Những câu chuyện lạ thời Tam Quốc (P.3): Thiên mệnh chia ba – Dự ngôn ẩn chứa thiên cơ
Hồi thứ nhất của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đề cập đến quan điểm “Thiên hạ đại thế, phân lâu tất hợp, hợp lâu tất phân”, để nói rằng cuối thời Đông Hán giang sơn thống nhất sẽ phân chia thành thế cục chân vạc tam quốc. Tuy nhiên, diễn biến của đại cục lịch sử, có thực sự là kết quả của “phân lâu tất hợp, hợp lâu tất phân” hay không?
Khí Thiên tử ở Tây Nam
Cuối thời Đông Hán, dự ngôn Thiên tử sẽ xuất hiện đã được lưu truyền ở khu vực Tây Nam Trung Quốc.
Dự ngôn này là do Đổng Phù, một nhà nho lớn, vốn là người am hiểu thiên tượng lịch số và chiêm tinh học nói ra sớm nhất.
Vào năm Trung Bình thứ 5 thời Hán Linh Đế (tức năm 188), Lưu Yên là người dòng dõi hoàng thất, nhìn thấy thời cuộc rối ren, trong lòng không ngừng tính toán làm cách nào để có thể rời xa Trung Nguyên tránh họa. Ông lúc đầu nghĩ xin Linh Đế phái mình đến tận phương Nam Trung Quốc là Giao Châu. Thế nhưng Đổng Phù lại chỉ điểm cho ông: “Kinh sư sẽ phát sinh đại loạn, mà Ích Châu ở khu vực Tây Nam lại xuất hiện khí Thiên tử!” Thông qua sự nhắc nhở này, Lưu Yên lập tức thỉnh cầu Linh Đế phái ông đến Ích Châu nhậm chức. Linh Đế bèn phái Lưu Yên đến Ích Châu làm quan, ông ta cuối cùng cũng đã được toại nguyện.
“Khí Thiên tử” là gì? Văn hóa truyền thống Trung Hoa được lưu truyền từ xa xưa, có rất nhiều tư tưởng tinh thâm huyền ảo, thường là những điều mà con người ngày nay không thể lý giải. May thay, trong một số cổ thư, chúng ta vẫn có thể tra được dấu vết lưu lại.
Căn cứ vào giải thích của “Tùy thư – Thiên văn chí”: Màu sắc của khí Thiên tử là bên trong đỏ bên ngoài vàng, hình dạng vuông vức. Nơi Thiên tử đến, đều sẽ phát ra loại khí này, Thiên tử tiến về địa phương nào thì nơi đó cũng sẽ phát tán ra khí này trước. Đương nhiên, dạng khí này tồn tại ở không gian khác, cũng không phải là điều mà người bình thường có thể nhìn thấy được.
Khu vực Ích Châu ở Tây Nam Trung Quốc sẽ có tân Thiên tử sinh ra, rốt cuộc sẽ là ai đây?
Sự hưng khởi của Lưu Bị
Trong loạn thế cuối thời Đông Hán, ở quận Trác thuộc tây bắc U Châu xa xôi, anh hùng Lưu Bị đã ra đời.
Lưu Bị là hậu duệ Hoàng tộc, tổ tiên của ông là Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng – con trai Hán Cảnh Đế. Thế nhưng, gia tộc trăm người dần dần sa sút. Phụ thân Lưu Bị mất sớm, gia cảnh nghèo khó, chỉ có thể cùng mẫu thân bán giày cỏ duy trì cuộc sống.
Lưu gia là gia tộc lớn sống quần cư, ở phía đông nam sân vườn có một cây dâu to, cao hơn năm trượng, xa xa nhìn lại, cành lá um tùm, tựa như Thiên tử cưỡi xe có lọng lông vũ bảo vệ vậy. Người am hiểu phong thủy đều nói: “Nhà này ắt sẽ xuất hiện quý nhân” .
