Động đất Thổ Nhĩ Kỳ: 600 nhà thầu xây dựng bị buộc tội — luật ân xá đầy tai hại của Tổng thống Erdoğan
Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu quy trách nhiệm cho các nhà thầu xây dựng. Tuy nhiên, chính phủ nước này không thừa nhận trách nhiệm của mình.
Sau trận động đất khiến hơn 50,000 người tử nạn, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm những người phải chịu trách nhiệm. Như Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdağ cho biết gần đây, gần 200 người, chủ yếu là các nhà thầu, đã bị bắt giữ. Ngoài ra, tờ báo Telex của Hungary đưa tin cho biết có hơn 600 người đã bị truy tố vì các tòa nhà sập. Trong khi đó, các chuyên gia xây dựng lại đang đổ lỗi cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về những chính sách sai lầm của họ.
Mặc dù thảm họa thiên tai này gây tổn thất thảm trọng, nhưng nhiều thảm kịch đã có thể được giảm thiểu — với sự chung tay của các công ty xây dựng nhà ở và các cơ quan quản lý. Trận động đất xảy ra hôm 06/02 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lấy đi sinh mạng của hơn 50,000 người. Gần 2 triệu người đã trở thành vô gia cư.
Những vụ sập nhà đáng lẽ không nên xảy ra
Kèm theo hơn 10,000 cơn dư chấn, các trận động đất lớn đã làm hư hại khoảng 173,000 tòa nhà ở 11 tỉnh. Các nhà phân tích cho biết, nguyên nhân chính của lượng người tử vong cao là do việc thi công cẩu thả và tham nhũng. Theo các nguồn tin Hungary, chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, vốn nắm quyền hơn 20 năm, đã bị chỉ trích nặng nề vì các tiêu chuẩn xây dựng lỏng lẻo.
Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đang thành lập các đơn vị điều tra để truy tố bất kỳ nhà thầu nào không tuân thủ các quy định về an toàn.
Nhiều người đang chạy trốn để khỏi bị truy tố, trong đó có nhà thầu hiện đang bị tống giam Yavuz Karakus cùng vợ là bà Sevilay Karakus. Họ trước đó đã cố gắng trốn sang Georgia với hơn 17,000 USD tiền mặt nhưng bị bắt tại phi trường Istanbul. Ông Yavuz Karakus tuyên bố rằng ông không thẹn với lương tâm: “Tôi đã xây 44 ngôi nhà, bốn trong số đó đã bị sập. Tôi đã làm mọi thứ theo luật.”
Quy chuẩn xây dựng thay đổi nhiều lần
Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua một trận động đất kinh hoàng. Năm 1999, thảm họa Izmit đã lấy đi sinh mạng của hơn 18,000 người. Để ngăn chặn những sự cố tương tự, quốc gia này đã nhiều lần thay đổi quy chuẩn xây dựng. Lần thay đổi gần đây nhất là vào năm 2018. Mục tiêu chính là đặt tiền đề để các công trình xây dựng trở thành kiên cố và có khả năng chống động đất. Ví dụ, luật quy định rằng các bức tường bê tông phải được gia cố bằng cốt thép.
Ông Henry Bang, một nhà địa chất tại Đại học Bournemouth ở Anh, đã phân tích chi tiết các sự kiện gần đây cho tờ The Guardian của Anh. Ông giải thích rằng những tòa nhà cũ hơn 20 tuổi thường được xây dựng bằng vật liệu kém hơn.
Các bức tường của những tòa nhà này hiện đã sụp đổ hoàn toàn. Và điều đó đã xảy ra, bất chấp thực tế là loại tòa nhà này đáng lẽ đã phải được xây lại từ lâu theo các quy định pháp luật. Trong nhiều trường hợp, việc xây lại đơn giản là không được thực hiện. Tuy nhiên, đối với các tòa nhà cao tầng, thì tình hình lại khác:
“Các tòa nhà cao tầng đã đổ sập theo hình thức giống như nhà dựng lên bằng quân bài bị sập, nên chắc chắn chúng không được thiết kế để chịu được động đất.”
Theo nhà nghiên cứu này, mức độ phá hủy như vậy xảy ra khi tường và móng không được neo chặt với nhau. Từ góc độ an toàn thì khi loại nhà kiểu này sụp đổ, các tấm bê tông sẽ đổ chồng lên nhau theo đúng nghĩa trên mặt chữ. Ông Bang giải thích: “Nếu những toà nhà đó sập, cơ hội sống sót của người dân cư ngụ tại đó bị giảm đi.”
Luật ân xá đầy tai hại của Tổng thống Erdoğan
Tuy nhiên, việc thắt chặt các quy định về xây dựng chỉ là một phần trong chính sách của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Trái với việc thắt chặt này, năm 2018 chính phủ của Tổng thống Erdoğan lại ban hành một quyết định khác.
Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ân xá cho các nhà thầu trước kia từng không tuân thủ các quy chuẩn về an toàn xây dựng. Tờ New York Times đưa tin, rằng lệnh ân xá này đã được áp dụng cho hơn 438,000 người, nếu không có lệnh ân xá thì họ sẽ không thể nhận được hợp đồng xây dựng.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành xây dựng là một yếu tố trọng tâm trong chính sách của chính phủ ông Erdoğan. Giờ đây, các quyết định như luật ân xá đã không còn hiệu lực. Việc giờ đây chính phủ bắt đầu trừng phạt các nhà thầu có thể gây ra sự phẫn nộ trong ngành xây dựng nói riêng cũng như trong công chúng nói chung.
“Việc tìm kiếm và truy tố các nhà thầu là một phản ứng xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng,” ông Taner Yuzgec, cựu chủ tịch Phòng Kỹ sư Xây dựng, nói với New York Times. Và hơn thế nữa:
“Thủ phạm thực sự khiến hệ thống trở nên như hiện tại là chính phủ đương nhiệm và các chính phủ tiền nhiệm.”
Các chính trị gia cũng phải chịu trách nhiệm, mặc dù việc quy trách nhiệm cho họ không phải là một điển hình.
Do Mária S. Szentmagyari thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức