Những câu chuyện lạ thời Tam Quốc (P.4): Đại sư siêu dị năng – Dương Hậu
Xem thêm Phần 1, Phần 2, Phần 3.
Các sử gia thời xưa cũng không tránh né việc đưa những dự ngôn thần kỳ vào trong sử sách. Bởi vậy, trong tư liệu lịch sử về thời Tam Quốc, những chuyện liên quan tới dự ngôn được ghi chép rất nhiều, trong đó không thiếu những câu chuyện về Sấm vĩ.
Sấm vĩ là gì?
“Sấm vĩ” (âm “Sấn vĩ” ) là gì? Nói một cách đơn giản, “Sấm vĩ” chủ yếu là chỉ văn tự hoặc hình vẽ có tính dự ngôn thời cổ, ví dụ như “Đại Hán giả, đương đồ cao” (代漢者,當塗高), “Hoàng Long hiện, vương giả hưng” (黃龍現、王者興), và một số văn tự hoặc đồ hình dùng tinh tượng suy diễn. Nội dung thường mịt mờ khó giải, lại rất thần bí huyền ảo.
Sấm vĩ học thịnh hành trong thời Đông Hán
Vào thời kỳ Tần – Hán, xuất hiện rất nhiều sách Sấm vĩ và Tranh vĩ. Nội dung Sấm vĩ lúc ấy rất phong phú, bao gồm thần thoại, truyền thuyết về các bậc Đế vương thời viễn cổ, lịch pháp toán số, âm dương ngũ hành, tác động của thiên tai, chiêm nghiệm về thiên văn tinh tượng, v.v. Tuy nhiên, mọi thứ “hăng quá thì hoá dở”, khi lòng người dần dần trở nên giảo hoạt, tranh sách Sấm vĩ làm giả cũng vì thế mà bị trộn lẫn vào trong đó.
Dù vậy, đến thời Đông Hán, môn “Sấm vĩ học” đã rất hưng thịnh một thời. Khi Hán Quang Vũ Đế lên ngôi không lâu thì ra chiếu lệnh cho quần thần biên soạn sách Sấm bằng hình vẽ, đồng thời ban hành khắp thiên hạ, có thể xem là rất nổi tiếng. Khi đó rất nhiều nho sĩ không chỉ nghiên cứu học Kinh thư truyền thống, mà còn kiêm giỏi về thiên văn lịch pháp, xem tượng bốc quẻ, v.v, trở thành điểm đặc sắc của văn hóa Trung Nguyên thời Đông Hán.
Bậc thầy Sấm vĩ Dương Hậu
Các nhà Sấm vĩ nổi tiếng như Đỗ Huy, Đỗ Quỳnh, Chu Thư thời Thục Hán đều là người vùng đất Tứ Xuyên. Đỗ Huy, Đỗ Quỳnh đều đã từng theo học Đổng Phù, Nhậm An, là những nhà nho lớn ở Trung Nguyên, mà thầy của ba vị Đổng Phù, Nhậm An, Chu Thư chính là bậc thầy Sấm vĩ tiếng tăm lẫy lừng thời Đông Hán – Dương Hậu.
Gia thế Dương Hậu học vấn rất uyên thâm, tổ phụ Dương Xuân Khanh rất giỏi về thuật giải tranh sấm. Dương Xuân Khanh trước khi chết đã đem sách sấm bí truyền cho con trai là Dương Thống, cũng dặn dò ông dùng sách Sấmnày phò tá Hán thất.
Mấy năm sau, Dương Thống đảm nhiệm chức huyện lệnh Bành Thành. Khi trong huyện gặp hạn hán nghiêm trọng, Dương Thống liền vận dụng thuật pháp Âm Dương, làm mưa cho toàn huyện. Tin tức truyền ra, Thái thú Tông Trạm lại mời Dương Thống cầu mưa cho toàn quận, quả nhiên lập tức đã giáng mưa giải hạn.
Từ đó về sau, mỗi khi triều đình có thiên tai, đều sẽ đi thỉnh giáo ý kiến của Dương Thống. Dương Thống được Đế Vương rất kính trọng, ông làm đến chức Quang Lộc đại phu, cũng phụ trách việc giáo hóa của quốc gia, năm 90 tuổi thì qua đời.
Con trai Dương Thống là Dương Hậu kế thừa sự nghiệp của gia tộc, càng thêm dụng tâm nghiên cứu giảng giải.
Dương Hậu từ nhỏ tâm tính thiện lương trong sáng. Mẫu thân Dương Hậu là kế thất, người vợ trước để lại một con trai là Dương Bác. Mẫu thân Dương Hậu không thích Dương Bác, mối quan hệ của hai người luôn không tốt. Khi Dương Hậu 9 tuổi, ông quyết định nghĩ cách để mẫu thân cùng anh trai chung sống hòa thuận, thế là liền giả vờ sinh bệnh, không ăn không uống, cũng không nói chuyện. Mẫu thân hỏi kỹ mới biết được dụng tâm của Dương Hậu, trong lòng bà cảm thấy vô cùng hổ thẹn, thế là lập tức cải biến thái độ của mình, trở nên yêu thương phải phép, hết lòng chăm sóc đối với Dương Bác. Về sau, Dương Bác học hành thành tài, quan lộ hanh thông, cũng làm đến chức Quang Lộc đại phu.
Tiên đoán linh nghiệm
Năm Vĩnh Sơ thứ 3 thời Hán An Đế, xuất hiện thiên tượng sao Thái Bạch tiến vào vị trí Bắc Đẩu, cố đô Lạc Dương tiếp tục chìm trong lũ lụt. Triều đình bèn hỏi ý kiến Dương Thống về nạn lũ lụt. Dương Thống trả lời rằng: “Tôi nay già rồi, tai nghe không rõ, mắt cũng mờ, nhưng tiểu nhi Dương Hậu đã đọc qua những sách này, có thể sơ lược hiểu được ý tứ trong đó.”
Thế là Đặng Thái Hậu phái người tới hỏi Dương Hậu. Dương Hậu trực tiếp nhắc nhở bà: “Các vị Hầu Vương lưu tại kinh sư quá nhiều, trong lãnh địa của bọn họ khả năng có chuyện bất thường phát sinh, nên nhanh chóng điều động họ trở về bổn quốc.” Thái Hậu làm theo kiến nghị của Dương Hậu, không lâu sau, không còn thấy sao Thái Bạch đâu nữa, mà lũ lụt cũng lui.
Có một lần, Thái Hậu đặc biệt triệu kiến Dương Hậu để hỏi ông về chuyện tranh sấm. Dương Hậu ăn ngay nói thật, không làm vừa lòng Thái hậu, thế là bị miễn chức về nhà. Về sau dẫu nhiều lần được triều đình chiêu mộ, nhưng Dương Hậu vẫn một mức không muốn nhận chức.
Năm Vĩnh Kiến thứ 2, Thuận Đế đặc biệt mấy lần chiêu mời Dương Hậu, ông bất đắc dĩ đành phải ôm bệnh đến Trường An. Dương Hậu giảng giải cho Thuận Đế những tai họa mà Hoàng đế sẽ gặp phải lúc tại vị, cũng như nên cải cách triều chính như thế nào, đồng thời tiêu trừ được năm tai hoạ chẳng lành khi đó. Thuận Đế vô cùng tán thưởng, đặc biệt hạ lệnh cho Thái y chữa bệnh cho Dương Hậu, còn ban cho ông thịt dê và rượu đã tế tự ở Thái miếu. Thuận Đế thăng chức cho Dương Hậu làm Thị Trung, cũng thường xuyên trưng cầu ý kiến ông về chính sự.
Năm Vĩnh Kiến thứ 4, Dương Hậu dâng thư nói: “Mùa hè năm nay nhất định sẽ rất giá lạnh, sẽ có thiên tai là dịch bệnh châu chấu.” Năm đó, quả nhiên tại sáu châu bùng phát nạn châu chấu nghiêm trọng, ôn dịch hoành hành.
Năm Vĩnh Hòa thứ nhất, Dương Hậu lại dâng thư “Kinh sư có lũ lụt và hỏa hoạn, Tam công có người bị miễn chức, Man Di sẽ phản loạn”. Mùa hè năm đó, Lạc Dương quả nhiên bị lũ lụt nghiêm trọng, chết hơn nghìn người; mùa đông, Điện Thừa Phúc phát sinh hoả hoạn, Thái úy Bàng Tham bị miễn chức; người Man Di ở hai châu Kinh, Giao sát hại quan Trưởng lại, tấn công vào thành, v.v. Những việc mà Dương Hậu tiên đoán, từng cái đều ứng nghiệm.
