Những diễn biến quan trọng sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Thổ Nhĩ Kỳ — Số người thiệt mạng trong trận động đất hôm 06/02 vốn đã tàn phá các vùng phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria tiếp tục tăng. Trong bối cảnh cơ hội tìm thấy nhiều người sống sót hơn giảm dần, thì một số đội tìm kiếm ngoại quốc nhanh chóng đến đây để giúp đỡ đã bắt đầu rời đi.
Dưới đây là những diễn biến chính vào thứ Năm (16/02) sau những trận động đất này:
LHQ kêu gọi 1 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ
Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một lời kêu gọi gây quỹ 1 tỷ USD để giúp các cơ quan nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi những trận động đất này.
Một tuyên bố của Liên Hiệp Quốc cho biết quỹ tài trợ từ lời kêu gọi này sẽ giúp 5.2 triệu người, với các nguồn lực cho phép các tổ chức viện trợ “nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động của họ để trợ giúp cho các nỗ lực ứng phó do chính phủ lãnh đạo trong các lĩnh vực bao gồm an ninh lương thực, bảo vệ, giáo dục, nước sạch, và nơi trú ẩn.”
Ông Martin Griffiths, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về các vấn đề nhân đạo, cho biết người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang gánh chịu nỗi đau không thể diễn tả bằng lời.” Ông Griffiths đã đến thăm các vùng bị tàn phá của đất nước này hồi tuần trước.
Tuyên bố này dẫn lời của ông Griffiths, “Tôi đã gặp những gia đình, họ thổ lộ với tôi về sự bàng hoàng và gia cảnh bị tàn phá của họ. Chúng ta phải sát cánh cùng họ trong giờ phút cùng cực nhất này và bảo đảm họ nhận được sự giúp đỡ cần thiết.”
Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng những trận động đất này đã làm hư hại các trường học, bệnh viện, và các tòa nhà công cộng khác, làm các gia đình ly tán và khiến hàng trăm trẻ em trở thành trẻ mồ côi.
Khi đưa ra lời kêu gọi nói trên, Liên Hiệp Quốc cũng cho biết quốc gia này có số lượng người tị nạn lớn nhất thế giới, với hơn 1.74 triệu người sống ở 11 tỉnh bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Số người tử vong tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ
Cơ quan quản lý thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ, AFAD, đã thay đổi số liệu số người tử vong của đất nước thành 36,187. Điều đó đã nâng tổng số người tử vong được báo cáo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lên 41,000.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 108,000 người đã bị thương trong trận động đất mạnh 7.8 độ xảy ra lúc 4 giờ 17 phút sáng giờ địa phương và một trận động đất mạnh 7.5 độ gần như xảy ra chín giờ sau đó.
Theo Anadolu Agency của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, sáng hôm thứ Năm (16/02), 248 giờ sau trận động đất ban đầu, một cô gái 17 tuổi đã được giải cứu từ đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở Kahramanmaras, một thành phố nằm gần tâm chấn.
Cô Aleyna Olmez nói với các phóng viên từ trên giường bệnh rằng cô vẫn khỏe và cố gắng giết thời gian bằng cách khiến bản thân mất tập trung. “Tôi không có việc gì để làm cả,” cô nói.
Anh Hacer Atlas, một nhân viên cứu hộ tham gia việc giải cứu cô Olmez, nói với hãng thông tấn Anadolu: “Đầu tiên chúng tôi nắm tay cô ấy, sau đó chúng tôi đưa cô ấy ra ngoài. Tình trạng sức khỏe của cô ấy đang rất tốt, cô có thể nói chuyện. Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục nhận được tin tốt về cô ấy.”
Bức tranh không trọn vẹn ở Syria
Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Syria cho biết số người thiệt mạng ở nước này có thể sẽ tăng thêm khi các đội cố gắng dọn dẹp đống đổ nát ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press, ông Muhannad Hadi đã bảo vệ phản ứng của Liên Hiệp Quốc đối với thảm họa này, điều mà nhiều người ở Syria đã chỉ trích là chậm chạp và không thỏa đáng. Ông Hadi cho biết Liên Hiệp Quốc kêu gọi “mọi người nên phi chính trị hóa tình hình nhân đạo này và tập trung vào việc trợ giúp chúng tôi giải cứu người dân.”
Liên Hiệp Quốc đã báo cáo số người thiệt mạng là khoảng 6,000 người trên toàn lãnh thổ Syria, trong đó có 4,400 người ở vùng tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát. Con số đó cao hơn so với báo cáo của chính quyền ở Damascus và các quan chức dân phòng ở phía tây bắc, những người đã báo cáo lần lượt là 1,414 và 2,274 người thiệt mạng.
