BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Tin vào truyền thống – Chính trị bản sắc không phải là giải pháp cho âm nhạc cổ điển
Những thách thức mà các tổ chức âm nhạc cổ điển trên khắp thế giới đang phải đối diện đã được bàn thảo rộng rãi.
Lượng khán giả sụt giảm và nguồn doanh thu eo hẹp là câu chuyện thường xuyên trong ngành này, đặc biệt là trong những năm đại dịch.
Nhiều đoàn biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn không thể tồn tại nhờ nguồn doanh thu bán vé, mà phải dựa vào các khoản tài trợ, trợ cấp của chính phủ để duy trì nguồn tài chính của họ.
Một nhà soạn nhạc trẻ tuổi cho biết những thách thức này là một nguyên nhân khiến nhiều giám đốc điều hành và giám đốc âm nhạc theo đuổi các xu hướng và trào lưu âm nhạc đại chúng gần đây nhất.
“Các nghệ sĩ nói chung thường không tham gia vào bất cứ cuộc tranh luận nào vì đã nản lòng và thu mình, đặc biệt là những người có vị trí cao trong giới nghệ thuật,” anh Alexander Voltz, 23 tuổi, nói với The Epoch Times.
“Những người ngồi trong hội đồng quản trị và các giám đốc nghệ thuật dường như có tầm nhìn cụ thể của mình mà tôi không nghĩ tất cả các nghệ sĩ đều chia sẻ được,” anh nói thêm.
Nhà soạn nhạc sống và làm việc tại Brisbane đề cập đến gói tài trợ nghệ thuật mới nhất đến từ chính phủ Đảng Lao Động của Thủ tướng Albanese, gói tài trợ Revive (Hồi sinh) trị giá 286 triệu AUD (khoảng 192 triệu USD), đặt trọng tâm vào những di sản của thổ dân Úc.
“Gói tài trợ Revive được xây dựng dựa trên năm trụ cột nhưng đặt First Nations [Người bản địa] lên hàng đầu — công nhận và tôn vinh vị trí quan trọng của những câu chuyện này như là phần cốt lõi của nền nghệ thuật và văn hóa của chúng ta,” chính phủ này cho biết hồi tháng Giêng.
Các tác phẩm của nhà soạn nhạc Voltz từng được Dàn nhạc Giao hưởng Melbourne, Opera Queensland, và Dàn nhạc giao hưởng Thanh niên Úc biểu diễn.
Gần đây nhất, anh làm việc với vai trò là nhà soạn nhạc của Camerata — Dàn nhạc thính phòng của Queensland và là người nhận tài trợ của Quỹ dành cho các Nhà soạn nhạc của Công ty Phát thanh Truyền hình Úc.
‘Bản sắc’ – Một hoạt động kinh doanh béo bở đang lên
Anh Voltz cho biết tập trung vào ‘bản sắc’ có những rủi ro của nó.
“Bản sắc đã thay thế sự tinh tế để trở thành phẩm chất đầu tiên của một tác phẩm nghệ thuật,” anh nói. “Hiện nay, người sáng tạo quan trọng hơn tác phẩm được tạo ra. Điều này rất nghịch lý bởi vì nếu không có tác phẩm thì đâu ai biết đến người sáng tạo.”
Anh kêu gọi quay trở lại với kỹ thuật nghệ thuật trong sáng tác âm nhạc, cảnh báo rằng nền tảng của các tác phẩm của Úc đang xuống cấp.
“Chúng tôi thấy những tác phẩm rất nhạt nhẽo được soạn ra để đáp ứng các khoản hoa hồng lớn của các tổ chức và dàn nhạc cao cấp ở quốc gia này. Người ta tự hỏi tại sao các nhà soạn nhạc được chọn lại có thể viết những tác phẩm đó,” anh Voltz nói.