Lưu Bị khi còn nhỏ, thường cùng trẻ con hàng xóm chơi đùa dưới gốc cây dâu. Một hôm, ông chỉ vào cây nói: “Chờ ta làm Hoàng đế, nhất định sẽ ngồi cỗ xe có lọng che này.”
Thúc phụ của ông là Lưu Tử Kính nghe xong vội vàng nói: “Ngươi không được nói lung tung, sẽ hại nhà chúng ta diệt môn đấy!” Nhưng Lưu Nguyên Khởi là người trong họ lại nói: “Đứa bé này cũng không phải là người bình thường đâu!” Bởi vậy, ông thường xuyên giúp đỡ Lưu Bị về chi phí sinh hoạt.
Lưu Bị đúng là có được tướng mạo bất phàm, thân cao bảy thước năm tấc, tay dài quá gối, tai to lạ thường, cho nên có biệt hiệu gọi là “đại nhĩ nhi”(Đứa trẻ tai to). Năm ông mười lăm tuổi, mẫu thân vốn là người chú trọng giáo dục, nên cho ông theo học một nho gia văn võ kiêm toàn tên là Lư Thực.
Lưu Bị sinh ra có khí chất vương giả, bản tính trầm ổn ít lời, nhân đức trọng nghĩa, đám thanh niên trong thôn đều muốn kết bằng hữu với ông, bởi vậy ông đã kết giao với vô số anh hùng hào kiệt.
Lưu Bị vào đất Thục – Thiên tử đến từ Tây Nam
Là bậc quý tộc hào sảng xuất thân từ nghèo khó, đến anh hùng nhân đức vạn chúng theo, cuối cùng trở thành Quân chủ Thục Hán một phương ở Tây Nam, Lưu Bị đã trải qua bao nhiêu gian khó. Năm Kiến An thứ 16 (tức năm 211), khi Lưu Bị nhận lời mời của Lưu Chương đến đất Thục làm quan mục ở Ích Châu, lúc đó ông đã hơn 50 tuổi.
Lúc ấy, nhà tinh tượng Châu Quần ở địa khu Ích Châu cũng phát hiện ra rằng: Liên tục trong nhiều năm, trên bầu trời Ích Châu đều có hoàng khí (khí màu vàng) mấy trượng xuất hiện, hơn nữa phía dưới Bắc Đẩu Thất Tinh thường xuyên còn có mây ngũ sắc mang điềm lành bay xuống, cùng nhau tương phản rất thú vị.
Dự ngôn của Đổng Phù đã qua hơn 20 năm, đến lúc này Thiên tử chân chính từ phía Tây Nam cuối cùng đường xa đã tới. Sau năm Tào Ngụy kiến quốc, tức năm 221, Lưu Bị xưng Đế, chính thức đứng trên vũ đài của bậc Vương giả.
Khí Thiên tử Giang Đông
Ngoài dự ngôn Thiên tử sẽ xuất hiện ở khu vực Tây Nam, ở phía đông nam Trung Quốc từ 400 năm trước cũng đã có lời đồn “Khí thiên tử Giang Đông”.
Khi Tần Thủy Hoàng đi đông tuần ở Hội Kê (năm 210 TCN), thuật sĩ xem khí liền dự báo: “Ước khoảng năm trăm năm sau, đất Ngô ở Giang Đông sẽ có khí Thiên tử”.
Vào đời Hán, vân khí “hoàng kỳ tử khí”(cờ vàng mây tía) đại biểu cho điềm lành của Thiên tử, cũng hầu như thường xuất hiện ở phía Đông Nam. Bởi vậy các thuật sĩ vẫn luôn tin rằng “Giang Đông có khí Thiên tử”, cuối cùng sẽ có người lập công với thiên hạ và lập quốc xưng Đế.
Vào giữa năm Hưng Bình thời Hán Hiến Đế, ở đất Ngô còn lưu truyền một bài đồng dao: “Hoàng kim xa, ban lan nhĩ, khải xương môn, xuất Thiên tử”. Xương môn là chỉ cửa thành phía Tây nước Ngô, trong bài đồng dao cũng báo trước đất Ngô ở phía nam sẽ xuất hiện Thiên tử.
