Những tác dụng kỳ diệu của âm nhạc cổ điển (Phần 1)
“Thiên hữu ngũ âm, nhân hữu ngũ tạng; Thiên hữu lục luật, nhân hữu lục phủ. Thử nhân chi dữ thiên địa tương ứng dã” (Trời có ngũ âm, người có ngũ tạng; trời có lục luật, người có lục phủ, con người do đó tương ứng với thiên địa vậy). Là một trong những cái nôi dưỡng thành âm nhạc trị liệu, tổ tiên của người Trung Quốc từ lâu đã sớm khám phá những bí mật của quy luật vũ trụ và tiết tấu của sinh mệnh.
Khái niệm dùng âm nhạc trị liệu sớm đã có từ lâu trong lịch sử Trung Quốc, “âm nhạc giả, sở dĩ động đãng huyết mạch, thông lưu tinh thần hòa chính tâm dã” (người chơi nhạc, cho nên rung chuyển huyết mạch, lưu thông tinh thần và chính lại tâm vậy). “Tỳ tại thanh vi ca”, “khứ ưu mạc nhược nhạc” (Tạng Tỳ khi bất thường thì biểu hiện bằng ca hát; giải sầu chi bằng chơi nhạc); “hảo dược giả, dữ chi sênh địch” (người giỏi dùng thuốc, cũng như giỏi dùng sênh); “thất tình chi bệnh, khán hoa giải muộn, thính khúc tiêu sầu, hữu thắng vu phục dược giả dã” (người bệnh thất tình, nhìn hoa giải buồn, nghe hát tiêu sầu, tốt hơn cả dùng thuốc).
Trong những năm gần đây, khoa học phương Tây đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa các loại âm nhạc khác nhau đối với sức khỏe. Các khoa học gia đã phát hiện ra rằng âm nhạc cổ điển là một liều thuốc tốt để chữa lành cho những vết thương về thể xác và tinh thần, có thể nâng cao tâm trí. Ứng dụng của liệu pháp âm nhạc (Music Therapy, MT) trong các lĩnh vực lâm sàng đã luôn được chú ý trong những thập kỷ qua. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự khác biệt giữa âm nhạc cổ điển và âm nhạc hiện đại đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Mọi người sinh ra đều có Thiên phú về âm nhạc
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford ở Hoa Kỳ và Đại học McGill ở Canada đã từng đăng một bài viết trên tạp chí Neuron, trong đó chỉ ra rằng âm nhạc có thể ảnh hưởng và thay đổi mức độ cảm xúc, thậm chí ảnh hưởng đến mức độ tập trung của con người.
Bài nghiên cứu này cho rằng âm nhạc giống như ngôn ngữ, nó cũng là một trong những khả năng nhận thức bẩm sinh của con người, kể cả những người không biết gì về âm nhạc thì khi sinh ra cũng sở hữu “tế bào âm nhạc”.
Trong thí nghiệm này, những nhà nghiên cứu đã chọn các tác phẩm của Beuys,nhà soạn nhạc người Anh vào thế kỷ 18 mà ít người biết đến. Kết quả phát hiện, bất cứ khi nào những người tham gia thí nghiệm cảm thấy có sự thay đổi trong âm nhạc, họ đều sẽ bấm nút. Nghiên cứu này đã cho thấy rằng những người hoàn toàn không biết gì về âm nhạc cũng có khả năng cảm nhận tiết tấu và âm điệu, có thể phân biệt phần đầu và phần cuối của bản nhạc, có thể phân đoạn và hiểu các thông tin mà thính giác nhận được.
Các nhân viên nghiên cứu cho biết, âm thanh mà chúng ta nghe được kết nối trực tiếp với hạch hạnh nhân, trung tâm cảm xúc của não bộ, ảnh hưởng của âm nhạc lên não khiến cảm xúc của chúng ta có sự liên hệ trực tiếp với âm nhạc.
Hiệu ứng Mozart
Âm nhạc của Mozart không chỉ không mai một qua thời gian mà còn vượt qua lĩnh vực âm nhạc thưởng thức thuần túy, sở hữu các tác dụng chữa bệnh kỳ diệu. Từ bệnh Alzheimer đến bệnh động kinh, từ cải thiện trí thông minh đến giúp bò tăng tiết sữa v.v. rất nhiều báo cáo nghiên cứu y học đã đề cập rằng âm nhạc của Mozart có tác dụng chữa bệnh rất cao, “Hiệu ứng Mozart” đã có mặt tại mọi lĩnh vực nghiên cứu hiện đại. Có học giả đã phân tích rằng, đó là do giai điệu trong các bản nhạc của Mozart phù hợp với phương thức vận hành của bộ não con người.
“Hiệu ứng Mozart” được công bố lần đầu tiên trên tạp chí khoa học có thẩm quyền “Nature” vào năm 1993. Các thí nghiệm của hai giáo sư từ Đại học California đã chứng minh rằng, nghe các bản sonata của Mozart trong mười phút có tác dụng tăng cường trí thông minh. Họ chỉ ra rằng âm nhạc cổ điển có thể nâng cao tâm trí.
Liệu pháp âm nhạc ở phương Tây cận đại
Vào đầu thế kỷ 19, một số bác sĩ tâm thần ở Âu Châu đã phát hiện ra rằng, có một số bệnh nhân không phản ứng với các loại kích thích, nhưng lại có lực cảm thụ đối với âm nhạc.
Kể từ đó, mối liên kết giữa âm nhạc và y học đã dần được coi trọng. Vào đầu thế kỷ này, nhiều cơ sở dành cho người khuyết tật, viện giáo dưỡng, trường giáo dục đặc biệt ở Âu Châu và Hoa Kỳ đã bắt đầu sử dụng âm nhạc để chữa lành những nỗi đau về thể chất và tinh thần của trẻ em và người khuyết tật, hơn nữa phát hiện hiệu quả là tương đối tốt.
Trị liệu bằng âm nhạc đã trở thành một môn học chính thức trong khoảng giữa và sau Đệ Nhị Thế Chiến, lúc đó âm nhạc bắt đầu được chú ý nhờ khả năng thúc đẩy quá trình hồi phục và điều trị bệnh nhân “sốt chiến hào”. Không lâu sau đó, Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc Quốc gia Hoa Kỳ đã được thành lập vào năm 1950 để thúc đẩy khoa học trị liệu âm nhạc và cung cấp các hướng dẫn cũng như hỗ trợ cho các học giả.
Rất nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, các dây thần kinh dẫn truyền âm nhạc cũng giống như các dây thần kinh dẫn truyền cơn đau, vì vậy các bác sĩ đã sử dụng âm nhạc để giảm bớt cơn đau khi sinh nở; xoa dịu bệnh nhân trong các phòng khám nha khoa; làm giảm một số triệu chứng của bệnh ung thư cũng như tác dụng phụ của việc điều trị.
Từ tư vấn tâm lý hôn nhân cho đến điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế và bệnh tâm thần, hiện nay, ngày càng có nhiều liệu pháp tâm lý sử dụng âm nhạc như một biện pháp hỗ trợ cho thuốc và tâm lý trị liệu. Âm nhạc giúp bệnh nhân nhận ra cảm xúc của mình và cải thiện những cảm xúc tiêu cực.
Nhạc cổ điển có những lợi ích đặc biệt đối với sức khỏe
Một loạt các nghiên cứu cho thấy, không phải tất cả các loại âm nhạc đều có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần, và âm nhạc cổ điển có những lợi ích đặc biệt đối với sức khỏe. Dưới đây là một số tác dụng mà âm nhạc cổ điển mang lại:
Nhạc cổ điển thúc đẩy sự phát triển của thai nhi
Theo nghiên cứu của các học giả ở Âu Châu, Mỹ Châu và Trung Quốc, âm nhạc cổ điển có thể kích thích thính giác của thai nhi một cách lành mạnh, mang lại lợi ích đáng kể cho thai nhi trước khi sinh. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc cho trẻ nghe nhạc của Mozart và Bach từ nhỏ có thể mở rộng thể tích não bộ, tăng hoạt động của các tế bào thần kinh, giúp khả năng suy luận trừu tượng của trẻ phát triển bình thường.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc kích thích thai nhi thường xuyên bằng âm thanh, chẳng hạn như nhạc cổ điển nhẹ nhàng và tiếng thì thầm của cha mẹ… có thể thúc đẩy sự phát triển của các dây thần kinh cảm giác và các trung tâm cảm giác ở vỏ não của thai nhi, tạo nền tảng cho sự phát triển trí tuệ. Ngược lại, dưới sự kích thích của âm nhạc hiện đại và tiếng ồn, thai nhi sẽ bồn chồn, nhịp tim đập nhanh hơn, cử động của thai nhi cũng tăng mạnh.
Các nhà khoa học Tây Ban Nha cũng phát hiện ra rằng thai nhi đối với âm nhạc là có yêu, ghét. Mặc dù còn trong bụng mẹ nhưng những thai nhi cách ngày dự sinh 12 tuần đặc biệt thích những bản nhạc nhẹ nhàng, và có tính hòa âm cao như nhạc Mozart, Verdi v.v. và rất bài xích nhạc rock.
Nghiên cứu còn chỉ ra rằng âm nhạc cổ điển có thể xoa dịu trẻ sinh non. Trẻ sinh non thường thể hiện sự đau đớn và khó chịu thông qua hành vi, nét mặt, thậm chí nhịp tim đập nhanh, nhưng khi nghe nhạc cổ điển, hành vi, nét mặt và nhịp tim của trẻ sinh non có thể khôi phục trở lại bình thường.
(Còn tiếp)