“Một số bản nhạc được biểu diễn ở những địa điểm rất sang trọng dưới sự chỉ huy của các nhạc trưởng đẳng cấp và được những nhạc công kỳ cựu biểu diễn — ý tôi là, bản nhạc đó có thể được soạn ở trường trung học.”
“Giá tiền được gắn liền với các tác phẩm này, số tiền mà những nhà soạn nhạc đó kiếm được là hoàn toàn vượt quá giới hạn.”
Anh Voltz nói thêm rằng các yếu tố khác cũng tạo nên khó khăn cho các nhóm nhạc cổ điển, trong đó tầm quan trọng của truyền thống trong giáo dục bị xem nhẹ, các phương tiện truyền thông xã hội và sự quan tâm bị suy giảm, cũng như việc các nhạc sĩ quá lệ thuộc vào sự trợ giúp của chính phủ.
Nhà tổ chức lễ hội âm nhạc: Khán giả nên cẩn trọng với các sáng tác mới hơn
Nhà tổ chức Lễ hội âm nhạc Craven Creek ở vùng New South Wales, ông Greg Lindsay cho biết “trào lưu tư tưởng đã thay đổi” và chính trị bản sắc đã len lỏi vào các sáng tác hiện đại.
“Tôi muốn các nhạc sĩ giỏi nhất biểu diễn hoặc soạn những bản nhạc hay nhất. Tôi không quan tâm đó là gì và họ là ai,” ông nói với The Epoch Times.
Ông cho biết những người dẫn dắt dàn nhạc giao hưởng có thể theo đuổi những xu hướng mới nhất bởi vì đôi khi đó là cách dễ nhất để thu hút được khán giả và chi trả các hóa đơn.
Đối với Lễ hội Craven Creek — một sự kiện [âm nhạc] đặc sắc thường xuyên cháy vé — các nhà tổ chức chương trình lựa chọn âm nhạc từ nhiều thời đại khác nhau, nhưng với âm nhạc hiện đại, ông Lindsay nói rằng, được khán thính giả đón nhận khắt khe hơn.
“Chúng tôi chỉ đặt hàng một tác phẩm cho chương trình này và cũng đã là từ năm 2019 trước đại dịch,” ông nói. “Đó là thị trường chuyên biệt hơn, và có những khán giả thích điều đó.”
“Tôi nghĩ điều quan trọng là cần thử nghiệm những ranh giới,” ông nói thêm. “Nhưng một số tác phẩm khác thời nay, tôi không cho rằng chúng có thể tồn tại lâu dài.”
Chuyên gia âm nhạc: Đánh mất nền văn hóa bởi vì những gì được gọi là ‘Xu hướng’
Ông Peter Tregear, nhà âm nhạc học và giám đốc Little Hall của Đại học Melbourne, cho biết các nhạc trưởng và giám đốc âm nhạc đang rất thận trọng vì tình hình tài chính bấp bênh của các đoàn nghệ thuật.
“Chương trình của Dàn nhạc Giao hưởng Melbourne ngày càng giống với những gì mà Dàn nhạc Pops Úc [âm nhạc đại chúng] đã làm trong những năm 1980 — nhiều bản nhạc phim và nhạc trò chơi điện tử hơn .v.v. Đó không còn là chương trình lan tỏa những kiệt tác âm nhạc cổ điển,” ông nói với The Epoch Times.
Ông Tregear cho biết cuộc đua không hồi kết để chạy theo những xu hướng mới nhất này có nguy cơ đẩy khán giả nhiệt thành nhất ra xa.
Ông đưa ra một ví dụ: “Khi các thư viện muốn làm hài lòng tất cả mọi người, thì thư viện đó thực sự không còn là nơi để tìm sách và để đọc sách nữa. Khi bảo tàng trở thành nơi giải trí, thì bảo tàng đó không còn là nơi để suy ngẫm, hồi tưởng, hay bảo tồn nữa.”
