Những người Đức đầu tiên đã định hình tiểu bang Virginia
Khi những người đi khai hoang đầu tiên đến Virginia vào năm 1607, một vùng đất trù phú rộng mở về phía Tây băng qua những ngọn đồi thoai thoải, những ngọn núi bạt ngàn rừng rậm, và những thung lũng sông màu mỡ nằm ngay trước mặt họ. Nơi này dường như giống khu Vườn Địa Đàng cho đến khi những người đi định cư này đối mặt với các đợt hạn hán của mùa hè và sự thiếu thốn kéo dài của mùa đông. Mặc dù những người định cư đầu tiên này hiếm khi sống sót, nhưng vùng đất này hóa ra là một nơi lý tưởng để trồng cây thuốc lá. Virginia tự xem mình như một khu thuộc địa với những đường biên giới được vẽ trên bản đồ chạy dài đến tận Sông Mississippi. Những đồn điền rộng lớn ôm lấy những cửa sông và cửa vịnh, nơi mà nông sản hàng hóa có thể được xuất cảng một cách dễ dàng. Những sườn dốc, ngọn núi, và những thung lũng rộng lớn nơi đó vẫn còn hoang sơ.
Vào năm 1710, Nữ Hoàng Anne đã chỉ định ngài Alexander Spotswood, một cựu sĩ quan Quân đội Anh trở thành phó thống đốc của thuộc địa Virginia. Vào thời điểm đó, Virginia vẫn được xem là một khu định cư ven biển và là nơi đông dân nhất cũng như có năng suất sản xuất cao nhất trong số 13 thuộc địa Anh quốc. Trong một trăm năm đầu tiên Virginia tồn tại, người Anh dường như thấy hài lòng với việc định cư gần những vùng ven biển. Lo sợ người Pháp sẽ cố gắng chiếm những vùng đất chưa có người khai phá, nên ngài Spotswood đã thực hiện một bước đi mang tính quyết định: ông đã thực thi một dự định mới lạ để bảo vệ biên giới phía tây của thuộc địa này – đó là bước đầu xây dựng hai khu vực định cư nằm sâu bên trong những vùng rừng biên giới.
Thành lập Pháo đài Germanna
Ngài Spotswood đã bị thuyết phục rằng những nguồn tài nguyên dồi dào như sắt và bạc nằm bên dưới chân núi nhấp nhô tại khu vực mà ngày nay là trung tâm của Virginia, vì vậy ông đã tìm kiếm những người nhập cư có kinh nghiệm về khai thác mỏ. Ông đã tìm được một số lao động lý tưởng là người Đức, và đã mang theo 42 người nhập cư từ vùng Siegerland ở North Rhine-Westphalia. Họ đã đến đây với tư cách là những người lao động theo khế ước (indentured servitude), hành trình đến với thế giới mới này của họ được bảo đảm bằng bốn năm phục vụ cho ngài Spotswood.
Khoảng 100 dặm nội địa từ thị trấn Williamsburg, tiểu bang Virginia, phó thống đốc Spotswood đã xây dựng Pháo đài Germanna: một sự kết hợp của từ tiếng Đức là “German” và tên của Nữ Hoàng Anne. Pháo đài này nằm tại một khu đất nông mang tính chiến lược của Sông Rapidan, nơi có một thành phòng thủ năm mặt có hình ngũ giác được xây dựng. Một lô cốt hình ngũ giác, tại trung tâm của pháo đài này, cũng được sử dụng làm một nơi thờ phượng của đạo Tin Lành dành cho những người dân thuộc địa. Một vị mục sư Cải cách người Đức cao niên, ông Johann Heinrich Haeger (còn được gọi là Johann Henrich Hager), đã đồng hành cùng những người định cư đầu tiên và làm mục sư ở nơi đây.