Kỳ thực, mỗi lần có thiên tai, Dương Hậu đều sẽ trình lên phương pháp tiêu tai giải nạn, nhưng lúc đó là thời buổi hoạn quan chuyên quyền, nên lời khuyên của ông hầu như không được mọi người chú trọng.
Mặc dù vậy, Dương Hậu vẫn luôn giữ mình trong sạch. Khi đó đại tướng quân Lương Ký quyền hành khuynh đảo một thời, phái người đưa rất nhiều quà cáp quý giá cho Dương Hậu, hy vọng có thể gặp mặt ông. Tuy nhiên, Dương Hậu đều khước từ, ông khăng khăng nói rằng mình ngã bệnh, muốn xin từ chức về hưu. Cuối cùng Thuận Đế cũng đồng ý, ban cho ông rất nhiều xe ngựa tiền bạc gấm vóc để ông hồi hương.
Sau khi cáo bệnh hồi hương, Dương Hậu càng thêm tinh tấn tu Đạo Hoàng Lão, môn sinh do ông dạy dỗ có hơn ba ngàn người. Cho dù triều đình chiêu mộ như thế nào, ông đều không muốn ra nhậm chức. Năm 82 tuổi, ông qua đời tại nhà.
Siêu năng lực “Thiên nhân cảm ứng”
Câu chuyện của cha con Dương Hậu được ghi chép chân thật ở trong sử sách, từ đó giúp chúng ta liễu giải được khái niệm trung tâm của Sấm vĩ: Thiên tượng sẽ phản ánh qua sự việc biến hóa ở nhân gian, mà hành sự của con người nơi thế gian cũng sẽ ảnh hưởng đến sự triển hiện của Thiên tượng, đó chính là “Thiên nhân cảm ứng” .
Người xưa thực sự thông hiểu Sấm vĩ học, hơn nữa còn có siêu năng lực giống như công năng đặc dị vậy. Thông qua việc quan sát thiên tượng, họ có thể biết trước chuyện sẽ phát sinh trong nhân gian, có thể dự báo tương lai, nhìn thấy nguyên nhân phát sinh tai họa; đồng thời cũng dựa trên thực tế khả năng của con người, mà áp dụng phương pháp tiêu tai giải nạn tương ứng.
Qua đó có thể thấy rằng, Sấm vĩ quả thực có chỗ huyền diệu thần bí.
Đổng Phù và Nhậm An
Trong số các đệ tử của Dương Hậu, có ba người nổi tiếng nhất là Đổng Phù, Nhậm An và Chu Thư. Sau khi Đổng Phù, và Nhậm An học xong, đều trở về cố hương dạy học. Họ đều có tính tình điềm đạm, không màng danh lợi, không thích làm quan, không muốn tiếp nhận lời chiêu mời của triều đình. Họ chỉ có mong muốn đơn sơ, thà rằng mở lớp truyền thụ cho học trò, hưởng thụ niềm vui nuôi dưỡng anh tài. Học trò của hai người họ rất đông, trong đó có không ít người không quản đường xa ngàn dặm đến xin học, quả đúng là danh sư một đời.
Nhiều năm về sau, Thừa tướng nước Thục là Gia Cát Lượng đã từng hỏi Tần Mật vốn là người quen biết hai vị đại sư rằng: “Đổng Phù và Nhậm An có gì đặc biệt?” Tần Mật nói: “Người khác chỉ có một chút thiện niệm thiện hạnh, Đổng Phù đều sẽ có lời tán dương họ, ngược lại, người khác chỉ cần có một chút ngôn hành bất thiện, Đổng Phù liền sẽ nhắc nhở giúp đỡ họ; còn Nhậm An thì vĩnh viễn nhớ kỹ chỗ tốt của người khác, và luôn luôn quên khuyết điểm của họ.”
Hai vị đều là lương sư có tâm tính rất cao, ngay cả Gia Cát Lượng cũng nghe đại danh đã lâu, hiếu kỳ nên tìm hiểu phong thái lúc bình sinh của họ.
Đỗ Vi, Đỗ Quỳnh đều nhận được sự kính trọng rất cao tại nước Thục. Đỗ Quỳnh đã mang đến cho văn hóa dự ngôn của Thục Hán sự đặc sắc khác biệt. Một đệ tử khác là Chu Quần con trai của Chu Thư, lại có năng lực xuất sắc về quan sát tinh tượng, đều góp phần làm cho văn hóa Tây Thục càng thêm đậm đà sắc thái thần bí.
Tư liệu tham khảo:
Lý Dực Vân thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