“Những người đang điều hành các tổ chức này [chỉ huy và quản lý dàn nhạc] cần thực sự suy nghĩ và nêu rõ lý do tại sao họ tồn tại,” ông Tregear cho biết. “Và điều đó không nên khiến họ hay chúng ta phải sợ hãi.”
“Nếu câu trả lời chỉ là, ‘Xem này, chúng tôi có thể dung hòa mọi thứ’ … thì thật là vô nghĩa. Tại sao quý vị lại tài trợ cho một dàn nhạc khi quý vị có thể làm điều tương tự nhưng theo những cách khác rẻ hơn và hiệu quả hơn nhiều?” ông nói thêm.
Ông Tregear nói chúng ta cần có dũng khí để đẩy lùi văn hóa thỏa mãn tức thời (được lan truyền bởi internet và mạng xã hội) vốn đã lan tràn trong các xã hội phát triển.
“Âm nhạc cổ điển phụ thuộc vào sự cảm thụ, một kiểu cam kết, mà có thể nói rằng chúng ta ngày càng cần nhiều hơn, chứ không phải ngày càng ít đi trong ‘văn hóa thỏa mãn tức thời ba phút’ hiện tại của chúng ta,” ông Tregear nói.
“Với ý tưởng rằng chúng ta sẽ khuyến khích khán giả đặt mình vào một không gian kín tĩnh lặng và thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật kéo dài hơn một giờ, hay thành thật mà nói là dài hơn 10 phút, thì giờ đây gần như là điều phản văn hóa.”
Ông cũng chỉ trích ý tưởng về việc xem trọng bản sắc hơn đặc tính của một cá nhân.
“Câu nói, ‘Chúng ta xem những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng … ’ đã đưa đến việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Tuy nhiên, tuyên ngôn này được viết bởi một người da trắng sở hữu nô lệ, [cựu Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson],” ông Tregear nói.
“Những ngôn từ và ý nghĩa không bị giới hạn bởi người công bố chúng. Các tác phẩm nghệ thuật cũng vậy, chúng không bị giới hạn bởi chủng tộc, giới tính, xu hướng tính dục, và giai cấp của những người đã thổi hồn vào chúng.”
Nhà soạn nhạc: Ít phụ thuộc vào chính phủ là điểm mấu chốt
Trong khi ấy, nhà soạn nhạc Voltz cho rằng các đoàn nghệ thuật biểu diễn cần phải tìm ra những cách mới để hoạt động.
“Ngành này phụ thuộc rất nhiều vào trợ cấp của chính phủ, và khiến họ trở thành đứa trẻ thiếu đói,” ông nói. “Chúng ta cần các nghệ sĩ dám cho rằng mình là một doanh nghiệp nhỏ và tạo nên con đường thành công của riêng mình.”
Ông đề cập đến Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun có trụ sở tại New York — mà The Epoch Times là đối tác truyền thông — như ví dụ về một công ty nghệ thuật biểu diễn đã tìm ra cách vận hành có lợi nhuận và ít phụ thuộc vào sự trợ giúp của chính phủ.
“Đó là một minh chứng tuyệt vời về những nghệ sĩ dám nghĩ dám làm đã cùng nhau tạo nên thị trường và công việc của riêng mình, gầy dựng thành công cho chính họ. Không ai cầm tay dắt họ vượt qua điều đó,” anh Voltz nói.
“Tôi nghĩ liệu chúng ta có thể truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ làm điều đó không. Bức tranh toàn diện mà chúng ta biết sẽ tốt hơn rất nhiều, cụ thể là ở Úc, nơi tôi tin rằng đã rất sẵn sàng để trải nghiệm thể loại Phục Hưng.”
“Tôi tin rằng những hạt giống này đã được gieo xuống, lợi ích đã ở đó và chúng ta không nên hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng chúng ta cần hành động ngay bây giờ để chắc chắn sẽ có một tương lai văn hóa uyên thâm và cao quý cho quốc gia này.”
Chi Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times