Mặc dù Virginia đã có một nhà thờ tiểu bang, Nhà thờ Anh Giáo, nhưng ngài Spotswood đã đề xướng một đạo luật vào năm 1714 để thành lập Giáo Xứ Thánh George, cho phép các nghi lễ tôn giáo được cử hành bằng tiếng Đức. Họ được hội đồng thuộc địa miễn phần thuế thập phân phải nộp cho Nhà thờ Anh Giáo. Sự đấu tranh cho tự do tôn giáo ở Virginia vẫn tiếp diễn cho đến thời kỳ của tổng thống Jefferson, tuy nhiên việc đấu tranh này đã tạo được một bước đệm trong điều khoản dành cho thuộc địa này tại Germanna. Vào năm 1777, tổng thống Thomas Jefferson đã soạn thảo Đạo Luật Virginia dành cho Tự Do Tôn Giáo, góp phần bãi bỏ Giáo Hội Anh Giáo ở Virginia, và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho người dân thuộc mọi tín ngưỡng khác nhau, bao gồm những người theo Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, và Cơ Đốc Giáo thuộc mọi giáo phái. Điều này thường được ca ngợi như một tiền thân của các quyền tự do tôn giáo được liệt kê trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Ông John Fontaine, một người bạn của ngài Spotswood, đã đến thăm pháo đài này năm 1715 và viết rằng: “Những người Đức này sống rất khốn khổ.” Bên trong pháo đài, nơi mà những người định cư sinh sống, là một dãy gồm chín căn nhà. Phía sau những căn nhà đơn sơ đó là những chuồng nuôi heo và các loại gia súc khác của những người định cư. Mặc dù họ được đưa đến nơi này để dựng lên các khu hầm mỏ và lò nung sắt, nhưng những người định cư đó nhận thấy họ chủ yếu tham gia vào việc khai phá đất đai và chỉ để tiếp tục sinh tồn. Họ làm rất ít các việc thực sự liên quan tới khai khoáng.
Khi bốn năm lao động theo khế ước của họ kết thúc, họ được cấp đất trên những bờ của nhánh sông Licking Run, là Quận Fauquier ngày nay thuộc tiểu bang Virginia. Mỗi gia đình nhận được xấp xỉ 150 mẫu Anh dưới tên riêng của họ và mỗi gia đình đã đóng góp 10 mẫu Anh cho nhà thờ [Giáo Xứ Thánh George] để thành lập nơi hội họp, nơi ở của mục sư, và trường học đầu tiên của họ. Những người định cư này dần dần trở nên thịnh vượng, thành lập một xưởng cưa và một nhà máy xay ngũ cốc. Vào thời điểm diễn ra cuộc Cách Mạng Mỹ, những người định cư này đã rời đi, có được quyền sở hữu đất đai thậm chí còn tốt hơn nữa. Thời nay, những tàn tích của khu định cư này nằm dưới một vùng nước nhân tạo, được đặt tên một cách khéo léo là Hồ Germantown.
Hình thành ‘tính cách Mỹ’
Vào năm 1717, một nhóm tín đồ thuộc giáo hội Luther từ vùng Palatinate và Baden-Württemberg ở miền nam nước Đức đã cố gắng giong buồm tới tiểu bang Pennsylvania để tìm kiếm tự do khỏi cuộc đàn áp tôn giáo. Thuyền trưởng của họ thực chất đã bán họ làm lao động theo khế ước cho ngài Spotswood và họ đã cập bến, không phải tại Philadelphia, mà là Tappahannock, Virginia. Những người nhập cư này ban đầu đã định cư trên mảnh đất rộng 400 mẫu Anh phía bên kia sông nhìn từ Pháo Đài Germanna. Trong khi họ làm các việc khai thác quặng sắt và bạc để trả nợ cho thuyền trưởng của mình, thì họ cũng làm các việc nhà nông. Hầu hết mỗi người ở thời đó đều trồng ít nhất một vài loại cây để làm thực phẩm cho mình. Công việc làm nông cũng như tham gia buôn bán không phải là hiếm.