Tôn Quyền trời sinh quý tượng
Năm Hưng Bình thứ 2 thời Hán Hiến Đế (tức năm 195),Tôn Sách là con trai Tôn Kiên mở rộng thế lực vượt qua sông Trường Giang, trong thời gian mấy năm đã đặt định được sáu quận Giang Đông, lúc ấy em trai là Tôn Quyền chỉ mới 15 tuổi.
Tôn Quyền sinh ra có mặt chữ điền miệng lớn, mắt có ánh quang, phụ thân Tôn Kiên luôn cảm thấy đứa nhỏ này có quý tướng trời sinh. Sau khi lớn lên, Tôn Quyền tính tình hào sảng cởi mở, tâm địa thiện lương, quyết đoán nhanh nhạy.
Năm đó, Lưu Uyển là sứ giả triều Hán phụng mệnh đến Giang Đông sắc phong Tôn Sách. Về sau, ông nói với mọi người rằng: “Theo ta thấy, anh em nhà họ Tôn mặc dù tài năng mỗi người đều rất giỏi, nhưng phúc khí tuổi thọ đều không dài, chỉ có cậu thứ hai là khác, hắn tướng mạo phi thường, khung xương bất phàm, có mệnh đại quý, cũng là người trường thọ nhất.”
Không lâu, Tôn Sách đột nhiên qua đời, Tôn Quyền mới 19 tuổi thuận theo ý nguyện của anh, gánh vác trách nhiệm nặng nề bảo vệ Giang Đông.
Thiên tử Đông Nam “Thụ Báo Vĩ”
Tôn Quyền lập quốc xưng Đế là muộn nhất trong ba nước, và có một câu chuyện thú vị đã nói rõ thiên cơ ở trong đó.
Tôn Quyền rất thích đi săn, một lần khi ông đi săn gần miếu Thái Mụ ở phía nam Phàn Khẩu. Lúc chạng vạng tối thì ông gặp được một bà lão. Bà lão hỏi Tôn Quyền: “Ngươi săn được con gì?” Tôn Quyền nói: “Vừa khéo săn được một con báo mẹ.” Bà lão nói với ông: “Vậy tại sao không dựng cái đuôi báo lên (Thụ Báo Vĩ)?” Nói xong, đột nhiên không thấy bóng dáng bà lão đâu nữa.
“Thụ Báo Vĩ” (dựng đuôi báo) đại biểu cho việc thành lập đại nghiệp Đế vương. Thông thường cỗ xe sau cùng của đội ngũ nghi trượng của Đế vương đều cột một cái đuôi báo thõng trên mặt đất. Tương truyền, bà lão thần bí mà Tôn Quyền gặp chính là nữ Thần Sào Hồ mà miếu Thái Mụ thờ phụng.
Năm Thái Hòa thứ 3 (tức năm 229), gần Hạ Khẩu, Võ Xương có Thần thú giống như Hoàng Long (Rồng vàng) và Phượng Hoàng bay tới, bá quan trong triều đều cho rằng thời cơ đã đến, ra sức khuyên Tôn Quyền lập tôn hiệu. Thế là Tôn Quyền chính thức xưng Đế tại Võ Xương, là Vua nước Ngô.
Thiên mệnh chia ba
Từ các dự ngôn trong lịch sử, sự phân chia và lập quốc của ba nước Ngụy, Thục, Ngô, đều là có điềm dự báo trước, mà không phải là điều ngẫu nhiên. Thiên ý thiên hạ chia ba, và không có một nước nào là chính thống, sự đặc sắc của mỗi nước trong Tam Quốc đã bổ sung và chiếu rọi lẫn nhau, càng có sự an bài lịch sử sâu xa.
Tư liệu tham khảo:
Lý Dực Vân thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