Những điều sinh viên cần biết về ứng dụng thanh toán
Đối với sinh viên đại học, việc gửi tiền cho bạn bè chưa bao giờ dễ dàng hơn thế nhờ các ứng dụng thanh toán ngang hàng như Venmo, PayPal, và Cash App. Nhưng sự thuận tiện đó đặt ra những rủi ro, bao gồm khả năng xảy ra sai sót, gian lận, và xu hướng chi tiêu quá mức.
Do đó, các ứng dụng thanh toán có thể góp phần gây khó khăn tài chính vào thời điểm những người trẻ đang học cách tự quản lý tài chính của mình. Bà Anne Lester, tác giả cuốn sách “Your Best Financial Life” (Cuộc sống Tài chính Tốt nhất của Quý vị) cho biết: “Các ứng dụng thanh toán ngang hàng là tiền mặt tức thì vì chúng như một ống hút gắn vào trương mục ngân hàng của quý vị.”
Bà Lester giải thích, những ứng dụng này không chỉ khiến việc chi tiêu trở nên dễ dàng và “êm ả” hơn, mà còn có nghĩa là “nếu quý vị tin nhầm người, thì quý vị sẽ gặp rắc rối lớn” vì có thể sẽ khó hoặc không thể lấy lại được tiền.
Để giữ an toàn cho những người trẻ tuổi khi sử dụng các ứng dụng thanh toán, các chuyên gia về tiền tệ khuyên quý vị nên thực hiện các bước bổ sung này để đề phòng lừa đảo và bội chi.
Kiểm tra ba lần thông tin người nhận trước khi gửi
Một rủi ro với các ứng dụng thanh toán ngang hàng là vô tình gửi tiền đến nhầm người. Ông Nilton Porto, giáo sư tài chính tiêu dùng tại Đại học Rhode Island, cho biết: “Nếu quý vị gửi tiền, thì hãy bảo đảm chắc chắn 100% rằng quý vị gửi đúng người, vì rất khó lấy lại tiền.”
Ông Porto cho biết, với những sinh viên đại học sống bằng ngân quỹ eo hẹp, việc thanh toán không chính xác thực sự có thể ảnh hưởng đến khả năng chi trả cho các chi phí cần thiết như tiền thuê nhà và thực phẩm, ngay cả khi cuối cùng họ lấy lại được tiền.
Bảo vệ chống gian lận
Ông Porto khuyên người dùng nên cảnh giác với những yêu cầu bất ngờ, ngay cả những yêu cầu được cho là khẩn cấp từ bạn cùng phòng. “Chúng ta không cần phải gửi tiền cho hầu hết mọi người ngay lập tức,” ông nói, đồng thời giải thích rằng, những kẻ lừa đảo thường sử dụng sự khẩn cấp như một phương thức để lừa mọi người gửi tiền mặt cho họ. Tương tự, hãy bỏ qua mọi yêu cầu nhận được thông qua một trong các ứng dụng có chứa liên kết yêu cầu thông tin cá nhân vì đó cũng có thể là một trò lừa đảo.
Cô Erin Lowry, tác giả cuốn “Broke Millennial Workbook” (Sách bài tập cho Người bị phá sản thuộc Thế hệ Y), cảnh báo không nên tải xuống bất kỳ ứng dụng thanh toán lạ nào. Cô khuyến nghị, “Tôi sẽ không muốn là người đầu tiên sử dụng một ứng dụng thanh toán,” vì ứng dụng này có quyền truy cập vào trương mục ngân hàng của người dùng.
Để phòng ngừa thêm, cô Lowry đề nghị kết nối các ứng dụng thanh toán với trương mục ngân hàng mà quý vị không giữ phần lớn tiền của mình trong đó. Cô nói, “Ứng dụng thanh toán của tôi được kết nối với trương mục ngân hàng không phải là trương mục chính của tôi, vì vậy nếu có chuyện gì đó xảy ra, thì rủi ro là thấp.”
Cập nhật cài đặt quyền riêng tư
Bà Amanda Christensen, cố vấn tài chính được công nhận và giáo sư không theo nhiệm kỳ tại Đại học Tiểu bang Utah, lưu ý: “Cài đặt mặc định quyền riêng tư thường là ở chế độ ‘công khai.’” Điều đó có nghĩa là các khoản thanh toán của một thanh niên cho bạn bè hoặc số tiền nhận được từ một công việc có thể là công khai đối với mọi người.
“Phần xã hội của ứng dụng thanh toán là nơi chúng ta gặp một số kẻ lừa đảo giỏi nhất vì họ có thể biết những khoản nào thường xuyên được thanh toán,” bà Christensen cho biết. Chẳng hạn, để điều chỉnh ai có thể xem hoạt động của quý vị trong Venmo, hãy vào phần “cài đặt” trên ứng dụng và cuộn để tìm các tùy chọn “quyền riêng tư” khác nhau, chẳng hạn như công khai, bạn bè, hoặc riêng tư.
Thu lãi ở nơi khác
Bà Christensen gợi ý nên thiết lập thói quen chuyển số dư ra khỏi ứng dụng thanh toán mỗi tuần một lần. “Hãy ghi chú vào điện thoại của quý vị,” bà nói, cảnh báo người dùng không nên xem ứng dụng này giống như một trương mục vãng lai, nơi quý vị để tiền.
Tiền mặt trong ứng dụng không chỉ dễ bị lừa đảo, mà còn không kiếm được tiền lãi như trong trương mục tiết kiệm. Ông Jake Cousineau, tác giả cuốn sách “How to Adult” (Cách để Trưởng thành) và là một giáo viên trung học, cho biết ông thấy nhiều thanh niên nhận được tiền cho các công việc phụ như dạy kèm thông qua ứng dụng thanh toán. Thay vì nhanh chóng chuyển tiền vào một trương mục tiết kiệm, họ để tiền tồn đọng, điều đó có nghĩa là mất đi số tiền lãi lẽ ra nên tích lũy. Ông cho biết thêm, các ứng dụng thanh toán nhìn chung cũng thiếu sự bảo vệ đi kèm với trương mục ngân hàng từ Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Đừng quên lập ngân quỹ
Bà Christensen lưu ý rằng sự tiện lợi của các ứng dụng thanh toán khiến người dùng dễ dàng chi tiêu quá mức. Đó là lý do tại sao bà đề nghị thỉnh thoảng chuyển sang dùng tiền mặt trong khoảng một tuần. Bà nói, “Hãy kết nối lại bản thân với nỗi đau khi chi tiêu.”
Bà Cousineau khuyên quý vị không nên để “những ứng dụng này cản trở việc lập ngân quỹ chi tiết.” Chỉ vì quý vị có thể dễ dàng gửi cho bạn bè 20 USD chỉ bằng một vài thao tác không có nghĩa là quý vị nên làm như vậy.
Các ứng dụng thậm chí có thể giúp ích. Ông Porto cho biết quý vị có thể sử dụng dòng thời gian của ứng dụng thanh toán để giúp theo dõi chi tiêu của mình. Giống như thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, quý vị có thể cuộn qua lịch sử của mình để xác định những thay đổi nào quý vị có thể muốn thực hiện trong tương lai. Ông nói, “Quý vị có thể thấy tất cả số tiền đã đi đâu, điều này có thể rất có tác động đối với sinh viên đại học.”
Nói cách khác, hãy tận dụng sức mạnh của các ứng dụng thanh toán này để giúp quý vị quản lý tiền của mình thay vì chỉ tiêu tiền.
Do Kimberly Palmer của Nerdwallet thực hiện
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times