Những kẻ tấn công thân ĐCSTQ bị kết án 9 và 15 tuần tù giam vì phá hủy các điểm Pháp Luân Công ở Hồng Kông
Những kẻ tấn công thân ĐCSTQ ở Hồng Kông là Hồ Ái Dân (Hu Aimin) và Chu Vĩnh Lâm (Chow Wing-lam) đã bị buộc tội với hai cáo buộc phá hoại hình sự vì đã phá hoại các địa điểm “giảng rõ chân tướng” của Pháp Luân Công hồi năm 2021. Hôm 21/04 Thẩm phán Lương Nhã Hân (Frances Leung Nga-yan) của Tòa sơ thẩm thành phố Cửu Long đã ra phán quyết rằng cả hai đều có tội. Ông Hồ Ái Dân bị kết án 15 tuần tù giam, và ông Chu Vĩnh Lâm, người đã nhận tội trước đó, bị kết án 9 tuần tù giam. Cả hai phải thi hành bản án tù giam của mình ngay lập tức.
“Cho dù các ông có bất bình với bất kỳ nhóm người nào hay bất kỳ khiếu nại nào đối với các cơ quan chấp pháp, Hồng Kông không phải là nơi cho phép hành vi lạm dụng tư hình,” bà Lương, một chủ tọa của Tòa án sơ thẩm thành phố Cửu Long, nêu rõ trong buổi tuyên án. Bà cũng nói rằng hành vi phá hoại trắng trợn được lặp đi lặp lại giữa thanh thiên bạch nhật làm hư hỏng tài sản của người khác là một thách thức nghiêm trọng đối với nền pháp quyền, và các bị cáo này phải bị kết án tù ngay lập tức để gửi đi một thông điệp thỏa đáng rằng Hồng Kông là một nơi có đầy đủ pháp quyền, và loại hành vi này sẽ không được dung thứ.
Đây không phải là lần đầu tiên phạm tội của ông Hồ, kẻ vừa bị kết án 15 tháng tù giam. Hồi tháng 12/2020, ông này đã vi phạm tới 5 cáo buộc đã liên tục phá hoại quầy thông tin “giảng rõ chân tướng” của các học viên Pháp Luân Công. Vào ngày 01/12/2022, ông này bị kết án 2 tuần tù giam, 30 tháng tù treo. Thẩm phán vào thời điểm đó, ông Lý Chí Hào (Li Chi-ho), từng nói rằng “lòng yêu nước của bị cáo này đáng được tôn trọng và ca ngợi.” Trong quá trình xét xử vụ án đó, những người bao gồm: ông Đặng Gia Bưu (Tang Ka-piu), thành viên của Liên đoàn Công đoàn thân ĐCSTQ, ông Lam Hồng Chấn (David Lan Hong-tsung), cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Dương Quang Hoa (Alex Yeung Koon-wah), kẻ nổi danh trên Internet thân ĐCSTQ, và những người khác, đã thành lập một nhóm lớn của những người ủng hộ ĐCSTQ, đánh trống và la hét bên ngoài tòa án, để ủng hộ ông Hồ với khẩu hiệu “yêu nước là không có tội.”
ĐCSTQ vẫn luôn đánh đồng các khái niệm “đảng” và “quốc gia” đối với tất cả người dân Trung Quốc, dẫn đến việc những ai đã bị tẩy não bị lợi dụng để tấn công các nhóm mà ĐCSTQ không ưa thích.
Bản thân là một người nhập cư từ Hoa lục đến Hồng Kông, ông Hồ mang theo lòng hận thù đối với Pháp Luân Công. Ông ta được một số lực lượng thân ĐCSTQ ở địa phương, ca ngợi là một “anh hùng yêu nước,” mà điều này đã khiến ông ấy càng có hành vi vô đạo đức hơn.
Trong tuần trước và sau ngày 03/04/2021, ít nhất sáu điểm “giảng rõ chân tướng” của Pháp Luân Công ở Hồng Kông đã bị phá hoại hơn mười lần. Sau đó, cảnh sát đã bắt giữ tám người, bốn người trong số họ sau đó đã sớm nhận tội “cố ý phá hoại” và bị kết án tám tháng tù giam; một người không bị buộc tội; ba người còn lại là ba bị cáo trong vụ án này. Ngoài ông Hồ Ái Dân và ông Chu Vĩnh Lâm, một bị cáo khác tên là Trác Tiến Thâm (Cheuk Chun-sun), bị cảnh sát tình nghi là người đàn ông mặc đồ trắng đã phá hủy quầy thông tin trên phố đó. Tuy nhiên, tòa án thấy chưa đủ bằng chứng, và ông này được tha bổng vào ngày 04/04.