Thay vì trao những điền sản to lớn cho những người Anh giàu có, vốn là một thông lệ bình thường ở thời đại đó, thì ngài Spotswood đã thử một số điều mới. Ông Thomas Faircloth, cựu chủ tịch của Quỹ Germanna, đã suy đoán rằng ngài Spotswood cố tình sắp đặt những người định cư đang khao khát đất đai này ở vùng chân núi của tiểu bang Virginia. Ông muốn tài trợ cho những “nông dân canh tác nhỏ” đó, những người sẽ sinh sống trên mảnh đất này và sẽ hình thành những khu định cư lâu dài. Khu Germanna, rồi đến hầu hết các khu định cư ở phía Tây của người Anh, “đã mở ra một chương mới trong việc định cư của các nhóm người nhập cư ở Mỹ,” ông Rob Sherwood đã tóm lược như vậy. Theo ông Faircloth, những thử nghiệm của ngài Spotswood có cả việc sắp xếp những nhóm người nhập cư lành nghề đến các vùng đất rộng lớn nơi mà họ sẽ xây dựng những cộng đồng của mình. Họ sẽ hình thành nên một “tính cách Mỹ,” tính cách của lòng dũng cảm và sức mạnh được rèn giũa từ nghịch cảnh.
Trong nhiều thập niên sau đó, nhiều người Đức khác đã đến nơi này. Họ đã làm xong lao động theo khế ước của mình và sau đó có thể nhận được giấy chứng nhận sở hữu đất đai khi đưa ra chứng cớ nhập cảng. Nhiều người đã định cư ở những nơi như Thung Lũng Hebron, gần Madison ngày nay, tiểu bang Virginia. Tại đây, họ đã thành lập Nhà thờ Hebron Lutheran vào năm 1733. Mục sư đầu tiên của họ là ngài John Caspar Stoever. Vào năm 1740, họ đã xây dựng công trình nhà thờ còn tồn tại đến ngày nay — một khung nhà nằm bên trên một thềm đá. Đây là công trình nhà thờ lâu đời nhất thuộc giáo hội Luther vẫn được sử dụng liên tục tại Mỹ.
Di sản của những người Virginia gốc Đức
Người Đức là những thợ thủ công lành nghề: Họ đã xây dựng những căn nhà, nhà máy, và cửa hàng đóng xe kéo. Họ cũng làm ra những món đồ nội thất tốt — một di sản vẫn còn tồn tại trong nhà máy Clore Furniture của khu vực này. Gia đình nhà W.J. Carpenter (Zimmerman) và gia đình nhà Aylor đã làm ra những chiếc chuồng vận chuyển gia cầm cho đến những năm 1970. Ngày nay, một nhà đấu giá trên Tuyến đường Hoa Kỳ 29 ở Quận Madison, tiểu bang Virginia, vẫn bảo tồn chu đáo cho công trình Nhà Máy W.J. Carpenter Coop.
Có lẽ di sản quan trọng nhất của những người Virginia gốc Đức này chính là việc họ nhập ngũ trong Chiến Tranh giành Độc Lập của Mỹ quốc. Vào ngày 21/01/1776, mục sư thuộc giáo hội Luther là ông John Peter Muhlenberg ở Woodstock, Virginia, đã thuyết giảng về chương thứ Ba của Sách Truyền Đạo. “Mọi việc đều có một thời kỳ … có lúc chiến tranh,và có lúc hòa bình.” Ông mở chiếc áo choàng giáo sĩ của mình để lộ ra bộ quân phục Đại tá Lục quân Lục địa, rồi Mục sư Muhlenberg nói thêm rằng, “và đây là lúc chiến tranh.” Vị tổng tư lệnh George Washington đã đích thân yêu cầu ông Muhlenberg thành lập và chỉ huy Trung Đoàn số 8 của Virginia. Trong giáo đoàn của ông, có 162 người đã nhập ngũ ngay lúc đó, và hàng trăm người sau đó cũng tham gia. Trung Đoàn số 8 của Virginia cũng được biết đến với cái tên Trung Đoàn Người Đức, bởi vì có nhiều hậu duệ người Đức đã chiến đấu với tư cách là những người ái quốc cho đại nghĩa tự do.