Nếu chính xác, thì điều này sẽ đẩy tổng số người thiệt mạng ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ lên trên 42,000 người.
“Chúng tôi hy vọng rằng con số này sẽ không tăng nhiều,” ông Hadi nói. “Nhưng từ những gì chúng ta đang chứng kiến … sự tàn phá của trận động đất này thực sự không cho chúng ta nhiều hy vọng rằng đây sẽ là con số cuối cùng.”
Sau chuyến thăm Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria, người đứng đầu Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế cho biết rằng tác động đối với việc tiếp cận nhà ở, nước, nhiên liệu, và các thực phẩm căn bản khác có thể khiến một đợt bùng phát dịch tả “tiềm ẩn” khác ở đó.
Thành phố Aleppo đã chứng kiến một số trận giao tranh tồi tệ nhất trong cuộc nội chiến đang diễn ra ở đất nước này và từng hứng chịu một đợt bùng phát dịch tả hồi cuối năm 2022. Ông Jagan Chapagain, tổng thư ký của Liên đoàn Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc Tế, cho biết các gia đình đang ở trong những nơi trú ẩn tạm thời mà không có hệ thống sưởi ấm đầy đủ cần nhanh chóng có nhà ở lâu dài.
“Họ vẫn đang sống trong những điều kiện rất căn bản trong những căn phòng học rất, rất lạnh,” ông nói với hãng thông tấn The Associated Press trong một cuộc phỏng vấn. “Nếu điều này tiếp tục trong một thời gian dài, thì sẽ có những hậu quả về sức khỏe.”
Ông Chapagain cho biết thảm họa này cũng đã hủy hoại sức khỏe tinh thần của người dân Syria.
Ông nói: “Nếu cuộc xung đột đã làm họ kiệt quệ sức lực, thì tôi nghĩ trận động đất này giờ đây đang làm tinh thần họ suy sụp.”
Một số đội tìm kiếm rời đi
Những người có mặt tại phi trường Istanbul đã vỗ tay để bày tỏ lòng biết ơn đối với đội cứu hộ Hy Lạp gồm 27 thành viên đang trên đường trở về nhà sau khi kết thúc nhiệm vụ tìm kiếm những người sống sót ở thành phố Adiyaman, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Trưởng nhóm Ioannis Papastathis nói với Anadolu Agency vào cuối hôm thứ Tư (15/02) rằng anh sẽ rời Thổ Nhĩ Kỳ với “những kỷ niệm khó quên.”
“Một mặt thì có tình yêu và sự chào đón nồng nhiệt của mọi người, nhưng mặt khác lại là sự đau khổ. Sự tàn phá của trận động đất này quả là nặng nề. Thời tiết giá lạnh. Những điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tôi,” hãng thông tấn này đã dẫn lời anh nói.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết gần 8,000 nhân viên cứu hộ và cứu trợ từ 74 quốc gia vẫn đang giúp đỡ các đội Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực của họ. Ông cho biết khoảng 4,200 nhân viên từ 15 quốc gia đã rời đi.
Ông Cavusoglu nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Costa Rica, “Tôi muốn cảm ơn từng người trong số họ.”
Thảm họa tồi tệ nhất trên địa phận NATO
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã mô tả những trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất của liên minh quân sự này.
“Đây là thảm họa tự nhiên gây thương vong nặng nề nhất trên lãnh thổ của liên minh này kể từ khi thành lập NATO,” ông Stoltenberg nói với các phóng viên trong cuộc họp báo chung với ông Cavusoglu ở Ankara hôm thứ Năm. “Chúng tôi hoan nghênh lòng dũng cảm của những nhân viên ứng phó khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi chia buồn cùng quý vị.”
Ông Stoltenberg, người dự kiến sau đó sẽ đến thăm khu vực thảm họa này, cho biết liên minh NATO đã khai triển hàng ngàn nhân viên ứng phó khẩn cấp để trợ giúp các nỗ lực cứu trợ.
Ông Stoltenberg cho biết: “Trọng tâm về sau sẽ là tái thiết và giúp đỡ những người phải di tản.” Ông nói thêm rằng liên minh này sẽ thiết lập nhà ở tạm thời cho hàng ngàn người phải di dời do trận động đất này đồng thời sử dụng khả năng vận chuyển hàng không của mình để vận chuyển hàng chục ngàn lều bạt.
Trong khi đó, là người đang thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan trong khối liên minh, ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng hai quốc gia Bắc Âu này nằm trong số các quốc gia thể hiện tinh thần tương trợ với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Stoltenberg cho biết thêm, Thụy Điển sẽ tổ chức một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế vào tháng Ba tới.
Do Tanya Titova và Suzan Fraser thực hiện
Thanh Nhã và Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại đây và tại đây từ The Epoch Times