Trong cuộc thẩm vấn qua video với cảnh sát, ông Hồ lập luận rằng ông ấy tình cờ đi ngang qua để chụp ảnh và không biết những người đã phá hủy các quầy thông tin trên đường phố đó. Thẩm phán Lương bày tỏ sự hoài nghi của mình. Bà ấy chỉ ra rằng mặc dù ông Hồ không tự mình làm hỏng đồ đạc và chỉ chụp ảnh bằng điện thoại di động của mình, nhưng ông ấy đã xuất hiện tại hiện trường của cả hai hiện trường phạm tội ở Quận Hoàng Đại Tiên (Wong Tai Sin) và khu Vượng Giác (Mong Kok) trong vòng chưa đầy một giờ và ăn tối với hai người đó, vốn là những kẻ đã thực hiện hành vi vi phạm đó. Ông ta còn gửi một tin nhắn bằng điện thoại di động của mình nói rằng: “Ngày mai chúng ta sẽ phá tất cả các điểm Pháp Luân Công ở Hồng Kông.” Bà Lương chỉ có thể suy ra rằng họ là những kẻ đồng phạm, nhưng giữ những vai trò khác nhau.
Đoạn video ghi lại hiện trường vụ án do tòa án trình chiếu cho thấy hai người đàn ông mặc áo sơ mi trắng và đen liên tiếp dùng máy cắt để cắt các vật trưng bày của các học viên Pháp Luân Công ở Hoàng Đại Tiên và Vượng Giác, và xịt sơn lên những đồ vật đó. Một người đàn ông mặc áo ca rô đã quay phim toàn bộ diễn biến này. Cảnh quay trong camera giám sát gần đó cũng cho thấy cả ba người này lần lượt rời đi dọc theo Đường Nathan, và sau đó vào một nhà hàng ở Jordan để dùng bữa cùng nhau.
Thẩm phán Lương nêu ra rằng các bằng chứng mà bên công tố đưa ra cho thấy người đàn ông mặc đồ đen (Chu Vĩnh Lâm) và người đàn ông mặc đồ trắng, vốn là những kẻ đã phá hủy các vật trưng bày ở Hoàng Đại Tiên và Vượng Giác, có những đặc điểm riêng biệt và có thể được xác định là đúng là hai người đó, trong khi áo khoác của ông Hồ Ái Dân có hoa văn hình con cá mà “chỉ cần nhìn thoáng qua là có thể nhận ra.” Tất cả các bằng chứng cho thấy, không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả ba người đều thuộc cùng một nhóm.
Ngoài ra, cảnh sát cũng thu giữ điện thoại di động của ông Hồ và tìm thấy đoạn video hiện trường vụ án mà ông ta đã ghi lại. Một bức ảnh chụp màn hình tài khoản WeChat của ông Hồ cũng cho thấy ông ta đã gửi một tin nhắn vào đêm trước khi vụ việc này xảy ra, nói rằng: “Ngày mai hãy đi phá hoại tất cả các địa điểm của Pháp Luân Công ở Hồng Kông. Tôi muốn ai đó đảm nhận việc đó, các ông có ủng hộ không?” Trong buổi họp được quay video của ông ta với cảnh sát, ông Hồ cũng bày tỏ sự bất bình với các cơ quan chấp pháp vì đã không dỡ bỏ các quầy thông tin của Pháp Luân Công trên đường phố.
Thẩm phán Lương ra phán quyết rằng mỗi một trong số hai cáo buộc sẽ chịu mức án 9 tuần tù giam. Tuy nhiên, xét đến việc hai tội này được thực hiện cùng một lúc, ba trong số các tuần tù giam đó sẽ được thi hành đồng thời. Trong trường hợp đó, ông Hồ bị kết án 15 tuần tù giam được thi hành ngay lập tức. Ông Chu Vĩnh Lâm, bị cáo nhận tội trước đó, được giảm 1/3 thời hạn tù. Với mỗi tội danh nhận 6 tuần tù giam, trong đó ba tuần được thực hiện đồng thời, ông này phải thi hành tổng cộng 9 tuần tù. Thẩm phán Lương cũng ra lệnh cho mỗi người trong số các ông Hồ và Chu phải bồi thường cho nạn nhân 2,300 dollar Hồng Kông (290 USD). Số tiền này phải được nộp cho tòa án trong vòng 4 tháng.
