái chết của thầy, Plato bắt đầu dạy học. Vào những năm 380, ông thành lập Học Viện (Academy)—một dạng tiền thân của trường đại học. Ông đã đi chu du nhiều nơi, trong đó có ba chuyến đi đến Syracuse (thuộc vùng Sicily, Ý) theo yêu cầu của những người có ảnh hưởng ở thành phố đó.
Plato đã áp dụng các phương pháp của Socrates cho các ý tưởng của Socrates để phát triển các kết luận của riêng mình. Thường rất khó để biết có bao nhiêu kết luận trong các tác phẩm của Plato là của Socrates và bao nhiêu là của Plato.
Một số cuốn sách của Plato đã được đọc rộng rãi trong thế kỷ 18, bao gồm “The Republic” (Cộng Hòa) và “The Laws” (Luật Pháp). Tác phẩm đầu tiên giải thích quan điểm rằng tâm hồn con người (linh hồn) có ba phần — lý trí, tinh thần và sự thèm muốn. Từ đó ông mở rộng quan điểm sang thành phố-nhà nước lý tưởng, mà theo Plato, nên có ba tầng lớp công dân: người bảo hộ (người cai trị), binh lính và người lao động.
Plato tinh chỉnh cách phân loại của Socrates về các hệ thống chính trị và gợi ý rằng các hình thức chính trị tốt có xu hướng thoái hóa thành các hình thức tham nhũng. Ví dụ, chế độ quý tộc trở thành đầu sỏ chính trị, và chế độ dân chủ trở thành chế độ chuyên chế.
Tác phẩm “The Laws – Luật Pháp” là một tác phẩm ra đời muộn hơn và thực tế hơn “The Republic – Cộng Hòa”. Tác phẩm này đề xướng cái được gọi là “hiến pháp hỗn hợp” (mà chúng ta sẽ thảo luận cùng với Polybius). Plato đề nghị rằng một thành phố-nhà nước có một hội đồng gồm tất cả các công dân đã từng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hội đồng sẽ bầu ra các quan chức và thực hiện một số chức năng khác. Công việc điều hành hàng ngày sẽ được thực hiện bởi các quan chức và bởi một hội đồng đại diện được bầu hàng năm. “Những người bảo hộ pháp luật” được bầu với nhiệm kỳ 20 năm sẽ bao gồm một bộ máy tư pháp với danh mục rất rộng.
Phần tiếp theo sẽ giải thích sâu hơn các ý tưởng của Socrates, Xenophon và Plato đã ảnh hưởng đến Hiến Pháp như thế nào. Vui lòng đón đọc: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp (Phần 4): Aristotle
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times