Những nội dung chính trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh G20
Nhóm 20 nhà lãnh đạo tề tựu tại New Delhi, Ấn Độ, trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh G20. Những nhà lãnh đạo thế giới này có thể đã đạt được thỏa thuận về một tuyên bố chung và một số thỏa thuận bên lề.
Các bên trong hội nghị thượng đỉnh đã đồng ý thông qua một tuyên bố đồng thuận lên án cuộc xâm lược Ukraine mà không đề cập đến Nga.
Bất chấp sự phản đối của Nga và Trung Quốc về việc đề cập đến cuộc xung đột Ukraine, các quan chức Ấn Độ xác nhận rằng những nhà lãnh đạo này đã đạt được một thỏa hiệp về cách diễn đạt trong một số đoạn văn để mô tả cuộc chiến ở Ukraine.
Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi … hoan nghênh tất cả các sáng kiến liên quan và hữu ích ủng hộ cho một nền hòa bình toàn diện, công bằng, và lâu dài ở Ukraine.”
“Theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tất cả các quốc gia phải kiềm chế việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để tìm cách giành lấy lãnh thổ chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được.”
Dưới đây là một số nội dung trong ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh:
G20 kết nạp Liên minh Phi Châu làm thành viên
Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ chào đón Liên minh Phi Châu (AU) làm thành viên thường trực, một sự thừa nhận mạnh mẽ đối với châu Phi khi hơn 50 quốc gia của châu lục này tìm kiếm một vai trò quan trọng hơn trên toàn cầu.
Năm ngoái (2022), Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi AU trở thành thành viên thường trực của G20, nói rằng “đã lâu mới đạt được.” Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chào đón chủ tịch đương nhiệm của AU, Tổng thống Azali Assoumani của Comoros, bằng một cái ôm tại hội nghị thượng đỉnh G20 mà nước ông đăng cai tổ chức, nói rằng ông “rất phấn khởi.”
“Xin chúc mừng toàn thể châu Phi!” Tổng thống Senegal Macky Sall, cựu chủ tịch AU, người đã giúp thúc đẩy việc trở thành thành viên, đã nói. Phát ngôn viên Ebba Kalondo cho biết trong bảy năm qua, AU đã chủ trương để trở thành thành viên chính thức. Cho đến nay, Nam Phi là thành viên G20 duy nhất của khối này.
Hoa Kỳ, Ấn Độ sẽ dẫn đầu Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu
Hoa Kỳ, Ấn Độ, và các quốc gia khác công bố Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu.
“Hôm nay, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo G20, Tổng thống Biden cùng Thủ tướng Ấn Độ Modi và các nhà lãnh đạo từ Argentina, Brazil, Ý, Mauritius, và UAE thành lập Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu, một mối quan hệ đối tác nhằm đạt được tiến triển trong cam kết chung của chúng ta để khai triển nhiên liệu sạch hơn, xanh hơn trên khắp thế giới giúp đáp ứng các mục tiêu phi carbon của chúng ta. Các nhà lãnh đạo từ Bangladesh và Singapore cũng tham dự với tư cách là quốc gia quan sát viên của liên minh,” Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố.
Liên minh sẽ tập trung vào việc bảo đảm nguồn cung cấp nhiên liệu sinh học, bảo đảm những nhiên liệu sinh học này có giá cả phải chăng và được sản xuất bền vững.
Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Brazil sẽ dẫn đầu Liên minh Nhiên liệu sinh học Toàn cầu.
TT Biden công bố dự án cơ sở hạ tầng kết nối Ấn Độ, Trung Đông, và châu Âu
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Joe Biden và các đồng minh đã công bố các kế hoạch xây dựng hành lang đường sắt và hàng hải nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu, một dự án đầy tham vọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hợp tác chính trị.
“Đây là một thỏa thuận lớn,” ông Biden nói. “Đây thực sự là một thỏa thuận lớn.”
Hành lang này, được nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 thường niên của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, sẽ giúp thúc đẩy thương mại, cung cấp các nguồn năng lượng, và cải thiện kết nối kỹ thuật số. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của TT Biden cho biết hành lang này sẽ bao gồm Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Jordan, Israel, và Liên minh Âu Châu.
Dự án này còn được gọi là Hành lang Kinh tế Ấn Độ–Trung Đông–Châu Âu (IMEC).
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times