Đối với các vật trưng bày trong vụ án, tòa án đã phán quyết rằng các bảng trưng bày bị hư hỏng phải được trả lại cho chủ sở hữu. Máy cắt của ông Chu Vĩnh Lâm là một phần công cụ dùng để gây án và nên bị tịch thu, trong khi quần áo và điện thoại di động nên được trả lại cho hai bị cáo này.
Chín tiền án kể từ khi từ Hoa lục đến Hồng Kông
Luật sư đại diện cho ông Hồ Ái Dân cho biết trong lời cầu xin khoan hồng rằng ông Hồ đến từ Hoa lục. Vợ ông Hồ qua đời hồi năm 2015, và ông này hiện đang sống cùng cô con gái ruột 15 tuổi trong một khu nhà công cộng ở Ngưu Đầu Giác (Ngau Tau Kok). Ông Hồ nhận Trợ giúp An sinh Xã hội Toàn diện (CSSA) hàng tháng 6,000 HK$ (764 USD) như là nguồn trợ giúp tài chính chủ yếu của mình. Trước đây ông ta từng bị kết án chín lần, nhưng không có trường hợp nào trước đó là kết án về tội phá hoại hình sự. Tuy nhiên, thẩm phán nêu ra rằng một trong những tiền án của ông Hồ hồi năm 2008 là hành hung bình thường, vốn là một vụ án hình sự bạo lực giống như vụ này.
Ông Chu Vĩnh Lâm, người đã nhận tội trước đó, đã đích thân cầu xin sự khoan hồng, nói rằng ông ta “có thể đã không suy nghĩ thấu đáo” trong khi phạm tội và đã sớm nhận tội. Ông Chu cũng nói rằng ông ta tham gia một công việc sửa chữa [xây dựng] và sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm nay. Ông Chu hy vọng tòa án sẽ cho ông ấy một bản án nhẹ hơn. Sau khi bị kết án, ông ta ngay lập tức nộp đơn xin tại ngoại thêm ba tuần nữa, nhưng đã bị từ chối.
Kể từ khi ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông đã phản đối cuộc đàn áp này một cách ôn hòa trên đường phố. Tuy nhiên, họ đã bị các tổ chức thân ĐCSTQ sách nhiễu và đe dọa bằng bạo lực liên tục trong một thời gian dài. Hồi tháng 09/2019, cô Liệu (Liu), một học viên Pháp Luân Công, sau khi tiến hành một cuộc gặp gỡ với cảnh sát để thảo luận về việc sắp xếp cuộc diễn hành “10.1” (ngày 01/10, Quốc khánh Trung Quốc), đã bị một tên du thử du thực đánh đập, khiến cô bị chém vào đầu. Tên Kha Diễn Trầm (Ou Hin-jam), một thanh niên 22 tuổi chịu trách nhiệm “canh chừng” suốt vụ việc này, hồi năm 2022 đã bị buộc tội “cố ý gây thương tích” và bị kết án 2 năm và 9 tháng tù giam.
Sự phổ truyền ngày càng rộng rãi đã dẫn đến cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ
Pháp Luân Công được nhà sáng lập, ông Lý Hồng Chí, giới thiệu ra công chúng vào năm 1992. Pháp môn này bao gồm năm bài tập và hướng dẫn cho các học viên nâng cao đạo đức của mình theo nguyên lý “Chân, Thiện, và Nhẫn.” Vào thời điểm đó, các giới truyền thông chính thức của ĐCSTQ ước tính rằng số học viên Pháp Luân Công vào năm 1999 là khoảng 70 triệu đến 100 triệu người.
Tuy vậy, vào năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch chính trị đàn áp Pháp Luân Công, trong đó có việc dàn dựng “vụ tự thiêu giả mạo ở Thiên An Môn” hồi năm 2001, để vu khống Pháp Luân Công. Tội ác chống lại nhân loại của ĐCSTQ với hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống cũng đã bị quốc tế phơi bày. Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và quốc hội nhiều nước đã đưa ra những tuyên bố kêu gọi tiến hành các cuộc điều tra. Hôm 27/03 năm nay, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2023,” tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ buộc các đảng viên ĐCSTQ liên quan đến các hoạt động thu hoạch nội tạng sống như vậy phải chịu trách nhiệm.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times